Thắp sáng ngọn đèn tâm (40): Có mất ắt có được



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Hành thiện mà không cầu báo đáp là biểu hiện của đạo đức cao quý. Một người có tấm lòng lương thiện sẽ đối diện với những khó khăn và niềm vui trong hành trình cuộc đời bằng một tâm thái bình thản. Những người có đạo đức cao thượng thường là người sẵn sàng phó xuất trong mọi việc mà không mong đợi được đền đáp, người nhận ân huệ của họ tự nhiên cũng sẽ đối xử với họ như cách mà họ đối đãi với người khác vậy, do đó người hành thiện mà không mong cầu báo đáp thường nhận được những hồi báo bất ngờ, đây chính là quy luật tự nhiên của sự tuần hoàn nhân quả.

Chuyện kể rằng, vào cuối thế kỷ 19 tại Mỹ, có hai đứa trẻ nghèo đã thi đỗ vào đại học, để kiếm tiền trang trải chi phí cho việc học và sinh hoạt, họ bắt đầu vừa học vừa làm. Họ đã nghĩ ra được một cách để kiếm tiền: đó là tìm đến một nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng, đề xuất kế hoạch thay mặt người nghệ sỹ tổ chức một buổi hòa nhạc cá nhân, và nhận tiền hoa hồng để kiếm nhiều tiền hơn cho chi phí sinh hoạt.

Họ đã tìm đến ông Ignacy Paderewski, một bậc thầy dương cầm nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi bàn bạc với người đại diện của ông Paderewski, hai chàng trai trẻ sẽ trả thù lao cho buổi biểu diễn là 2.000 đô la Mỹ, con số này thực sự là mức giá hợp lý cho buổi biểu diễn của người nghệ sỹ, nhưng lại là rất lớn đối với hai chàng trai. Nếu họ tổ chức buổi hòa nhạc và thu về số tiền ít hơn 2.000 đô la, thì họ chắc chắn bị thua lỗ.

Cuối cùng hai chàng trai trẻ đã ký hợp đồng, và dốc hết sức làm việc cho đến khi buổi hòa nhạc kết thúc tốt đẹp, tuy nhiên sau khi kiểm kê họ phát hiện chỉ kiếm được 1.600 đô la. Hai chàng trai đã trao toàn bộ 1.600 đô la cho Paderewski, và kèm thêm tấm phiếu ghi nợ 400 đô la, cam kết sẽ trả hết 400 đô la còn lại sớm nhất có thể. Paderewski động lòng trắc ẩn nhìn hai đứa trẻ tội nghiệp, ông xé bỏ tờ giấy ghi nợ 400 đô la, rồi đưa 1.600 đô la cho hai chàng trai và nói: “Hãy trừ đi chi phí học tập và sinh hoạt của hai cậu trong số tiền này! Lại lấy ra 10% trong số tiền còn lại coi như tiền thù lao, số còn lại thì đưa ta”. Hai chàng trai trẻ lúc ấy đã khóc vì xúc động.

Nhiều năm sau đó, sau khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc, Paderewski trở về quê hương và trở thành Thủ tướng của Ba Lan. Tuy nhiên, do tác động của chiến tranh khiến nền kinh tế trong nước gặp khó khăn tạm thời, hàng chục ngàn người dân đói kém liên tục cầu cứu ông. Dù đã phải chạy vạy khắp nơi nhưng ông cũng không cách nào giải quyết được cuộc khủng hoảng trầm trọng này, đành bất lực tìm đến Herbert Hoover, lúc ấy đang là chủ tịch Cơ quan Cứu trợ và Lương thực Hoa Kỳ để cầu xin sự giúp đỡ. Sau khi nhận được thông tin cầu cứu, Hoover đã đồng ý ngay và lập tức gửi một lượng lớn thực phẩm viện trợ.

Không lâu sau đó, hàng chục nghìn tấn thực phẩm đã được vận chuyển đến Ba Lan, giúp những người dân đói kém Ba Lan sống sót qua kiếp nạn. Để cảm ơn chủ tịch Herbert Hoover, Thủ tướng Paderewski đã sắp xếp một cuộc gặp với ông tại Paris để trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn.

Không ngờ, khi hai người gặp mặt nhau, Herbert Hoover lại nói rằng: “Đừng cảm ơn tôi, tôi mới là người phải cảm ơn ngài! Thủ tướng Paderewski, có một chuyện hẳn là ngài đã quên từ lâu, nhưng mà tôi thì lại không bao giờ quên được! Lúc ngài ở Mỹ đã từng giúp đỡ hai sinh viên nghèo, và tôi là một trong hai người đó”.

Việc ban phát ân huệ mà không cầu báo đáp dĩ nhiên là cử chỉ tốt đẹp của những người có đạo đức cao thượng, tuy nhiên có mất ắt có được cũng là chân lý của vũ trụ. Sự chân thành và lòng tốt trên thế gian này, đều sẽ có những tác động tương hỗ tích cực trong khi người ta phó xuất, và sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 28-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.