Tinh giải Luận Ngữ (4): Xảo ngôn lệnh sắc



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“巧言令色(1),鲜(2)矣仁。”(《论语·学而第一》)

Hán Việt

Khổng Tử viết rằng: “Xảo ngôn lệnh sắc (1), tiên (2) hỷ nhân”. (Trích thiên “Học nhi đệ nhất”, Luận Ngữ)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Qiǎo yán lìng sè, xiān yǐ rén”.

Chú âm

子(ㄗˇ) 曰(ㄩㄝ):“巧(ㄑㄧㄠˇ) 言(ㄧㄢˊ) 令(ㄌㄧㄥˋ) 色(ㄙㄜˋ),鲜(ㄒㄧ) 矣(ㄢㄧˇ) 仁(ㄖㄣˊ)”.

Chú thích

(1) Xảo ngôn lệnh sắc: Xảo và lệnh đều mang nghĩa là mỹ hảo, nhưng ở đây nên hiểu là dáng vẻ giả vờ vui vẻ dễ chịu.

(2) Tiên: Đồng âm với từ “hiển”, có nghĩa là ít.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Những người cố tình nói ra những lời ngọt ngào dễ nghe thì hiếm khi có trái tim nhân hậu”.

Nghiên cứu và phân tích

Nho gia coi trọng sự chất phác mộc mạc, phản đối những lời nói kiểu hoa ngôn xảo ngữ; chủ trương nói chuyện cần từ tốn cẩn thận, nói thì phải làm, lời nói đi đôi với hành động, phản đối những lời nói không thành tâm, nói và làm tuỳ theo cảm hứng, hoặc nói mà không làm, lời nói chỉ dừng ở trên miệng. Điều này thể hiện rằng Khổng Tử và Nho gia rất coi trọng hành động thực tế của con người, đặc biệt tránh những lời nói sáo rỗng phù du, lời nói không thật lòng. Kiểu thái độ thành thật và tinh thần chất phác này lâu dần đã ảnh hưởng đến người Trung Quốc, trở thành tinh hoa trong văn hoá tư tưởng truyền thống Trung Hoa.

Câu hỏi mở rộng

1. Bạn có thích nghe người khác nói lời khen ngợi với mình không? Thử nghĩ xem có nguyên nhân gì phía sau hay không?
(Tham khảo: Với tính cách có thể là hễ nói ra là nổi giận, lời nói chứa đầy tâm hư vinh và khiêu khích, như vậy sẽ gián tiếp dẫn đến đối phương tạo khẩu nghiệp…)

2. Bạn có thích nói lời dễ nghe với người khác không? Tại sao? Phải nói thế nào cho phù hợp với “chân thành” mà không đạo đức giả?
(Tham khảo: Lời nói tốt đẹp xuất phát từ sự chân thành và lời nói tốt đẹp cố ý nói ra để hài lòng người khác, khác nhau một trời một vực về mục đích bên trong đó, những lời nói chân thật vì muốn tốt cho người khác có thể coi như những lời khuyên tốt không khó nghe, mà ngược lại sẽ khiến đối phương tôn trọng và trân quý). (Giáo viên có thể chia sẻ câu chuyện của Đường Thái Tông và vị trung thần Nguỵ Trưng).

3. Khi ý kiến của người khác khác với của bạn, bạn biểu đạt ý kiến của mình như thế nào?
(Tham khảo: (1) Thay vì phụ hoạ theo, chi bằng thành thật biểu đạt ý kiến bản thân, cũng thiện ý hiểu cho người khác, học cách tôn trọng nhưng không a dua. Đặc biệt là giữa các bạn học với nhau rất dễ “vào hùa” với nhau cả gan làm việc xấu. (2) “Thiểu số phục tùng đa số”, đứng ở góc độ chân lý để xem xét thì điều này không tuyệt đối chính xác. Có thể cùng thảo luận với học sinh, làm thế nào để nắm vững tiêu chuẩn phân biệt thiện ác, đúng sai để đưa ra phán đoán chính xác, chứ không phải là gió chiều nào xuôi chiều ấy để rồi mất đi chuẩn tắc làm người).

