Thắp sáng ngọn đèn tâm (13): Phong thái của bậc Giác Giả



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Thuở nhỏ đọc cuốn “Thuyết Nhạc toàn truyện”, tôi thường cảm thấy căm phẫn và bất công trước cái chết oan uổng của Nhạc Phi ở đình Phong Ba. Khi đó, tôi thường suy ngẫm một điều: Nhạc Phi trí dũng song toàn, võ công hơn người, lại có năng lực đánh bại hàng triệu quân Kim, lẽ nào ông còn không giết được một tên gian tặc Tần Cối sao? Hơn nữa, lúc đó bên cạnh ông còn có hai hổ tướng là Nhạc Vân và Trương Hiến, hai người này đều dũng mãnh, sức địch vạn người. Cho dù không giết Tần Cối, với võ công của mỗi người thì trước khi bị hành quyết họ cũng không khó để vượt ngục mà! Tuy nhiên, vì để thành tựu một chữ “Trung”, Nhạc Phi đến chết cũng vẫn kiên trì giữ vững niềm tin “Tinh trung báo quốc” (dốc sức trung thành, phụng sự đất nước). Ông không những tự mình chịu đựng sự tra tấn mà còn không để cho Nhạc Vân và Trương Hiến phản kháng. Đứng trước tội danh vô căn cứ mà tên gian thần vu cho và bị giết oan, ông coi cái chết như một sự trở về, không oán không hận.

Khi đọc “Tam Quốc diễn nghĩa”, tôi cũng thường cảm động trước nghĩa khí sâu nặng của Quan Vũ. Bởi vì Quan Vũ đã kết nghĩa với Lưu Bị trước nên dù thân ở trong doanh trại của Tào Tháo và nhận đãi hậu của Tào Tháo, Quan Vũ cũng không bao giờ quên tâm ý thuở đầu của mình. Tào Tháo tuy ba ngày tổ chức một tiệc nhỏ, năm ngày tổ chức một tiệc lớn, ban y, ngựa, lại tặng mỹ nhân và vàng, nhưng đến cuối cùng Quan Vũ cũng không bị tiền tài sắc làm cho lay động, ông vẫn kiên quyết nói: “Nếu biết tung tích của Hoàng thúc (Lưu Bị), dù có là nơi nước sôi lửa bỏng, cũng quyết đi theo”. Dựa vào thực lực của Tào Tháo và võ công của Quan Vũ lúc bấy giờ, không khó để tưởng tượng được rằng nếu Quan Vũ dốc sức làm thủ hạ cho Tào Tháo thì lại càng dễ có được vinh hoa phú quý. Song, vì để lưu lại một chữ “Nghĩa” cho thế nhân, Quan Vũ đã vượt năm ải, trảm sáu tướng, đến cùng vẫn cự tuyệt Tào Tháo và nguyện một lòng đồng sinh cộng tử với Lưu Bị – người không còn một tấc đất cắm dùi.

Ở Trung Quốc ngày nay, cũng có vô số người kiên trinh đang kiên định giữ vững tín ngưỡng của mình dù phải đối mặt với những mối đe dọa bị bỏ tù, tra tấn và thậm chí là bị hành hạ đến chết. Không phải là họ không có năng lực phản kháng, mà niềm tin và tín ngưỡng vào “Chân, Thiện, Nhẫn” đã khiến họ làm được “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (trích cuốn Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện của Pháp Luân Công). Họ cũng không hận những người đã hành hung mình, và đã thực sự thể hiện được tấm lòng đại nhẫn, bao dung, phong thái của một bậc Giác Giả ở nơi thế nhân. Sự thiện lương của một bậc Giác Giả không chỉ thể hiện ở việc họ đã làm được bao nhiêu việc thiện ở thế gian, mà còn ở việc họ không tính toán, không ghi hận những điều ác mà người khác đã làm. Chúa Jesus đã hạ thế cứu người và lưu lại nhiều thần tích ở thế gian. Với quyền năng là Con của Chúa Cha, không khó để Chúa Jesus chế ngự được những kẻ xấu đưa Ngài lên thập tự giá kia. Nhưng để chuộc tội cho thế nhân, Ngài đã cam chịu xả thân chịu hình; Ngài cũng không hề ôm hận với những kẻ xấu kia, kể cả Judas – người đã phản bội Ngài.

“Lấy đức báo oán” chứ không “lấy ác trị ác”, dùng tấm lòng thiện lương để cảm hóa con người thế gian, đây chính là phong thái của một bậc Giác Giả! Bậc Giác Giả chân chính luôn đáng được thế nhân tôn kính. Dù thời gian có trôi qua hàng vạn năm đi nữa, uy nghiêm và phong thái của bậc Giác Giả sẽ không bao giờ phai mờ và sẽ luôn được con người thế gian ghi nhớ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 06-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.