Huyền mộc ký (4-17)



Tác giả: Thoại Bản tiên sinh

[ChanhKien.org]

Chuyện trong ốc đảo đã nói đến nhiều, giờ kể một chút chuyện ngoài ốc đảo cũng chưa muộn, bởi vì thời gian ở ốc đảo Trương gia khác với thời gian ở nơi thế gian. Ba năm ở ốc đảo Trương gia thì ở nhân gian mới chỉ một năm.

Lại nói đến chuyện Tử Nha trên đường xuống núi gặp ngay Thân Công Báo, chỉ vì suy nghĩ ngu ngốc của mình mà suýt chút nữa thiêu mất bảng phong Thần. May nhờ có Thư Hạc lệnh cho Bạch Hạc đồng tử tha đầu của Thân Công Báo đi nên bảng phong Thần mới được cứu vãn.

Cũng nhờ niệm tình Khương Tử Nha xin tha mạng cho Thân Công Báo mà hắn mới thoát chết, nhưng hắn ta lại lấy oán báo ân, buông lời thù hận, đe dọa sẽ khiến Tây Kỳ “nháy mắt hóa thành biển máu, xương trắng chất tựa non cao”.

Nhưng trong “Phong Thần diễn nghĩa” chúng ta phát hiện ra rằng sau khi Thân Công Báo buông ra những lời hận thù hủy thiên diệt địa này thì bặt vô âm tín. Mãi đến khi Văn Trọng dẫn quân tiến đánh Tây Kỳ, chúng ta mới biết Thân Công Báo trước nay vẫn ở trong Tiệt Giáo bôn tẩu khắp nơi lừa gạt, thuyết phục các nhóm đệ tử Tiệt Giáo chiến đấu với Khương Tử Nha.

Vậy ở giữa câu chuyện có phải còn thiếu mất điều gì hay không?

Vẫn có một điểm đáng ngờ, đó là khi Thân Công Báo buông lời thù hận, rằng sẽ khiến Tây Kỳ “nháy mắt hóa thành biển máu, xương trắng chất tựa non cao”, là hắn dựa vào đâu mà tuyên bố những lời tự tin như vậy?

Hắn đã tu hành nhiều năm ở Ngọc Kinh Sơn, ngay cả Thư Hạc, một nhân vật không màng thế sự, sống cuộc đời nhàn nhã vô ưu, còn rất nóng mắt muốn tìm giết hắn, thì có thể khẳng định mười mươi rằng hắn đã nổi tiếng là xấu tệ. Hắn ở Ngọc Kinh Sơn lâu vậy và tai tiếng tệ hại đến thế thì dựa vào đâu mà tự tin đòi hủy thiên diệt địa?

Điều này phải kể từ xuất thân của Thân Công Báo. Con người này có thừa giảo hoạt và tàn nhẫn, mở miệng là nói dối và lừa lọc, sự đố kỵ hận thù lúc nào cũng sôi sục trong tâm. Hắn ta chính là một thứ biến dị đến mức như thế.

Ở Nam Thiệm Bộ Châu có một quốc gia tên là Thanh Khâu, là quê hương của Cửu vĩ hồ (Cáo chín đuôi). Dòng tộc cáo chín đuôi có một loại yêu thuật tổ truyền, gọi là mị hoặc (bùa ngải chuốc mê).

Ở Nam Thiệm Bộ Châu còn có một tiểu quốc, tên là Thân (1). Đất nước này là quê hương của quái thú tên “Ngoa”. Có hai loại Ngoa, một loại gọi là Thố Ngoa còn loại kia gọi là Miêu Ngoa. Những con thú Ngoa này bản tính trời sinh chuyên nói những lời điêu ngoa, dối trá, tất cả bọn chúng đều là những bậc thầy về nói dối và lừa gạt. Thố Ngoa rất giỏi giả trang thành đáng yêu, còn Miêu Ngoa lại điêu luyện về khoản giả vờ giỏi giang anh tuấn.

