Tinh giải luận ngữ (34): Quả dục tắc cương (Biết tiết chế dục vọng mới là người mạnh mẽ)



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:「吾未見剛者。」或對曰:「申棖(1)。」子曰:「棖也欲,焉得剛?」(《論語‧公冶長第五》)

Hán Việt

Tử viết: “Ngô vị kiến cương giả”. Hoặc đối viết: “Thân Trành (1)”. Tử viết: “Trành dã dục, yên đắc cương?” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”).

Phiên âm

Zǐ yuē: “Wú wèi jiàn gāng zhě.” Huò duì yuē: “Shēn Chéng (1).” Zǐ yuē: “Chéng yě yù, yān dé gāng?”

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:「吾ㄨˊ未ㄨㄟˋ見ㄐㄧㄢˋ剛ㄍㄤ者ㄓㄜˇ。」或ㄏㄨㄛˋ對ㄉㄨㄟˋ曰ㄩㄝ:「申ㄕㄣ棖ㄔㄥˊ(1)。」子ㄗˇ曰ㄩㄝ:「棖ㄔㄥˊ也ㄧㄝˇ欲ㄩˋ,焉ㄧㄢ得ㄉㄜˊ剛ㄍㄤ?」(《論ㄌㄨㄣˊ語ㄩˇ‧公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ長ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)

Chú thích

1. 申枨 (Thân Trành): họ Thân, tên là Trành (đồng âm với chữ “成” – Thành), tự là Chu, là học trò của Khổng Tử.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Ta chưa từng gặp được người thực sự kiên cường”. Có người đáp rằng: “Có Thân Trành”. Khổng Tử nói: “Thân Trành vẫn còn không ít dục vọng và truy cầu, làm sao có thể coi là người kiên cường được?”

Nghiên cứu và phân tích

Trong con mắt của Khổng Tử, sự kiên cường thực sự có lẽ là chỉ ý chí nhất tâm hướng Đạo. Có một số người nhìn biểu hiện bên ngoài người ta cho rằng người đó kiên cường, nhưng đó chỉ là sự kiên cường tạo nên bởi những dục vọng và truy cầu mãnh liệt, khác xa với sự kiên cường của những bậc nhân nghĩa chí sỹ có tấm lòng thanh tâm quả dục, sống thanh bần đạo hạnh. Chữ “cương” (kiên cường, mạnh mẽ) mà Khổng Tử đề xuất là cao hơn so với cách nhìn và lý giải của người thường.

Câu hỏi mở rộng

1. Vì sao dục vọng và truy cầu quá nhiều thì không những không làm cho người ta thêm mạnh mẽ, mà ngược lại còn làm cho người ta mai một ý chí? Bạn có phát hiện ra rằng: khi xã hội nhân loại tràn lan sự ham muốn và truy cầu thỏa mãn về mặt vật chất thì quan hệ giữa người với người cũng trở nên ngày càng xa cách, ngày càng cảm thấy trống rỗng không?

2. Nếu những người thanh tâm quả dục, thanh bần đạo hạnh, có ít ham muốn vật chất mà có chí hướng nhất tâm hướng Đạo thì chẳng phải sẽ dễ dàng trở về với bản tính lương thiện? Họ sẽ không dễ bị dao động chí hướng bởi những mê hoặc, cám dỗ của những sự việc bên ngoài? Người như vậy chẳng phải rất kiên cường, mạnh mẽ và cũng rất ung dung, tự tại sao?

Câu chuyện lịch sử

Mềm mỏng thắng cứng rắn

Có một lần thầy của Lão Tử là Thường Song bị bệnh nặng, Lão Tử đi thăm hỏi thầy.

Lão Tử hỏi: “Thưa thầy, thầy đang bị bệnh thì có điều gì cần căn dặn đệ tử không ạ?” Thường Song hỏi: “Đi ngang qua quê nhà cần xuống xe, điều này con có biết không?” Lão Tử thưa: “Đi ngang qua quê nhà cần xuống xe có phải là để biểu thị rằng không quên cố hương không ạ?” Thường Song hỏi tiếp: “Đúng vậy. Đi qua cây lớn cần cúi đầu, con có biết sao không?”, Lão Tử đáp: “Thưa thầy, đi qua cây lớn cần cúi đầu là thể hiện kính lão có phải không?” Thường Song nói: “Đúng rồi”. Thường Song lại há to miệng nói với Lão Tử: “Lưỡi của ta còn không?” Lão Tử đáp: “Dạ còn”, “Răng của ta còn không?” Lão Tử đáp: “Dạ, không còn”. Thường Song nói: “Con có biết tại sao lại thế không?” Lão Tử đáp: “Lưỡi vẫn còn, há chẳng phải là vì nó mềm dẻo sao? Còn răng bị rụng hết rồi chẳng phải vì nó cứng rắn sao?” Thường Song nói: “Đúng vậy! Hết thảy mọi việc trong thiên hạ ta đã nói hết rồi, còn điều gì để nói với con nữa đây!”

