Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Văn hóa truyền thống

Tinh giải luận ngữ (55): Nhận ra cái bất thiện của bản thân mà không thể sửa đổi chính là nỗi lo của ta

07-07-2025

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:「德之不修,學之不講,聞義不能徙(1),不善不能改,是吾憂也。」(《論語·述而第七》)

Hán Việt

Tử viết: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ (1), bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã.” (Luận ngữ – Thuật nhi đệ thất)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Dé zhī bù xiū, xué zhī bù jiǎng, wén yì bù néng xǐ, bù shàn bù néng gǎi, shì wú yōu yě”. (“Lúnyǔ·Shù ér dì qī”)

Chú âm

子(ㄗˇ)曰(ㄩㄝ):「德(ㄉㄜˊ)之(ㄓ)不(ㄅㄨˋ)修(ㄒㄧㄡ),學(ㄒㄩㄝˊ)之(ㄓ)不(ㄅㄨˋ)講(ㄐㄧㄤˇ),聞(ㄨㄣˊ)義(ㄧˋ)不(ㄅㄨˋ)能(ㄋㄥˊ)徙(ㄒㄧˇ)(1),不(ㄅㄨˋ)善(ㄕㄢˋ)不(ㄅㄨˋ)能(ㄋㄥˊ)改(ㄍㄞˇ),是(ㄕˋ)吾(ㄨˊ)憂(ㄧㄡ)也(ㄧㄝˇ)。」(《論(ㄌㄨㄣˊ)語(ㄩˇ)·述(ㄕㄨˋ)而(ㄦˊ)第(ㄉㄧˋ)七(ㄑㄧ)》)

Chú thích

1. 徙(Tỉ): đồng âm với chữ 喜 (hỉ), nghĩa là chuyển, di chuyển. Ở đây chỉ sự theo đuổi và thực hành chữ “nghĩa”.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Không chú ý tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không chú trọng theo đuổi học vấn, nghe được đạo nghĩa mà không thực hiện, nhìn thấy điểm không tốt mà không thể sửa đổi chính là những điều mà ta lo lắng”.

Nghiên cứu và phân tích

Vào những năm cuối thời Xuân Thu, thiên hạ đại loạn. Khổng Tử lo lắng rằng thế nhân không thể chú trọng những việc như tu dưỡng đạo đức, đọc sách học tập, nhận biết và làm việc nghĩa hay sửa đổi khi biết mình sai. Theo ông bốn việc này đều có liên quan đến nhau, bởi vì nền tảng và kết quả của việc tu dưỡng đạo đức, học tập tri thức sẽ được thể hiện khi người ta đối mặt với lỗi lầm. Người có nền tảng vững chắc thì có thể “kiến hiền tư tề” (thấy người hiền mà học hỏi), kịp thời sửa đổi những thiếu sót hoặc chỗ “bất thiện” của bản thân. Chỉ có như vậy mới có thể hoàn thiện việc tu dưỡng và kiểm chứng những tri thức đã học được, chứ không phải là “nói suông”!

Câu hỏi mở rộng

1, Tại sao Khổng Tử lại lo lắng bốn phương diện này không được chú trọng?

2, Theo bạn trong bốn việc này thì việc nào là quan trọng nhất? Vì sao? (Có thể lựa chọn nhiều lần).

3, Bạn có cố gắng áp dụng những kiến ​​thức đã học được từ sách vở vào thực tế cuộc sống không?

Tài liệu đọc hiểu

Bậc quân tử thấm nhuần phẩm chất đạo đức

Trình Quyền xuất thân từ gia đình dòng dõi nho học, từ nhỏ đã được hưởng nền giáo dục tốt đẹp. Lưu Lập Chi – môn sinh đã theo học ông hơn 30 năm thường nói với bạn bè của mình rằng: “Tôi học với thầy lâu như vậy, nhưng chưa bao giờ thấy thầy nổi nóng hay tức giận. Một người bình thường khó có thể có được sự tu dưỡng như vậy”.

Hàng ngày các học trò không những được ông giảng dạy cẩn thận, tỉ mỉ, mà còn cảm nhận được phong thái nhà nho qua ngôn hành của ông. Mọi người đều nói rằng: “Được học với thầy Trình tựa như gió xuân thổi qua mặt vậy”. Môn đệ của ông là Chu Quang Đình đã từng bái kiến ông ở Nhữ Châu, một tháng sau trở về nhà, người nhà hỏi ông: “Trình tiên sinh đối đãi với ông thế nào?”. Ông vui mừng nói: “Quang Đình dường như được tắm trong gió xuân một tháng vậy”.

Khi thảo luận vấn đề với học trò, nếu gặp quan điểm trái ngược với ý kiến của mình, Trình Quyền không bao giờ dùng uy quyền của thầy giáo để áp đặt cho học trò, mà nói: “Vấn đề này vẫn có chỗ cần trao đổi”.

Trình Quyền và Vương An Thạch là hai người có quan điểm chính trị khác nhau. Một lần, Hoàng thượng cho triệu kiến cả hai người để cùng bàn việc chính trị. Vương An Thạch vẻ mặt nghiêm nghị đang định lớn tiếng tranh luận thì thấy Trình Quyền ôn hòa, nhã nhặn nói: “Việc thiên hạ cần thảo luận một cách ôn hòa, bình tĩnh. Tôi sẽ lắng nghe ý kiến của ông với tâm thái bình hòa”. Sau khi nghe những lời ấy, Vương An Thạch cảm thấy có chút hổ thẹn, tự thấy phong thái của mình không được như Trình Quyền.

Sau đó, chính sách mới của Vương An Thạch đã được Hoàng đế Tống Thần Tông ủng hộ và phê chuẩn, rất nhiều người đối lập đã bị bãi chức, nhưng riêng với Trình Quyền thì Vương An Thạch lại đặc biệt khoan dung, ông nói: “Người này tuy là không hiểu đạo trị quốc của ta, nhưng cũng là người trung thành đáng tin cậy”. Vì thế ông vẫn để Trình Quyền được giữ chức. Nhưng Trình Quyền lại từ chối, nói rằng: “Làm chính trị thì cần phải thưởng phạt công minh, thần xin tự nguyện được giáng chức”.

Bài tập

Phong thái thể hiện qua ngôn hành của Trình Quyền có điểm nào có thể liên hệ với câu nói của Khổng Tử trong bài này?

(Gợi ý: Sự thống nhất trong ngôn hành của người đọc sách).

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài