Thắp sáng ngọn đèn tâm (19): Nhẫn nhục là điều đáng kính nhất trên đời



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ – người được mệnh danh là có “sức dời núi, khí trùm trời” đã đến Ô Giang sau khi bại trận. Mặc dù được đình trưởng (tên chức quan dưới thời Tần, Hán) khuyên răn nên vượt sông, sau đó tổ chức lại quân đội và tiếp tục chiến đấu, nhưng ông tự cảm thấy hổ thẹn với cha và anh trai ở Giang Đông nên đã tự sát trong sự xấu hổ và tức giận. Nhà thơ Đỗ Mục thời Đường từng làm bài thơ “Đề Ô giang đình”, viết rằng:

“Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỉ thị nam nhi
Giang Đông tử đệ đa tài tuấn
Quyển thổ trùng lai vị khả tri”.

Dịch nghĩa:

Việc nhà binh, được thua là không lường được
Nén hổ thẹn nhịn nhục mới là chí trai
Bọn con em đất Giang Đông còn nhiều kẻ tài giỏi
Cuốn đất trở về chưa thể biết được sẽ ra sao!

Hạng Vũ tính tình cố chấp, bảo thủ, thường không nghe những lời khuyên chân thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ông bại trận và một trong những nguyên nhân quan trọng là ông không thể chịu được nhẫn nhục khi rơi vào nghịch cảnh.

Trong những anh hùng từ xưa tới nay, có Hàn Tín chịu nhục chui háng, Tô Vũ chịu nhục chăn cừu ở nơi hoang dã, phàm là những người lập được công lao to lớn đều có tâm đại nhẫn. Ngay cả đối với những người dân bình thường, sự nhẫn nại cũng là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày: Cha con không nhẫn mất đi sự hiếu kính, anh em không nhẫn bị người ngoài ức hiếp, chị dâu em chồng không nhẫn cãi vã ra ở riêng, mẹ chồng con dâu không nhẫn mất lòng hiếu thảo…

Một số người lầm tưởng rằng “nhẫn” là biểu hiện của sự tiêu cực, hèn nhát, là kìm nén bản thân, vì vậy gặp việc gì cũng muốn phân tranh, không chịu nhẫn nhịn chút nào, cũng không thể rộng lượng chịu thiệt thòi chút nào, vì vậy trong quan hệ giữa người với người thường xảy ra bất hoà, xung đột. Kỳ thực “nhẫn” là điều tích cực, là rộng lượng, là có tầm nhìn xa trông rộng, người có nhận thức tốt mới có thể lĩnh hội được sâu sắc sự đáng kính của việc nhẫn nhục.

Khổng Tử nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (nghĩa là việc nhỏ không nhẫn được sẽ làm loạn mưu lớn). Trong cuộc sống những lúc khó nhất, sự hòa thuận giữa người với người đến từ sự bao dung và nhường nhịn lẫn nhau. Ngay cả khi đối mặt với tổn thương và sỉ nhục, người có trí huệ sẽ có thể tự xét lại bản thân, trong sự khoan dung và nhẫn nhục mà hoá giải oán hận, từ đó tâm tính của họ cũng được thăng hoa trong gian khó. Tất cả những điều này đều phụ thuộc vào nghị lực kiên trì và niềm tin vững chắc của con người ta, người có thể chịu được cái khổ trong những cái khổ, nhẫn được những việc mà người thường không thể nhẫn, người đó mới có thể đến được bến bờ bên kia của thành công.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, vua bán xe nổi tiếng người Nhật Úc Thành Lương Trị bước chân vào lĩnh vực bán xe hơi trong niềm vui hân hoan. Lúc mới bắt đầu ông đã làm việc chăm chỉ suốt mấy tháng nhưng không có kết quả gì. Khi ông đến hỏi thăm khách hàng, nếu không phải là bị khách hàng đóng cửa không tiếp thì cũng bị khách hàng tỏ ra không mấy quan tâm sau khi đã cố gắng vào được nhà và hết sức thuyết phục họ. Trong khoảng thời gian này, ông không nhận được bất kỳ đơn hàng nào, việc bị từ chối hết lần này đến lần khác khiến ông vô cùng chán nản. Một ngày nọ trên đường trở lại công ty, ông đã quyết định xin nghỉ việc, rời bỏ ngành bán xe hơi và tìm con đường kiếm sống khác.

Lúc này ông tình cờ gặp một chú mèo con, vì không nhịn được nên ông đã thổ lộ hết nỗi oán hận mà ông đã phải chịu đựng suốt mấy tháng trời lên chú mèo. Có lẽ ông trời muốn dùng chú mèo nhỏ để truyền cảm hứng cho ông, thay vì bỏ chạy chú mèo lại biểu hiện như không có gì xảy ra. Lương Trị được truyền cảm hứng rất lớn từ việc này và nhận ra rằng nhẫn nhục không có gì khó. Sau đó ông từ bỏ ý định nghỉ việc, gạt bỏ nỗi sợ bị từ chối, sỉ nhục, đối mặt với những phê bình và nhục mạ đến từ đủ loại khách hàng. Sau 1800 lần bị từ chối, cuối cùng ông cũng nhận được đơn hàng đầu tiên và trong năm thứ hai ông đã bán được 15 chiếc xe mỗi tháng. Đến năm thứ năm, số lượng xe hơi ông bán được mỗi tháng đã lên tới 30 chiếc. Bắt đầu từ năm thứ năm, Lương Trị là nhà vô địch về doanh số bán xe hơi trong 16 năm liên tiếp, trở thành ông vua bán hàng danh giá nhất trong giới xe hơi ở Nhật Bản.

Nhẫn nhục là điều đáng kính nhất trên đời, chỉ có đại nhẫn mới có thể đạt được thành công lớn. Nếu một người không có tâm đại nhẫn, thì dù có võ công cái thế như Sở Bá Vương Hạng Vũ cũng không đi tới được thành công cuối cùng. Chỉ những người có thể chịu đựng nhẫn nhục và mang trọng trách lớn thì mới có thể làm được việc lớn. Vì vậy câu nói “Bách nhẫn thành kim” (nhẫn nhịn quý như vàng), đối với con người thế gian cũng như đối với người tu luyện mà nói thì đều là một câu danh ngôn lý trí không thể quên.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 08-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.