Tinh giải luận ngữ (32): Bất niệm cựu ác (không nhớ oán xưa)



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“伯夷叔齐(1)不念旧恶(2),怨是用希(3)。”(《论语·公冶长第五》)

Hán Việt

Tử viết: “Bá Di Thúc Tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hy.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)

Phiên âm

Zǐ yuē: Bó Yí Shū Qí bù niàn jiù è, yuàn shì yòng xī.”

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“伯ㄅㄛˊ夷ㄧˊ叔ㄕㄨ齐ㄑㄧˊ(1)不ㄅㄨˋ念ㄋㄧㄢˋ旧ㄐㄧㄡˋ恶ㄜˋ(2),怨ㄩㄢˋ是ㄕˋ用ㄩㄥˋ希ㄒㄧ(3)。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ长ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)

Chú thích

1. 伯夷、叔齐 (Bá Di, Thúc Tề): là hai người con trai của nhà vua nước Cô Trúc cuối thời nhà Ân (Cô Trúc là một nước chư hầu của triều đại nhà Thương). Sau khi phụ thân qua đời, hai người con không ai muốn kế vị mà nhường cho nhau, sau đó họ đều chạy đến chỗ Chu Vũ Vương. Khi Chu Vũ Vương khởi binh phạt Trụ, họ cho rằng đây là việc thần giết quân vương, là hành vi bất trung bất hiếu, nên ra sức ngăn chặn. Sau khi nhà Chu diệt nhà Thương thống nhất thiên hạ, họ coi việc ăn lương thực của nhà Chu là một sự sỉ nhục nên đã bỏ vào núi sâu rừng già ăn cỏ dại qua ngày, rồi bị chết đói trong núi Thủ Dương.

2. 不念旧恶 (Bất niệm cựu ác): Không để tâm đến những oán hận của người khác đối với họ trong quá khứ.

3. 希 (Hy): đồng âm với từ “稀”(hy), nghĩa là hiếm thấy.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Bá Di, Thúc Tề không để tâm đến những oán hận của người khác đối với họ trong quá khứ, đó là vì họ rất ít khi oán hận người khác”.

Nghiên cứu và phân tích

Mặc dù Trụ vương của nhà Thương là vị vua vô đạo, nhưng trong con mắt của Bá Di và Thúc Tề thì việc Chu Vũ Vương phạt Trụ cũng là “lấy ác trị ác”, là việc làm phá hoại lễ quân thần. Vì thế đứng trên cơ sở duy hộ lễ pháp chính thống, họ vẫn ngăn cản Vũ Vương phạt Trụ, “bất thực Chu túc” (không ăn lương thực của nhà Chu). Mặc dù Bá Di và Thúc Tề đã phải chịu đau khổ vì sự vô đạo của Trụ vương, nhưng họ không hề ghi nhớ việc ác xưa của ông, cũng không vì việc Vũ vương phạt Trụ có thể nhất thời giải trừ nỗi oan khuất thống khổ của dân mà từ bỏ lễ pháp truyền thống mà bản thân luôn giữ gìn để đi theo Vũ vương. Khổng Tử khen ngợi Bá Di và Thúc Tề chính là vì họ luôn đối đãi với người khác bằng tấm lòng chính nghĩa và bản tính thiện lương, chứ không rơi vào cái vòng hận thù luẩn quẩn “lấy ác trị ác”, “ăn miếng trả miếng”, “lấy hung bạo thay cho hung bạo”, “oan oan tương báo”, thực ra đây cũng là sự sáng suốt cần có trong việc đối nhân xử thế.

Thử nghĩ xem: nếu chúng ta luôn đối xử với người khác bằng tấm lòng chính nghĩa và bản tính thiện lương, thì trong tâm sẽ không sinh ra những suy nghĩ oán hận với người khác, như vậy chẳng phải có thể vui vẻ chung sống một cách ôn hòa, khoan dung với mọi người và sẽ không bị rơi vào vòng hận thù luẩn quẩn “lấy ác trị ác”, “oan oan tương báo” nữa phải không?

Câu hỏi mở rộng

1. “Lấy ác trị ác”, “oan oan tương báo” không thể nào kết thúc được vòng hận thù luẩn quẩn, chỉ có “lấy thiện trừ ác” (phát huy bản tính thiện lương, vứt bỏ cái ác khiến ta rời xa bản tính) mới có thể kết thúc vòng hận thù ấy. Bá Di và Thúc Tề có thể luôn luôn đối đãi với người đã gây ra những tổn thương, oán hận cho mình bằng tấm lòng chính nghĩa và bản tính thiện lương, chẳng phải là cần có ý chí, sự kiên trì và nhẫn nại rất lớn sao. Bạn thử xem mình có thể không oán hận, không làm tổn thương người khác hay không?