(Trích “Thuyết Uyển- Kính Thận”)

Vị Hoàng đế Thánh đức Đường Thái Tông

Thời kỳ “Trinh Quán chi trị” được truyền tụng qua bao thế hệ là một thời kỳ đỉnh cao độc nhất, không gì sánh nổi trong lịch sử Trung Quốc. Có được sự huy hoàng đó là nhờ vào Thánh đức của vị Hoàng đế Đường Thái Tông. Chúng ta có thể thấy được điều đó qua một ghi chép lịch sử dưới đây.

Sau khi biết được hữu kiêu vệ đại tướng quân Trưởng Tôn Thuận Đức nhận hối lộ lụa là từ người khác, vua Đường Thái Tông nói rằng: “Một nhân tài như Thuận Đức nếu mang lại lợi ích cho quốc gia thì ta có thể sẵn sàng chia sẻ tài phú của quốc gia với ông ấy, cớ sao ông ấy lại tham lam tiền tài vật chất đến thế!” Vì trân trọng công lao đóng góp cho quốc gia của ông ấy, nên Thái Tông đã không những không trừng phạt mà còn ban thưởng cho ông ấy hàng chục tấm lụa. Đại lý thiếu khanh Hồ Diễn hỏi rằng: “Thuận Đức đã vi phạm pháp luật khi nhận của cải hối lộ, đáng lẽ không nên được miễn tội, nhưng cớ sao lại được bệ hạ ban thưởng?” Thái Tông đáp: “Nếu như ông ấy là người có nhân cách, thì việc nhận ban thưởng sẽ cảm thấy xấu hổ hơn nhiều so với nhận hình phạt; còn nếu ông ấy không biết xấu hổ, thì chẳng khác gì loài cầm thú, có giết ông ấy thì cũng chẳng ích gì!”

Khi Thái Tông tại vị, người dân tộc thiểu số Đột Quyết thường xuyên xâm phạm biên giới nhà Đường. Một năm, người Đột Quyết gặp phải trận tuyết lớn, dê ngựa chết rất nhiều, người dân đói kém, súc vật gầy còm, quần thần khuyên Thái Tông nhân cơ hội này mà tiến đánh Đột Quyết. Thái Tông nói: “Ta và họ vừa mới kết thành đồng minh mà lại quay ra phản bội hiệp ước là không giữ chữ tín; mưu cầu lợi ích khi người ta gặp tai họa là không nhân ái; tranh thủ lúc người ta đang gặp khó khăn mà giành thắng lợi cũng không phải là hành động vũ trang chính đáng. Cho dù các bộ lạc của Đột Quyết đều phản loạn, súc vật mất sạch thì ta cũng không tấn công, nhất định phải đợi đến khi họ gây tội xâm phạm, thì ta mới tiến đánh thảo phạt”.

Thái Tông nói với các quần thần tả hữu rằng: “Hoàng đế dựa vào quốc gia, quốc gia lại dựa vào người dân. Nếu như ép buộc người dân cung phụng hoàng đế, thì cũng như tự cắt thịt mình để lấp đầy cái bụng, ăn no xong rồi thì cũng chết, khi hoàng đế giàu có thì cũng là lúc đất nước bị diệt vong. Vì vậy, nỗi lo lắng của hoàng đế không phải đến từ bên ngoài mà là từ chính bản thân mình. Hoàng đế mà nhiều dục vọng thì tiêu tốn nhiều tiền, phí tổn cao, người dân sẽ vì thuế khóa nặng nề mà vô cùng thống khổ, quốc gia sẽ lâm nguy, hoàng đế cũng mất vị trí. Ta thường nghĩ như vậy nên không dám phóng túng dục vọng của bản thân”.

(Theo “Tư trị thông giám”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 03-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.