Trang chủ Right arrow Nghệ thuật Right arrow Văn học

Huyền mộc ký (4-41)

19-07-2025

Tác giả: Thoại Bản tiên sinh

[ChanhKien.org]

Đầu giờ Thân.

Ở tân viện bên này, Tư Lễ Tinh Quân bắt đầu xướng lên:

“Tiếu ~ Lễ ~”.

Huyền Huyền thượng nhân ngồi trong chính đường, Trương Hữu Nhân quỳ xuống trước mặt ngài. Huyền Huyền thượng nhân dạy:

“Càn chủ Khôn bổ, làm Khôn thật không dễ dàng. Con trai, sau này con nhất định phải yêu thương bảo vệ, tôn trọng thê tử của mình. Nếu không quan tâm chu đáo được cho thê tử của mình, đó là lỗi của con”.

“Kính cẩn vâng theo lời dạy của Nghiêm Quân”, Trương Hữu Nhân chắp tay đáp lễ.

Lúc này, các sứ Thần trên Thiên thượng lại viết:

“… Người chồng có ba tội cần tránh. Tội thứ nhất là phóng túng dục vọng, sẽ khiến thọ mệnh tổn hại; tội thứ hai là khinh miệt thê tử, sẽ khiến phúc đức tiêu giảm; tội thứ ba là phụ (bạc), vô trách nhiệm với thê tử, sẽ làm giảm tài mất lộc…”

(Có câu rằng “vạn ác dâm vi thủ”, để chỉ rằng ác quả của tội dâm loạn là lớn nhất, tạo nghiệp nhiều nhất và khó gánh chịu nhất trong các loại tội lỗi của con người.)

(Thời Tần Thủy Hoàng có những luật lệ chính là đã tiết lộ một số thiên cơ. Ví như: “(Nếu) chồng là heo nọc thác vào, giết không phải tội”. Chính là nói, nếu người chồng vi phạm lời thề hôn nhân, thông gian với người khác, thì người vợ có lỡ giết anh ta cũng không phạm pháp. Thực là cũng có đạo lý. Người nào phạm tội dâm loạn ngoại tình, là tự đặt mình vào vị trí hèn kém nhất. Heo nọc chính là con heo, là gia súc, không ai coi anh là con người nữa. Mọi người đều có thể đánh mắng anh, không ai tôn trọng anh cả, và anh đã đánh mất đi hoàn toàn sự tôn nghiêm của bản thân. Bởi vì, anh đã vi phạm Thiên điều, bất tuân Thiên đạo.

Sau này, xuất hiện câu nói, gọi là “Thâm tình bất thọ”. Nếu một cá nhân quá coi trọng tình cảm nam nữ thì người đó phần đa thọ mệnh không dài. Tại sao? Hãy nghĩ xem, một người quá coi trọng ái tình thì liệu sắc tâm của người đó có đạm nhạt được không? Tình cảm và dục vọng có mối liên hệ lẫn nhau. Tâm sắc dục mạnh mẽ thì thọ mạng ngắn đi. Có người nghĩ: Được chết dưới đóa mẫu đơn cũng được gọi là ma phong lưu rồi. Kỳ thực, thọ mệnh nói đến này, không chỉ đơn giản nói về tuổi thọ ngắn dài của một sinh mạng kiếp này, mà còn chỉ về sức khỏe của bản thân người đó. Những người có sắc tâm mãnh liệt thì thân thể héo hon, và đa số sẽ bị bệnh tật giày vò.

Cho nên nói, tội dâm loạn là vô cùng nghiêm trọng, không thể xem thường.

Tội thứ hai là khinh thường thê tử, chính là khinh miệt. Ví dụ, bạo lực gia đình, không tôn trọng thê tử, không coi thê tử ra gì, quá tự cao tự đại đặt mình ở trung tâm v.v… Những điều này đều phạm vào tội khinh miệt thê tử. Trong một gia đình, vốn được định rằng Dương chủ đạo và Âm bổ trợ. Dương là người quyết định, là quyền lợi trời ban. Nhưng vì người chồng có quyền quyết định, anh chính là nên tôn trọng phái yếu, tôn trọng thê tử. Nữ nhi vốn yếu đuối, anh không thể bắt nạt người ta, bởi vì khi bắt nạt người ta, anh sẽ bị tiêu đi phúc phận của mình.

