Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Văn hóa truyền thống

Tinh giải luận ngữ (56): Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát

16-07-2025

[ChanhKien.org]

(Không thực sự muốn hiểu những vấn đề đang chưa hiểu thì không giảng giải cho, không thực sự muốn nói những điều đang không nói ra được thì không hướng dẫn cho)

Nguyên văn

子曰:“不愤(1)不启,不悱(2)不发。举一隅(3)不以三隅反,则不复(4)也。”(《论语·述而第七》)

Hán Việt

Tử viết: “Bất phẫn (1) bất khải, bất phỉ (2) bất phát. Cử nhất ngung (3) bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục (4) dã.” (“Luận ngữ – Thuật nhi đệ thất”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Bù fèn (1) bù qǐ, bù fěi (2) bù fā. Jǔ yī yú (3) bù yǐ sān yú fǎn, zé bù fù (4) yě.”(“Lúnyǔ·Shù ér dì qī”)

Chú âm

子 (ㄗˇ) 曰 (ㄩㄝˊ): “不 (ㄅㄨˋ) 愤 (ㄈㄣˋ) (1) 不 (ㄅㄨˋ) 启 (ㄑㄧˇ), 不 (ㄅㄨˋ) 悱 (ㄈㄟˇ) (2) 不 (ㄅㄨˋ) 发 (ㄈㄚˋ)。 举 (ㄐㄩˇ) 一 (ㄧ) 隅 (ㄩˊ) (3) 不 (ㄅㄨˋ) 以 (ㄧˇ) 三 (ㄙㄢ) 隅 (ㄩˊ) 反 (ㄈㄢˇ), 则 (ㄗㄜˊ) 不 (ㄅㄨˋ) 复 (ㄈㄨˋ) (4) 也 (ㄧㄝˇ)。” (《论 (ㄌㄨㄣˊ) 语 (ㄩˇ) · 述 (ㄕㄨˋ) 而 (ㄦˊ) 第 (ㄉㄧˋ) 七 (ㄑㄧ)》)

Chú thích

1. 愤 (phẫn): trong lòng muốn hiểu rõ nhưng lại gặp trở ngại.

2. 悱 (phỉ): đồng âm với từ “匪” (phỉ – thổ phỉ), có nghĩa là trong lòng có điều muốn bày tỏ nhưng lại không nói ra được.

3. 隅 (ngung): đồng âm với từ “鱼” (ngư – cá), có nghĩa là khía cạnh, phương diện.

4. 复 (phục): có ý là sẽ không tiếp tục chỉ bảo, dạy dỗ nữa.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Trong khi dạy học, nếu chưa đến lúc học trò thực sự muốn hiểu rõ những vấn đề chưa hiểu được thì ta sẽ không giảng giải; nếu chưa đến lúc học trò muốn trình bày những ý kiến mà đang không nói ra được thì ta sẽ không hướng dẫn. Dạy cho học trò một vấn đề mà trò ấy không thể từ đó suy ra ba vấn đề khác thì ta sẽ không dạy nữa”.

Nghiên cứu và phân tích

Khổng Tử đã đưa ra tư tưởng dạy học theo “kiểu gợi mở”. Từ phương diện dạy học mà nói, ông yêu cầu học sinh có thể “học một biết mười”. Nếu học trò tư duy một cách tích cực và độc lập thì ông sẽ tiếp tục gợi mở và hướng dẫn. Điều này không chỉ phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong giảng dạy, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc, rộng rãi và vẫn có thể lấy làm tham khảo cho việc giảng dạy hiện nay.

Câu hỏi mở rộng

1. Khi gặp phải khó khăn trong học tập, bạn sẽ chủ động tìm phương án giải quyết trước hay ỷ lại vào lời giải đáp của thầy cô?

2. Thế nào là “Đập vỡ nồi đất hỏi cho đến cùng” (thành ngữ tiếng Trung, có nghĩa là hỏi cho đến cùng)? Nếu bạn là thầy cô giáo, khi gặp những học sinh kiểu như thế này thì bạn sẽ đối đãi ra sao?

3. Trong môn học nào, bạn cảm thấy có thể “học một biết mười” và hiểu bài một cách sâu sắc, toàn diện?

Tài liệu đọc hiểu

Bất sỉ hạ vấn (Khiêm tốn học hỏi từ những người kém hơn)

Vào thời Xuân Thu, nước Vệ có một vị đại phu tên Khổng Ngự, là người thông minh hiếu học, và đáng quý hơn nữa là ông vô cùng khiêm tốn. Sau khi Khổng Ngự mất, vua nước Vệ vì muốn người đời sau có thể học tập, phát huy tinh thần hiếu học và khiêm tốn của ông, nên đã đặc biệt ban cho ông danh hiệu “Văn công”. Hậu thế tôn xưng ông là “Khổng Văn Tử”.

Tử Cống (học trò của Khổng Tử) cũng là người nước Vệ, nhưng ông lại không cho rằng phẩm hạnh của Khổng Ngự khi còn sống xứng đáng với thuỵ hiệu đó. Có một lần, ông hỏi Khổng Tử rằng: “Mặc dù học vấn và tài hoa của Khổng Ngự rất cao, nhưng vẫn còn rất nhiều người giỏi giang kiệt xuất hơn, dựa vào đâu mà ông ấy lại được ban cho thuỵ hiệu ‘Văn công’?” Khổng Tử nghe rồi nói rằng: “Khổng Ngự vô cùng cần cù hiếu học, vô cùng thông minh, hơn nữa nếu như có bất cứ chuyện gì mà ông không hiểu, thì cho dù địa vị và học vấn của đối phương không bằng mình, ông cũng đều khiêm tốn xin chỉ bảo, không hề cảm thấy mất mặt vì chuyện đó. Đây chính là điều hiếm có của ông ấy”. Sau khi nghe Khổng Tử giải thích, cuối cùng Tử Cống cũng hiểu ra.

Sau này, câu nói “Bất sỉ hạ vấn” (khiêm tốn học hỏi từ những người kém hơn) được dùng để ẩn dụ cho việc không có gì đáng xấu hổ khi thỉnh giáo người có thân phận thấp hơn hay học vấn kém hơn mình, cũng dùng để chỉ những người khiêm tốn, ham học.

Bài tập

Từ xưa tới nay, có rất nhiều câu chuyện về những tấm gương chăm chỉ, hiếu học. Hãy tìm và chia sẻ với mọi người một câu chuyện mà bạn cảm thấy sâu sắc nhất.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài