Thắp sáng ngọn đèn tâm (41): Tâm tình đạm bạc tự thấy vui vẻ
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Trong cuộc sống hiện thực, có rất nhiều người thường tự thấy phiền não bởi những dục vọng của bản thân không được thoả mãn. Dù họ rất muốn thoát khỏi những phiền não ấy, nhưng lại không thể tìm ra gốc rễ thực sự của phiền não nằm ở đâu. Nếu bạn thắc mắc vì sao họ tức giận hoặc không vui, thì nhìn chung có thể quy nạp thành những lý do sau: ông chủ quá khắt khe, những người bạn kết giao không trung thành với họ, con cái kém cỏi không vào được trường danh tiếng, chồng hoặc bố mẹ quá keo kiệt cho quá ít tiền tiêu v.v. Những người này đều có một đặc điểm chung, đó là rất coi trọng việc được mất cá nhân, và đều cho rằng những phiền não của bản thân đều là do lỗi lầm của người khác mang đến, nhưng không ai thực sự tự suy xét về những khuyết điểm hay sai sót của chính mình.
Đối với người bình thường, họ rất yếu đuối trước những dục vọng, rất khó cưỡng lại những cám dỗ trên thế gian. Tuy nhiên, một khi dục vọng đối với tiền bạc hay vật chất của con người không ngừng bành trướng, thì họ sẽ dễ dàng lạc mất tâm tính của mình. Dục vọng của con người vĩnh viễn không có điểm dừng, nếu một người không thể nhìn thấu được bản chất của sinh mệnh, thì đến chết họ cũng không buông được dục vọng, cả đời cũng không thoát khỏi phiền não, bởi vì số mệnh thường thoả mãn dục vọng của một người nhưng đồng thời cũng lại đẩy cho người đó một dục vọng mới khó thoả mãn hơn. Chỉ những người tu luyện bước trên con đường phản bổn quy chân, mới có thể hoàn toàn buông bỏ tâm danh lợi, vĩnh viễn thoát khỏi những phiền não của thế gian.
Tương truyền vào thời nhà Đường, hoàng đế Túc Tông vì mệt mỏi với những phiền não trong lòng, đã bái thiền sư Huệ Trung của Nam Dương làm “Quốc sư”, hy vọng ông có thể giúp mình tiêu ưu giải nạn. Một hôm, Túc Tông hỏi thiền sư: “Trẫm làm sao mới có thể đắc được Phật Pháp?” Huệ Trung trả lời: “Phật ở trong tâm mình, người khác không thể cấp! Bệ hạ có thấy áng mây trên bầu trời ngoài điện kia không? Ngài có thể sai thị vệ lấy nó xuống đặt vào trong đại điện được không?” Túc Tông bất lực đáp: “Đương nhiên không thể được!” Huệ Trung lại thở dài nói: “Người thế gian cầu Phật, người thì muốn Phật bảo hộ cầu được công danh; người thì cầu tài phú, phúc thọ; người thì muốn trút bỏ những vướng mắc tâm linh; chân chính cầu được tu Phật hỏi có mấy người?” Túc Tông nghe xong lại hỏi thiền sư: “Làm sao để có được Pháp thân của Phật?” Huệ Trung đáp: “Dục vọng khiến bệ hạ có ý nghĩ như vậy! Không màng đến việc tịnh tu lại phí phạm cuộc đời vào những suy tưởng viển vông vô nghĩa ấy, sau mấy mươi năm sống mơ màng, cuối cùng cũng chỉ là thây xác thối rữa và bộ xương khô mà thôi, cớ chi phải bận tâm chứ?” “Ôi! Ta làm sao để có thể không phiền não không lo lắng được đây?”, hoàng đế Túc Tông nhún nhường hỏi. Huệ Trung cười vui vẻ đáp: “Người không phiền não nhìn rất rõ chính mình, cho dù một lòng tu Phật, cũng không bao giờ cho mình là Phật thanh tịnh, vẫn thường tự mình phản tỉnh. Chỉ những ai mang phiền não mới suốt ngày mong muốn thoát khỏi phiền não mà thôi. Quá trình tu hành là quá trình khiến tâm sáng tỏ, không ai làm thay cho được. Buông bỏ dục vọng của tự thân, buông bỏ hết thảy thứ mình muốn có được, kỳ thực điều bệ hạ có được sẽ là cả thế giới!”
Từ đó thấy được rằng, cho dù là hoàng đế cao quý, tuy có được quyền lực tối cao, thì vẫn còn rất nhiều dục vọng không thể thoả mãn. Vậy thì đối với một người dân bình thường không quyền không thế mà nói, nếu không biết chủ động buông bỏ, dục vọng của họ có thể sẽ càng nhiều. Một khi có dục vọng mà không được thoả mãn thì tất nhiên sẽ sinh ra phiền não, cứ thế sẽ không cách nào giải thoát được. Tâm tình đạm bạc tự thấy vui vẻ, hiểu được đạo lý đơn giản ấy thì bạn có thể tránh xa những phiền não, sống một đời tự do tự tại rồi.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975
Ngày đăng: 30-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.