Thắp sáng ngọn đèn tâm (36): Bậc trí giả ‘bất hoặc’



Tác giả: Quán Minh

[ChanhKien.org]

Trong thời đại mà phong tục lề thói trượt xuống hàng ngày, đạo đức suy đồi, thiện ác, thật giả khó phân biệt, nếu trong tâm mất đi chuẩn tắc đo lường, thì người ta sẽ dễ dàng hùa theo đám đông, đánh mất khả năng nhận diện thật giả. Một người nếu không có trí tuệ phân biệt thật giả, thì rất dễ bị những lời dối trá êm tai của tà ác làm cho mê hoặc, bị lừa gạt, hoặc lỡ bước lên thuyền giặc, làm ra những việc hoang đường thiếu lý trí, hậu quả ra sao, không cần nói ra nhưng ai cũng tự hiểu.

Khổng Tử từng nói: “Trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ” (tạm dịch: Người trí không mê hoặc, người dũng không sợ hãi). Tuy nhiên, muốn trở thành một người có trí tuệ sáng suốt, không bị mê hoặc thì lại chẳng phải chuyện dễ dàng. Ai cũng biết sự khác biệt giữa tờ 10 đồng và tờ 100 đồng, nhưng rất ít người có thể dùng mắt thường phân biệt được tờ 100 đồng là tiền thật hay tiền giả. Tại một chợ quê ở Trung Quốc đại lục, tôi từng chứng kiến một người nông dân bán rau cầm một tờ 100 đồng giả vừa nhận được mà khóc lóc thảm thiết, ông hối hận chửi rủa bản thân là kẻ ngốc không biết phân biệt được thật giả. Nhưng cho dù ông ấy có thể phân biệt được tờ tiền đó là thật hay giả, thì làm sao phân biệt được sữa bột giả, bằng cấp giả, luận văn giả, dầu ăn giả và vô số những sản phẩm giả khác? Vốn dĩ trong một xã hội đạo đức cao thượng, những sản phẩm giả này không nên tồn tại và cũng không thể tồn tại, chỉ có trong một xã hội mà đạo đức bại hoại thì mới có kẻ lấy việc sản xuất hàng giả làm nghề.

Từ đó có thể thấy, biết phân biệt sự vật là một phương diện, mà tu dưỡng đạo đức lại là một phương diện khác. Biết phân biệt sự vật thì không mê muội trước lợi ích, biết tu dưỡng đạo đức thì không lầm lạc khỏi Đạo. Hơn nữa, bậc trí giả chân chính không những phải biết phân biệt sự vật, mà còn phải tu dưỡng đạo đức; vừa không mê muội trước lợi ích, vừa không lầm lạc khỏi Đạo. Như vậy, câu nói: “Trí giả bất hoặc” không chỉ liên quan đến sự thông minh tài trí của một người, mà còn gắn liền với sự tu dưỡng đạo đức của người ấy. Một người nếu muốn trở thành bậc trí giả, thì không những phải vượt qua bài kiểm tra về trí lực, mà còn phải vượt qua khảo nghiệm về đạo đức; chỉ khi cả hai đều đạt, thì mới xứng đáng là một bậc trí giả sáng suốt ‘bất hoặc’.

Có những việc trên đời, rất nhiều khi là được khoác bên ngoài lớp áo choàng muôn màu muôn vẻ, và thường khiến người ta hoa mắt choáng ngợp, bị mê hoặc bởi vẻ bề ngoài. Nhưng bậc trí giả chân chính thì không chỉ nghe và nhìn những gì ở bề mặt, mà họ sẽ phân tích các động cơ và khả năng ẩn sau đó, rồi từ từ cân nhắc lựa chọn. Một trong những trí tuệ lớn nhất của con người trên thế gian này đó là “tri nhân” (biết nhìn người), nhưng khả năng phân biệt người tốt người xấu thì không phải ai cũng có. Trong sách của nhà văn Vương Đỉnh Quân từng kể một câu chuyện nhỏ giữa ông nội và hai cháu trai như sau:

Ông nội nói với các cháu rằng: “Làm người thì học vấn quan trọng nhất là biết phân biệt người tốt và người xấu”. Ông dùng một thỏi vàng làm phần thưởng, thử “tài nhìn người” của hai người cháu. Ông nói: “Các cháu đi điều tra xem Hồ Kiến An ở làng bên là người tốt hay người xấu, ai tìm ra đáp án đúng thì thỏi vàng này sẽ thuộc về người đó”. Hai người cháu vui vẻ ra đi, hớn hở trở về, cả hai đều nhìn thỏi vàng trên bàn với vẻ chắc thắng.

Cháu lớn tự tin nói: “Hồ Kiến An là người xấu, vì dân binh làng họ nói người này rất xấu, vị dân binh này biết rõ hành vi của từng người trong làng như lòng bàn tay”.

Ông nội lắc đầu nói: “Không đúng, dân binh đó là kẻ xấu. Kẻ xấu mà nói người khác xấu, thì nói không chừng người đó lại là người tốt”.

Cháu nhỏ nghe vậy, càng thêm tự tin, lập tức nói: “Ông nội, cháu thấy Hồ Kiến An là người tốt. Cháu đã đến thăm trưởng làng của họ và nhắc đến Hồ Kiến An, trưởng làng liên tục nói: ‘Người này rất tốt! Là người tốt!’”

Ông nội lại khẽ lắc đầu: “Có thể, nhưng chưa chắc. Trưởng làng đó vốn thật thà chân chất, sợ gây chuyện, không có dũng khí khen người thiện, chê kẻ ác”.

Thế rồi hai người cháu sốt ruột hỏi: “Vậy rốt cuộc Hồ Kiến An là người tốt hay người xấu ạ?” Ông nội mở mắt, mỉm cười, đưa tay lấy thỏi vàng cất lại vào hộp rồi nói: “Điều này phải tự các cháu đi tìm câu trả lời. Khi nào các cháu có được khả năng phân biệt người tốt người xấu, vàng sẽ nằm trong tay các cháu”.

Làm sao mới có thể đạt đến cảnh giới: “Trí giả bất hoặc?” Thực ra trước khi tu luyện, tôi cũng từng xem việc ăn uống chơi bời là “tốt”, xem nhẫn nhịn không tư lợi là “ngốc”. Do không nhìn thấu được lớp sương mù của đời người, không phân biệt được tốt và xấu thật sự, cho nên tôi luôn sống trong lo âu, nghi hoặc và sợ hãi. Chính cuốn sách Chuyển Pháp Luân của Đại sư Lý Hồng Chí đã gỡ bỏ hoàn toàn những mê hoặc trong lòng tôi, giúp tôi thực sự khai trí khai huệ ở trong Phật Pháp. Thực ra, để phân biệt tốt và xấu, thì chỉ có một thước đo vĩnh cửu bất biến, đó là chuẩn tắc “Chân – Thiện – Nhẫn”. Nếu trong tâm giữ vững “Chân – Thiện – Nhẫn”, thì dù trong môi trường nhân tâm phức tạp, chúng ta cũng vẫn có thể giữ được một trái tim trong sáng thấu suốt, không bị thế sự mê hoặc, và trở thành một bậc trí giả sáng suốt ‘bất hoặc’.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/47975



Ngày đăng: 12-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.