Một ngày nọ, Hoàng tử Miêu Ngoa của Thân quốc biến thành một mỹ nam anh tuấn và gặp được con gái của Cửu vĩ hồ vương lúc đó cũng đã hóa thân thành mỹ nữ vô cùng xinh đẹp. Hai con người này, bọn họ lừa gạt lẫn nhau, mỹ nam lừa gạt mỹ nữ, còn mỹ nữ thì quyến rũ mê hoặc mỹ nam, họ yêu nhau đắm đuối. Đây quả thực là một tên đại bịp lại gặp ngay phải chuyên gia lừa đảo, như cá gặp cá, và tôm tìm gặp được tôm, còn hận đã gặp nhau quá muộn.

Hai loài thú này giao hôn tạp nhạp rồi sinh ra từng ổ, từng ổ những con thú nhỏ. Một số chúng lớn lên giống cáo, một số giống mèo, cũng có những loại là lai tạp giữa cáo và mèo, trông hơi giống con báo. Thân Công Báo chính là một trong số đó.

Sau này, Thân Công Báo đi bái sư học nghệ, nhưng không ai thu nhận nó. Kỳ thực những loại Hồ và Ngoa này vốn sẽ không có ai thu nhận, hơn nữa chúng còn là loài sinh ra từ tạp giao nên lại càng không ai thu chúng. Sau này, nó quanh quẩn ở Ngọc Kinh Sơn luồn lách tới lui, lén lút học lỏm một số bản sự loạn bát nháo, rảnh lên lại đi trêu chọc Khương Tử Nha đang quét dọn sân vườn.

Sau này, nó cũng có được một số bản sự nho nhỏ, cho đến khi nó phát hiện ra một con Cửu vĩ hồ đã đi làm Vương phi ở nhân gian, nó nghĩ:

“Tam yêu Lăng Hiên Viên (2) đều có thể đến nhân gian làm Vương phi rồi, bản thân ta chẳng phải còn có ‘xuất thân cao quý, gia thế hiển hách’ hơn bọn chúng sao?”

Cái bàn tính nhỏ trong đầu nó lại bắt đầu nhảy số…

Kỳ thực thì trước khi nó buông ra những lời uất hận, nó đã nghĩ đến phương án sẽ liên thủ với Đát Kỷ, tập hợp lực lượng của Hồ tộc, Ngoa tộc và những loại yêu tinh khác ở Nam Thiệm Bộ Châu, hòng trợ giúp Trụ Vương đánh dẹp Tây Kỳ. Nếu Tây Kỳ bị tiêu diệt trong tay nó thì nó cũng có thể giống như Đát Kỷ, ở tại nhân gian mà phè phỡn hưởng thụ quyền lực lẫn phú quý vinh hoa.

Vì vậy, sau khi ôm hận thù muốn đối đầu với Khương Tử Nha ở Ngọc Kinh Sơn, nó bèn đi tìm Đát Kỷ.

Đát Kỷ nghe một cái liền hiểu rõ ý đồ của Thân Công Báo, đó chính là kích động náo loạn đám yêu ma ở Nam Châu, lợi dụng lực lượng yêu ma ở Nam Châu để diệt Tây Kỳ. Như vậy không chỉ bảo vệ được vinh hoa của bản thân mà còn đem lại sự giàu sang cho Thân Công Báo.

Nhưng dù sao Đát Kỷ cũng là một kẻ ranh mãnh nên vẫn còn chút nghi hoặc mà chưa vội gật đầu.

Thân Công Báo hỏi:

“Nương nương còn ngờ vực điều gì?”

Đát Kỷ do dự giây lát rồi hỏi lại:

“Ngươi đã quên Cộng Công chết như thế nào rồi? Ma giới bị nổ tung như thế nào rồi sao? Nếu chúng ta hành động công khai trắng trợn thì Tư Pháp Thiên Thần há lại khoanh tay đứng yên nhìn thôi hay sao?”