Tội thứ ba là “phụ”. Chữ “phụ” (負) này, nghĩa tiêu cực là phụ bạc, cô phụ, dựa dẫm, ở bên phía phụ… còn nghĩa tích cực là đảm đương, gánh vách trách nhiệm. Đối ngược với phụ là chính. Như vậy, trong Lưỡng nghi, Dương thuộc về “chính”, chứ không phải “phụ”.

Nếu thuộc tính của người nam biến thành phụ, anh ta không thể nuôi sống gia đình, cũng không còn vẻ mạnh mẽ nam tính, như vậy, sẽ không có cách nào bảo vệ vợ con.

Tội “phụ” của người nam bao gồm những vấn đề gì?

Đó là: không thể nuôi sống gia đình, không thể bảo vệ thê tử, không mạnh mẽ nam tính, lười biếng, khiến thê tử phải miễn cưỡng làm những việc của nam nhân, v.v… Tóm lại, nhất định phải có thuộc tính rắn rỏi mạnh mẽ của nam nhi. Tất nhiên còn phải bao gồm việc không so đo, chi li tính toán, nhã nhặn với thê tử của mình, v.v… Bằng không, chính là lỗi của nam nhân. Mà lỗi này, sẽ khiến anh ta tiêu tài tán lộc, chính vì anh ta không mạnh mẽ nam tính nên sẽ không kiếm được nhiều của cải.

Ngày nay, có những người luôn lấy dẫn chứng về bảy tội đáng bị đuổi khỏi nhà chồng (1) của nữ giới thời xưa ra để vin vào đó, nói rằng thời xưa không có nam nhân tốt, tất cả đều xấu xa nham hiểm, còn phụ nữ đều là thành phần bị hại và bị áp bức. Hoàn toàn không phải như thế! Thiên đạo ước thúc tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ. Anh là phận nam nhi thì anh được quyền làm bất cứ điều gì mình muốn? Vi phạm Thiên đạo mà không chịu báo ứng nào? Vậy chẳng phải là trò cười sao? Người xưa lẽ nào lại không hiểu những đạo lý này?)

Huyền Huyền thượng nhân lấy ra một chiếc bình nhỏ xinh xắn và cực kỳ tinh xảo, rót một chén Ngọc Chu (chén ngọc hình chiếc thuyền nhỏ) đầy rượu Lễ Tuyền, đứng dậy, trang trọng dâng lên trời cao; chén rượu Lễ Tuyền này bay về phía chân trời rồi từ từ ẩn mất không còn thấy đâu nữa.

Huyền Huyền thượng nhân lại rót thêm một chén Ngọc Chu đầy rượu Lễ Tuyền khác, đưa cho Trương Hữu Nhân.

Trương Hữu Nhân uống cạn, bái tạ Nghiêm Quân.

Huyền Huyền thượng nhân thấy trong chén Ngọc Chu không còn một giọt rượu Lễ Tuyền nào, tất cả đã được Trương Hữu Nhân uống hết, cảm thấy rất hài lòng. Bởi vì chén Ngọc Chu này chính là vũ trụ, là điềm lành. Huyền Huyền thượng nhân nói với Trương Hữu Nhân:

“Xem ra, cơ nghiệp của cha ông, con trai con đã có thể kế thừa”.

(Những nghi lễ cổ xưa có quan trọng hay không? Trong đó đều ẩn chứa những hàm ý sâu xa. Hơn nữa, là chính chúng Thần đã đích thân diễn giải nghi thức văn hóa hôn nhân này, nhìn bề mặt chỉ có vài dòng ngắn ngủi, nhưng giống như người ta cưới vợ, mỗi câu nói ra đều không phải lời vô nghĩa. Ví như câu nói vừa rồi của Huyền Huyền thượng nhân, Càn chủ Khôn bổ, đó chính là nói cho các bậc trượng phu (các ông chồng) trong thiên hạ, các anh phải là người làm chủ, phải mạnh mẽ nam tính. Lại nữa, phải yêu thương che chở, tôn trọng thê tử, hiểu rằng yêu thương che chở chính là không phạm tội phụ bạc. Biết tôn trọng sẽ không phạm tội khinh miệt. Vì thê tử của mình mà suy nghĩ, tự nhiên sẽ giữ được thân xác trước cám dỗ bên ngoài. Làm bậc trượng phu khi luôn nghĩ đến thê tử thì tự nhiên sẽ không phóng đãng, bởi vì trong tâm anh luôn có hình bóng thê tử của mình!)

