Thắp sáng ngọn đèn tâm (45): Xem nhẹ sinh tử được tự tại

Tác giả: Quán Minh [ChanhKien.org] Vì thế gian có tình, nên từ xưa đến nay con người vẫn luôn đau thương bi lụy trước những sinh ly tử biệt. Tuy nhiên, “trăng có mờ tỏ tròn khuyết, người có buồn vui ly hợp, điều ấy xưa nay khó vẹn toàn”.

Tác giả
Ngày đăng 15-05-2025

Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Vì thế gian có tình, nên từ xưa đến nay con người vẫn luôn đau thương bi lụy trước những sinh ly tử biệt. Tuy nhiên, “trăng có mờ tỏ tròn khuyết, người có buồn vui ly hợp, điều ấy xưa nay khó vẹn toàn”. Đối với con người mà nói cái chết là điều đáng sợ nhất, mà với trí huệ của một người bình thường thì không cách nào thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Chỉ có những người tu luyện chân chính, vì đã nhìn thấu chân lý của vĩnh hằng và chân tướng của sinh mệnh, dần dần xem nhẹ sinh tử, do vậy sẽ không còn sợ hãi trước cái chết. Cho dù người ta có thể thản nhiên đối mặt hay không, thì cuộc đời mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi, từng phút từng giây trong cuộc đời đều không thể được bảo đảm tuyệt đối, họ có thể sẽ chết vì bệnh nặng, và cũng có thể chết đột ngột vì tai nạn nào đó.

Có sinh ắt có tử, sinh và tử là một hiện tượng tự nhiên, việc sống chết của con người cũng bình thường như ngày và đêm vậy. Đối với cái chết, nếu sợ hãi quá mức trái lại sẽ tổn hại thân thể, nên thái độ sáng suốt chính là thuận theo tự nhiên, sống tự do tự tại theo tự nhiên. Nếu một người có thể xem nhẹ sinh tử, dám coi cái chết như một sự trở về, quả thực không phải là một chuyện dễ dàng. Trong lịch sử đã có hai loại người có thể đạt đến cảnh giới như vậy, một là người trải hết những kiếp nạn thăng trầm trong quá trình tu hành, hiểu thấu sinh tử, ngộ triệt để về nhân sinh; một loại nữa là lòng ôm chí hướng cao xa, mang tinh thần đại nghĩa mà có thể gạt bỏ sinh tử sang một bên.

Trước đây tại Nhật Bản có một Thiền sư tên là Đào Thuỷ, ông từng tu hành tại các chùa nhiều năm, cũng chỉ dạy cho vô số đồ đệ trên khắp Nhật Bản. Trong ngôi chùa lớn do ông làm trụ trì, thường có những tăng nhân bỏ cuộc giữa chừng do không thể nhẫn chịu sự gian khổ của việc tu hành. Tuy nhiên, càng ngày lại càng có nhiều tín đồ nghe danh mà đến, dường như pháp tịch (chỗ thuyết pháp) ấy rất đỗi hưng vượng. Sau khi Thiền sư Đào Thuỷ giác ngộ được đạo lý nhân sinh thì đã rời bỏ vị trí thuyết giảng, từ biệt tín đồ rồi rời đi không rõ tung tích.

Ba năm sau, một môn đồ trước đây của ông đã bắt gặp Thiền sư Đào Thuỷ đang sống cùng những người ăn mày dưới một cây cầu ở Tokyo, vị môn đồ lập tức khẩn cầu Đào Thuỷ tiếp tục dạy cậu cách tu hành. Thiền sư Đào Thuỷ đã nói: “Nếu cậu có thể giống như ta sống ở đây hai ba ngày, có lẽ ta sẽ dạy cậu”. Do đó, vị môn đồ đã cải trang thành ăn mày, rồi cùng Đào Thuỷ sống cuộc sống ăn mày được một hôm. Đến ngày thứ hai, trong đoàn ăn mày có một người chết, nửa đêm Thiền sư Đào Thuỷ cùng những người khác và môn đồ đem thi thể vào chôn trong núi. Xong việc Thiền sư Đào Thuỷ về đến gầm cầu vừa ngả lưng xuống liền ngủ, ngủ một giấc đến lúc trời sáng, còn môn đồ của ông thì không hề chợp mắt được. Sau khi trời sáng, Đào Thuỷ nói với vị môn đồ rằng: “Hôm nay chúng ta không phải đi xin ăn nữa, anh bạn vừa chết còn để lại chút đồ ăn ở đây”. Tuy nhiên, vị môn đồ nhìn đồ ăn mà nuốt không trôi. Thiền sư Đào Thuỷ nói: “Ta sớm đã biết cậu không thể xem nhẹ sinh tử, cậu không thể tiếp tục cùng ta tu hành được”. Vị môn đồ nghe xong chỉ cúi đầu im lặng. Thiền sư Đào Thuỷ xua tay nói: “Cậu đi đi, đừng ở đây quấy rầy ta nữa”. Vị môn đồ đành từ biệt Đào Thuỷ rồi buồn bã rời đi.

Những ai hiểu được bản chất của sinh mệnh và chân lý của vĩnh hằng sẽ không hề sợ hãi, cũng sẽ không đau thương bi luỵ vì bất kỳ sinh ly tử biệt nào. Chỉ những ai trong cảnh giới tinh thần tự do tự tại mới có thể ung dung bàn luận về sinh tử, siêu việt khỏi sinh tử. Xem nhẹ sinh tử và dục vọng là bước đầu tiên để hướng tới một cuộc sống tự tại, hiểu rõ sinh tử, nhìn thấu sinh tử thì có thể đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng. Nhìn thấu bản chất của sinh tử, thì cho dù đứng trước sinh tử cũng sẽ không bi quan, không hoảng sợ, thuận theo tự nhiên, thản nhiên đối mặt. Xem nhẹ sinh tử thì mới có thể sống vô tư thoải mái, tận hưởng kiếp nhân sinh.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Các bài khác

Loạt bài

Văn hóa