Thiếu niên thời không (05): Hương vị của tiền



Biên soạn: Tịnh Trúc Dẫn chương trình: Thuần Tử – Vạn Lai

[ChanhKien.org]

Xin chào các bạn thiếu niên thân mến! Chị là Thuần Tử. Tiết mục của kỳ này đúng dịp năm mới, trước tiên chị Thuần Tử chúc các bạn tại đây năm mới vui vẻ! Nói đến Tết, có thể chúng ta đều nghĩ đến “tiền lì xì”, vậy thì hôm nay chị Thuần Tử sẽ cùng các bạn nói về “tiền”, thứ mà hầu như mỗi ngày đều dùng đến, cùng xem rốt cuộc hương vị của nó là gì mà khiến chúng ta nhớ mãi không quên?

Có người nói: “Tiền” là “quả vui vẻ”, không những thơm ngon vừa miệng mà còn khiến người ta mê hoặc, càng ăn lại càng muốn ăn; cũng có người nói: “tiền” là một dòng suối khoáng, không những trong suốt ngọt lành mà còn khiến người ta lưu luyến không về, không uống không được; còn có người nói: “tiền” chính là thuốc phiện, không những trị được bệnh mà còn có thể đoạt mệnh. Vậy thì rốt cuộc nó là thứ gì?

Kỳ thực, các bạn biết không, từ cách đây hơn 1000 năm, tể tướng Trương thời vua Đường Huyền Tông Khai Nguyên đã nói về nó trong cuốn “Tiền bản thảo” do ông viết. Ông nói tiền giống như là một loại dược liệu có dược tính: “vị ngọt, rất nóng, có độc”. Nói có vị ngọt bởi vì nó có thể biến thành thức ăn ngon trong đĩa của chúng ta, biến thành quần áo chúng ta mặc, biến thành căn nhà xinh đẹp che mưa nắng, cuộc sống vui vẻ muốn gì được nấy, cho nên ai ai cũng thích và truy cầu tiền. Nói “rất nóng” bởi vì nó có thể dễ dàng khiến người ta mê mẩn, điên cuồng. Nói “có độc” bởi vì nếu người nào trong mắt chỉ toàn là tiền thì sẽ vì nó mà không điều ác nào không làm. Cho nên các bạn nhỏ à, làm sao để hương vị của “tiền” vừa ngon vừa có ích cho sức khỏe mới là điều chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta hãy nghe câu chuyện tiếp theo:

Sẵn lòng che ô cho người khác

Vào thời nhà Thanh, có một thương gia giàu có tên là Hồ Tuyết Nham, một hôm ông đang bàn chuyện kinh doanh với một vài vị trưởng chi nhánh tại cửa hàng, thì đột nhiên có một vị thương nhân mặt đầy lo lắng tìm đến. Hóa ra người này kinh doanh có vấn đề, cần gấp một số tiền lớn để xoay vòng, thực sự là không còn cách nào khác đành nghĩ đến việc đem tất cả gia sản của mình bán cho Hồ Tuyết Nham với giá cực kỳ rẻ.

Hồ Tuyết Nham nghe xong lập tức điều chuyển lượng lớn tiền mặt từ các chi nhánh về, lại kiên quyết mua toàn bộ sản nghiệp của vị thương nhân này với giá thị trường, ông cũng nói với thương nhân rằng mình chỉ tạm thời thay anh ta bảo quản số gia sản này, sau này có tiền anh có thể chuộc lại bất cứ lúc nào với giá gốc và trả thêm một chút tiền lãi là được rồi.

Thương nhân nghe xong vô cùng cảm kích. Thế nhưng người làm thuê cho Hồ Tuyết Nham lại không sao hiểu được chuyện này, bèn hỏi ông tại sao lại phải làm như vậy? Hồ Tuyết Nham liền kể cho họ nghe câu chuyện của mình thời trẻ. Hóa ra khi còn là một người làm thuê, Hồ Tuyết Nham thường đi thu tiền hàng ở các cửa hàng lân cận, mỗi khi gặp trời mưa ông đều chủ động che ô cho những người xa lạ không mang theo ô. Lâu dần, rất nhiều người trên đoạn đường đó đều biết ông, có lúc ông quên mang ô, những người từng được ông giúp trước đây lại đến che ô cho ông. Cho nên trước nay ông chưa bao giờ bị dính mưa vì không mang theo ô.

