Tinh giải Luận Ngữ (3): Học mà thường xuyên ôn tập thực hành chẳng phải vui lắm sao



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰(1):“学(2)而时习(3)之,不亦说(4)乎?有朋(5)自远方来,不亦乐(6)乎?人不知(7)而不愠(8),不亦君子(9)乎?” (《论语·学而第一》)

Tử viết1 : “Học2 nhi thời tập3 chi, bất diệc duyệt4 hồ? Hữu bằng5 tự viễn phương lai, bất diệc lạc6 hồ? Nhân bất tri7 nhi bất uấn8, bất diệc quân tử9 hồ?” (trích Luận ngữ – Học nhi đệ nhất)

Phiên âm

zǐ yuē:“xué ér shí xí zhī, bù yì yuè hū?yǒu péng zì yuǎn fāng lái, bù yì lè hū?rén bù zhī ér bù yùn, bù yì jūn zǐ hū?”

Chú âm

子(ㄗˇ) 曰(ㄩㄝ): 學(ㄒㄩㄝˊ) 而(ㄦˊ) 時(ㄕˊ) 習(ㄒㄧˊ) 之(ㄓ), 不(ㄅㄨˋ) 亦(ㄧˋ) 說(ㄩㄝˋ) 乎(ㄏㄨ)? 有(ㄧㄡˇ) 朋(ㄆㄥˊ) 自(ㄗˋ) 遠(ㄩㄢˇ) 方(ㄈㄤ) 來(ㄌㄞˊ), 不(ㄅㄨˋ) 亦(ㄧˋ) 樂(ㄌㄜˋ) 乎(ㄏㄨ)? 人(ㄖㄣˊ) 不(ㄅㄨˋ) 知(ㄓ) 而(ㄦˊ) 不(ㄅㄨˋ) 慍(ㄩㄣˋ), 不(ㄅㄨˋ) 亦(ㄧˋ) 君(ㄐㄩㄣ) 子(ㄗˇ) 乎(ㄏㄨ)?

Chú thích

1. 子 Tử: cách gọi tôn trọng đối với những người đàn ông có địa vị, có học vấn thời Trung Quốc cổ đại, cũng có khi gọi là nam tử. Từ “Tử viết” trong sách Luận ngữ đều là chỉ những lời nói của Khổng Tử.

2. 學/学 Học: Chữ “học” mà Khổng Tử nói đến ở đây chủ yếu là chỉ học tập những điển tịch văn hoá truyền thống như “Lễ”, “Nhạc”, “Thi”, “Thư” của nhà Tây Chu.

3. 時習/时习 Thời tập: “Thời” được giải thích là thường xuyên. “Tập”, chỉ việc diễn tập “Lễ”, “Nhạc”; ôn tập “Thi”, “Thư”. Cũng bao hàm ý ôn tập, thực tập, luyện tập.

4. 說/说 Duyệt: Đồng âm đồng nghĩa với chữ “duyệt” (悦), có ý nghĩa là vui vẻ, cao hứng.

5. 有朋 Hữu bằng (Chú thích của người dịch: dùng chữ “有 hữu” trong từ “sở hữu”, mang ý là “có”): Có một bản khác viết là “友朋 hữu bằng” (Chú thích của người dịch: dùng chữ “友hữu” trong từ “hữu nghị”, có ý là “bạn bè”). Sách Cựu chú viết: “Đồng môn là bằng”, tức là những người cùng học một thầy thì được gọi là bằng, cũng chính là người có cùng chí hướng đường đi.

6. 樂/乐 Lạc: cũng có nghĩa là vui, nhưng khác với chữ “duyệt” (说). Sách Cựu chú viết: Duyệt tại nội tâm, lạc tắc kiến vu ngoại (Tạm dịch là: Duyệt ở trong nội tâm thì sẽ thấy lạc ở bên ngoài. Việt Nam có cách nói vui vẻ, tức nếu trong tâm thực sự vui thì có thế thấy được sự mừng rỡ từ vẻ ngoài).

