Thắp sáng ngọn đèn tâm (20): Ngàn vàng tán hết rồi lại có



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Sống trên đời, có rất nhiều người hằng ngày lao tâm khổ tứ vì cơm áo gạo tiền, vì những lợi ích nhỏ bé mà mừng mà lo, thậm chí có người trở mặt thành thù chỉ vì tranh chấp tiền bạc. Rất nhiều người đều nói rằng tiền bạc là vật ngoài thân, ấy vậy mà từ xưa tới nay đã có biết bao nhiêu người sẵn sàng liều thân vì tiền.

Dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không quên được một sự việc nhỏ xảy ra thời thơ ấu. Chuyện xảy ra trên đường đi học về, tôi đi ngang qua một con sông nhỏ vừa bị đóng băng. Một thương nhân tinh quái đã cố tình ném vài đồng xu ra giữa sông, khiến một anh thanh niên tên Tài lao ra đó bất chấp sự an toàn của bản thân. Kết quả là lớp băng mỏng không thể chịu được sức nặng của anh ấy đã nứt ra và anh Tài chìm xuống sông. Anh Tài không chỉ không nhặt được những đồng xu đó mà còn bị cảm nặng và phải nằm ở nhà hơn một tuần.

Từ đó, tôi cảm ngộ được rằng khi đối mặt với danh lợi, con người thường mất lý trí và trở nên liều lĩnh. Dù tôi thường nhắc nhở bản thân hãy coi đây như một lời cảnh báo nhưng khi lớn lên, tôi dần hiểu được ý nghĩa của câu nói “Người chết vì tiền, chim chết vì ăn”. Danh và lợi mãi mãi là thứ cám dỗ con người. Danh lợi đôi khi khiến cuộc đời của một người tỏa sáng rực rỡ, nhưng đó cũng chỉ là thứ ánh sáng rực rỡ như pháo hoa. Khi đứng ở điểm cuối của cuộc đời và quay đầu nhìn lại, tôi tin rằng ai cũng sẽ chợt nhận ra rằng danh lợi giống như nước chảy qua kẽ tay, như mây tan khói tản trước mắt. Biết bao người giàu đã trở thành nô lệ của đồng tiền, người có danh tiếng thì than thở “cao xứ bất thắng hàn”, họ vì danh lợi mà hao phí tinh lực cả đời, cuối cùng đã gần như mất hết niềm vui đơn thuần nhất trong đời, có phải là một đời vừa đáng buồn lại thiếu sức sống không?

Không thể phủ nhận rằng, con người sẽ không thể sống trên đời nếu không có tiền. Cũng không thể phủ nhận rằng, dù có tích lũy được bao nhiêu tiền của thì khi lìa xa cõi đời này cũng không thể mang theo được dù chỉ một đồng. Vậy nên, nếu đã kiếm đủ để sống mà vẫn theo đuổi tiền bạc một cách mù quáng thì con người sẽ đánh mất giá trị cuộc sống. Nhà thơ Lý Bạch thời Đường đã viết trong bài thơ “Tương tiến tửu” rằng: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai” (tạm dịch: Trời sinh thân ta ắt có chỗ dùng, ngàn vàng tán hết rồi lại có). Câu thơ này đã miêu tả một cách tài tình bản chất của tiền bạc. Con người sống trên đời, điều đáng quý là giàu mà có đức. Giàu mà không có đức thì sẽ làm hại chúng sinh. Trong lịch sử, những người làm nô lệ cho đồng tiền và những người đột nhiên trở nên giàu có nhưng tiêu xài phung phí thì đều có kết cục vô cùng đáng thương.

Tiền bạc là thứ khi sinh không mang theo đến, khi chết cũng không thể mang theo đi, nếu nói nó là vật ngoài thân, vậy chi bằng nói nó là vật Trời ban. Nếu một người muốn sống tiêu diêu khoáng đạt, thì phải bứt phá khỏi xiềng xích của đồng tiền, dùng tâm thái “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai” để đối diện với áp lực của cuộc sống, tích đức hành thiện, tu tâm dưỡng tính. Người tích nhiều đức sẽ có của cải dồi dào, người có đức lớn thì nghe theo mệnh Trời, có cơm ăn áo mặc sung túc mà khỏe mạnh bình an.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 12-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.