Chính Thân. (4:00 giờ chiều)

Hết thảy đều đã sẵn sàng, Tư Lễ Tinh Quân nghiêm trang xướng lên:

“Thân ~ Nghênh~”.

Đoàn rước dâu (Nghênh thân) cuối cùng cũng đã đến giờ xuất phát.

Trương Hữu Nhân vừa ra khỏi nhà, ngẩng đầu nhìn trời, thấy khắp trời đều là các vị Thần Tiên, đông đảo đến mức gần như không còn chỗ đứng.

Trương Hữu Nhân cũng là người đang tu luyện, hơn nữa chỉ mới 19 tuổi. Tuy trên mặt không thể hiện ra, nhưng trong lòng vẫn có chút khấp khởi mừng thầm:

“Lễ thành thân của mình, các vị Thần Tiên đến xem đông đảo như thế, có lẽ mình cũng là người ‘xuất sắc’ đây…”

Trong khi đó, ở biệt viện bên này, nghe thấy tiếng nhạc lễ trang nghiêm vang lên từ xa, các vị Thần trong biệt viện nói:

“Đến rồi, trải chiếu đóng cửa”.

Một đoạn chiếu trúc tuyệt đẹp, dài và mịn như lụa được trải ra ở trước cổng biệt viện, đồng thời, cổng viện cũng đóng lại. Dương Hồi ngồi trong phòng lặng lẽ chờ đợi…

Tiếng nhạc lễ vang lên ngày càng gần, chẳng mấy chốc đã đến rất gần biệt viện.

Tư Lễ Tinh Quân tuyên:

“Thiên Địa nơi Tam Giới,
Kỷ nguyên mới bắt đầu
Thiên Khung cùng Địa Khôn
Làm thân người nơi ấy
Định cương thường luân lý
Chính Thiên Địa Âm Dương”

Lúc này, trong khi Tư Lễ Tinh Quân đang phát biểu, Hồng Vương và Nhạn Mẫu dẫn theo một đàn Nhạn con, bay trong không trung xếp thành nhiều dạng của chữ “Nhân”.

Trên bầu trời còn có tám con rồng vàng đang bay vòng múa lượn.

Chú phượng hoàng màu tuyết trắng cũng dẫn theo một đàn đông đảo các chú phượng hoàng con múa lượn trên trời.

Chim Hồng và rồng vàng hoạt động ở phía đông, còn chim Nhạn và Phượng hoàng ở phía tây.

Trương Hữu Nhân đội mũ miện rồng vàng, trên thân mặc bộ lễ phục màu đỏ đậm, từ từ tiến vào chỗ chiếc chiếu lụa.

Tư Lễ Tinh Quân tiếp tục xướng lên:

“… Đặt định hôn nhân đạo nghĩa, ban ra Pháp đạo Thiên quy
Chư Thần thân truyền văn hóa, đức hưng Trung Thổ Hoa Hạ…”

Chu Thiên tử Cơ Phát chứng kiến cảnh này thì vô cùng kinh ngạc, quần thần của ông ta cũng dán mắt chăm chú, sửng sốt thập phần…

Đầu giờ Dậu.

Ngọc Thanh Thiên Vương ra cửa, đích thân đón tiếp chàng rể quý.

Trương Hữu Nhân thấy Thiên Vương liền chắp tay vái lạy, hành “Thiên y lễ”, đáp lại, Ngọc Thanh Thiên Vương cũng chắp tay hành “Địa y lễ”.

Ngọc Thanh Thiên Vương mỉm cười nhìn Trương Hữu Nhân, từ trong mắt đẩy ra một viên ngọc sáng ngời trong suốt.

Ngọc Thanh Thiên Vương cầm viên minh châu này trong lòng bàn tay, nhìn đi nhìn lại tỏ vẻ đắn đo quyến luyến, sau một lúc mới trịnh trọng trao nó cho Trương Hữu Nhân.

Điều này có ý tứ rằng, viên minh châu này sẽ được giao phó đi dù trong lòng không nỡ. Trương Hữu Nhân lúc này nước mắt lưng tròng, quỳ một bên gối xuống, hai tay đưa lên đón lấy viên minh châu, gọi to một tiếng:

“Nhạc phụ!”

Lúc này, Chu Thiên tử đứng ngay sau Trương Hữu Nhân cũng dâng trào cảm xúc, nước mắt rưng rưng.

Trương Hữu Nhân cẩn thận từng chút, hai tay run run, ôm viên minh châu vào ngực, nghiêm trang nói:

“Xin cha hãy yên lòng, con hứa sẽ chăm sóc Dương Hồi thật tốt”.

