Trang chủ Right arrow Tu luyện Đại Pháp Right arrow Góc tiểu đệ tử

Trẻ nhỏ lớn lên và thành tài dưới ánh sáng của Đại Pháp

26-06-2025

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[ChanhKien.org]

Chúng ta từ trong Pháp nhận thức được rằng, con người thế gian ngày nay đều là những sinh mệnh từ tầng thứ cao giáng hạ xuống cõi trần để đắc Pháp. Đặc biệt là những đứa trẻ trong các gia đình học viên Đại Pháp thời Chính Pháp lại càng có mối duyên phi thường với Đại Pháp. Sư phụ từ bi vĩ đại đã tỉ mỉ an bài cho các cháu chuyển sinh trong luân hồi, đồng thời Ngài còn luôn quan tâm chăm sóc từng li từng tí, bồi đắp và dẫn dắt các cháu trưởng thành khỏe mạnh. Các cháu thực sự quá đỗi may mắn.

Tôi muốn chia sẻ một vài câu chuyện con trai tôi đã lớn lên và trưởng thành dưới ánh sáng của Đại Pháp, để chứng thực sự siêu thường vĩ đại của Đại Pháp, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với ân đức hồng đại của Sư phụ.

Tôi đắc Pháp năm 1997, khi ấy con trai tôi còn chưa sinh ra. Cho nên cháu ở trong bụng mẹ đã bắt đầu được nghe Sư phụ giảng Pháp, nghe nhạc của năm bài công pháp, nghe âm thanh thần tiên của Phổ Độ và Tế Thế, vậy nên cháu đã được hưởng ơn trạch cam lộ của Phật Pháp.

Đại Pháp giúp con có tấm lòng lương thiện từ nhỏ

Ngay sau khi con trai bắt đầu biết nói, tôi đã dạy cháu học thuộc một số bài thơ trong Hồng Ngâm. Đến học kỳ hai lớp một, tôi bắt đầu cho cháu đọc Luận Ngữ. Những chữ cháu chưa biết, tôi liền chỉ bảo. Dưới sự gia trì của Sư phụ, tuy cháu còn chưa biết được bao nhiêu chữ, nhưng vẫn có thể đọc được dù còn ngắc ngứ. Tôi rất hy vọng cháu có thể trở thành một tiểu đệ tử Đại Pháp nên đã khích lệ cháu học Chuyển Pháp Luân vài lần. Tuy nhiên, do hạn chế về tầng thứ tâm tính của bản thân, tôi không biết cách hướng dẫn cháu nhiều hơn trong việc đề cao tâm tính và làm người, cũng chưa thể lấy việc thực tu của mình làm tấm gương để giúp cháu hiểu ra và dẫn dắt cháu, dẫn đến cháu dần dần mất đi hứng thú học Pháp. Điều này khiến tôi vô cùng hối tiếc.

Mặc dù tôi chưa làm tròn bổn phận, nhưng chỉ với vài lần ít ỏi đọc Chuyển Pháp Luân, những Pháp lý của Đại Pháp đã sớm bén rễ trong tâm hồn non trẻ của cháu. Sư phụ giảng:

“Khi giáo dục cho trẻ nhỏ, vì muốn tương lai sau này có thể xác lập chỗ đứng trong xã hội người thường nên người lớn thường hay dạy bảo ngay từ tấm bé: “con phải biết sống khôn khéo”. Từ vũ trụ chúng ta mà xét thì thấy “khôn khéo” ấy đã sai quá rồi; bởi vì chúng tôi giảng tuỳ kỳ tự nhiên, đối với lợi ích cá nhân cần coi nhẹ. Nó mà khôn kiểu ấy, chính là chạy theo lợi ích cá nhân. “Đứa nào nạt dối con, con hãy tìm thầy giáo nó, tìm cha mẹ nó”; “thấy tiền [rơi] con hãy nhặt [bỏ túi]”, toàn giáo dục trẻ như thế. Từ bé đến lớn đứa trẻ tiếp thụ những thứ như thế rất nhiều, dần dần tại xã hội người thường tâm lý tự tư của nó càng ngày càng lớn; nó chỉ muốn chiếm lợi riêng cho mình, và nó sẽ tổn đức.” (Trích Bài giảng thứ Hai – Chuyển Pháp Luân)