Hồ Tuyết Nham nói với mọi người: chỉ khi mình sẵn lòng che ô cho người khác thì người khác mới sẵn lòng che ô cho mình. Gia sản của vị thương nhân này có thể là do gia đình anh ta mấy đời tích góp, nếu tôi mua với giá thấp mà anh ta đưa ra, tuy rằng sẽ được món hời lớn, nhưng anh ấy có thể cả đời không phất lên được, tôi không hề muốn kiếm tiền như vậy. Tôi làm thế này vừa không hổ thẹn với lương tâm lại kết được bạn bè, bởi vì ai cũng có lúc không mang ô mà gặp trời mưa, có thể giúp người khác một chút thì nên giúp. Sau đó vị thương nhân này chuộc lại sản nghiệp của mình và cũng trở thành đối tác kinh doanh trung thực nhất của Hồ Tuyết Nham.

Sau khi nghe câu chuyện trên các em có cảm nghĩ gì? Tục ngữ có câu: “Quân tử ái tài thủ chi hữu đạo” (Người quân tử kiếm tiền đầu tiên phải có đạo đức). Lúc vị thương nhân gặp cảnh khó khăn, Hồ Tuyết Nham không những không thừa cơ chuộc lợi mà còn ra tay giúp đỡ. Sự nhận thức đúng đắn về “tiền” này không những khiến ông được tôn trọng và tán dương mà còn giúp ông trở thành vị thương nhân không có đối thủ trong lịch sử. Cho nên các bạn trẻ chúng ta nhìn nhận về “tiền” thế nào mới đúng đắn? Đây quả thực là điều đáng suy ngẫm đối với mỗi chúng ta.

Tiếp theo là một câu chuyện khác:

Khảo nghiệm về suất học bổng

Tôi tên là Tinh Tinh, là sinh viên đại học năm thứ tư, một buổi tối, tôi đang đọc sách ở ký túc xá thì cán sự lớp đến báo cho tôi một tin tốt và một tin xấu: tin tốt là điểm học tập kỳ vừa rồi của tôi đứng đầu toàn học viện, tin xấu là điểm đạo đức của tôi còn thiếu 5 điểm.

Lúc đó lớp trưởng đến nói: tin xấu cũng không tính là xấu, bạn chỉ cần xin giấy chứng nhận thực tập của đơn vị nào đó, hoặc giấy chứng nhận tình nguyện xã hội thì có thể được cộng thêm 5 điểm, là có thể giành được học bổng cao nhất của học viện và cơ hội xin học bổng của trường. Hai người họ còn hăng hái nói: Tinh Tinh à, đây không chỉ là cơ hội cực kỳ tốt cho bạn mà còn là vinh dự của cả lớp chúng ta. Mấy năm gần đây, suất học bổng hạng nhất này đều thuộc về sinh viên từ các lớp khác, đây là lần đầu tiên lớp mình có cơ hội nhận giải thưởng này, bạn thật sự khiến lớp chúng ta mở mày mở mặt đó.

Lúc đó tôi nghe cũng rất phấn khởi, bởi vì tính riêng giải nhất của Học viện đã là vài nghìn tệ, chưa kể học bổng của trường. Nhưng nghĩ lại, trong ba năm đại học, tôi không hề đi thực tập hay tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội nào. Vì vậy tôi thẳng thắn nói: “Thật đáng tiếc, mấy năm nay tôi không đi thực tập, cũng không tham gia hoạt động xã hội tình nguyện, không xin cấp được giấy chứng nhận đâu”.

Ban cán sự lớp và bạn cùng phòng nghe xong đều cười và nói: Hiện tại có nhiều người trong trường đều xin giấy chứng nhận giả để nâng cao điểm số đạo đức, chỉ là đại bộ phận sinh viên đều không đủ điểm học tập nên không đạt được học bổng. Vì điểm học tập của bạn đã đạt tiêu chuẩn, nên mọi thứ đều không thành vấn đề.” Vì vậy, họ thay nhau thuyết phục tôi xin cấp chứng chỉ giả.