Ngọc Thanh Thiên Vương mỉm cười vừa đỡ Trương Hữu Nhân đứng dậy vừa vỗ về:

“Con rể quý! Con rể quý! Ha ha ha!”

Lúc này, phượng hoàng từ trên trời kêu lên một tiếng dài:

“Ô ~”.

Tư Lễ Tinh Quân lại trang trọng xướng lên:

“Xuất ~ Các~”.

Cửa viện từ từ mở ra, Dương Hồi cầm quạt rèm nước, ngồi ngay ngắn trên lưng phượng hoàng vàng, hai hàng mi dài cong vút khẽ cụp xuống, vẻ mặt bẽn lẽn thẹn thùng.

Lúc này, tám con rồng vàng trên không trung nhanh chóng dùng thân rồng của mình vun vút đan nhau thành một chiếc chiếu rồng. Chiếc chiếu rồng này hình vuông, bên trái có ba đầu rồng, bên phải có ba đầu rồng, dưới đuôi có một đầu rồng, còn phía trước là một đầu rồng lớn.

Sau khi đan xong, chiếc chiếu này bay lơ lửng trong không trung. Cũng lúc này, một chiếc xe vàng lớn từ không trung chậm rãi hạ xuống, từ từ đáp xuống bên trên chiếc chiếu rồng.

Bây giờ Trương Hữu Nhân đã mặt đối mặt với Dương Hồi, liền chắp tay hành “Thời Y Lễ” thể hiện sự chào hỏi trang trọng trong phút đầu gặp gỡ, Dương Hồi trang trọng chắp tay hành “Túc Lễ” để cung kính chào lại đối phương.

Lúc này, đàn thiên điểu gồm chim hồng và chim nhạn bay xếp thành một chữ “Nhân” cực lớn trong không trung.

Một chú chim nhạn trong bộ thủ chữ “Nhân” bay về phía nóc biệt viện rồi hạ xuống.

Tư Lễ Tinh Quân tiếp tục xướng lên:

“Thừa ~ Liễn ~” (Ngồi xe).

Phượng hoàng vàng cõng Dương Hồi trên lưng, từ từ bay lên không trung, lượn một vòng về phía tây, rồi bay hướng về phía xe rồng.

Phượng hoàng tuyết bắt đầu hót, đàn phượng hoàng nhỏ tung tăng múa lượn.

Những áng mây ánh lên màu đỏ tía bởi ráng chiều, rực rỡ và mỹ lệ, bồng bềnh bay lượn khắp không trung, hai chòm mây đỏ thẫm mỹ lệ nhất biến thành dải khăn choàng, hạ xuống rủ lên vai Dương Hồi.

Lúc này, phượng hoàng vàng đã đưa Dương Hồi đến cửa xe rồng, Trương Hữu Nhân đang đứng ở cửa xe rồng chờ đợi.

Phượng hoàng vàng mau chóng biến thành nhỏ xíu, đáp xuống đứng trên vành hoa sơn trà phía trên mũ miện của Dương Hồi, biến mũ miện này thành mũ miện phượng hoàng.

Chiếc khăn choàng vắt qua vai, mang ý nghĩa là “đoan chính”, mũ miện phượng hoàng đội trên đầu, có ý nghĩa là “trang nghiêm”. Điều này để nói với nữ giới rằng, người con gái sau khi kết hôn nhất định phải giữ mình đoan chính, trang nghiêm.

Trương Hữu Nhân lại quay về phía Dương Hồi hành Thời Y Lễ, mời Dương Hồi lên kiệu. Sau khi Dương Hồi đáp lễ, Trương Hữu Nhân đỡ nàng lên xe rồng.

Trương Hữu Nhân sau đó chắp tay hành Thiên Y Lễ để chào chúng Thần trên Thiên thượng, rồi lại hướng xuống hạ giới hành Địa Y Lễ để chào chúng sinh.

Cuối cùng, anh nhấc vạt chiếc áo choàng màu đỏ thẫm lên, bước lên lưng rồng. Lúc này, nghe thấy Tư Lễ Tinh Quân tiếp tục xướng lên:

“Khởi ~ Kiệu ~”.

Trương Hữu Nhân mang theo Dương Hồi, điều khiển xe rồng bay đi.

