Thắp sáng ngọn đèn tâm (44): Tâm thanh tịnh sinh trí huệ



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Khi một người không thể buông xuống những chấp trước và tạp niệm trong tâm, thì sẽ bồn chồn nóng vội, lúc này người ấy sẽ rất khó để đưa ra những phán đoán đúng đắn về mọi thứ xung quanh, do vậy họ cũng không thể bình tĩnh và lý trí để suy nghĩ về cách thức giải quyết. Nhưng khi người ta đả tọa ngồi thiền, trừ bỏ hết thảy tạp niệm và tiến nhập vào trạng thái thanh tĩnh, thì sẽ có một cảm giác mỹ diệu toả khắp thân tâm, đó là loại cảm giác chỉ có được khi nội tâm thực sự trống rỗng và tĩnh lặng, tâm thanh tịnh mới có thể sinh ra trí huệ. Tư duy của một người trong thời khắc yên tĩnh nhất, nhất định là kết tinh trí huệ sau khi linh hồn người đó thăng hoa.

Hầu hết con người trên thế gian vì mê đắm với những được mất về lợi ích cá nhân, mà rất khó buông xuống thất tình lục dục của bản thân. Do vậy cũng không cách nào khống chế được những oán hận tình sầu, không thể đạt đến trạng thái tâm thanh tịnh. Người tu luyện sau khi hiểu rõ chân lý của vũ trụ, thì có thể coi công danh lợi lộc rất nhẹ, cũng có thể làm được khoan dung nhẫn nhịn, tấm lòng và phong thái của họ cũng tự nhiên cao hơn hẳn so với người bình thường, có thể dễ dàng tiến nhập vào trạng thái tâm thanh tịnh. Trong hồng trần vẩn đục thông qua tu dưỡng tâm linh của bản thân khiến họ đạt đến cảnh giới bình thản thanh tịnh, thì có thể đắc được trí huệ mà rất nhiều người bình thường không thể có được.

Đi trên con phố rộn ràng náo nhiệt, màu sắc rực rỡ khiến người ta mờ mắt, sự xô bồ khiến lòng người phát cuồng, những thứ hiếm có thu hút ham muốn của người ta, hết thảy mọi thứ trong thế giới hồng trần đầy những cám dỗ đối với con người. Vì vậy, một người không tu luyện sẽ khó mà đạt được sự thanh tĩnh của nội tâm. Phật gia nói rằng: “Bởi Giới mà sinh Định, Định có thể sinh Huệ”. Chính là cần ở trong tĩnh lặng sinh ra định lực, và trong định lực diễn hoá sinh ra trí huệ. Tĩnh, giúp Phật gia đạt đến cảnh giới tứ thiền bát định, khai huệ, khai ngộ; Đạo gia nói: “Ai có thể trong vẩn đục mà tĩnh chỉ, dần dần đạt đến thanh khiết; ai có thể trong an định mà khởi động, dần dần hiển sinh cơ”. Tĩnh, giúp Đạo gia tu kỷ nhập tĩnh, luyện thành kim đan đại đạo; Nho gia thì cho rằng: “Chỉ khi biết được cảnh giới nên đạt đến rồi mới có thể kiên định, kiên định rồi mới có thể tĩnh, tĩnh rồi mới có thể suy, suy rồi mới có thể đắc”. Tĩnh, giúp Nho gia có được trí huệ sâu rộng, hoàn thành những nấc thang cuộc đời về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; Tĩnh không chỉ là một loại tu dưỡng, mà còn là một loại trí huệ. Trước mỗi sự việc, nếu có thể gặp nguy không loạn, thì có thể sản sinh ra trí huệ vô hạn, hoá giải mọi khó khăn; nếu bồn chồn lo sợ, thì không những không thể giải quyết vấn đề, mà trái lại còn hỏng việc.

Những phiền não của cuộc đời đều xuất phát từ những dục vọng quá mức, đủ loại cám dỗ làm lu mờ ánh trăng sáng trong tâm trí mỗi người. Trong xã hội hiện đại, do sự phổ biến của truyền hình bạo lực và sắc tình, giới trẻ chịu nhận ảnh hưởng của chúng, và có xu hướng xốc nổi. Tranh cãi đôi câu đã động tay động chân, còn tự cho rằng đó là sự dũng cảm của đấng mày râu. Thất phu tương đấu, liền rút kiếm ra, chỉ là cái dũng của kẻ thất phu. Người hiểu được cái huyền diệu của tâm thanh tịnh sẽ không khoe ra cái dũng của kẻ thất phu, mà sẽ là gặp nguy không loạn, điềm tĩnh, không khoe mẽ, đối nhân xử thế, ứng phó tình huống với tâm thái bình thản tường hoà. Điềm tĩnh, ung dung mới có thể bình tĩnh suy nghĩ và tư duy lý trí, mới có thể xử lý vấn đề ổn thoả. Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, sau khi thành Nhai Đình thất thủ, Gia Cát Lượng nghe tin Tư Mã Ý dẫn đại quân 150 nghìn quân đến đánh huyện Tây Thành, lúc đó trong tay ông chỉ có 2500 binh lính thủ thành, tuy nhiên ông không hề sợ hãi lúng túng, mà chỉ dẫn hai tiểu đồng mang theo cây đàn, ngồi tựa lan can, đốt hương gảy đàn. Dùng tiếng đàn bình tĩnh tường hoà đẩy lùi Tư Mã Ý đa nghi, cứu vãn bại quân của mình bằng trí huệ siêu thường, phong thái phi thường “Dù núi Thái Sơn đổ sụp ngay trước mặt cũng không hề sợ hãi, sét đánh bên cạnh cũng không nao núng” ấy là điều mà người bình thường không sao với tới được.

Trong thế giới rối ren này, một tâm hồn thanh tịnh giống như ngọn núi cao bất động, sừng sững an yên; còn tâm hồn nông nổi thì như cỏ dại trong nước, trôi theo dòng. Tâm tĩnh thần định, thì dù sống trong môi trường ồn ào, cũng có thể nghe mà như không, mặc triều dâng rồi hạ, gió nổi sóng trào, lòng ta vẫn vững như sắt đá, bất kể khi nào cũng không thay đổi sự tĩnh lặng trong tâm. Tâm thái bình hòa điềm tĩnh, sẽ khiến cuộc đời càng tốt đẹp hơn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 09-05-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.