Tinh giải luận ngữ (35): Vô gia chư nhân (Không áp đặt cho người khác)



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子贡曰:“我不欲人之加(1)诸(2)我也,吾亦欲无加诸人。”子曰:“赐(3)也,非尔(4)所及也。”(《论语·公冶长第五》)

Hán Việt

Tử Cống viết: “Ngã bất dục nhân chi gia (1) chư (2) ngã dã, ngô diệc dục vô gia chư nhân.” Tử viết: “Tứ (3) dã, phi nhĩ (4) sở cập dã.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”).

Phiên âm

Zǐ Gòng yuē: “Wǒ bù yù rén zhī jiā zhū wǒ yě, wú yì yù wú jiā zhū rén.” Zǐ yuē: “Cì yě, fēi ěr suǒ jí yě.” (“Lúnyǔ·Gōng yě zhǎng dì wǔ”)

Chú âm

子ㄗˇ贡ㄍㄨㄥˋ曰ㄩㄝ:“我ㄨㄛˇ不ㄅㄨˋ欲ㄩˋ人ㄖㄣˊ之ㄓ加ㄐㄧㄚ诸ㄓㄨ我ㄨㄛˇ也ㄧㄝˇ,吾ㄨˊ亦ㄧˋ欲ㄩˋ无ㄨˊ加ㄐㄧㄚ诸ㄓㄨ人ㄖㄣˊ。”子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“赐ㄘˋ也ㄧㄝˇ,非ㄈㄟ尔ㄦˇ所ㄙㄨㄛˇ及ㄐㄧˊ也ㄧㄝˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ长ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)

Chú thích

1. 加 (Gia): ý chỉ việc người trên áp đặt, không tôn trọng đối với người dưới, không cho tự do lựa chọn theo ý chí của mình.

2. 诸 (Chư): đối với.

3. 赐 (Tứ): Tử Cống họ Đoan Mộc tên là Tứ.

4. 尔 (Nhĩ): bạn, anh (ngôi thứ hai).

Diễn nghĩa

Tử Cống nói rằng: “Trò không muốn người ta áp đặt điều gì đó cho mình, và cũng không muốn áp đặt điều gì đó cho ai”. Khổng Tử nói: “Tử à! Đây không phải là cảnh giới mà trò hiện nay có thể đạt được”.

Nghiên cứu và phân tích

Việc người khác áp đặt điều gì cho mình và mình áp đặt điều gì cho người khác đều là những việc thường tình mà người bình thường đều rất khó tránh khỏi, trừ các bậc Thánh hiền. Ngay cả những người có tri thức nếu muốn thoát khỏi những can nhiễu bên ngoài khiến người ta khó thanh tỉnh tự tại, khó ước thúc ngôn hành của bản thân, thì trong một thời gian ngắn cũng rất khó làm được. Chỉ có trường kỳ tu tâm dưỡng tính, quy chính ngôn hành cử chỉ, từ đó tư tưởng được thăng hoa và hoàn trả những gì đã nợ người khác thì mới thực sự đạt được cảnh giới như ý nguyện, siêu nhiên, thoát ra khỏi sự hỗn loạn, bụi bặm và phiền toái nơi trần gian. Ngược lại, người có cái tôi càng lớn và càng cho mình là đúng thì lại càng dễ biểu hiện ra sự áp đặt đối với người khác, hơn nữa tất nhiên càng khó dung nhẫn sự áp đặt của người khác lên mình, họ chính là mâu thuẫn như thế. Nguyện vọng của Tử Cống là tốt, nhưng cảnh giới đó không phải cứ mong cầu là được, mà cần phải dốc sức làm thì mới có thể đạt được.

Câu hỏi mở rộng

1. Có một số người luôn cho rằng mình rất hoàn hảo, phóng túng bản thân theo những suy nghĩ phù phiếm, viển vông, vọng tưởng, mơ mộng mà không muốn thanh tỉnh ra. Tại sao người ta luôn không thể đối diện với hiện thực, đối diện với sự không hoàn hảo của bản thân, nhìn thẳng vào những lỗi lầm mà mình đã từng mắc phải? Chỉ dựa vào những suy nghĩ đẹp đẽ viển vông thì có thể khiến bản thân đạt được cảnh giới đó hay sao? Bạn hãy nghĩ xem mình có những khuyết điểm gì, cần khắc phục những khuyết điểm đó như thế nào?

2. Con người không phải bậc Thánh hiền, ai cũng từng có lỗi lầm. Nếu mình gây tổn thương cho người khác, thì theo lý công bằng mà nói, mình nhất định phải bồi thường sự đau khổ đó cho người ta. Nhưng rất nhiều người lại không thể đối diện, không thể chấp nhận được sự thực này, mà lại cứ một mực chán ghét và trốn chạy, cho rằng ông Trời bất công với mình. Bạn hãy thử làm điều này: lần sau khi bạn cảm thấy người khác đang áp đặt điều gì đó cho mình thì hãy cứ thử thản nhiên tiếp nhận, không trốn tránh, hơn nữa tự nhìn lại mình xem đã từng áp đặt điều gì cho người khác chưa?

Câu chuyện lịch sử

Khoan dung nhân hậu, không tính toán lỗi lầm của người khác

Khi thừa tướng nhà Tống Ngụy quốc công Hàn Kỳ làm thống lĩnh quân đội ở Định Vũ, một buổi tối ông cần ngồi viết thư nên gọi một người lính canh đến bên cạnh cầm nến cho mình. Người lính canh bất cẩn nhìn đi chỗ khác, làm cho nến cháy vào tóc mai của ông, ông lập tức dùng tay áo dập lửa rồi tiếp tục viết thư. Một lúc sau, ông quay đầu lại nhìn thì thấy đã đổi người lính canh khác cầm nến. Hàn Kỳ lo lắng người lính canh đó bị cấp trên trừng phạt nên đã vội vàng nói với cấp trên của anh ta rằng: “Đừng đổi người khác, anh ta đã hiểu cách cầm nến như thế nào rồi”. Vì thế quan binh trong quân đội đều rất khâm phục ông.

Khi Hàn Kỳ trấn thủ phủ Đại Danh, có người dâng lên cho ông hai chiếc chén ngọc, nói rằng: “Đây là hai chiếc chén ngọc do người nông dân tìm thấy khi khai quật mộ, từ trong ra đến ngoài không có một tỳ vết, quả là những báu vật tuyệt thế vô song!”. Hàn Kỳ lấy ngân lượng thưởng cho người dâng chén ngọc. Ông vô cùng yêu thích hai chiếc chén ngọc ấy, mỗi khi mở yến tiệc thiết đãi quan khách ông đều cho bày hai chiếc chén đó lên, dùng vải gấm lót bên dưới và đặt chén lên trên.

Một hôm, vị quan viên lo việc trà nước chuẩn bị rót rượu vào hai chiếc chén ngọc để thiết đãi quan khách thì chẳng may bị một người lính canh bất cẩn đụng phải khiến cho hai chiếc chén ngọc vỡ tan tành. Quan khách ai nấy đều kinh ngạc sững sờ, người lính canh ấy vội vàng quỳ xuống đất đợi trừng phạt. Hàn Kỳ khuôn mặt không biến sắc, cười nói với quan khách rằng: “Phàm là đồ vật bị hỏng hay không hỏng cũng đều là vận số của chúng”. Một lúc sau ông quay sang nói với người lính canh kia rằng: “Ngươi do bất cẩn mà phạm lỗi chứ không phải cố ý, vậy có gì là sai?” Quan khách đều thán phục trước tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 10-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.