Tinh giải luận ngữ (47): Con người cần sống ngay thẳng



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“人之生(1)也直(2),罔(3)之生也幸(4)而免(5)。” (《论语·雍也第六》)

Hán Việt

Tử viết: “Nhân chi sinh (1) dã trực (2), võng (3) chi sinh dã hạnh (4) nhi miễn (5)”. (Luận ngữ – Chương 6 – Ung dã)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Rén zhī shēng yě zhí, wǎng zhī shēng yě xìng ér miǎn”. (Lúnyǔ·yōngyě dì lìu)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝˋ:“人ㄖㄣˊ之ㄓ 生ㄕㄥ 也ㄧㄝˇ 直ㄓˊ,罔ㄨㄤˇ 之ㄓ 生ㄕㄥ 也ㄧㄝˇ 幸ㄒㄧㄥˋ 而ㄦˊ 免ㄇㄧㄢˇ。” (《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·雍ㄩㄥ也ㄧㄝˇ第ㄉㄧˋ六ㄌㄧㄡˋ》)

Chú thích

1. 生 (sinh): sinh sống

2. 直 (trực): chỉ bản tính chính trực phù hợp với đạo lý sinh trưởng không ngừng.

3. 罔 (võng): xuyên tạc bịa đặt, không chính trực, rời xa đạo lý sinh trưởng không ngừng.

4. 幸 (hạnh): may mắn nhất thời. Những lời xuyên tạc đặt điều dẫn đến trạng thái không đúng đắn, không nên sống như vậy.

5. 免 (miễn): tạm thời tránh khỏi kiếp nạn. Sinh mệnh vẫn còn cơ hội nhận ra lỗi lầm của mình và tu chính, nếu không biết hối cải thì ắt gặp kiếp nạn.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Con người có thể sống tốt là nhờ có bản tính chính trực phù hợp với đạo lý sinh trưởng không ngừng, nếu như rời xa hay làm mất đi bản tính ngay thẳng ấy, thì chỉ có thể tạm thời may mắn tránh được kiếp nạn mà sống tạm bợ qua ngày mà thôi”.

Nghiên cứu và phân tích

Con người nên đỉnh thiên lập địa giống như cây cối, đều nên ngay thẳng mà sống trên mặt đất vậy, nếu chỉ cần hơi chút ngả nghiêng hay cong vẹo mà không uốn thẳng lại ngay, thì ngày sau khó mà thành tài. Con người có bản tính chính trực, cũng phù hợp với Đạo trung dung. Thực ra, đó chính là cốt lõi để con người có thể sống hưng thịnh, thiên địa, sinh mệnh, vạn vật chẳng phải cũng cần phù hợp với quy luật vận hành của vũ trụ và đạo lý sinh sôi không ngừng hay sao? Nếu con người quên đi bản tính của mình là đến từ Thiên Đạo, bỏ gốc lấy ngọn, một mực truy cầu hưởng lạc vật chất tại thế gian, thì chính là chạy theo hướng ngược lại, tự làm tự chịu.

“Nhân chi sinh dã trực”, trong câu này cũng mang ý nghĩa bảo hộ bản tính thừa hưởng từ Thiên Đạo, ý nghĩa là không thể xa rời. Nếu cứ an yên và đắm chìm trong hưởng lạc vật chất thì chính là đã quá xa rời Thiên Đạo rồi. Hưởng thụ vật chất tưởng chừng là rất thực tế nhưng thực chất lại chính là hư huyễn, thật ra chính là sống trong “võng” (dối trá), chính là “hạnh nhi miễn” (may mắn tránh được kiếp nạn). Hạnh phúc chân chính của sinh mệnh nào đâu phải do hướng ngoại cầu, mà nên xuất phát từ bản tính chính trực đã có sẵn từ tiên thiên, tự tìm thấy niềm vui trong Đạo.

Câu hỏi mở rộng

1. Con người hiện đại có cuộc sống sung túc đủ đầy, khoa học kỹ thuật phát triển, hàng hóa và đồ chơi giải trí muốn gì có nấy, đáng lẽ phải thấy hài lòng, nhưng tại sao trong nội tâm người ta lại trống rỗng, cô đơn và có cảm giác mất mát?

Tham khảo

Trong một xã hội tiêu dùng hoang phí hiện nay, rất nhiều người đều chìm đắm trong sự hưởng lạc vô bờ mà vật chất khoa học kỹ thuật mang lại, sống một cách vô cùng nhàn hạ, dường như người ta dần trở nên nghiện cái cuộc sống đắm chìm, dựa dẫm, an nhàn, hưởng lạc này, từ đó bành trướng cái “võng” (dối trá), đè nén phần “trực” (chính trực). Khi văn minh vật chất đầy rẫy trong cuộc sống, nhưng văn minh tinh thần lại không được coi trọng, hệ quả là đạo đức suy thoái, thiện ác, tốt xấu khó mà phân biệt được, theo đó các loại biểu hiện, tín tức, tâm lý biến thái tạp loạn xuất hiện ồ ạt khiến cho rất nhiều người học theo, chỉ cần có tiền để kiếm, có tiền để tiêu, thì dường như không có ai quản, mặc sức làm chuyện thất đức để đổi lấy hưởng lạc vật chất, sa lầy vào vũng bùn ấy mà không thể thoát ra, hoàn toàn không biết rằng tinh thần bản thân đang suy kiệt, đang sống trong “võng” (điều giả dối).