Đương nhiên, nếu hỏi cháu về những Pháp lý này thì có thể cháu chưa chắc đã nói ra được, nhưng trong tâm cháu lại hiểu rõ ràng. Từ nhỏ cháu đã không nhặt tiền rơi trên đường. Khi mới khoảng năm, sáu tuổi, có lần nhìn thấy tờ tiền năm tệ rơi trên mặt đất trong khu dân cư, cháu liền nói với người bán hoa quả gần đó. Người ta bảo cháu cứ nhặt lấy, nhưng cháu nhất quyết không nhặt. Sau đó người bán hoa quả nhặt lên đưa cháu mua đồ ăn vặt, cháu cũng không lấy. Về sau người bán hoa quả kể lại với tôi: “Con chị thật ngoan, thấy tiền rơi trên đất cũng không nhặt”. Vì chuyện đó, tôi đã đặc biệt khen ngợi cháu.

Có lẽ lúc đó Sư phụ đã bắt đầu khảo nghiệm tâm tính của cháu rồi. Sau đó, Ngài không chỉ một lần để cháu nhìn thấy tiền rơi trên đất, và lần nào cháu cũng có thể coi như không thấy. Khi lớn hơn một chút, các quan niệm người thường nhiều lên, tâm ích kỷ cũng dần xuất hiện, cháu bắt đầu có những nhận thức và cảm nhận về giá trị và tác động của tiền bạc. Có lần cháu thấy trước cửa nhà đối diện có tờ mười tệ, cháu về nhà nói với tôi: “Mẹ ơi, lúc đó con động tâm rồi, nhưng cuối cùng con vẫn nhẫn được, không nhặt”.

Giờ đây khi đã trưởng thành, cháu vẫn luôn giữ được sự thiện lương. Hễ thấy người yếu thế, nghèo khó, cháu đều cố gắng giúp đỡ; về lợi ích vật chất thì không tranh giành với ai, khi gặp chuyện cũng luôn biết nghĩ cho người khác, dù bản thân có chịu thiệt cũng không oán trời trách người hay đố kỵ người khác. Tôi rất mừng khi thấy cháu không tham của bất nghĩa, vui vẻ giúp người, biết hy sinh lợi ích cá nhân để nhường cho người khác.

Vững tin rằng Sư phụ luôn bên mình

Tuy con trai tôi không học Pháp nhiều, nhưng đối với Đại Pháp và Sư phụ, cháu luôn giữ vững chính niệm, chính tín. Tôi không nhớ rõ là hồi cháu mấy tuổi, có một lần tôi hỏi: “Con ngưỡng mộ ai nhất?” Cháu lập tức trả lời: “Sư phụ!”

Có lần cháu trượt xe scooter, còn tôi thì dắt xe đạp đi theo sau, một lúc thì tôi mất dấu cháu. Bỗng một trận lốc xoáy mạnh nổi lên (chú thích: nếu là loại vòi rồng mạnh thì có thể cuốn cả ô tô lên trời). Khi ấy gió thổi tung hết quần áo khiến tôi không thể bước tiếp, bụi đất cũng làm mờ hết cả mắt. Lúc đó tôi vô cùng lo lắng cho sự an nguy của con. Sau khi gió lặng, tôi vội vàng đi tìm, thì cháu đã đến tìm tôi trước, lúc ấy mặt mũi cháu đầy bụi đất. Câu đầu tiên cháu nói ra lại là để an ủi tôi: “Mẹ ơi, mẹ đừng sợ, không sao đâu, có Sư phụ bảo hộ mà!” Tôi cảm động đến mức chẳng biết phải nói gì.

Giữ vững chính tín, phân rõ thiện ác

Khi con trai tôi học lớp 2 tiểu học, lớp phát khăn quàng đỏ và yêu cầu phụ huynh đóng tiền. Lúc đó, tôi đã viết một bức thư giảng chân tướng cho cô giáo và trả lại khăn quàng đỏ. Sau đó, cô giáo báo sự việc lên nhà trường. Chồng tôi biết chuyện rất tức giận, ép cháu phải gia nhập đội thiếu niên tiền phong của tà đảng. Đến lớp 8, trường lại yêu cầu tất cả học sinh gia nhập đoàn thanh niên. Vì trước đó tôi từng giảng chân tướng cho cô giáo chủ nhiệm của cháu nên cô gọi điện hỏi tôi rằng có cho cháu vào đoàn hay không. Tôi nói: “Không vào”. Khi con về nhà, tôi hỏi cháu: “Con có vào không?”. Cháu kiên định đáp: “Không vào”. Cuối cùng, cháu trở thành học sinh duy nhất trong lớp không gia nhập đoàn. Về sau khi điền vào các loại hồ sơ, ở mục “Tình trạng chính trị”, cháu luôn đường hoàng ghi là “quần chúng”.