“Nếu như không có chứng nhận, bạn không chỉ mất đi cơ hội xin học bổng của trường mà ngay cả giải nhất của học viện cũng không có được, hơn nữa còn khiến người lớp khác cười chúng ta”. Lớp trưởng thậm chí còn nói với tôi: “Làm người không nên quá bảo thủ”. Lúc đó trong tâm tôi cực kỳ khó chịu, nghĩ: tôi không muốn làm việc giả dối thì có gì sai? Thế nhưng đối mặt với vinh dự của lớp, tôi nên làm thế nào để giải thích với các bạn? Trong tâm tôi vô cùng mâu thuẫn, tôi liền gọi điện cho mẹ, mẹ nói với tôi:

“Tinh Tinh, con không làm điều giả dối chắc chắn là đúng, điểm đạo đức này chẳng phải là đánh giá phẩm hạnh của con người sao? Nếu như gian lận với điểm đạo đức thì đó thực sự là điều châm biếm lớn nhất”. Lời của mẹ khiến tôi ngay lập tức hiểu ra tôi nên làm thế nào. Vì thế tôi chủ động đến gặp ban cán sự lớp, thản nhiên nói với họ: tôi từ nhỏ cùng với mẹ tu luyện “Pháp Luân Công”, luôn chiểu theo tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Nhẫn” để ước thúc bản thân mình, có thái độ nghiêm túc đối với việc học, cho nên thành tích học tập luôn đứng đầu trong lớp, nếu hôm nay tôi nói dối làm chứng nhận để nhận được suất học bổng này, không những làm trái với tiêu chuẩn ‘Chân, Thiện, Nhẫn’, mà cũng không ‘Chân’, cho nên tôi thật tâm hy vọng các bạn trong lớp mình có thể hiểu được và ủng hộ lựa chọn của tôi”.

Không ngờ rằng mấy ngày sau, khi đang nghỉ cuối tuần ở nhà, tôi nhận được điện thoại của lớp trưởng, bạn ấy nói đã phản ánh tình huống của tôi cho người phụ trách, người phụ trách nói tôi thành thật không gian lận, nên không chỉ cộng 5 điểm vào điểm giáo dục đạo đức của tôi mà cô ấy còn thông báo cho tôi chuẩn bị nộp đơn xin học bổng của trường. Nghe tin này, tôi mỉm cười hạnh phúc, bởi vì đây là 5 điểm thật, không những khiến tôi thể hội được hạnh phúc và sự thuần khiết khi làm người tốt theo tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Nhẫn” của đặc tính của vũ trụ, mà cũng khiến tôi thể hội được niềm vui sướng và thản đãng khi không thẹn với lương tâm.

Các bạn trẻ, sau khi nghe xong có phải các bạn cũng đã “nếm được” vị ngọt của đồng tiền trong câu chuyện phải không? Kỳ thực chúng ta muốn nếm hương vị thơm ngon của tiền thì rất đơn giản, đó chính là dùng tiền vào việc Thiện, dùng để giúp đỡ những người lương thiện hướng họ về những điều quang minh và hạnh phúc. Cuối cùng chúng ta hãy cùng lắng nghe bài hát thiếu nhi “Con heo đất”:

Con heo đất

我有一头小花猪
Wǒ yǒu yī tóu xiǎo huā zhū
圆圆的眼睛胖嘟嘟
Yuán yuán de yǎn jīng pàng dū dū
我有零钱不乱花
Wǒ yǒu líng qián bú luàn huā
一毛一毛都喂它
Yī máo yī máo dōu wèi tā
月底一起给妈妈
Yuè dǐ yī qǐ gěi mā mā
制作真相救大家
Zhì zuò zhēn xiàng jiù dà jiā
小猪总是笑哈哈笑哈哈
Xiǎo zhū zǒng shì xiào hā hā xiào hā hā

Tạm dịch:

Tôi có một con heo nhỏ
Mắt tròn tròn béo mũm mĩm
Tôi có tiền lẻ không xài phí
Từng đồng từng đồng nhét nuôi heo
Cuối tháng tất cả đưa cho mẹ
Để làm tài liệu chân tướng cứu mọi người
Heo nhỏ cười suốt ha ha ha.

Tiết mục hôm nay đến đây là kết thúc rồi, hẹn gặp lại các bạn vào tiết mục kế tiếp nhé!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/273438



Ngày đăng: 23-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.