2. “Thiện hữu thiện báo”, nếu chúng ta luôn đối đãi người khác bằng tấm lòng chính nghĩa và bản tính thiện lương thì thường sẽ nhận được sự báo đáp thiện ý từ người khác; “ác hữu ác báo”, nếu chúng ta đối đãi với người khác bằng những suy nghĩ bị ô nhiễm bởi oán hận, tà ác, xa rời bản tính thì thường sẽ chuốc lấy sự báo thù và oán hận, hơn nữa “oan oan tương báo đến khi nào mới dứt?”

Vậy hãy thử nghĩ xem vận mệnh của một người tốt hay xấu phải chăng có liên quan đến việc người ấy dùng thiện hay ác để đối đãi với người khác?

Câu chuyện lịch sử

Làm việc thiện, cải biến vận mệnh

Câu chuyện của tể tướng Bùi Độ thời Đường

Trong u mê, vận mệnh của mỗi người chúng ta dường như đã được định sẵn ngay từ khi chúng ta cất tiếng khóc oa oa rơi xuống nơi thế gian con người này. Thoạt nhìn vận mệnh của chúng ta không phải do chúng ta nắm giữ, nhưng trên thực tế, vận mệnh ấy lại do chính chúng ta chi phối. Khi ta dùng thiện niệm để chỉ đạo ngôn từ, hành vi của bản thân thì vận mệnh cũng theo đó mà cải biến. Đây là lý do vì sao trước lúc lâm chung Lưu Bị đã dạy con trai A Đẩu rằng: “Đừng vì việc ác nhỏ mà làm, đừng vì việc thiện nhỏ mà không làm”. Câu chuyện của tể tướng Bùi Độ thời Đường là một minh chứng tốt nhất cho lời giáo huấn cổ xưa này.

Thư lệnh phổ quốc công triều Đường Bùi Độ có ngoại hình vừa gầy vừa nhỏ, không có quý tướng, nhiều lần gặp trở ngại trên con đường công danh sự nghiệp khiến bản thân ông vô cùng nghi hoặc. Khi đó vừa hay có một người xem tướng ở Lạc Trung, được giới quan lại học giả rất kính trọng. Bùi Độ đến gặp ông ấy, hỏi xem vận mệnh của mình thế nào, người xem tướng nói: “Hình thần của lang quân có chút không giống với người bình thường. Nếu không làm quan lớn thì sẽ bị chết đói. Hiện tại tôi vẫn không nhìn ra được, vài ngày nữa ông hãy quay lại đây, tôi sẽ xem kỹ cho ông”. Bùi Độ bằng lòng trở về.

Một hôm, ông lên chùa Hương Sơn dạo chơi, khi đang đi loanh quanh ở giữa hành lang và phòng bên thì đột nhiên nhìn thấy một người phụ nữ mặc thường phục, đặt một chiếc túi cầm tay ở lan can chùa và ngồi cầu nguyện rất lâu, sau khi ngẩng đầu bái tạ thì liền rời đi. Một lúc sau, Bùi Độ nhìn thấy cái túi vẫn ở chỗ cũ, biết rằng người phụ nữ kia đã bỏ quên, định đuổi theo để đưa nhưng không kịp nên đành cầm lấy túi, đợi người phụ nữ quay lại thì trả. Đến khi mặt trời lặn ông vẫn không thấy người phụ nữ ấy quay lại tìm đồ, Bùi Độ liền mang cái túi trở về quán trọ.

Sáng sớm ngày hôm sau, Bùi Độ lại mang cái túi lên chùa Hương Sơn. Cổng chùa vừa mở, ông nhìn thấy người phụ nữ hôm qua vội vã chạy đến, hoang mang sợ hãi, dáng vẻ thở dài tiếc nuối, dường như là đang gặp phải tai họa ngoài ý muốn. Bùi Độ tiến đến hỏi cô ấy có chuyện gì. Người phụ nữ nói: “Cha của tôi vô tội nhưng lại bị bắt giam, hôm qua có một quý nhân đến đưa tôi một chiếc đai ngọc và một chiếc đai tê giác, trị giá hơn một nghìn xâu tiền, tôi định dùng nó để đưa cho vị quan chủ quản, không may lại bị mất ở đây, xem ra người cha già yếu của tôi gặp phải đại họa rồi”. Bùi Độ rất đồng cảm với cô ấy, hỏi kỹ càng về màu sắc của các đồ vật, cô ấy đều nói đúng, Bùi Độ liền đưa cái túi trả cho cô. Người phụ nữ khóc lóc bái tạ, xin Bùi Độ giữ lại một chiếc đai ngọc, Bùi Độ cười từ chối.

Không lâu sau, ông quay lại chỗ người xem tướng, sau khi nhìn kỹ lưỡng, thấy giọng nói nét mặt có thay đổi lớn, ông kinh ngạc nói: “Ông nhất định đã làm việc thiện, tích được đại đức, tiền đồ vô cùng rộng mở, không giống như những gì tôi đã biết”. Bùi Độ liền đem câu chuyện mấy hôm trước thuật lại cho ông ấy.

Bùi Độ sau này quả nhiên đã làm quan đến chức vị cao nhất.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 26-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.