Từ nhỏ con tôi rất ham chơi, không thích học hành, thành tích các môn đều không tốt. Nhưng có một lần trong bài kiểm tra môn Lịch sử ở lớp 8, đề bài có một câu hỏi: “Trong số Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tôn Trung Sơn, em ngưỡng mộ ai nhất? Vì sao?” Cháu trả lời: “Ngưỡng mộ Tôn Trung Sơn nhất, vì ông thực hiện chủ nghĩa Tam Dân”. Khi đọc được bài làm của con, tôi vừa kinh ngạc vừa xúc động. Dù cháu học không giỏi, nhưng lại có thể phân biệt rõ chính – tà, thiện – ác. Đây chính là phương diện quan trọng và quý giá nhất trong sinh mệnh một con người.

Năm 2015, khi phong trào khởi kiện Giang Trạch Dân bắt đầu, con tôi lúc đó mới vào cấp hai. Trong kỳ nghỉ hè, tôi dẫn cháu về nhà ông bà ngoại chơi. Vì cha mẹ tôi đều là đồng tu và cũng đã khởi kiện Giang, nên ngay ngày thứ hai sau khi chúng tôi đến đã có công an đến nhà quấy rối. Mấy người lớn lúc ấy gặp tình huống bất ngờ đều có phần bối rối không biết làm sao. Vậy mà con trai tôi lại rất lễ phép, rót nước mời công an ngồi, sau đó lặng lẽ đi vào phòng thờ Pháp tượng của Sư phụ, chắp tay cầu xin Sư phụ gia trì, bảo hộ cho mọi người được bình an vô sự. Sau khi công an rời đi, em gái tôi (người chưa tu luyện) nói: “Chị và mẹ đều không thể hiện được sự điềm tĩnh, ôn hòa và từ bi vốn có của người tu luyện, thậm chí còn không bằng một đứa trẻ hơn mười tuổi”. Tôi nghĩ lại mà thấy hổ thẹn vô cùng.

Khi con trai vào đại học, chồng tôi, vốn bị văn hóa Đảng đầu độc nặng nề, đã ép cháu phải gia nhập đoàn để sau này có thể gia nhập tà đảng, vì thế mà gia đình luôn trong cảnh căng thẳng, bất hòa. Dù tôi nói thế nào ông ấy cũng không chịu hiểu. Con trai tôi thì tâm trí rất sáng suốt, tự có chủ kiến, luôn kiên định không muốn gia nhập. Nhưng cháu cũng không muốn cha quá giận dữ, lại càng không muốn gia đình xung đột gay gắt, nên đã ôn hòa nói với cha rằng: “Sau này con muốn đi du học, nếu vào Đảng thì có thể sẽ bị ảnh hưởng”. Với ý chí kiên định và lời giải thích khéo léo, cuối cùng cháu cũng chuyển hóa được quan niệm cố chấp của cha và làm lắng dịu trận phong ba ấy.

Năm ngoái, khi tôi bị giam giữ phi pháp tại trại tạm giam, con trai tôi tích cực tìm cách giải cứu, luôn mong mỏi có thể mời được luật sư chính nghĩa biện hộ vô tội cho tôi, hy vọng tôi có thể đường đường chính chính bước ra khỏi trại tạm giam. Cháu cũng hy vọng qua quá trình này, cha của cháu, vốn luôn phản đối việc tôi tu luyện, có thể từ góc độ pháp luật thế tục mà hiểu ra rằng tu luyện Đại Pháp là không hề phạm pháp, từ đó thay đổi quan niệm, thái độ đối với Đại Pháp và nhìn rõ bộ mặt tà ác thật sự của ĐCSTQ. Đây là một cách hữu hiệu để giúp tôi có một hoàn cảnh tu luyện trong gia đình dễ chịu hơn.