Thực ra, sau khi Dao Chân quy tiên, những sự việc của Thần làm sao lại để bọn yêu nghiệt biết? Cho nên, rất nhiều yêu ma quỷ quái không biết rằng Dao Chân đã quy tiên.

Nhưng Thân Công Báo sống dưới chân núi Ngọc Kinh đã nhiều năm, hắn thường chui trong xó tường mà nghe lén chuyện, tuy chỉ nghe được lúc đông lúc tây vài câu lõm bõm, nhưng hắn vẫn đoán ra được một số bí mật. Vậy là, Thân Công Báo liền nói:

“Nương nương ôi! Người có phải đã ở trong lăng Hiên Viên một thời gian lâu rồi phải không? Tư Pháp Thiên Thần đã chết rồi!”

“Cái gì? Điều này không thể nào!”

“Chết thật rồi mà! Năm đó khi tất cả chúng đệ tử núi Ngọc Kinh hồi sơn, tôi đích thân nghe được mọi người bàn tán, nói rằng Tư Pháp Thiên Thần qua đời khi còn quá trẻ!”

“Thật sao? Ta không tin. Ta đã từng gặp cô ta, tên là Dao Chân, cô ta thực sự rất lợi hại đó. Nghe nhắc đến hai chữ ‘Dao Chân’ là đám yêu tinh đã khiếp sợ run rẩy. Chiếc trâm cài trên đầu cô ta có thể biến thành bảo kiếm vô cùng sắc bén. Khi cô ta cầm bảo kiếm trong tay thì ngay cả ma vương cũng không thể địch nổi, làm sao cô ta lại chết được?” Đát Kỷ vẫn hoài nghi không tin lắm.

Thân Công Báo lại nói:

“Nương nương nghĩ xem, nếu cô ta chưa chết, vậy vì sao rất nhiều năm rồi không thấy cô ta xuất thủ? Khi Văn Vương, Vũ Vương phạt Trụ sao không thấy tăm hơi cô nàng đâu? Nếu cô ta còn sống, một kẻ vô năng như Khương Tử Nha sao lại phải tự mình chỉ huy một màn sát phạt kiểu này?”

Đát Kỷ nghe vậy cảm thấy cũng có lý, bèn nhìn Thân Công Báo rồi gật gật đầu.

Đát Kỷ và Thân Công Báo trước tiên thuyết phục những yêu thú trong ma tộc của mình, sau đó lại thuyết phục thêm rất nhiều yêu nghiệt trong các ma tộc khác. Có hai lý do thuyết phục phát huy hiệu quả nhất. Đầu tiên là nếu đánh bại được Tây Kỳ thì sẽ lợi dụng quyền thế ở nhân gian để hấp thụ tinh hoa của con người mà tu luyện bản thân. Thứ hai là vì Tư Pháp Thiên Thần đã chết rồi nên có thể vô Pháp vô Thiên, mặc sức hoành hành làm bất cứ điều gì mình muốn…

Cho nên, ở bên này Tây Kỳ liên tục có yêu nghiệt tấn công khiến Khương Tử Nha xoay mòng mòng vì lo lắng.

Đám yêu tinh liên tục thắng áp đảo, gây ra tổn thất rất lớn cho binh lực Tây Kỳ nên Đát Kỷ và Thân Công Báo càng đánh càng hưng phấn, thậm chí còn lớn giọng đe dọa sẽ bày thế trận vạn ma để một đòn diệt gọn Tây Kỳ.

Trong tình thế nguy ngập tuyệt vọng, Khương Tử Nha lại quày quả chạy về Ngọc Kinh Sơn.