Tài liệu đọc

Miệng mật lòng gươm

Lý Lâm Phủ là tể tướng dưới thời vua Đường Huyền Tông, ông giỏi nịnh hót nên rất được lòng Huyền Tông và các thân tín. Bình thường khi giao tiếp với mọi người, Lý Lâm Phủ luôn mang vẻ niềm nở, miệng luôn nói những lời hay ý đẹp, nhưng trên thực tế, ông ta lại vô cùng xảo quyệt, thường âm thầm hãm hại người khác. Lâu dần, mọi người phát hiện sự ngụy thiện của ông ta sau lưng đều gọi ông ta là “miệng có mật, lòng có gươm”.

Một lần, ông giả vờ thân thiết nói với đồng liêu Lý Thích Chi rằng: “Dưới chân núi Hoa Sơn có chứa lượng lớn vàng, nếu có thể khai thác thì sẽ tăng thêm tài sản quốc gia. Tiếc là Hoàng thượng chưa biết”. Lý Thích Chi tưởng là thật, vội vã chạy đi báo cáo với Huyền Tông, Huyền Tông nghe xong rất vui mừng, lập tức tìm Lý Lâm Phủ bàn việc, Lý Lâm Phủ lại nói: “Việc này thần sớm đã biết, nhưng núi Hoa Sơn là nơi có địa chất phong thủy đế vương, làm sao có thể tùy tiện khai thác? Người khuyên bệ hạ khai thác e rằng có ý không tốt; thần sớm đã muốn nói chuyện này với bệ hạ, nhưng vì đại cục nên trước sau không dám mở lời”.

Huyền Tông bị những lời này của ông ta làm cho xúc động, cảm thấy ông ta là người trung quân ái quốc, nhưng lại rất bất mãn với Lý Thích Chi, dần dần xa lánh ông. Về sau, Tư Mã Quang trong khi biên soạn cuốn “Tư trị thông giám” đã đánh giá Lý Lâm Phủ, chỉ ra rằng ông ta là một người miệng mật lòng gươm, điều này rất đúng với thực tế. Bởi vì bề ngoài ông ta thường khen ngợi người khác, nhưng sau lưng lại âm thầm hãm hại họ, vì thế mọi người đều nói ông ta rằng trong miệng có mật, trong bụng lại có gươm.

Chú thích: Lý Lâm Phủ (? – năm 752) là người Thiểm Tây, làm quan dưới thời nhà Đường, là cháu năm đời của Lý Hổ, ông nội của Đường Cao Tổ, tên mụ là Ca Nô. Ông làm tể tướng dưới thời vua Đường Huyền Tông từ năm Khai Nguyên thứ 22 (năm 734) cho đến năm Thái Bảo thứ 11 (năm 752), được truy phong thái úy, đại thống đốc Dương Châu, mọi người gọi ông là “miệng mật lòng gươm”. Về sau người ta đều cho rằng ông chính là một trong những nhân vật quan trọng khiến triều Đường từ thịnh chuyển sang suy, một đại biểu của những kẻ gian thần.

Nụ cười có đao

Trung thư thị lang thời Đường Lý Nghĩa Phủ, bình thường đối xử với mọi người rất trung thực, hiền hoà; hơn nữa bất kể nói chuyện với ai cũng đều mỉm cười, luôn có vẻ chân thành. Nhưng thực ra trong tâm ông ta rất xấu xa, giảo hoạt, thường dùng những âm mưu quỷ quyệt để hãm hại người tốt. Lâu dần, mọi người cũng phát hiện ra bộ mặt giả dối của ông ta, liền nói ông rằng “nụ cười có đao”.

Hai câu chuyện “Miệng mật lòng gươm” và “Nụ cười có đao” có ý nghĩa là: Miệng nói là có mà trong lòng không có, bề ngoài và trong tâm bất nhất; bên ngoài thể hiện rất tốt, nói tốt về người khác, nhưng trong tâm lại toàn nghĩ việc mưu hại, tính kế người khác. Người như thế này thì sẽ không có tấm lòng nhân đức, chính là ứng với câu nói “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hỷ nhân” của Khổng Tử.

Bài tập

Làm thế nào có thể làm được việc “tu khẩu” trong cuộc sống hàng ngày? Trong cuộc sống hàng ngày bạn có gặp phải một số chuyện rắc rối do việc không tu khẩu không, hoặc là nhờ vào việc tu khẩu mà bạn đã tránh được những phiền phức không cần thiết hay không? Hãy chia sẻ với mọi người câu chuyện của bạn vào buổi học sau nhé.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 02-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.