Tinh giải luận ngữ (31): Kiến kỷ quá nhi nội tự tụng



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“已矣乎(1)!吾未见能见其过(2),而内自讼(3)者也。” (《论语·公冶长第五》)

Hán Việt

Tử viết: “Dĩ hỹ hồ! Ngô vị kiến năng kiến kỳ quá, nhi nội tự tụng giả dã.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Yǐ yǐ hū! Wú wèi jiàn néng jiàn qí guò, ér nèi zì sòng zhě yě.” (“Lúnyǔ·Gōng yě zhǎng dì wǔ”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“已ㄧˇ矣ㄧˇ乎ㄏㄨ!吾ㄨˊ未ㄨㄟˋ见ㄐㄧㄢˋ能ㄋㄥˊ见ㄐㄧㄢˋ其ㄑㄧˊ过ㄍㄨㄛˋ,而ㄦˊ内ㄋㄟˋ自ㄗˋ讼ㄙㄨㄥˋ者ㄓㄜˇ也ㄧㄝˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ长ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)

Chú thích

1. 已矣乎 (dĩ dĩ hồ): Xong rồi (cảm thán xã hội này thế là hết rồi).

2. 能见其过 (năng kiến kỳ quá): Có thể phát hiện ra lỗi lầm của chính mình.

3. 内自讼 (nội tự tụng): Tự khiển trách trong tâm, sâu sắc kiểm điểm lại mình. 讼 (tụng) tức là trách tội.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Cái xã hội này xong rồi! Ta trước giờ chưa từng gặp được người mà khi phát hiện ra khuyết điểm, sai lầm của mình, thì đồng thời cũng có thể tiến thêm một bước là tự khiển trách trong tâm, sâu sắc kiểm điểm lại mình”.

Nghiên cứu và phân tích

“Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá” (Con người không phải bậc Thánh hiền, không thể không mắc lỗi), điều quan trọng là khi phạm lỗi, và được chỉ ra lỗi lầm, thì thái độ của chúng ta như thế nào? Có người phân tích thấy sự thiếu sót thì sâu sắc tự kiểm điểm; có người vội vàng đùn đẩy cho người khác trốn tránh trách nhiệm. Nhan Uyên có mỹ đức “bất nhị quá” (không phạm lỗi hai lần). Kỳ thực đối với rất nhiều người mà nói, họ không lo có lỗi lầm, mà lo đã sai lại sai thêm, lo không biết sửa như thế nào. Dũng cảm sửa lỗi mới là người sáng suốt, mới là phúc.

Câu hỏi mở rộng

1. Khổng Tử nhìn thấy đạo đức nhân loại trượt dốc, cảm thán rằng xã hội sắp xong rồi; Lão Tử cũng lưu lại Đạo Đức Kinh với 5.000 chữ, rồi vội vàng rời khỏi Trung Nguyên. Phải chăng tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại thực sự có liên quan đến phúc họa, hưng suy và vận mệnh tương lai của xã hội nhân loại?

2. Nguyên nhân nào khiến cho con người không thể “kiến kỷ quá nhi nội tự tụng” (nhận ra lỗi lầm, tự trách bản thân), không coi trọng đạo đức, thiếu chân thành, ngày càng xa rời bản tính thiện lương của mình? Điều gì đang làm ô nhiễm bản tính chân thành, thiện lương của con người?

Câu chuyện lịch sử

Vua Thang vào rừng dâu cầu Trời

Triều đại nhà Thương bắt đầu chưa lâu, thì xuất hiện một trận hạn hán kéo dài bảy năm. “ …Tháng ba, vua nhà Thương lên ngôi Thiên tử thì gặp đại hạn hán”. (Theo “Thông giám tiền biên”) “Thời vua Nghiêu vua Vũ có chín năm ngập lụt, còn thời vua Thang (tức vua Thương) thì có bảy năm hạn hán” (Theo “Quản tử – khinh trọng”).

Hạn hán bảy năm liên tiếp khiến cho sông ngòi cạn kiệt, cây cỏ khô héo, mạ non không mọc nổi, mùa màng thất bát, xương trắng phơi khắp nơi. Trận hạn hán gay gắt gây chấn động toàn vương triều nhà Thương. Người thời đó đều cho rằng đó là do Thiên đế làm. Trong quẻ bốc có câu: “Trinh (vấn): Bất vũ, đế giai hạn ngã.” (Trích “Quy” 1.25.13) ý nghĩa là: “Trời không mưa, là hạn hán mà Thiên đế giáng xuống cho ta”. Lúc này nhà Thương (hay còn gọi là nhà Ân) “Ân nhân tôn Thần, suất dân dĩ sự Thần, tiên quỷ nhi hậu lễ”, có nghĩa là: Người Ân tôn kính Thần, người dân hành sự theo ý Thần, quỷ Thần trước rồi đến lễ (trích “Tiểu đới trát – Biểu ký”), vì vậy, từ sau khi hạn hán xảy ra, vua Thương là Thành Thang đã cho xây dựng đàn tế ở ngoại ô, hàng ngày cử người tế lễ, cầu xin Thiên đế trừ hạn làm mưa. Đây chính là “giao tế”.

Bảy năm trôi qua mà đại hạn vẫn như cũ. Vua Thành Thang liền lệnh cho sử quan xem quẻ. Sử quan sau khi chiêm bốc nói: “Cần phải dùng người làm vật cúng tế”. Sau khi trầm ngâm suy nghĩ vua Thành Thang nói: “Ta cầu mưa là vì dân chúng, nếu như cần người để làm cúng tế thì hãy dùng thân thể của ta để tế Trời!” Thế rồi, vua Thành Thang tắm rửa sạch sẽ, trai giới, cắt gọn râu tóc, móng tay, móng chân, đánh xe bạch mã, mặc bộ y phục vải gai, vào rừng dâu lập đàn tế Trời. Ông cầu xin với Thượng Thiên rằng: “Tội là do mình tôi, không thể trừng phạt muôn dân được; muôn dân có tội thì cũng đều là do một mình tôi. Xin đừng vì sự bất tài của tôi mà khiến Thiên đế quỷ Thần phải phương hại đến tính mệnh của muôn dân”. Rồi ông tự trách mình về sáu sự việc như sau: “Trời không mưa là do việc chính sự của ta không có tiết chế, không có chế độ pháp luật chăng? Là muôn dân trăm họ đang có nỗi thống khổ mà ta lại thiếu trách nhiệm với họ chăng? Là do hành vi tham ô hối lộ tràn lan của quan lại chăng? Là do việc tu sửa cung điện đã gây hao tài vật tốn sức dân chăng? Là do có nữ nhân can nhiễu đến chính sự chăng? Là do có kẻ tiểu nhân hoành hành mà ta lại nghe và tin những lời gièm pha chăng?” Vua Thành Thang còn chưa dứt lời thì bỗng trời đổ cơn mưa to như trút nước, bao phủ hàng nghìn dặm.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 20-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.