Thắp sáng ngọn đèn tâm (7): Trí huệ lớn nhờ tu luyện



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Nguồn hình: Trần Tiểu Bình. (2011). Mẹ trong mắt em. Chanhkien.org

Mặc dù thế giới có nhiều chuyên gia và học giả nổi tiếng, nhưng những chuyên gia và học giả này lại không hề có năng lực và trí huệ tiên đoán và thoát khỏi tai họa tự nhiên. Trước khi động đất, núi lửa phun trào hoặc sóng thần xảy ra, nhiều loài động vật hoang dã xem ra có vẻ yếu thế hơn nhiều so với con người đã lặng lẽ di chuyển đến khu vực an toàn từ lâu, chỉ có con người tự cho là thông minh lại không thể phát giác được tai họa đang chuẩn bị ập đến. Trong thế gian không phải không có cao nhân và kỳ nhân dự liệu như Thần, có thể dự đoán tương lai một cách chính xác, nhưng những cao nhân và kỳ nhân đạt đến cảnh giới này lại đều không phải là chuyên gia và học giả ở thế gian con người, đa số họ đều là ẩn sĩ hoặc thế ngoại cao nhân (1) không tranh với đời, tu luyện trong núi sâu rừng già hoặc chùa miếu. Trong lịch sử Trung Quốc cũng có những người đạt được thành tựu vĩ đại tại thế gian nhờ tu luyện như Khương Tử Nha, Tôn Vũ, Gia Cát Lượng,… Trí huệ bách chiến bách thắng của họ kỳ thực đều là kết quả có được nhờ tu luyện.

Cho dù là các đại học giả nổi tiếng nhất ở thế gian, nhưng nếu họ không tu luyện, thì trí huệ của họ thực ra cũng rất có hạn. Bởi vì nếu họ không quay về bản tính tiên thiên, thì không thể chân chính nhận thức đến được chân lý của vũ trụ, chỉ dựa vào sự quan sát của mắt thịt thì nhận thức về vũ trụ và sinh mệnh khẳng định là rất nông cạn. Tương truyền, một hôm, học giả nổi tiếng nhất thời nhà Tống Trung Quốc Tô Đông Pha cùng Thiền sư Phật Ấn, là một người tu luyện, du hành đến Hàng Châu. Tô Đông Pha nhìn thấy một ngọn núi vách cao cheo leo, ông liền hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng: “Đây là núi gì?” Phật Ấn đáp: “Đây là Phi Lai Phong” (Phi Lai nghĩa là bay tới). Tô Đông Pha muốn làm khó vị sư liền hỏi: “Đã bay tới rồi, tại sao không bay đi?” Phật Ấn đáp: “Một động không bằng một tĩnh”. Đông Pha lại hỏi: “Tại sao cần phải tĩnh?” Phật Ấn nói: “Đã đến đây rồi, vậy thì yên ổn mà ở thôi”. Sau đó, hai người lại dạo chơi đến chùa Thiên Ti. Tô Đông Pha nhìn thấy bức tượng Quan Âm Bồ Tát ở trong chùa tay cầm tràng hạt, lại hỏi Phật Ấn: “Quan Âm Bồ Tát đã là Phật, tại sao vẫn còn cầm tràng hạt, rốt cuộc đây là ý gì?” Phật Ấn nói: “Cầm tràng hạt là để niệm Phật hiệu”. Đông Pha lại hỏi: “Niệm Phật hiệu gì?” Phật Ấn đáp: “Cũng chỉ là niệm Phật hiệu Quan Âm Bồ Tát”. Đông Pha tiếp tục hỏi: “Ngài ấy bản thân là Quan Âm, tại sao phải niệm Phật hiệu của bản thân mình?” Phật Ấn trả lời: “Đó là bởi vì cầu người không bằng cầu mình vậy!”

Từ đoạn đối đáp trên có thể nhìn ra, những câu hỏi do Tô Đông Pha đưa ra đều là điều mà người phàm tục không tu luyện không cách nào giải đáp. Thế nhưng, Thiền sư Phật Ấn không chỉ trả lời Tô Đông Pha một cách trôi chảy, mà còn nói ra cảm ngộ của ông đối với nhân sinh tại tầng thứ cao. Một tầng ý nghĩa khác của câu “Cầu người không bằng cầu mình” là bất cứ việc gì đều cần hướng nội tìm, không nên hướng ngoại mà truy cầu, hướng nội tìm chính là cội nguồn của hết thảy trí huệ; “Một động không bằng một tĩnh” là nói tâm tư xao động không dễ nhìn thấy bản chất của sự vật; “Đã đến đây rồi, vậy thì yên ổn mà ở thôi” là khuyên bảo Tô Đông Pha bất cứ việc gì đều cần tỉnh táo lại để nắm chắc chính xác hoàn cảnh chung quanh, nguyên nhân hậu quả, chỉ có tùy ngộ mà an (gặp sao yên vậy/thích ứng trong mọi tình cảnh) mới không đưa ra phán đoán sai lầm. Giữa những hàng chữ trong các câu trả lời trên lóe ra trí huệ của một người tu luyện, đó là điều mà các chuyên gia và học giả không tu luyện không cách nào so bì được. Từ đó có thể thấy, giáo dục trong trường học chỉ có thể giúp con người học được kiến thức và kỹ năng, còn đại trí huệ của con người thế gian thì có nguồn gốc từ tu luyện.

Ghi chú:

(1) Thế ngoại cao nhân: mô tả một người rất xuất sắc, phi thường, thoát tục, học thức uyên thâm, được mọi người ngưỡng mộ, thán phục.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/285070



Ngày đăng: 14-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.