Tinh giải luận ngữ (29): Kiến hiền tư tề



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“见贤思齐(1)焉,见不贤而内自省也。”(《论语·里仁第四 》)

Hán Việt

Tử viết: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã” (Trích “Luận ngữ – Chương 4 – Lý nhân”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Jiàn xián sī qí yān, jiàn bù xián ér nèi zì xǐng yě.”(“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“见ㄐㄧㄢˋ贤ㄒㄧㄢˊ思ㄙ齐ㄑㄧˊ焉ㄧㄢ,见ㄐㄧㄢˋ不ㄅㄨˋ贤ㄒㄧㄢˊ而ㄦˊ内ㄋㄟˋ自ㄗˋ省ㄒㄧㄥˇ也ㄧㄝˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

(1) 齐 (Tề): Noi gương, ý mở rộng là học tập.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Gặp được người có đức hạnh, tài năng, thì nên chủ động học tập, noi gương theo người đó; gặp người không có đức hạnh, tài năng thì nên tự xem xét lại bản thân có những lỗi lầm như người ta hay không”.

Nghiên cứu và phân tích

“Kiến hiền tư tề, kiến bất hiền nội tự tỉnh” là một trong những cách đề cao sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Trên thực tế đây chính là lấy sở trường của người khác bù đắp cho sở đoản của bản thân, đồng thời xem lỗi sai của người khác như chiếc gương soi, không lặp lại những lỗi tương tự, đây chính là thái độ xử thế tu thân đầy trí huệ và lý trí. Ngược lại, nếu bất cứ sự việc gì cũng xuất phát từ cơ điểm của bản thân để suy xét sự việc hoặc bình luận người khác thì người đó sẽ mãi mãi sống trong cái khung giới hạn mình định ra mà không thể thấu triệt được triết lý nhân sinh và trí huệ tầng cao hơn. Cũng có nghĩa là mất đi cơ hội đề cao tu dưỡng cá nhân.

Câu hỏi mở rộng

1. Bình thường khi tiếp xúc với mọi người, bạn thường nhìn vào ưu điểm hay khuyết điểm của người ta? Hãy suy nghĩ sâu thêm về tâm thái đằng sau như thế nào?

2. Sau khi học xong bài này, bạn cảm thấy suy nghĩ trước đây có chỗ nào cần sửa đổi không?

Tài liệu đọc hiểu

Tam nhân hành, tất hữu ngã sư

(Ba người cùng đi, tất có người làm thầy ta)

Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, rất nhiều người đều đi theo Khổng Tử mong muốn bái ông làm thầy. Có một người nước Lỗ gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ, anh ta vì phạm pháp mà bị chặt đi một bàn chân, sau khi thấy Khổng Tử thì anh ta cứ đi theo sau, muốn được gặp Khổng Tử và bái ông làm thầy.

Sau khi gặp được Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Anh làm việc không cẩn thận, đã vì vi phạm pháp luật mà bị chặt đi một bàn chân, cho dù nay anh tìm được đến ta cũng không bù đắp lại được, thế thì có ích gì đây?”

Thúc Sơn Vô Chỉ đáp rằng: “Tôi chỉ là vì không hiểu lý lẽ, nên mới mất đi bàn chân. Giờ đây tôi tìm đến ngài, là vì vẫn còn có điều tôn quý hơn cả bàn chân mà tôi cần gìn giữ trọn vẹn. Không có chỗ nào mà Trời không che phủ, vạn vật đều được Đất bao dung, tôi vốn coi Phu Tử như Trời Đất, không ngờ Phu Tử lại có thái độ như thế này!”

Khổng Tử nghe xong, vô cùng hổ thẹn nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Khổng Khâu ta thật quá nông cạn, sao tiên sinh không ngồi xuống? Xin tiên sinh hãy nói ra đạo lý mà mình biết, tôi sẽ vô cùng chăm chú lắng nghe”. Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ không thèm để ý đến Khổng Tử nữa mà rời đi.

Khổng Tử nói với các đệ tử rằng: “Ta hôm nay đã phạm phải lỗi lầm lớn, làm sao có thể dựa vào thiện ác trước kia của một người để phán đoán người đó? Giống như Thúc Sơn Vô Chỉ vì phạm lỗi mà bị mất đi một bàn chân, nhưng vẫn nỗ lực cầu học để bù đắp cho lỗi lầm trước đây, huống hồ là người chưa từng mắc lỗi lầm! Chúng ta nhất định phải ghi nhớ! Dù chỉ có ba người cùng nhau đi trên đường, thì trong đó nhất định cũng có một người là thầy của ta, cần phải học tập ưu điểm của người đó, coi khuyết điểm của người đó là tấm gương soi để sửa đổi chính mình, chỉ có như vậy mới có thể khiến bản thân tiến bộ không ngừng!”

Nho gia cho rằng địa vị cao thấp của một người không do tài phú quyết định, mà là do trình độ đạo đức và học vấn cao thấp của người đó quyết định. Muốn đề cao đạo đức và học vấn bản thân thì cần không ngừng học hỏi. “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư” chính là nói cần nhìn ra thiếu sót của bản thân, thừa nhận mỗi người đều có ưu điểm và sở trường, đều xứng đáng để được người khác tôn trọng và học tập. Con người chỉ có khiêm tốn học hỏi người khác mới có thể lấy sở trường của người mà bù đắp cho sở đoản của mình, thúc đẩy bản thân không ngừng hoàn thiện đạo đức.

Bài tập

Khổng Tử trong câu chuyện trên đã phạm phải lỗi lầm gì? Bạn đã từng phạm phải lỗi lầm như vậy chưa? Những tổn thất và nuối tiếc tạo thành từ lỗi lầm đó có khiến bạn rút ra bài học gì không, để từ đó không mắc sai lầm lần nữa không? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bản thân với các bạn học.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 31-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.