Thắp sáng ngọn đèn tâm (18): Đại trượng phu xả thân vì lòng nhân đức



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Nhìn vào lịch sử của dân tộc Trung Hoa, có thể thấy trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều người thà chết chứ không chịu khuất phục, có rất nhiều người xưa thậm chí đã không tiếc hy sinh mạng sống của mình để giữ trọn lời hứa. Có vô số chí sĩ đầy lòng nhân ái thương người, như Khuất Nguyên, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, v.v đã dùng máu và mạng sống của mình để viết nên những khúc ca bi tráng tràn đầy hạo nhiên chính khí.

Trong lịch sử, các tín đồ Cơ đốc từng bị bức hại trong hơn 300 năm, nhiều người trong số họ thà mất đi tính mạng cũng phải giữ vững tín ngưỡng của mình.

Đức Khổng Tử nói trong “Luận ngữ”: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân”. Nghĩa là nói, bậc chí sĩ giàu lòng nhân ái thương người sẽ không vì bảo toàn tính mạng của mình mà làm tổn hại đến lòng nhân đức, mà thà hy sinh mạng sống của mình để thành tựu lòng nhân đức.

Đối với mỗi một người mà nói thì tính mạng vô cùng quý báu, thế nhưng, điều đáng quý hơn cả tính mạng chính là lòng nhân đức và tín ngưỡng đối với chân lý vũ trụ. Thành ngữ “xả thân thành nhân” (‘nhân’ này là 仁, chỉ lòng nhân ái, nhân đức, tấm lòng yêu thương người; không phải ‘nhân’ 人 chỉ người) chính là chỉ người mà trong giờ phút sinh tử, sẵn sàng từ bỏ tính mạng của mình để bảo toàn lòng nhân đức.

Vào cuối thời nhà Tần, Điền Hoành và 500 tráng sĩ tuy lưu lạc nơi hải đảo nhưng họ thà tự vẫn cũng không chịu quỳ gối đầu hàng. Vị anh hùng dân tộc Văn Thiên Tường của nhà Tống đã dứt khoát từ chối lời dụ dỗ quan cao lộc hậu của người thống trị nhà Nguyên, mà khẳng khái hy sinh vì nghĩa, coi cái chết như sự trở về, đã dùng tính mạng của mình để bảo vệ khí tiết dân tộc. Câu thơ mà Văn Thiên Tường để lại “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (tạm dịch: Từ xưa đến nay có ai mà không chết, thà để lại tấm lòng trung thành mà soi sáng sử sách) cũng đã trở thành câu thơ tứ tuyệt lưu thiên cổ được người đời sau yêu thích.

Cổ nhân nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Diễn giải ra là, người mà phú quý, làm quan cao có lộc hậu thì cũng không được phóng túng bản thân; người mà gia cảnh nghèo khó, địa vị thấp kém cũng không thể để những điều ấy làm lay chuyển chí hướng của mình; đứng trước sự bức bách của uy lực cũng không thể bị khuất phục. Chỉ những người như vậy mới có thể thực sự được gọi là ‘đại trượng phu’.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, có rất nhiều người không hiểu được việc các học viên Pháp Luân Công thà chịu đựng sự tra tấn bạo lực chứ không thỏa hiệp. Đây chính là biểu hiện của việc các tiêu chuẩn đạo đức của con người hiện đại đã bị bóp méo nghiêm trọng. Một đại trượng phu chân chính sẽ không bao giờ thỏa hiệp với tà ác chỉ để bảo toàn mạng sống của mình.

Những bậc Giác Giả cam nguyện xả bỏ sinh mệnh của bản thân để bảo vệ chân lý của vũ trụ đều là những bậc vĩ đại. Uy đức bất diệt mà họ gây dựng lên bằng sự chân thành và lòng trung nghĩa sẽ soi sáng ngàn đời, sẽ dựng lên một ngọn đèn sáng ở nơi sâu thẳm trong tim những bậc chính nhân quân tử và ngọn đèn ấy sẽ sáng mãi về sau.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 29-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.