Định bụng trở về cầu cứu sư phụ trợ giúp, nào ngờ bị sư phụ đóng cửa không tiếp. Sư phụ Đạo gia không phải là người có thể dễ dàng gật đầu với ai. Lần trước đã cố khuyên nhủ rồi ngươi không nghe, lần này lại đến tìm ta, ai mà cứ đi dọn dẹp cái đống lộn xộn này của ngươi được mãi kia chứ?

Khương Tử Nha nếu không phải là một người thường phàm thai nhục thể, lần trước không nghe lời sư phụ, suýt nữa khiến bảng phong Thần bị thiêu rụi thì đã bị tính là đại tội, làm sao chịu nổi hàng trăm roi thần giáng lên thân.

Lần này lại tìm sư phụ thì ăn cái món đóng cửa không tiếp âu cũng là bình thường. Lúc này Khương Tử Nha đang vừa quỳ ở cửa vừa lấy tay quệt nước mắt, trông vô cùng đáng thương…

…..

Chúng ta lại nói về “Tư Pháp Thiên Thần đời trước” tuy đã chuyển thế đầu thai nhưng vẫn khiến lũ yêu ma nghe hơi đã khóc thét vì khiếp đảm hãi hùng, hiện nay đang làm gì đây?

Là đang làm nghề thêu thùa may vá.

Bàn tay cầm kiếm này giờ đang cầm kim thêu, cũng không đến nỗi tệ, xem ra khá là toàn diện. Đây có thể là một trong những nguyên nhân được các vị Thần lựa chọn.

“Thêu xong rồi, Tịnh Nhi, xem đi!” Dương Hồi mỉm cười nói với Tịnh Nhi.

Tịnh Nhi ngắm nghía một lát bức thêu, đột nhiên dường như nhớ ra điều gì, nói:

“Sao trông quen thế… À nhớ ra rồi! Đây là bức tranh của Vô Lưu tiên sinh!”

Dương Hồi cười cười gật đầu, nhớ lại câu chuyện ngày xưa…

“Dì Từ Quang, con đã thêu xong bức tranh uyên ương rồi”.

Dì Từ Quang cầm bức thêu của cô lên ngắm nghía đường kim mũi chỉ rồi lắc lắc đầu, trìu mến chỉ tay vào bức thêu, nói:

“Này cô nương, dì dạy con nha: con mái và con trống thì phải có sự khác biệt, cũng giống như nam và nữ phải khác nhau vậy. Nam nhi phải mạnh mẽ cứng rắn, nhưng nữ nhi thì phải yểu điệu mỹ miều. Không thể thêu giống nhau được, phải vậy không?”

“Ừmm… phải phải, cảm ơn dì đã chỉ giáo”.

“Hôm nay chúng ta thêu đến đây thôi, một lúc nữa Vô Lưu tiên sinh sẽ tếp tục dạy con”, dì Từ Quang nhìn cô nói với giọng ấm áp.

Trong lúc tiểu Dương Hồi đang mải suy nghĩ về những lời dì dặn dò thì Vô Lưu tiên sinh bước vào phòng, tiểu Dương Hồi bèn hỏi:

“Tiên sinh, sự yểu điệu mỹ miều của nữ nhi thì làm thế nào mới vẽ ra được?”

Vô Lưu tiên sinh ngẫm nghĩ giây lát, cầm bút lên, bắt đầu dạy tiểu Dương Hồi cách vẽ.

Tiểu Dương Hồi cứ chăm chú vẽ, chợt ngừng lại hỏi:

“Tiên sinh, ngài có thể vẽ được người con gái đẹp nhất thế gian không?”

Vô Lưu tiên sinh mỉm cười nói:

“Mỗi loài hoa mỗi góc nhìn, mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng của nó, thế nào là đẹp nhất chứ?”

Tiểu Dương Hồi lại hỏi:

“Vậy trong mắt ngài, người con gái như thế nào là đẹp nhất?”

Vô Lưu tiên sinh đang vẽ liền ngừng bút, liếc nhìn tiểu Dương Hồi, rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ, không nói lời nào.

