Thắp sáng ngọn đèn tâm (8): Người mù và người bận rộn
Tác giả: Quán Minh
[ChanhKien.org]
Chữ Hán là một loại văn tự đặc thù, hình dạng của chữ và ngữ nghĩa của nó có rất nhiều mối liên hệ nội tại. Ví dụ: Chữ 目 (Mục) biểu thị là con mắt, còn chữ 盲 (Mang, nghĩa là đui, mù) lại được cấu thành từ chữ 亡 (Vong, nghĩa là mất, chết) và chữ 目 (Mục). Vậy 盲 nghĩa là con mắt đã chết. Do đó, chúng ta có thể nhìn chữ mà đoán ý nghĩa, người mù (盲人) chính là chỉ người đã mất đi con mắt.
Trong xã hội hiện đại, thông thường những người luôn bận rộn với công việc, không có thời gian tự do được coi là người bận rộn (忙人), kỳ thực đây chỉ là ý nghĩa bề mặt của nó. Chữ 忙 (Mang, nghĩa là bận rộn) được cấu thành từ bộ tâm đứng 忄và chữ 亡 (Vong), mà bộ tâm đứng chủ yếu dùng biểu thị thế giới nội tâm của con người.
Ví dụ các chữ: 恨 (Hận: oán hận), 悔 (Hối: hối hận, ăn năn), 惊 (Kinh: kinh hãi), 惧 (Cụ: sợ hãi), 怯 (Khiếp: nhát gan), 恼 (Não: tức giận), 愤 (Phẫn: căm phẫn), 悟 (Ngộ: tỉnh ngộ), 怕 (Phạ: sợ hãi), 忧 (Ưu: lo lắng), 恸 (Đỗng: đau thương), 情 (Tình: tình cảm),… đều là cấu thành từ bộ tâm đứng 忄. Ý nghĩa của những chữ Hán này đều biểu thị cảm xúc nội tâm của con người, chữ 忙 (bận rộn) có hàm ý là cảm xúc nội tâm của con người đã chết. Từ tầng nghĩa này mà xét, thì “忙人” là chỉ người mà thế giới tinh thần trong nội tâm đã chết hoặc người mà tâm trí đã mê lạc, mất phương hướng rồi. Người bận rộn tâm tình xốc nổi, họ thường không chú trọng lời nói và chất lượng công việc, mất nhiều thời gian nhưng tốn công mà kết quả không bao nhiêu.
Người có cảm xúc nội tâm và thế giới tinh thần phong phú sẽ không bận rộn với công việc, mà họ thường tự xét mình với tâm thái thuần tịnh.
Người tu luyện thời xưa sống ở trong chùa miếu hoặc đạo quán, họ sống những ngày làm bạn cùng gió mát trăng thanh, một đời niệm kinh hoặc tĩnh tu trong nhàn nhã. Cảnh giới tối cao của tu đạo chính là thanh tịnh vô vi, nếu làm quá nhiều những việc trần tục sẽ làm bại hoại bản tính của con người; không vương những mệt nhọc thế sự, ngưng thần tĩnh tu, mới có thể đạt được tịnh hóa thân tâm.
Vào cuối thế kỷ trước, trong nhóm người lao động Nhật Bản có một loại bệnh nghề nghiệp gọi là “chết vì lao lực”. Nhóm người lao động luôn bận rộn làm việc tăng ca trong thời gian dài, điều này sẽ khiến một người sức khoẻ bình thường không có bệnh trạng nào đột nhiên chết bất đắc kỳ tử. Do đó, đối với những người chưa tìm được mục đích nhân sinh mà nói, bận rộn quá mức đồng nghĩa với cái chết của thế giới tinh thần, hơn nữa nó cũng là khúc dạo đầu cho cái chết của thể xác.
Truyền Pháp khó, truyền Đạo cũng khó, truyền Pháp truyền Đạo cho “người bận rộn” lại càng khó hơn. Phần lớn người bận rộn ngày nay là vì để kiếm nhiều tiền hơn mà bận rộn. Kế hoạch công việc hàng ngày được sắp xếp dày đặc từ sáng đến tối, thậm chí khi đang ăn hoặc đi vệ sinh, điện thoại mang bên mình cũng liên tục đổ chuông, họ thường xuyên mệt đến mức thở không ra hơi. Những người như vậy căn bản không có thời gian, cũng chẳng muốn suy nghĩ về mục đích của đời người là gì. Cho dù họ có cơ duyên nghe được Phật Pháp chân kinh, cũng sẽ cho là nói phóng đại, chuyện huyền hoặc, trong tâm khó giải, khó tin. Khi họ đang vì một chút lợi nhỏ mà vui mà lo âu, có lẽ cơ duyên vạn năm khó gặp đã vụt mất. Do đó, người thực sự có trí huệ sẽ không khiến bản thân trở thành một “người bận rộn”. Tu tâm dưỡng tính, thản đãng phóng khoáng, tạo một không gian thư thái cho tinh thần thì mới có thể đạt được hạnh phúc tươi đẹp của đời người.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/30852
Ngày đăng: 25-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.