Trong quá trình cứu mẹ, con trai tôi còn tự tay viết một bức thư khuyến thiện gửi đến thẩm phán chủ tọa, trong thư chân thành bày tỏ rằng: “Mẹ tôi tu luyện Đại Pháp chỉ để trở thành người tốt, không có gì sai cả. Tôi hy vọng thẩm phán có thể giữ gìn lương tri và thiện niệm, “giơ cao đánh khẽ”, tuyên bố vô tội và thả tự do cho người mẹ hiền lương, từ bi của tôi”. Tuy mong muốn của cháu không thể thành hiện thực, nhưng cháu đã tận tâm tận lực, làm tròn bổn phận của mình.

Khi nghỉ hè, cháu tranh thủ đi làm thêm, kiếm được một chút tiền. Tôi gợi ý cháu quyên góp 100 tệ cho điểm tài liệu, nhưng cháu đã đưa 200 tệ. Lần thứ hai cháu lại quyên góp tiếp 200 tệ nữa. Tuy số tiền không nhiều, nhưng một điểm tâm ý và tâm nguyện của cháu thật tốt đẹp và trân quý.

Chỉ ra thiếu sót của tôi, giúp tôi đề cao trong tu luyện

Khi tôi dần dần nhận thức được tầm quan trọng và sự trân quý của việc hướng nội tu luyện, con trai tôi cũng dùng thiện ý và trí huệ để chỉ ra những thiếu sót của tôi, giúp tôi đề cao tâm tính. Có lần, trong bữa cơm có ba người trong nhà, không nhớ rõ vì chuyện gì mà tôi đã nói lời bất thiện với chồng. Khi ấy con trai tôi không nói gì. Ăn xong, lúc tôi đang rửa bát, cháu bảo: “Mẹ à, để con rửa cho. Trên điện thoại con có một bài viết rất hay, mẹ xem thử đi”. Tôi đọc đoạn đầu, đại ý bài ấy nói về việc trong gia đình không nên dùng thái độ áp đặt. Trong lòng tôi nghĩ: “Bài này nên để cho bố nó đọc mới phải”. Nhưng khi tôi kiên nhẫn đọc hết, tôi mới nhớ ra rằng mình là người tu luyện, gặp mâu thuẫn trước tiên phải hướng nội tìm. Lúc ấy tôi mới nhận ra: chẳng phải bài viết này đang nói về chính mình sao? Sao lại cứ luôn đổ lỗi cho người khác?

Lúc ấy con trai tôi hỏi: “Mẹ nghĩ bài viết đó đang nói mẹ hay nói bố con?”. Tôi nói mình đã nhận ra lỗi của bản thân. Cháu bình tĩnh nói: “Mẹ dùng giọng điệu như thế nói bố, mẹ không nghĩ bố sẽ cảm thấy như thế nào sao?”. Tôi nghe xong rất hổ thẹn vì mình tu luyện bao năm rồi, mà còn không bằng con trai chưa tu luyện. Cháu cũng thường chỉ ra cho tôi những chỗ chưa tốt như: lời nói cứng nhắc, thiếu dịu dàng, thói quen tư duy mang nặng màu sắc văn hóa Đảng, v.v. Những lời ấy đã có tác dụng điểm ngộ, nhắc nhở, giúp tôi đề cao trong tu luyện.

Được Sư phụ bảo hộ, liên tiếp đắc phúc báo

Trước khi vào đại học, mặt con trai tôi nổi rất nhiều mụn. Cháu vốn là một thanh niên khá khôi ngô, người khác nhìn vào mặt lại thấy giật mình. Cháu đi bệnh viện, thẩm mỹ viện, bôi đủ loại thuốc đặc trị hay mỹ phẩm chăm sóc da nhưng đều không có tác dụng.

