Tinh giải luận ngữ (18): Lý nhân vi mỹ



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“里仁为美(1),择不处仁(2),焉得知(3)?” (《论语·里仁第四》)

Hán Việt

Tử viết: “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xứ nhân, yên đắc tri?” (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)

Phiên âm

Zǐ yuē:“Lǐ rén wèi měi, zé bù chù rén, yān dé zhī?” (“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ为ㄨㄟˋ美ㄇㄟˇ,择ㄗㄜˊ不ㄅㄨˋ处ㄔㄨˇ仁ㄖㄣˊ,焉ㄧㄢ得ㄉㄜˊ知ㄓ?”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

(1) 里仁为美 (Lý nhân vi mỹ): 里 (Lý) ở đây là động từ, nghĩa là cư trú, sinh sống. Mỹ (美) nghĩa là thiện. Cụm này có thể hiểu là sống ở nơi có người nhân đức mới tốt.

(2) 处 (Xứ): cư trú, sinh sống.

(3) 焉得知 (Yên đắc tri): 焉 (Yên) là phó từ, có nghĩa là “thế nào”. 知 (Tri) hiểu là “智” (Trí).

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Một thôn làng hoặc khu dân cư có nếp sống thuần phác, trung hậu, nhân đức mới được xem là tốt lành, khi lựa chọn nơi an cư mà không chú ý chọn nơi có nếp sống thuần phác thiện lương, có nhân đức thì sao có thể là người có trí huệ đây?”

Nghiên cứu và phân tích

Sự tu dưỡng đạo đức là việc của tự thân mỗi người, nhưng cũng lại có liên quan với hoàn cảnh bên ngoài nơi mình sinh sống. Chú trọng môi trường sống và lựa chọn bạn bè là vấn đề rất được coi trọng trong Nho gia. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, sống cùng với người nhân đức, nghe quen tai nhìn quen mắt thì sẽ được ảnh hưởng từ họ; ngược lại thì khó có thể dưỡng thành lòng “nhân từ”. Trong chương này Khổng Tử dạy thế nhân cần lựa chọn hoàn cảnh sinh sống tốt.

Câu hỏi mở rộng

1. Tập thể có ảnh hưởng sâu sắc đối với chúng ta, những yếu tố nào sẽ là ưu tiên để bạn lựa chọn bạn bè? Tại sao?

2. Bạn có hài lòng với khu dân cư mình đang ở không? Nếu không hài lòng lắm, bạn sẽ làm thế nào để giảm bớt sự ảnh hưởng xấu tới mình?

Bạn cảm thấy sự giáo dục của hoàn cảnh có ảnh hưởng tới một người ở những phương diện nào?

Góc kể chuyện

Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà

Mạnh Tử lên ba tuổi thì mồ côi cha, được mẹ nuôi dạy khôn lớn. Nhà họ Mạnh ở gần một nghĩa địa nên thường xuyên có các đoàn người đưa tang đi qua cửa. Mạnh Tử liền bắt chước dáng vẻ khóc lóc của đoàn người đưa tang. Mạnh mẫu thấy con trai chơi đùa kiểu như vậy thì rất tức giận, thấy rằng không tốt cho việc học tập của con, nên chuyển nhà vào trong thành.

Vào trong thành, nhà ông ở ngay giữa khu chợ ồn ào, suốt cả ngày nghe tiếng giết mổ lợn, tiếng mua bán, Mạnh Tử và lũ trẻ con hàng xóm lại rủ nhau chơi trò mua bán.

Mạnh mẫu cảm thấy nơi này cũng rất khó chuyên tâm đọc sách, nên một lần nữa chuyển nhà đến đối diện một trường học của quan. Vào ngày mồng một âm lịch hàng tháng, các quan viên ra vào văn miếu, quỳ bái hành lễ cung kính, tiến lui khiêm nhường, Mạnh Tử nhìn thấy, ghi nhớ từng chi tiết một. Mạnh mẫu nghĩ: “Đây mới đúng là nơi ở cho trẻ nhỏ”, liền định cư tại đây.

Một hôm, Mạnh Tử vì không chăm chỉ học tập nên bỏ trốn về nhà. Mạnh mẫu ngay lập tức cầm kéo lên, cắt đứt mảnh vải đang dệt trên khung cửi và nói với Mạnh Tử rằng: “Việc học tập cũng giống như dệt vải, phải dệt từng sợi từng sợi vào với nhau, mới có thể dệt thành một mảnh vải hữu dụng. Con học tập cũng vậy, cần dụng tâm nỗ lực, tích lũy trong một thời gian dài, mới có thể có được thành tựu. Con không chăm chỉ như thế này, làm sao có thể thành tựu đại nghiệp đây?”

Vì rất chú trọng đến sự giáo dục trong những năm tháng tuổi thơ, nên Mạnh mẫu mới biết để ý đến hành vi sai lệch của con mình là do ảnh hưởng từ những hoàn cảnh không tốt. Để Mạnh Tử từ thuở nhỏ có thể đặt tâm tư vào việc học tập mà bà đã ba lần chuyển nhà, lưu lại câu chuyện giáo dục hữu ích “Tích Mạnh mẫu, trạch lân xứ; Tử bất học, đoạn cơ trữ” (Mẹ Mạnh Tử ngày xưa, chọn láng giềng mà ở; Con trốn học về chơi, mẹ cắt vải khung cửi).

Dich từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 13-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.