Tinh giải luận ngữ (17): Tế Thần như Thần tại



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

祭如在,祭神如神在。子曰:“吾不与(1)祭,如不祭。”(《论语·八佾第三》)

Hán Việt

Tế như tại, tế Thần như Thần tại. Tử viết: Ngô bất dữ tế, như bất tế. (Trích “Luận ngữ – Bát dật đệ tam”)

Phiên âm

Jì rú zài, jì shén rú shén zài. Zǐ yuē:“Wú bù yǔ jì, rú bù jì.”(“Lúnyǔ·Bā yì dì sān”)

Chú âm

祭ㄐㄧˋ如ㄖㄨˊ在ㄗㄞˋ,祭ㄐㄧˋ神ㄕㄣˊ如ㄖㄨˊ神ㄕㄣˊ在ㄗㄞˋ。子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“吾ㄨˊ不ㄅㄨˋ与ㄩˇ(1)祭ㄐㄧˋ,如ㄖㄨˊ不ㄅㄨˋ祭ㄐㄧˋ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·八ㄅㄚ佾ㄧˋ第ㄉㄧˋ三ㄙㄢ》)

Chú thích

(1) 与 (Dữ): tham dự, tham gia.

Diễn nghĩa

Tế tự tổ tiên giống như tổ tiên đang ở trước mặt, tế Thần giống như Thần đang ở trước mặt. Khổng Tử nói: Nếu ta không đích thân tham dự việc tế tự thì cũng bằng như không cử hành tế tự vậy.”

Nghiên cứu và phân tích

Khổng Tử nói tế tự tổ tiên, Thần linh giống như tổ tiên, Thần linh đang thực sự ở trước mặt vậy, đặc biệt nhấn mạnh việc người tham gia tế tự cần thành kính từ trong tâm. Ngày nay chúng ta thường nói “Tín tắc hữu, bất tín tắc một hữu” (Tạm dịch: thà tin là có, chứ không tin là không có), khi tế tự tổ tiên, Thần linh, Khổng Tử đều mang một tấm lòng kiền thành, trang trọng, cung kính, giống như tổ tiên đang ở trước mặt, Thần linh đang ở bên cạnh vậy. Hơn nữa việc Khổng Tử nhất định phải đích thân tế tự tổ tiên, Thần linh cũng thể hiện tấm lòng kính ngưỡng của ông với tổ tiên, Thần linh.

Phong tục dân gian thời Trung quốc cổ đại rất thuần phác, tế tự là một cách thể hiện lòng biết ơn và sự báo đáp của con người đối với những gì Thần lưu lại, những gì tổ tiên để lại cho người đời sau. Khổng Tử rất coi trọng việc tế lễ, cũng rất nghiêm túc tuân thủ các lễ nghi tế tự, trong các kinh điển như “Luận ngữ”, “Lễ ký” đều có rất nhiều ghi chép về việc này.

Văn hóa truyền thống của Trung quốc là văn hóa nửa Thần, trong một khoảng thời gian khá dài là trạng thái nhân Thần đồng tại; khi con người thành kính tin tưởng vào Thần, Thần cũng hiển hiện cho con người, khiến con người có thể cảm thụ được, nhìn thấy, nghe thấy, thực sự tin vào sự tồn tại của Thần, đương nhiên, Thần cũng đang bảo hộ những người tín Thần, đồng thời cũng lưu lại một số ghi chép văn tự, bao gồm hội họa, điêu khắc, âm nhạc.

Câu hỏi mở rộng

Ngày nay, toàn nhân loại có 90% số người là có tín ngưỡng tôn giáo, chùa chiền, đạo quán, giáo đường có ở khắp mọi nơi, mọi người đều thành kính dâng hương, bái lạy, cầu khấn, bạn nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?

Gợi mở tư duy

1- Có thể thảo luận từ một vài phương diện, ví dụ, văn hóa Phật Đạo Thần được lưu truyền qua hàng nghìn năm đã cắm rễ sâu trong tâm khảm mỗi người; khi con người tin tưởng vào Thần, Thần sẽ hiển hiện cho con người, khiến con người càng thêm tin tưởng vào sự tồn tại của Thần; bản tính trở về nguồn cội trong sâu thẳm sinh mệnh thôi thúc con người tìm kiếm chốn trở về của sinh mệnh, đây là kết quả tất yếu…

2- Bạn đã từng có trải nghiệm về “như Thần tại” chưa? Bao gồm cảm nhận khi đến chùa chiền, đạo quán, giáo đường hoặc giấc mơ chân thực. Hãy chia sẻ với mọi người nhé.

Tài liệu đọc hiểu

Chớ tưởng không Thần, Thần đang quản

Vào thời nhà Nguyên, đạo tặc ở Quảng Đông vượt sông Trường Giang, chiếm đóng hai vùng đất Qua Châu và Trấn Giang. Triều đình phải phái đại quân, tập trung tàu chiến thuỷ quân tại Tiêu Sơn để chặn con đường mà bọn cướp có thể đi từ sông thông ra biển. Trong số lính thủy quân có một người họ Lý, vốn là một người lái tàu chiến, nhưng do có công lớn nên được lên làm tổng quan. Hành vi của anh ta rất ngang ngược, ban đêm thường ra ngoài cướp bóc.

Mùa đông năm Bính Thìn, có một đôi vợ chồng già cùng cả gia đình đi thuyền từ Dương Châu về phía nam. Họ lái một chiếc thuyền đánh cá thuận chiều gió đi ngang qua thuyền của Lý tổng quan. Anh này liền dùng dây móc câu giữ thuyền lại, mượn cớ cần tiến hành kiểm tra, dẫn một đám người lên thuyền cá lục soát khoang thuyền, lục lọi hòm tủ, tịch thu toàn bộ hơn hai trăm lạng bạc và một hộp đựng đầy đồ trang sức vàng bạc.

Đôi vợ chồng già không phục, tranh giành qua lại với Lý, hắn liền giở trò uy hiếp hù dọa, khiến họ sợ quá mà đồng ý đưa đồ trang sức cho anh ta, nhưng yêu cầu trả lại số bạc, Lý không đồng ý. Họ lại cầu xin anh ta đừng lấy hết toàn bộ, mà để lại cho họ một ít hành lý và lộ phí, Lý vẫn không đồng ý. Ông lão phẫn nộ nói: “Thế đạo biến đổi không ngừng, chả lẽ không khi nào nhìn thấy ánh sáng ban ngày nữa ư!” rồi quay mũi thuyền, tháo dây neo toan rời đi.

Lý tổng quan e rằng ông lão sẽ tố cáo mình, nên giở mặt nói dối rằng: “Ta chỉ đùa với lão tiên sinh chút thôi! Giờ trời đã tối rồi, không tiện di chuyển đồ đạc. Xin hãy đợi đến sáng sớm mai, ta sẽ trả lại toàn bộ!”. Nói rồi anh ta dùng dây buộc thuyền cá của ông lão vào sát phía dưới thuyền chiến.

Đến nửa đêm, Lý lái tàu đè chìm chiếc thuyền cá, hai vợ chồng ông lão cùng gia đình hai con trai, tổng cộng 11 người đều bị chết chìm. Lý tổng quan dương dương tự đắc. Khi đó có khoảng hơn 20 người ở trên thuyền cùng với Lý, trong đó chỉ có 5 người không tham gia vào vụ mưu sát này, còn lại những người khác đều nhúng tay. Trong số những người không tham gia có một người lính thủy quân là Mỗ Giáp, người này là người nhất mực tín phụng Thần Phật, những lúc không phải ra trận thì anh đều quỳ trên boong tàu để bái Thần niệm Phật. Khi anh ta nghe thấy sự việc giết người cướp của này thì vô cùng lo lắng nói: “Sự việc này tất sẽ dẫn đến báo ứng nghiêm trọng! Chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền này, phải làm sao đây?” Đám người Lý tổng quan đều cười nhạo anh là mê tín.

Ngày hôm sau, khi sang thăm bạn ở một chiếc thuyền khác, Lý đột nhiên bị đau đầu, vội vàng gọi tùy tùng chèo thuyền đưa về. Thuyền đến giữa sông, các tay chèo đột nhiên dừng lại không chèo nữa. Lý tổng quan hỏi vì sao lại dừng lại, các tay chèo chỉ vào thuyền của Lý nói: “Mũi tàu đang bị sét đánh, ngài không nhìn thấy Lôi Thần đang đứng trên mũi tàu giận dữ nhìn chằm chằm vào chúng ta sao!” Lý nghe xong tức giận mắng anh ta nói những lời nhảm nhí mê hoặc mọi người, dùng lưng đao đánh mạnh vào anh ta, anh ta bất đắc dĩ đành phải lái thuyền cập vào mạn tàu. Khi Lý tổng quan vừa lên tàu thì một tiếng sét đã giết chết anh ta.

Những người trên tàu thấy mũi tàu bị sét đánh thì đều chạy về đuôi tàu, tiếng sấm sét lại gầm vang lên, cắt tàu làm đôi, nửa sau con tàu cùng toàn bộ người trên đó bị nhấn chìm theo tiếng sấm sét. Lúc này nửa trước của con tàu vẫn nổi trên mặt nước, Mỗ Giáp đang ở khoang dưới đầu tàu niệm Phật, nghe thấy tiếng sét đánh mấy lần liền đi lên boong tàu để xem, chỉ thấy Lý tổng quan đã chết, một chiếc tàu nguyên vẹn giờ chỉ còn một nửa, người cùng thuyền không còn một ai. Mỗ Giáp vô cùng hoảng sợ, giơ tay chụp lấy hành lý, hô hoán cầu cứu, thì có người chèo chiếc thuyền nhỏ đến cứu. Khi Mỗ Giáp vừa lên thuyền, chưa chèo được bao xa lại nghe thấy một tiếng sấm nổ, quay đầu lại nhìn thì thấy nửa phần đầu còn lại của con tàu cũng bị chìm xuống nước.

Những người không tham gia vào vụ mưu sát kia, đều bị sét đánh dạt sang bãi biển bên kia, một lúc lâu sau mới tỉnh lại. Có người hỏi họ tình hình lúc đó, họ đều nói: “Khi Lý tổng quan bị sét đánh chết ở đầu tàu, thì họ cũng chạy theo mọi người đến cuối tàu để tránh sét, trong lúc hoảng hốt thì thấy một vị Thần Kim Giáp ôm lấy mình, rồi như bị mê man đi, hoàn toàn không biết làm thế nào mà sang được đến đây.” Sau này có câu thơ rằng:

Nguyên văn

肆意江中起盗心

伤心巨柁压船沉

隔宵同伙皆天殛

莫道无神却有神

Hán Việt

Tứ ý giang trung khởi đạo tâm

Thương tâm cự đà áp thuyền trầm

Cách tiêu đồng hoả giai thiên cức

Mạc đạo vô Thần khước hữu Thần

Phiên âm

Sì yì jiāng zhōng qǐ dào xīn

Shāng xīn jù duò yā chuán chén

Gé xiāo tóng huǒ jiē tiān jí

Mò dào wú Shén què yǒu Shén

Chú âm

肆ㄙˋ意ㄧˋ江ㄐㄧㄤ中ㄓㄨㄥ起ㄑㄧˇ盗ㄉㄠˋ心ㄒㄧㄣ

伤ㄕㄤ心ㄒㄧㄣ巨ㄐㄩˋ柁ㄉㄨㄛˋ压ㄧㄚ船ㄔㄨㄢˊ沉ㄔㄣˊ

隔ㄍㄜˊ宵ㄒㄧㄠ同ㄊㄨㄥˊ伙ㄏㄨㄛˇ皆ㄐㄧㄝ天ㄊㄧㄢ殛ㄐㄧˊ

莫ㄇㄛˋ道ㄉㄠˋ无ㄨˊ神ㄕㄣˊ却ㄑㄩㄝˋ有ㄧㄡˇ神ㄕㄣˊ

Dịch thơ

Trên sông lòng nổi ý trộm cướp

Thương tâm thuyền cá chìm dòng nước

Hôm sau Trời phạt ác vong thân

Chớ tưởng không Thần, Thần có thực

Bài tập

Hãy nói lên cảm nhận của bạn sau khi đọc câu chuyện này, và chia sẻ những câu chuyện tương tự mà bạn đã được nghe.

Dich từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 08-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.