Khi cháu lên đại học, nơi chúng tôi sống xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, hai mẹ con bị phong tỏa trong nhà. Tôi nhân dịp đó khuyên cháu học Pháp, luyện công. Dù cháu chưa thể nhanh chóng bước vào trạng thái tinh tấn thực tu, mỗi ngày chỉ luyện công nửa tiếng, học Pháp nửa tiếng, nhưng điều kỳ diệu là: chỉ hơn một tuần, những nốt mụn trên mặt đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lại chút ít. Thực ra lúc đó cả hai mẹ con đều không có ý định lợi dụng việc học Pháp, luyện công để chữa mụn. Tôi chỉ hy vọng cháu đừng xa rời Đại Pháp. Kết quả “vô cầu nhi tự đắc”, Sư phụ đã tiêu nghiệp cho cháu rất nhiều, khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự thần kỳ của Đại Pháp và ân đức vô thượng của Sư phụ!

Tôi nhớ lại từ nhỏ cháu rất ham chơi, học hành lơ là, thành tích kém. Khi thi lên cấp ba, kết quả lại vượt xa dự đoán, đỗ vào một trường trung học rất tốt. Trong thời gian học cấp ba, cháu vẫn không chú tâm học văn hóa, vì là học sinh lớp chuyên thể thao nên thường lấy lý do “tập luyện” để đi chơi, khiến tôi rất phiền muộn, lo lắng không biết cháu có thi đỗ đại học hay không, trong lòng chỉ biết tự an ủi bằng câu “thuận theo tự nhiên”.

Gần cuối năm lớp 11, một người bạn học đề nghị cháu thử luyện một môn điền kinh, vì cháu có lợi thế về chiều cao. Cháu về nhà nói với tôi: “Chắc đây là Sư phụ an bài cho con”. Lúc ấy cháu có thể nghĩ đến Sư phụ an bài cho mình, thật sự rất quý báu. Nhưng vì thời gian còn lại chưa tới một năm, nên cuối cùng không đạt kết quả như mong muốn, đành phải ôn thi thêm một năm, thời gian luyện tập ngắn, độ khó cũng cao.

Nhưng thật không ngờ rằng, trong thời gian ôn thi lại, dường như có một sức mạnh thần kỳ nào đó đã đánh thức đứa con trai mê mờ, uể oải của tôi. Cháu đột nhiên thay đổi một cách kỳ diệu trên mọi phương diện — chủ động tự giác, nghiêm khắc với bản thân, chăm chỉ học tập. Cả thành tích văn hóa lẫn kết quả luyện tập thể thao chuyên ngành đều có bước tiến nhảy vọt, vượt ngoài sức tưởng tượng. Nhất định là nhờ có sự gia trì và an bài của Sư phụ, cháu đã thi đỗ vào một trường đại học lý tưởng.

Trong thời gian học đại học, cháu luôn cố gắng trên mọi phương diện, thành tích học tập các môn đều xuất sắc. Cháu đã thi đỗ cả chứng chỉ tiếng Anh cấp 4 và cấp 6 (điều mà rất ít sinh viên chuyên ngành thể thao làm được), và hằng năm đều giành được học bổng loại nhất. Năm thứ tư đại học, cháu được đề cử và được tuyển lên học cao học tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Gần đây, luận văn của cháu được chọn trình bày tại một hội nghị học thuật tổ chức ở một trong những trường đại học hàng đầu của thủ đô. Cháu còn được mời lên phát biểu tại hội nghị. Cha cháu xúc động thốt lên: “Thật không thể tin nổi! Trước đây nó viết một bài văn ngắn thôi cũng sai chính tả tùm lum, vậy mà bây giờ lại có thể đến các trường đại học hàng đầu để dự hội nghị học thuật, lại còn phát biểu nữa chứ!”

Năm nay, sau khi tôi kết thúc cảnh ngục tù oan sai và trở về nhà, trong buổi họp mặt gia đình bên ngoại, con trai tôi đã hài hước kể lại: “Lúc trước ông ngoại con đã định sẵn công việc cho con rồi, nói rằng sau này con ‘hoặc đi làm bảo vệ, hoặc đi bán đậu phụ’” (Câu nói ấy là lời đùa pha chút động viên của cha tôi dành cho đứa cháu trai). “Nhưng không ngờ, cuối cùng con lại có thể học cao học tại một trường trọng điểm”.

Tôi hiểu rất rõ, đây đều là Sư phụ cấp cho hết. Cháu có chính niệm với Đại Pháp, nên Sư phụ đã ban cho cháu hết thảy mọi điều tốt đẹp nhất. Con xin cảm tạ Sư tôn!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/296059

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài