Tinh giải Luận ngữ (21): Cẩu chí vu nhân hĩ, vô ác dã



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“苟志于仁矣,无恶也。”(《论语·里仁第四》)

Hán Việt

Tử viết: “Cẩu chí vu nhân hĩ, vô ác dã”. (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Gǒu zhì yú rén yǐ, wú è yě.”(“Lún yǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“苟ㄍㄡˇ志ㄓˋ于ㄩˊ仁ㄖㄣˊ矣ㄧˇ,无ㄨˊ恶ㄜˋ也ㄧㄝˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Nếu đã lập chí hướng ở lòng nhân, thì sẽ không làm việc ác nữa”.

Nghiên cứu và phân tích

Người đã dưỡng thành tấm lòng nhân đức thì sẽ không làm việc xấu nữa, tức là sẽ không làm loạn, không làm việc ác, cũng sẽ không kiêu ngạo, xa hoa, dâm dật hay tùy ý phóng túng theo dục vọng; mà là có thể làm những việc thiện có lợi cho mình, cho người và cho thiên hạ.

Tài liệu đọc hiểu

Cổ nhân luận về minh chí

“Minh chí” là chí hướng rõ ràng, đúng đắn. Cổ nhân rất coi trọng việc xác lập chí hướng nhân sinh, Gia Cát Lượng nói rằng “chí đương tồn cao viễn” (tạm dịch: chí hướng nên đặt ở cao và xa), chỉ có chí hướng rộng lớn, cao xa mới có thể khắc phục được những khó khăn trước mắt và những điểm yếu của bản thân để tiến đến những mục tiêu đã định trước. Người xưa thường thể hiện tâm chí bằng cách trèo lên cao để nhìn xa, “Khổng Tử lên đỉnh núi Đông Sơn nhìn thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên đỉnh núi Thái Sơn nhìn thấy thiên hạ nhỏ bé”. Chỉ khi đứng trên cao người ta mới nhìn được xa, lòng ôm chí lớn, không tính đếm những thành bại được mất nhất thời, cuối cùng thực hiện được chí hướng to lớn.

Khổng Tử nói: “Sỹ chí vu đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã” (trích “Luận ngữ – Lý nhân”), đại ý là người cầu tri thức lập chí về đạo nhân nghĩa, nhưng lại xấu hổ vì ăn đói mặc rách, thì không xứng đáng để đàm luận cùng (Tham khảo Tinh giải luận ngữ (20): Sỹ chí vu đạo).

Cổ nhân có câu “an bần lạc đạo”. Khổng Tử đã từng nói những câu như “quân tử mưu đạo bất mưu thực” (Tạm dịch: người quân tử cầu đạo chứ không cầu ăn), “quân tử ưu đạo bất ưu bần” (Tạm dịch: người quân tử lo nghĩ về đạo, chứ không lo nghĩ về chuyện bần hàn). Nhan Uyên là môn sinh mà Khổng Tử đắc ý nhất, ông là người an bần hiếu học, Khổng Tử thường khen ông rằng ăn cơm bằng giỏ, uống nước bằng gáo, sống trong ngôi nhà xiêu vẹo sơ sài, nhưng lại có thể giữ được niềm vui cầu đạo không bao giờ thay đổi.

Trong “Luận Ngữ – Thái Bá” có viết rằng: “Sỹ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn”, đại ý là kẻ sĩ không thể không cứng cỏi kiên trì, bởi họ có trách nhiệm lớn lao và con đường đi rất dài.

Câu nói này là xuất phát từ Tăng Sâm, đệ tử của Khổng Tử. Về việc này, ông giải thích rằng: “Nhân dĩ vi kỷ nhiệm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hô?” Ý nghĩa là xem việc thực hiện nhân đức với thiên hạ là trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm này chẳng phải rất trọng đại hay sao? Cần nỗ lực đến lúc chết mới dừng lại, con đường này chẳng phải rất lâu dài hay sao? Trong số các đệ tử của Khổng Tử, thì Tăng Sâm luôn được nhận định là một người tính tình ôn hòa, nhưng câu nói này của ông lại rất có khí phách, thể hiện sự tự tin đối với đạo đức và không ngừng theo đuổi lý tưởng nhân cách của ông.

Gia Cát Lượng nói rằng: “Chí đương tồn cao viễn” (trích “Giới ngoại thư sinh”), tức là một người nên lập chí hướng cao thượng, lớn lao, sâu xa. Ông còn nói rằng: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn” (trích “Giới tử thư”), nghĩa là nếu không làm được việc kiềm chế dục vọng thì không thể xác lập được chí hướng rõ ràng đúng đắn, nếu không đạt được tĩnh lặng thì không thể suy nghĩ được sâu xa. Đây là lời giáo huấn ân cần của Gia Cát Lượng dành cho con trai mình, cũng là một danh ngôn của ông về việc tu thân dưỡng đức.

Một người mà bị lợi ích, dục vọng làm mê muội tâm can thì không thể có chí hướng rộng lớn, cao xa được; tính tình xốc nổi, thì rất khó có được nhận thức đúng đắn. Chỉ có không màng danh lợi mới có thể lập nên chí hướng rộng lớn, tâm thái bình hòa mới có thể suy nghĩ sâu xa. Lý tưởng cao thượng tất nhiên cần phải thoát ly khỏi tham dục của thế tục, tư duy thấu triệt cũng thường bắt nguồn từ cảnh giới tâm hồn tĩnh lặng. Nhân cách cao thượng, cần sự bồi đắp của tâm tình ý chí cao thượng, cần phải không ngừng theo đuổi và thăng hoa trong sự thanh bạch và tĩnh lặng.

Người xưa trong “Hậu Hán thư – Cảnh Yểm liệt truyện” có nói rằng: “Hữu chí giả sự cảnh thành” (Tạm dịch: Người có chí thì sẽ thành công). Nhưng không có nghĩa là sau khi đã xác lập chí hướng to lớn thì có thể ngồi chờ thành công đến. Giữa lập chí và thành công, còn cần phải kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu như không có sự phó xuất thực sự, thì chí hướng to lớn đến đâu cũng chỉ là lâu đài đình các trên không trung. Thời nhà Đường, hòa thượng Giám Chân đã sang Nhật Bản để hoằng dương Phật Pháp, trải qua ma nạn trùng trùng, năm lần đầu đều thất bại. Nhưng ông không từ bỏ, cuối cùng đến lần thứ sáu cũng đến được Nhật Bản, mang văn hóa nhà Đường đến Nhật Bản và trở thành người sáng lập ra Luật tông của Nhật Bản.

Nhà văn Tô Thức thời nhà Tống nói rằng: “Cổ chi lập đại sự giả, bất duy hữu siêu thế chi tài, diệc tất hữu kiên nhận bất bạt chi chí” (Tạm dịch: người lập nên đại sự thời xưa, không chỉ là nhờ vào tài năng phi thường, mà còn cần có ý chí kiên định không lay chuyển” (trích “Trào Thố luận”)), muốn thành tựu đại sự, thì cả tài năng và nghị lực đều không thể thiếu. Từ xa xưa dân tộc Trung Hoa đã có rất nhiều tục ngữ khích lệ con người ta lập chí từ nhỏ, như “hữu chí bất tại niên cao, vô chí không trưởng bách tuế” (tạm dịch: có chí không phải ở tuổi tác lớn, không có chí thì trăm tuổi cũng vẫn trắng tay). Danh tướng Mã Viện thời Đông Hán “từ nhỏ đã có chí lớn”, lấy câu “trượng phu lập chí, cùng đương ích kiên, lão đương ích kiện” (tạm dịch: bậc trượng phu lập chí, nghèo khó thì càng thêm kiên cường, tuổi cao thì càng thêm hùng tráng) để khuyến khích tự mình, vì quốc gia Đông chinh Tây phạt, lập nên những chiến công hiển hách. Vì vậy, việc xây dựng chí hướng rộng lớn, cao xa rất quan trọng đối với một đời người, nhưng những chí hướng này cần phải phù hợp với đạo nghĩa, nếu không, sẽ không có được cảnh giới nhân cách cao thượng.

Dich từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 04-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.