Thắp sáng ngọn đèn tâm (9): Đại trí nhược ngu – Người tài có vẻ ngoài đần độn



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Tôi thường ngưỡng mộ bản lĩnh của những bậc đại trí huệ từ cổ chí kim trong việc tu tâm dưỡng tính. Họ có tính tình chất phác, đạm bạc như hoa cúc, thanh cao như cây trúc và nho nhã như hoa lan. Họ không tranh đấu với người đời, không truy cầu được mất danh lợi nơi thế gian, phong thái và cốt cách siêu việt của họ thật sự đáng kính phục, nhưng loại phong thái và cốt cách này chính là nhờ tu luyện mà có được. Những Đại Giác Giả như Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesu hạ thế độ nhân, ngoài việc khuyên con người nhất tâm hướng thiện ra, họ còn thay con người thế gian gánh chịu tội nghiệp và cũng không muốn hiển lộ đại trí huệ của mình ở thế gian. Lão Tử, nhà tư tưởng vĩ đại thời Trung Quốc cổ đại đã nhìn thấu được sự hiểm ác của nhân tâm thế gian con người, Ông chỉ lưu lại cuốn “Đạo Đức Kinh” 5000 chữ cho thế gian rồi vội vàng rời khỏi cửa Hàm Cốc quan, đi về phía Tây. Ông cũng không truyền đạo giảng pháp rộng rãi ở nhân gian.

Từ trên bề mặt chữ mà lý giải, đại trí nhược ngu có nghĩa là: Người có trí huệ có tài năng sẽ không khoe khoang bản thân, bề ngoài trông có vẻ ngu ngốc. Đúng vậy, những người thật sự có đại trí huệ trên thế giới đều hiểu việc không để lộ tài năng bên trong, không thể hiện sự thông minh của bản thân trước mặt con người thế gian. Trong lịch sử, những người thường tỏ ra mình thông minh đã chịu rất nhiều đau khổ, thậm chí làm lỡ dở cả một đời. Còn những người đại trí nhược ngu, không để lộ tài năng bên trong thì lại làm được những việc lớn và thành tựu vinh quang của sinh mệnh. Về mặt này, những bậc đại trí huệ của phương Đông và những bậc đại trí huệ của phương Tây là nhất quán. Ví dụ, trong “Vi Chính – Luận Ngữ” nói rằng, Nhan Hồi – một đệ tử của Khổng Tử rất giỏi giữ mình khiêm tốn và được thầy vô cùng yêu quý. Bề ngoài ông là người bảo sao nghe vậy, mơ mơ hồ hồ, nhưng thực ra ông lại rất dụng tâm, vì vậy sau giờ học ông luôn có thể giảng ra những lời Khổng Tử dạy bảo một cách rõ ràng, mạch lạc. Có thể thấy nhược ngu không phải là thực sự ngu ngốc. Ấn tượng mà người đại trí nhược ngu để lại là: Rất mực khiêm tốn, rộng lượng, trung thực, không để lộ tài năng, thậm chí rất hiền lành. Đằng sau vẻ “nhược ngu” của họ là chính là ẩn chứa đại trí huệ.

Tổng thống thứ chín của Hoa Kỳ William Henry Harrison, sinh ra ở một thị trấn nhỏ. Hồi nhỏ ông là một đứa trẻ vừa lầm lì ít nói, vừa nhút nhát, rất nhiều người coi ông như một kẻ ngốc. Người trong thị trấn luôn thích trêu chọc ông. Họ thường đặt đồng năm xu và đồng một hào trước mặt ông và yêu cầu ông nhặt một đồng tuỳ thích. William luôn nhặt đồng năm xu, vì vậy mọi người đều cười nhạo ông. Một hôm, một người phụ nữ nhìn thấy người khác lại trêu chọc ông như vậy, bà cảm thấy ông rất đáng thương, liền nói với ông rằng: “William, lẽ nào cháu không biết đồng một hào có giá trị hơn đồng năm xu sao?” “Đương nhiên cháu biết”, William ung dung nói, “Nhưng nếu cháu chọn đồng một hào thì e rằng họ sẽ không có hứng thú đưa tiền cho cháu nữa”.

Trên thế gian có rất nhiều người thích phô trương, luôn thể hiện kỹ năng sở trường của bản thân trước mặt mọi người nhằm thu hút sự ngưỡng mộ và ưu ái của người khác. Họ sợ người khác không biết sự thông minh và tài năng của mình, cũng sợ bị người khác coi là kẻ ngốc nên mới trình diễn một màn bi kịch dẫn đến “hoả thiêu thân” như vậy. Ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc có một chàng trai trẻ có thói hư vinh, trong một lần uống rượu cùng thanh niên làng bên, vì để che giấu sự nghèo túng của bản thân, anh ta nói dối rằng trong túi có 50.000 nhân dân tệ tiền mặt. Kết quả là đã khiến những bạn nhậu nổi lòng tham, họ dùng một chiếc búa lớn đập chết anh ta, nhưng sau đó chỉ tìm được hai đồng nhân dân tệ trong túi anh ta mà thôi. Có thể thấy, tâm hiển thị cũng có thể chiêu mời nguy hiểm, mặc dù đôi lúc cũng có thể “một chiêu đạt được như ý” hoặc nhất thời đắc thế, nhưng cuối cùng cũng chỉ là tự mình cho mình là thông minh và chỉ có người không có trí huệ mới làm ra những việc ngu ngốc như vậy.

Người không có năng lực, không có bản sự, muốn đạt được mục đích của bản thân thì chỉ có thể tỏ ra khôn vặt, hiển thị chút tài năng nhằm phô trương thanh thế. Tuy nhiên, người tu luyện chân chính là không có tâm hiển thị. Họ không tính toán được mất với con người thế gian, cho dù chịu thiệt bao nhiêu cũng vui vẻ thoải mái. Bề ngoài của họ giống như ngu dốt nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, những người tu luyện biết rõ Pháp lý, yêu cầu nghiêm khắc đề cao tâm tính của bản thân, nói chuyện và làm việc đều theo đạo và nghĩa, không khoe khoang trí tuệ cũng không bộc lộ tài năng. Không tuỳ tiện bình luận về tốt xấu thị phi của người khác, làm mọi việc đều kiên nhẫn nhường nhịn, không kiêu ngạo cũng không nản chí, đây là một loại cảnh giới tâm thái cao hơn nhiều so với con người thế gian.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 13-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.