7. 人不知 Nhân bất tri: “Tri” có ý nghĩa là “liễu giải” (hiểu). Nhân bất tri ý nói rằng người khác không hiểu được mình.

8. 慍/愠 Uấn: đồng âm với chữ “vận”, có ý nghĩa là giận dữ, oán hận.

9. 君子 Quân tử: Quân tử trong sách Luận ngữ có khi thì chỉ người có đức, có khi thì chỉ người có địa vị. Ngoài ra còn chỉ những người có nhân cách cao thượng.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Nếu có thể thường xuyên ôn tập những học vấn mà mình mong cầu thì chẳng phải rất cao hứng sao? Nếu có người bạn cùng chí hướng từ phương xa đến chơi, chẳng phải sẽ khiến người ta cảm thấy hân hoan sao? Cho dù người ta không hiểu được mình thì cũng không vì thế mà cảm thấy oán hận, giận dữ, đó chẳng phải bậc quân tử có đức sao?”

Nghiên cứu và phân tích

Niềm vui thích lớn nhất trong cuộc đời của Khổng Tử là học tập và dạy học, trong cuốn Luận ngữ, ngay từ chương một của thiên đầu tiên “Học nhi”, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực học tập. Trong toàn bộ cuốn Luận ngữ có thể nói là chỗ nào cũng thấy Khổng Tử đàm luận về các kinh nghiệm học tập, ví dụ trong thiên “Vi chính”, Khổng Tử đã nói ông “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học” (Tạm dịch: Ta lúc 15 tuổi đã lập chí học tập), trong thiên “Thuật nhi” ông còn đề cập rằng bản thân “phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí” (Tạm dịch: Nỗ lực quên ăn, vui quên cả âu lo, không biết rằng tuổi già đã cận kề), vì ham đọc sách mà ông thường quên cả bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí ngay cả việc bản thân sắp già cũng không biết.

Có học giả đời sau cho rằng, nhà biên soạn cuốn Luận ngữ đã để “Học nhi” làm thiên mở đầu, chính là muốn nhấn mạnh “học tập” là nội dung căn bản của Luận ngữ, có thể nói là có dụng ý rất thâm sâu. Tóm lại, chương này đề xuất coi học tập là niềm vui, làm được “nhân bất tri nhi bất uấn”, thể hiện rằng Khổng Tử chủ trương học mà chẳng biết chán, dạy người mà không thấy mệt mỏi, chú trọng tu dưỡng, nghiêm khắc yêu cầu bản thân.

Câu hỏi mở rộng

1. Môn học yêu thích nhất của bạn ở trường là gì? Đối với những tri thức học được trên trường lớp bạn có làm được việc ôn cố tri tân (học điều xưa mà biết được điều nay) không? Tại sao thường xuyên luyện tập cần có sự vui vẻ? Bạn có trải nghiệm về niềm vui đọc sách nào để chia sẻ cùng mọi người không?

2. Tại sao cần phải học những thư tịch kinh điển cổ điển như Luận ngữ? Bạn có thể lĩnh hội được ý nghĩa gì trong đó không?

3. Tại sao nói “nhân bất tri nhi bất uấn” là bậc quân tử? Chia sẻ về cái “nhẫn” thực sự mà bạn đã làm được trong cuộc sống như thế nào?

Câu chuyện lịch sử

Âu Dương Tu khi ở trên lưng ngựa, khi đi ngủ và khi vệ sinh cá nhân

Thời nhà Tống có một chính trị gia, nhà văn tên là Âu Dương Tu, khi nói về những tâm đắc đối với tác phẩm của mình ông đã kết luận rằng: “Làm văn có ba việc nhiều: đọc nhiều, làm nhiều, thương lượng nhiều”. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã đọc rất nhiều những tác phẩm của các bậc thánh hiền xưa, trong đó ông đặc biệt thích những bài viết của nhà văn lớn triều Đường là Hàn Dũ. Người ta nói rằng khi ông chưa thành danh, có một lần, ông đã bị hấp dẫn bởi di cảo của Hàn Dũ trong một hòm sách cũ, từ đó ông quên ăn quên ngủ, cần mẫn khắc khổ và phát thệ muốn đuổi kịp Hàn Dũ.

