Tinh giải luận ngữ (9): Biết thì nói là biết



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“由(1)!诲女知之乎(2)!知之为知之,不知为不知,是知也。”(《论语·为政第二》)

Hán Việt

Tử viết: “Do (1)! Hối nữ tri chi hô (2)! Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất chi, thị tri dã.” (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”).

Phiên âm

Zǐ yuē: “Yóu1! Huì nǚ zhīzhī hū2! Zhīzhī wéi zhīzhī, bùzhī wéi bùzhī, shì zhīyě.”

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“由ㄧㄡˊ (1)!誨ㄏㄨㄟˋ 女ㄋㄩˇ 知ㄓ 之ㄓ 乎ㄏㄨ(2)!知ㄓ 之ㄓ 為ㄨㄟˊ 知ㄓ 之ㄓ, 不ㄅㄨˋ 知ㄓ 為ㄨㄟˊ 不ㄅㄨˋ 知ㄓ, 是ㄕˋ 知ㄓ 也ㄧㄝˇ。”

Chú thích

1. 由 (Do): là đệ tử của Khổng Tử. Ông họ Trọng, tên Do, tự là Tử Lộ, hiệu Quý Lộ, người đất Biện, ít hơn Khổng Tử chín tuổi. Ông có tính cách cương trực và dũng cảm, ngay thẳng và hào phóng, là học trò giỏi về khoa chính trị trong bốn khoa của Khổng môn.

2. 诲女知之乎 (Hối nữ tri chi hô): hối, cũng có nghĩa là dạy dỗ. Nữ, giống như là nhữ, nghĩa là bạn. Tri chi, cách hiểu biết đạo lý.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Do à! Ta dạy trò cách hiểu biết đạo lý! Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đây mới là thái độ đối đãi đúng đắn với việc biết hay không biết, đây mới là trí huệ!”

Nghiên cứu và phân tích

Trong việc đối nhân xử thế, điều đáng quý nhất là sự chân thành, trong việc tìm cầu tri thức học tập cũng như vậy. Trang Tử nói: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai”. Sinh mệnh của con người là hữu hạn, nhưng những điều cần học lại vô cùng vô tận. Nếu không biết mà cho là biết, tự cho mình là đúng, nói lời vô căn cứ, suy nghĩ phiến diện, nhỏ thì sẽ phô trương bản thân, hùa theo lấy lòng; lớn thì sẽ làm hỏng muôn dân, hại người vô số. Người làm thầy, không biết mà cho là biết tất sẽ dẫn học trò đi lạc đường; người có quyền, không biết mà cho là biết tất sẽ tàn sát bách tính thiện lương.

“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri” (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết) cũng là một cách tự kiểm điểm, nhìn nhận rõ bản thân, nhìn thẳng vào sự thiếu sót của mình mà dũng cảm thừa nhận bản thân có điều chưa biết, xóa bỏ đi cái khung hạn chế vốn có trong tâm, để thực sự đối diện với chính mình, đây mới là trí huệ chân chính.

Câu hỏi mở rộng

1. Bạn cảm thấy cái tâm như thế nào khiến người ta dễ mắc phải tật xấu “không biết mà cho là biết” nhất?

2. Khi cái tâm này xuất hiện, sẽ tạo thành những vấn đề gì? Nên trừ bỏ đi như thế nào?

Góc kể chuyện

Khổng Tử tri lễ

Khi Khổng Tử còn trẻ, ông nổi tiếng ở quê nhà nhờ sự hiểu biết lễ nghi. Có một lần, Khổng Tử lần đầu tiên vào thái miếu để trợ giúp việc cúng tế, việc nào cũng phải hỏi mọi người, dường như là không hiểu việc lễ nghi, có người liền chê cười rằng ông chỉ có cái danh là hiểu biết lễ nghi, chứ thực tế thì không hiểu biết gì cả. Khổng Tử nghe thấy vậy liền nói: “Đây chính là lễ đó!”

Khổng Tử lúc đó mặc dù đã có tiếng là “tri lễ”, nhưng đối với những việc chưa biết hoặc không hiểu rõ, ông vẫn khiêm tốn học hỏi, tuyệt đối không biết mà tự cho là biết.

Phú ông trả lời người mượn bò

Phù bạch trai chủ nhân có ghi chép rằng: Có người viết thư cho một phú ông nào đó để mượn bò, khi thư được đưa đến nơi, vừa hay có khách đang ngồi chơi, phú ông không biết chữ nhưng lại giả vờ là biết chữ, mở thư ra, xem xong thì nói với người đưa thư rằng: “Ta biết rồi! Đợi một chút rồi tự ta sẽ qua”. Đây chính là câu chuyện cười về việc không biết lại cho là biết.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 22-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.