2. Sự xuất hiện của thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh có liên quan tới việc con người đã rời quá xa với bản tính chính trực hay không?

Tham khảo

“Võng chi sinh dã hạnh nhi miễn” (không ngay thẳng cũng sống được, ấy là nhờ may mắn tránh khỏi tai họa mà thôi), nhưng người mà “dối trá” cũng có thể gặp nạn hoặc tử vong, đó chính là “báo ứng” mà người ta thường hay nói! “Hạnh nhi miễn” (may mắn tránh được kiếp nạn) chính là “không phải là không có báo ứng, chỉ là thời gian chưa đến mà thôi”. Rất nhiều người vì không nhìn thấy những kẻ “lừa dối”, kẻ làm xằng làm bậy gặp báo ứng, nên cũng bắt chước theo “gian dối” mà không “ngay thẳng”. Đó chính là quá trình đạo đức xã hội trượt dốc, sinh mệnh sa đọa, không tin rằng sẽ có báo ứng. Nếu xã hội vẫn cứ trượt dốc như thế, thì mỗi cá nhân hay toàn bộ xã hội đều sẽ tiến gần đến họa nạn hoặc hủy diệt. Nếu tai họa vẫn chưa xuất hiện thì tức là vẫn còn cơ hội sửa chữa, sửa chữa thì không nên nhìn người khác, những người vẫn còn lương tri sẽ biết bản thân phải có trách nhiệm đối với sinh mệnh chính mình, sẽ biết trân quý sinh mệnh của mình. Nếu những kẻ “gian dối” không biết hối lỗi, thì công bằng mà nói, đều sẽ phải bồi thường, sớm muộn gì đều phải gặp báo ứng, ví như: dịch bệnh, chiến tranh hay thảm họa thiên tai…

Câu chuyện lịch sử

Lấy đức tu thân

Khổng Tử nói: “Con người hiện nay có thể phân thành bốn loại: người tầm thường, kẻ sĩ, quân tử và hiền nhân.”

Lỗ Ai công hỏi Khổng Tử rằng: “Xin hỏi, người như thế nào thì được gọi là người tầm thường?”

Khổng Tử đáp: “Những người được gọi là người tầm thường là chỉ những người ngoài miệng không thể nói ra lời tử tế, trong tâm không biết lo lắng, không biết lựa chọn hiền nhân thiện sĩ để gửi gắm bản thân trừ bỏ đi nỗi lo hoạn nạn, khi hành động thì không biết nên làm gì, còn bị chi phối bởi thất tình lục dục, những người như vậy có thể được gọi là người thường”.

Lỗ Ai công nói: “Rất hay, vậy như thế nào thì được gọi là kẻ sĩ”.

Khổng Tử đáp: “Được gọi là kẻ sĩ, là chỉ người mặc dù không thể biết hết được các cách thức làm việc, nhưng vẫn có thể làm việc theo nguyên tắc; mặc dù không thể hoàn thành sự việc một cách thập toàn thập mỹ, nhưng chắc chắn cũng đã giải quyết phần nào. Vì vậy người ấy không truy cầu sự uyên bác của tri thức, mà chú trọng vào tính chính xác của tri thức ấy; không theo đuổi sự rườm rà trong câu chữ, mà quan trọng là lời nói có chính xác hay không; không quan trọng là làm nhiều hay ít, mà chú trọng xem hành động có đúng hay không”.

Lỗ Ai công lại hỏi: “Vậy thì như thế nào mới được tính là bậc quân tử?”

Khổng Tử đáp rằng: “Nói lời trung thực, giữ chữ tín, nhưng trong tâm lại không cho rằng đó là phẩm chất cao quý gì, hành sự coi trọng nhân nghĩa, nhưng không hề vì vậy mà kiêu ngạo; suy nghĩ rõ ràng thấu đáo, nhưng ngôn từ không hơn thua hiếu chiến, nên anh ta thong dong chậm rãi mà không sợ người khác có thể đuổi kịp, đây chính là bậc quân tử”.

Lỗ Ai công nói: “Nói thật quá hay! Vậy ngài có thể cho tôi biết người như thế nào có thể tính là hiền nhân không?”

Khổng Tử hồi đáp rằng: “Hiền nhân là chỉ người mà làm việc phù hợp quy củ, lại vừa không trái với bản tính của mình; ngôn luận của người ấy đủ để làm gương cho khắp thiên hạ, nhưng lại sẽ không vì vậy mà tổn hại đến bản thân ông ấy; giàu có nhất nhì thế gian lại không tích lũy của cải, có thể xả bỏ tài vật cho người khác, mà không hề lo lắng bản thân nghèo khổ, người như vậy có thể được gọi là hiền nhân”.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa coi việc truy cầu đạo đức là nền tảng làm người, theo đuổi sự hoàn thiện trong đạo đức con người, mà trong đó bậc quân tử và hiền nhân lại là hình mẫu lý tưởng mà Nho gia đặt ra. Mặc dù họ đại diện cho những cảnh giới đạo đức khác nhau, nhưng lại đều là những người đức hạnh vẹn toàn, mà đây cũng là điểm khác nhau căn bản của họ với người tầm thường và kẻ sĩ. Vì vậy, Nho gia đề xướng phải lấy đức tu thân, thông qua đạo đức mà đề cao bản thân, hoàn thiện bản thân, đạt đến cảnh giới của quân tử và hiền nhân.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 05-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.