“Tiên sinh đúng là cao nhân mà, ngài vẽ cho con một bức đi!” Tiểu Dương Hồi nũng nịu nói.

Thế là Vô Lưu tiên sinh lấy ra một mảnh lụa mới và bắt đầu vẽ…

Vô Lưu tiên sinh bắt đầu vẽ từ cảnh sông núi, thấp thoáng trên núi là những chú hạc tiên và những đám mây lành bay lơ lửng, trên sườn núi vẽ một Đạo đài. Bên cạnh Đạo đài vẽ một bàn cờ và cạnh bàn cờ có hai người đang đứng. Một người trong đó cầm cây sáo trên tay, hai tay vung lên như muốn bỏ chạy. Phía sau có một người khác đang đuổi theo người cầm sáo này…

Tiểu Dương Hồi hỏi:

“Ngài vẽ những thứ này là gì chứ? Con muốn xem mỹ nữ cơ!”

Sau khi hoàn thành nốt các chi tiết phụ trợ xung quanh bức vẽ, cuối cùng Vô Lưu tiên sinh vẽ đến “mỹ nữ”. Ngài chầm chậm phác ra một bé gái ở giữa tấm lụa. Cô bé này mặc bộ váy áo vàng nhạt màu lông ngỗng, có hai búi tóc trên đầu, trông rất hoạt bát dễ thương. Cô đang lấy tay che miệng, nghiêng người mỉm cười, nhưng hơi tiếc đây chỉ là bức ảnh nhìn từ sau lưng.

Vẽ đến đây, Vô Lưu tiên sinh dừng bút, hỏi:

“Vẽ xong rồi đó, tiểu cô nương xem cô ấy có đẹp hay không?”

Tiểu Dương Hồi đáp:

“Ngay cả khuôn mặt còn không nhìn thấy, đẹp ở chỗ nào được?”

Vô Lưu tiên sinh nói tiếp:

“Ta lại thấy rằng đây là đẹp nhất rồi đó”.

Tiểu Dương Hồi cãi lại:

“Khẩu vị của tiên sinh quả là độc đáo đó”.

Vô Lưu mỉm cười, quay mặt đi tiếp tục dạy cô, nói:

“Được rồi, ta vẽ xong cho con rồi đó, đến giờ lên lớp rồi”.

Vô Lưu thấy tiểu Dương Hồi bĩu môi, tỏ ý không mấy hài lòng, bèn dỗ dành:

“Cô nương à, mỹ nhân nằm ở cốt cách chứ không phải vỏ ngoài, họa bì nan họa cốt, họa cốt tất phải vô hình. Vừa rồi ta cũng định vẽ khuôn mặt cô ấy, nhưng chưa chắc con sẽ thấy đẹp, bởi vì con mắt nhìn của mỗi người khác nhau, gu thẩm mỹ vì vậy sẽ khác nhau”.

“Họa cốt tất sẽ không có hình tướng. Vậy thế nào là hữu hình trong vô hình nhỉ?” Tiểu Dương Hồi hỏi.

Vô Lưu tiên sinh giải thích:

“Vô hình tất phải mượn từ ngữ”.

Nói xong, tiên sinh lại lấy ra một mảnh lụa khác rồi viết ba chữ ở rìa bên phải của mảnh lụa. Ba chữ này ngày sau đã được truyền bá khắp thế gian…

(còn tiếp)

(1) Thân Quốc (申國): Là tên một nước, chư hầu đời nhà Chu, nay thuộc phía bắc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

(2) Tam yêu Lăng Hiên Viên (軒轅墳三妖): Tiểu thuyết thần thoại “Phong Thần diễn nghĩa” thời nhà Minh có nhắc đến ba con yêu tinh này, gồm: Hồ ly tinh Tô Đát Kỷ, Cửu đầu trĩ kê Hồ Hỷ Mị và Tỳ bà tinh Vương quý nhân.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/295805



Ngày đăng: 25-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.