Trải qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Âu Dương Tu không chỉ học được những ưu điểm của Hàn Dũ, hơn nữa nhờ sự sáng tạo và đề xướng của ông đã khiến văn xuôi cổ từ thời Đường được khai hoa kết trái vào thời Tống, tạo ra phong cách văn chương giản dị lưu loát, thiết thực và đi vào trọng tâm.

Sau khi làm quan, Âu Dương Tu mặc dù bận rộn với việc công nhưng để thực hiện cải cách nền chính trị, ông vẫn viết ra rất nhiều tác phẩm thơ và tản văn. Thái độ sáng tác của ông vô cùng nghiêm túc và cẩn thận, mỗi lần viết xong một tác phẩm ông liền dán ở trên tường để thuận tiện chỉnh sửa, cho đến khi cảm thấy hoàn thiện rồi mới đưa ra.

Năm xưa, khi bị giáng chức đến Trừ Châu, tỉnh An Huy làm thái thú, ông đã viết “Túy ông đình ký”. Khi viết bản sơ thảo, ông đã dùng mười mấy từ để mô tả phong cảnh huyện Trừ. Tuy nhiên sau nhiều lần suy ngẫm, cuối cùng ông khái quát lại trong vỏn vẹn năm chữ “Hoàn Trừ giai sơn dã” (Tạm dịch: Huyện Trừ toàn là núi). Có người hiếu kỳ hỏi rằng sao ông có nhiều thời gian để suy nghĩ đến thế? Âu Dương Tu đáp rằng: “Tôi viết văn đa phần ở ba nơi, đó chính là tận dụng thời gian ở trên lưng ngựa, nằm trên giường và khi vệ sinh cá nhân”.

Mặc dù là ông tổ văn học một thời nhưng khi làm văn Âu Dương Tu vẫn rất khiêm tốn xin lời khuyên từ người khác, chưa từng tỏ ra kiêu ngạo. Có một lần, Âu Dương Tu, Tạ Hy Thâm và Doãn Sư Lỗ cùng viết bài về một chủ đề tương tự nhau. Kết quả, bài của Tạ Hy Thâm có khoảng 700 chữ, bài của Âu Dương Tu có 500 chữ, còn bài của Doãn Sư Lỗ chỉ có hơn 380 chữ, kết cấu chặt chẽ, lập luận hoàn chỉnh, ngôn từ tinh tế. Âu Dương Tu đọc xong vô cùng bái phục. Sau bữa tối, ông đích thân mang rượu đến nhà họ Doãn hỏi thăm và thỉnh giáo, hai người đã đàm đạo đến tận khi trời sáng. Sau khi về nhà, ông không cần nghỉ ngơi chút nào mà ngay lập tức vực dậy tinh thần viết lại một lần nữa. Kết quả, ông không chỉ viết ít hơn Doãn Sư Lỗ 20 chữ, mà bài văn của ông còn thêm phần hoàn chỉnh và lắng đọng. Doãn Sư Lỗ đọc xong đã phải giơ ngón tay cái lên khen ngợi Âu Dương Tu rằng: “Quả là một ngày đi ngàn dặm!”

Vào những năm cuối đời, Âu Dương Tu đã trở thành một văn nhân danh tiếng hiển hách. Nhưng ông vẫn vì việc lựa chọn câu chữ mà trầm ngâm suy tư. Vợ ông đã khuyên rằng: “Văn chương của ông đã vang danh thiên hạ rồi, lẽ nào vẫn sợ các vị tiên sinh mắng sao?” Âu Dương Tu vuốt râu cười lớn nói rằng: “Không phải, tôi không sợ các vị tiên sinh mắng mỏ, mà sợ bị hậu thế cười chê!”

Bài tập

Hãy chia sẻ một câu chuyện về sự cần cù học tập từ xưa đến nay cả trong nước và ngoài nước mà bạn biết.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 19-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.