Họ bay xuyên qua các tầng không gian, bay quanh không gian bề mặt của Tam giới ba vòng. Vòng thứ nhất để chính Âm Dương, vòng thứ hai thể hiện Lưỡng Nghi, vòng thứ ba biểu thị Tam giới.

Dương Hồi ngồi trong xe rồng, trong lòng rộn ràng, dâng tràn cảm xúc, bởi vì cô cũng vừa được chứng kiến cảnh tượng có rất nhiều vị Thần xuất hiện trên Thiên thượng, tất cả đều đang chăm chú nhìn cô. Vì cô đang là người tu luyện, cho nên cũng không tránh khỏi khởi tâm hoan hỷ vui mừng.

Đầu giờ Tuất. (8:00 giờ tối)

Long xa đáp xuống cổng Trương phủ tân viện, ở cổng phủ viện, bữa tiệc thịnh soạn với các mâm cỗ đầy ắp được bày biện thành một hàng dài.

Trương Hữu Nhân đỡ Dương Hồi xuống xe kiệu, tiến vào buổi tiệc. Nguyệt Thần nâng trên tay chiếc đèn sáng để soi đường, dẫn đường cho họ, các nàng Tiên hoa rải hoa, rất nhiều các Thổ Địa Lang (con trai của Thần Thổ Địa) ở trên mặt đất chạy nhảy tung tăng, tạo thành vầng hoa đăng rực rỡ lấp lánh sáng rực bầu trời.

Vào thời khắc đó, ban đêm ở ốc đảo Trương Gia sáng rỡ tựa ban ngày, ánh hoa đăng trong bầu trời đêm tỏa ra sáng chói, lộng lẫy huy hoàng.

Lại nghe Tư Lễ Tinh Quân xướng lên:

“Ốc ~ Quán ~” (Lễ rửa tay).

Chim Đào Hòa bay đến trước mặt hai người rồi há miệng ra, dòng nước cam lồ trong miệng chú chim từ từ chảy ra.

Hai người họ dùng nước cam lồ rửa tay, các cậu bé là con trai của Thần Thổ Địa thò đầu ra khỏi đất, há cái miệng nhỏ xíu uống những giọt nước này đang rơi xuống.

Rửa tay xong, hai người họ chầm chậm di chuyển đến cửa từ đường. Trương Hữu Nhân bước lên trước thắp hương, Dương Hồi đứng đợi ở cửa.

(Đây là lời giải thích cho sự việc này. Thời xưa nữ nhi không được phép vào từ đường. Tại sao? Chính là để bảo vệ phụ nữ. Từ đường là nơi thờ cúng tổ tiên và người đã khuất, cho nên, có ma quỷ trú ngụ ở đây. Nữ nhi là phái yếu, nếu bước vào đây sẽ rất dễ bị phụ thể hoặc những thứ ngoại lai ở không gian khác bám lên.

Lại nói, nữ nhi có nhất thiết phải làm những việc mà nam nhi có thể làm không? Anh ta đảm nhận thờ cúng tổ tiên và làm thay cho bạn chẳng phải là điều tốt sao? Đó không phải là nơi có phong cảnh đẹp đẽ, vậy bạn vào đó làm gì? Nếu bạn không đến, không đảm nhận phần trách nhiệm đó, mà tận hưởng những giây phút thư thái thanh nhàn mà nữ nhi nên được hưởng chẳng phải tốt hơn sao? Thời xưa, nữ nhi vào từ đường đều là phạm phải tội nào đó nên vào đó để bị trừng phạt. Phụ nữ thời xưa chưa bao giờ cảm thấy trong lòng khó chịu không vui hay thấy bị phân biệt đối xử khi bản thân không được bước vào nơi này. Thay vào đó, ngày nay, những kẻ có động cơ ám muội đang cố tình kích động cảm xúc của những người không hiểu văn hóa truyền thống, cố tình bôi nhọ, bóp méo văn hóa truyền thống)

Một lúc sau, Trương Hữu Nhân bước ra khỏi từ đường, Tư Lễ Tinh Quân lại xướng lên:

“Nhất Khấu ~ Thiên Địa ~”.

Trương Hữu Nhân và Dương Hồi cùng quỳ xuống thực hiện nghi thức đại lễ “Tam Lễ Cửu Khấu”, ba lạy chín dập đầu trước bài vị Thiên Địa.

Sau khi hành lễ trước bài vị Thiên Địa, Trương Hữu Nhân và Dương Hồi bước vào chính đường, nhìn thấy Huyền Huyền thượng nhân đang ngồi ở đây.

Tư Lễ Tinh Quân lại xướng lên:

“Nhị bái ~ Cao Đường ~”.

Trương Hữu Nhân và Dương Hồi quỳ xuống cúi người khum tay bái Huyền Huyền thượng nhân.

Tư Lễ Tinh Quân tiếp tục hô lên:

“Phu Thê ~ Y Lễ ~”.

Trương Hữu Nhân đứng đối mặt với Dương Hồi, cúi người vòng hai tay khum tay hành “Không thủ lễ” với cô, Dương Hồi cũng cúi gập người khum tay hành “Tú lễ”, cung kính bái lại Trương Hữu Nhân.

(Ngày nay, người ta nói rằng bái đường nghĩa là Nhất bái Thiên Địa, Nhị bái Cao Đường, Phu thê đối bái. Tuy chữ “bái” này có hàm nghĩa không giống nhau, nhưng dùng chữ “bái” đối với Thiên Địa, Cao Đường, Phu Thê, không thể hiện được rõ ràng tôn ti thứ bậc. Dẫn đến trong các hôn lễ ở đời sau, khi mọi người bái Thiên Địa, Cao Đường và Phu Thê đã chỉ dùng cùng một nghi thức lễ tiết như nhau, điều này làm sao có thể được?

Biểu hiện điển hình là sự thiếu tôn kính đối với Thiên Địa. Thiên Địa là Thần minh, là lão Thiên gia, làm sao có thể đối đãi giống như con người được? Đây chính là tôn ti trật tự đã lẫn lộn không còn phân biệt rõ ràng được nữa.

Cho nên, nghi thức đối với Thiên Địa phải thể hiện sự tôn kính nhất. Nho gia cũng bắt nguồn từ Đạo gia. Vào những ngày quan trọng này, nghi thức tôn kính nhất của Đạo gia đối với Thần minh chính là là “tam lễ cửu khấu”.

Còn đối với con người, nghi thức tôn kính nhất chính là quỳ xuống cúi người khum tay hành lễ.

Giữa vợ chồng với nhau, có bình đẳng, cho nên họ chắp tay cúi chào nhau.

Như vậy tôn ti trật tự mới được thể hiện ra.

Nếu tôn ti trật tự không còn, nhân gian chẳng phải sẽ hỗn loạn lên rồi? Quân không ra Quân, Thần chẳng ra Thần, cha không ra phận cha, con chẳng phải đạo con, vậy không phải là xong rồi sao? Cho nên, Thần muốn con người phải coi trọng lễ nghi, phải có tôn ti trật tự, như vậy thiên hạ mới có thể bình ổn an hòa được.

Xin nhắc lại một chút ở đây, rằng bình đẳng không phải bình quân. Bình quân là nam nữ cùng làm một việc giống nhau, điều này không đúng. Nam nữ không nên làm những việc giống nhau. Nam nhân có việc của nam nhân cần làm, nữ nhân có việc của nữ nhân phải làm. Không bình quân không có nghĩa là không bình đẳng vậy)

Đột nhiên, chiếc quạt rèm nước trong suốt trong tay Dương Hồi biến thành làn nước trong vắt, những giọt nước bắn lên mặt cô. Từ bấy giờ, vẻ mặt của Dương Hồi không còn biểu hiện ra sự lạnh lùng nghiêm nghị nữa.

Lúc này, một số người khiêng chiếc bàn lên. Trên bàn chỉ có một món ăn duy nhất, một bát hạt kê nấu. Còn có thêm hai đôi đũa. Trương Hữu Nhân ngồi đối diện Dương Hồi.

Nghe thấy Tư Lễ Tinh Quân xướng lên:

“Đồng ~ Lao ~”.

Hai người cùng cầm đũa lên, mỗi người gắp một miếng hạt kê trong bát rồi đưa lên miệng.

(Chữ Đồng Lao trong lễ Đồng Lao, hàm ý chân thực là chỉ hai người ở chung trong một lao phòng (nhà giam), chứ không phải ăn chung một miếng thịt gia súc như con người ngày nay diễn giải. Tại sao vậy? Thuyết vô thần rất khó lý giải điều này. Nhân gian chính là một “đại lao”. Con người đều có tội và bị giam cầm ở đây, chờ đợi cơ duyên đắc Đại Pháp, để có thể phản bổn quy chân, tu luyện trở về. Cho nên, phu thê ở nhân gian thực sự có tình giao hảo như trong cùng một lao phòng vậy.

