Thắp sáng ngọn đèn tâm (33): Khoan dung là gốc rễ của niềm vui



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Trong cuộc sống thực tế, hầu như ai cũng phải sống và làm việc, do đó phải có tiếp xúc với xã hội và gia đình. Trong công việc và cuộc sống vốn đầy những phiền toái, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, sẽ có những sai sót và nhầm lẫn xảy ra. Vì vậy, nếu một người không có tấm lòng khoan dung, không thể tha thứ cho lỗi lầm của người khác, thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, tranh đấu với đồng nghiệp, từ đó gây ra áp lực tâm lý cho bản thân và người khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc sau này.

Tại một vùng quê phía Bắc Trung Quốc, từng có một bà mẹ chồng rất không hài lòng với cô con dâu mới cưới của mình. Chỉ cần một lỗi nhỏ của con dâu cũng khiến bà nổi giận đùng đùng. Khi thì bà phàn nàn con dâu nấu ăn dở, đến tỏi và hẹ cũng không phân biệt được; lúc lại mắng con dâu lười biếng, làm việc nhà quá ít; lại còn thường xuyên về nhà rất muộn với lý do tăng ca, chẳng biết thật là tăng ca hay ra ngoài lang thang. Bà thậm chí còn đổ lỗi cho con dâu khi con trai bị cảm sốt, trách cô ấy không biết chăm sóc chồng, như thế thì làm sao làm vợ người ta được?

Cho đến một ngày, khi một người bạn cũ đến chơi nhà, bà mẹ chồng lại tiếp tục chỉ trích con dâu, chỉ vào quần áo phơi trên ban công mà nói: “Tôi không hiểu mẹ nó dạy dỗ kiểu gì, ngay cả giặt quần áo cũng không sạch! Chị xem kìa, đầy vết bẩn thế kia, rõ ràng là cố tình làm lãng phí nước nhà tôi!” Người bạn nghe xong thì chăm chú quan sát ban công, cuối cùng đã phát hiện ra nguyên nhân thật sự. Bà bạn dùng một chiếc giẻ lau cửa kính, rồi kéo bà mẹ chồng ra nhìn lại – bà mẹ chồng sửng sốt: những bộ quần áo treo trên ban công bỗng nhiên sạch sẽ hẳn. Lúc đó bà mới hiểu ra – không phải quần áo con dâu giặt không sạch, mà là cửa sổ nhà mình quá bẩn.

Từ đó về sau, bà mẹ chồng bắt đầu tự kiểm điểm những thành kiến của mình, không còn nhìn con dâu bằng ánh mắt phiến diện nữa, và mở lòng tha thứ cho những thiếu sót vô tình của cô. Mẹ chồng nàng dâu hai người bắt đầu kính trọng và yêu thương lẫn nhau, sống một cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc như mẹ con ruột thịt.

Quản Tử từng nói: “Biển không từ chối một giọt nước nào, nên mới có thể trở nên to lớn, mênh mông”. Tấm lòng của một người rộng hay hẹp thường quyết định bởi cảnh giới tinh thần cao hay thấp của họ. Biển có thể dung nạp trăm sông, chính là vì “có dung thì mới trở nên to lớn”. Câu nói này cũng có ý nghĩa sâu sắc với việc tu dưỡng cá nhân. Trong chốn nhân gian, những ai làm nên sự nghiệp lớn đều có tấm lòng rộng lớn như biển cả. Khoan dung không chỉ giúp người khác được nhẹ nhõm, mà còn giúp chính mình được an yên.

Ngược lại, nếu một người quá khắt khe, luôn soi xét lỗi lầm của người khác thì lại không nhận ra khuyết điểm của bản thân. Biết khoan dung với người khác là một loại khí chất thanh cao. Hãy thường xuyên lau sạch “cửa sổ tâm hồn” của mình, đừng để nó bị bụi bẩn làm mờ – khi cửa sổ sáng trong, ta mới có thể nhìn xa trông rộng.

“Bụng lớn thì có thể chứa cả những điều thiên hạ khó chứa,
Miệng luôn nở nụ cười thì có thể cười được cả những điều thiên hạ khó cười”. (1)

Khoan dung với người cũng chính là giải thoát cho chính mình. Dùng tấm lòng bao dung để đối nhân xử thế, biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác, thì trong cuộc sống ta sẽ có thêm không gian, thêm lòng nhân ái; trong đời sống sẽ có thêm sự ấm áp, thêm ánh nắng chan hòa. Khoan dung chính là gốc rễ của niềm vui trong cuộc đời.

Chú thích:

(1) Đây là câu đối trên tượng Phật Di Lặc ở chùa Đàm Chá Tự (潭柘寺), Bắc Kinh, Trung Quốc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 31-03-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.