Vậy còn ăn hạt kê là thế nào? Kê là một loại lương thực. Kê trong tiếng Trung đồng âm với “Túc”, nghĩa là hai người các vị phải cùng ở trong hồng trần này, cùng trên địa cầu này mà ăn đời ở kiếp với nhau)

Dương Hồi nhìn Trương Hữu Nhân, Trương Hữu Nhân cũng nhìn Dương Hồi, cả hai cùng mỉm cười, xem ra, hai người họ, tâm hoan hỷ đã khởi lên không ít.

Lúc này, bát hạt kê trên bàn được lấy đi, thay vào đó là hai nửa quả bầu (bầu hồ lô), bên trong bầu chứa đầy rượu.

Hai người họ vui mừng khấp khởi, vừa định nâng bầu rượu lên thì nghe thấy sứ Thần trên trời nghiêm túc nhắc:

“Trương Hữu Nhân Dương Hồi, hai người đã bái Thiên Địa Thần minh, đã lập thệ ngôn. Sau khi hôn lễ đã thành, kết duyên phu phụ. Từ nay về sau, nếu chỉ vì bản thân, ích kỷ tư lợi, phá thề hủy ước, sẽ hứng chịu Thiên chu Địa diệt!”

“Nếu chỉ vì bản thân, ích kỷ tư lợi, phá thề hủy ước, sẽ hứng chịu Thiên chu Địa diệt!” Một vị Thần khác lặp lại hô lên.

“Phá thề hủy ước, Địa diệt Thiên chu!” Các vị Thần đồng thanh hô lớn.

Trương Hữu Nhân và Dương Hồi nghe được lời nhắc nhở nghiêm túc này của các vị Thần, đôi môi từ từ mím lại, khóe miệng cong lên…

Vào lúc những lời này được nói ra, còn một người nữa nghe được, đó là Chu Thiên tử Cơ Phát.

Chu Thiên tử giật mình kinh ngạc. Dù ông biết hôn nhân vốn là chuyện trọng đại, nhưng vẫn không ngờ rằng nếu vì bản thân, ích kỷ tư lợi, phá thề hủy ước, tương lai lại đắc tội lớn đến thế! Điều này khiến ông cảm thấy không rét mà run.

Là vậy đó, các vị cho rằng Thần đến tham dự hôn lễ của các vị sao? Đương nhiên không phải như vậy, họ là đến để chứng kiến lời thề.

Hôn nhân, chỉ cần các vị đã bái Thiên Địa thì cũng chính là đã ở trước các vị Thần minh mà phát thệ ngôn.

Và phàm là đã phát thệ ngôn, bất kể loại thệ ngôn nào, đều là cực kỳ nghiêm túc, cực kỳ nghiêm túc.

Cho nên nói người xưa xem trọng hôn nhân. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tề gia, đã là việc quan trọng như thế. Không có gia đình, làm sao có quốc gia? Quốc gia là do các phần tử gia đình cấu tạo thành. Không có gia đình, sẽ không có sự sinh sôi nảy nở nhân loại đời sau. Mà gia phong có liên quan đến thế phong, là hình thái phong vận của xã hội, và phong vận xã hội này cũng chính là do gia phong kiến tạo mà thành.

Lúc này, lại nghe Tư Lễ Tinh Quân xướng lên:

“Hợp ~ Cẩn ~”. (2)

Đây là bước cuối cùng trong thủ tục của một lễ thành hôn, Hợp cẩn.

Trương Hữu Nhân và Dương Hồi chưa kịp định thần, đã nghe đám tùy tùng thị nữ thì thầm:

“Tân lang! Tân nương! Đến Hợp cẩn rồi!”

Dương Hồi dùng tay phải nâng bầu rượu lên, tay cô run bắn, đến nỗi suýt chút nữa làm đổ rượu ra ngoài, cô vội vàng đưa tay trái lên, giữ chặt đầu kia của bầu rượu.

Cô nhìn Trương Hữu Nhân, những giọt mồ hôi đang túa ra chảy ròng ròng trên mặt anh ta.

Người thường ở đây cũng kịp phát hiện ra hình như tân lang tân nương đã không còn vui vẻ tự nhiên như trước, nhưng Chu Thiên tử thì biết rõ vì sao một người lại run tay còn một người thì toát mồ hôi hột.

Dương Hồi và Trương Hữu Nhân cùng nâng bầu rượu lên, hai người nhìn nhau, trong ánh mắt hiện lên vẻ lo lắng trộn lẫn với mấy phần sợ hãi, nhưng ánh mắt ấy dần dần chuyển thành kiên định.

Cả hai đều hiểu rõ, sau khi uống bầu rượu này, họ đã suốt đời trở thành Phu – Thê!

Uống chén rượu này vào, nào phải vì chuyện chàng chàng thiếp thiếp, hay tình tình ái ái? Chuyện tình ái kia làm sao có thể sánh được với mức độ tôn nghiêm trang trọng của hôn nhân? Hôn nhân, là sự kết hợp của hai người được đổi bằng lời thề trịnh trọng và nghiêm túc nhất…..

Chén rượu Hợp cẩn này, uống vào chính là để đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau!

Lúc này, Trương Hữu Nhân và Dương Hồi đều đã tự mình củng cố vững chắc niềm tin vào hôn nhân. Hai người nhìn vào mắt nhau, kiên định gật đầu, nâng bầu Hợp cẩn lên, uống cạn!

Đắng quá.

Đó là tiếng kêu trong lòng Dương Hồi, cũng là tiếng nói trong lòng Trương Hữu Nhân.

Rượu ủ từ quả bầu hồ lô, tất nhiên vừa đắng vừa chát. Giống như nhân gian này, ai mà chẳng nếm trải đắng cay nhiều hơn dịu ngọt. Phu thê, chính là phải cùng nhau tu luyện trong hồng trần bể khổ, cởi mở với nhau, bên nhau mà đối đãi chân thành.

“Lễ ~ Thành ~”.

Chư Thần đích thân diễn giải văn hóa, để lưu lại cho nhân gian nghĩa lý chân chính của hôn nhân. Các quan văn của Chu Thiên tử Cơ Phát đã ghi chép lại đại lễ thành hôn này, cho nên, triều Chu có hệ thống chế độ và quy phạm nghi lễ rõ ràng đối với hôn nhân. Còn các vị sứ Thần trên Thiên thượng, thông qua những diễn giải từ Nguyên Thủy Thiên Tôn, Hồng Quân Lão Tổ, Trương Hữu Nhân và Dương Hồi, đã tổng kết nên các thiên quy thiên điều, là các điều luật quy tắc trên Thiên thượng về hôn nhân nơi hạ giới cũng như sự kết hợp Âm – Dương ở chốn nhân gian.

Con người trên mặt đất ghi chép là văn hóa, Thần trên Thiên thượng tổng kết là Thiên điều. Văn hóa Thần truyền nơi Trung thổ, là trực tiếp đối ứng với Thiên điều trên Thiên thượng. Phản bội, vứt bỏ văn hóa, bằng như xúc phạm Thiên điều, bằng như khiến toàn thể người Trung Quốc quay lưng lại và vứt bỏ văn hóa Thần truyền của dân tộc Trung Hoa, chính là muốn toàn thể người dân Trung Quốc xúc phạm Thiên điều — mục đích chính là muốn hủy diệt toàn bộ dân tộc Trung Hoa.

(còn tiếp)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/296622

Chú thích của người dịch:

(1) Thất xuất tội (七出罪): Bảy tội dẫn đến người phụ nữ thời xưa bị đuổi khỏi nhà chồng. Bảy tội đó là: Không con, dâm đãng, không hầu hạ cha mẹ chồng, cãi vã chửi lộn, trộm cắp, ghen tuông, bệnh nặng khó cứu. Luật nhà Đường quy định, nếu bỏ vợ mà không nằm trong bảy lý do này thì người đó sẽ bị phạt tù một năm rưỡi.

(2) Hợp cẩn (合卺): Hợp cẩn, chữ cẩn (卺) này là chỉ quả bầu hồ lô. Trong nghi thức cưới hỏi của người Trung Quốc thời xưa, người ta lấy quả bầu hồ lô, bổ dọc thành hai nửa quả rồi rót rượu vào đó, trước khi động phòng, tân lang tân nương cùng nâng bầu rượu lên uống cạn, rồi ghép hai nửa này thành một quả bầu hoàn chỉnh. Từ thời khắc ấy trở đi, hai người đã trở thành vợ chồng suốt đời. Ý nghĩa của lễ Hợp cẩn là để nhắc nhở cô dâu chú rể rằng, hai người họ là một đôi trời định, là hai nửa duy nhất phù hợp của nhau, giống như hai nửa trái bầu từ một quả bầu kia, không thể ghép với bất kỳ nửa nào khác nữa.

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài