Tinh giải luận ngữ (50): Người tốt như vậy mà lại mắc phải căn bệnh quái ác này!
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
伯牛(1)有疾(2),子问(3)之,自牖(4)执(5)其手,曰:“亡之(6),命矣夫(7)!斯人(8)也而有斯疾(9)也!斯人也而有斯疾也!” (《论语·雍也第六》)
Hán Việt
Bá ngưu (1) hữu tật (2), Tử vấn (3) chi, tự dũ (4) chấp (5) kỳ thủ, viết: “Vong chi (6), mệnh hỹ phu (7)! Tư nhân (8) dã nhi hữu tư tật (9) dã! Tư nhân dã nhi hữu tư tật dã!” (Trích “Luận ngữ – Chương 6 – Ung dã”)
Phiên âm
Bó niú yǒu jí, zǐ wèn zhī, zì yǒu zhí qí shǒu, yuē: “Wáng zhī, mìng yǐ fū! Sī rén yě ér yǒu sī jí yě! Sī rén yě ér yǒu sī jí yě!” (“Lúnyǔ·yōngyě dì lìu”)
Chú âm
伯ㄅㄛˊ牛ㄋㄧㄡˊ有ㄧㄡˇ疾ㄐㄧˊ,子ㄗˇ问ㄨㄣˋ之ㄓ,自ㄗˋ牖ㄧㄡˇ执ㄓˊ其ㄑㄧˊ手ㄕㄡˇ,曰ㄩㄝˋ:“亡ㄨㄤˊ之ㄓ,命ㄇㄧㄥˋ矣ㄧˇ夫ㄈㄨ!”斯ㄙ人ㄖㄣˊ也ㄧㄝˇ而ㄦˊ有ㄧㄡˇ斯ㄙ疾ㄐㄧˊ也ㄧㄝˇ!斯ㄙ人ㄖㄣˊ也ㄧㄝˇ而ㄦˊ有ㄧㄡˇ斯ㄙ疾ㄐㄧˊ也ㄧㄝˇ!” (《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·雍ㄩㄥ也ㄧㄝˇ第ㄉㄧˋ六ㄌㄧㄡˋ》)
Chú thích
1. 伯牛 (Bá Ngưu): họ Nhiễm tên Canh, tự Bá Ngưu, người nước Lỗ, là học trò của Khổng Tử, được Khổng Tử cho là “đức hạnh” tốt đẹp.
2. 有疾 (hữu tật): mắc bệnh khó chữa, mang lại thống khổ tột cùng (bệnh hiểm nghèo). Tham khảo “Sử Ký – Quyển 67 – Truyện Môn Đệ Đức Khổng – Truyện Nhiễm Canh): Dịch nghĩa: Bá Ngưu mắc bệnh nặng, Khổng Tử hỏi thăm.
3. 问 (vấn): hỏi thăm biểu thị sự quan tâm lo lắng.
4. 牖 (dũ, dữu): đồng âm với chữ “有” (hữu, dựu), cửa sổ.
5. 执 (chấp): cầm, nắm.
6. 亡之 (vong chi): mất đi, chết.
7. 夫 (phu): đồng âm với chữ “服” (phục – trang phục), từ ngữ khí, có nghĩa tương đương với từ “吧” (ba – nhé, nào, đi, ư, chăng).
8. 斯人 (tư nhân): người như này, chỉ đức hạnh cao đẹp của Bá Ngưu.
9. 斯疾 (tư tật): bệnh như thế này, chỉ bệnh khó chữa, mang lại thống khổ tột cùng (bệnh hiểm nghèo).
Diễn nghĩa
Bá Ngưu mắc bệnh nan y khó chữa, Khổng Tử đến thăm trò, ở bên ngoài cửa sổ nắm lấy tay anh và nói: “Ta sắp phải mất đi người này, đây hẳn là định mệnh rồi! Người tốt như vậy mà lại mắc phải căn bệnh quái ác này! Người tốt như vậy mà lại mắc phải căn bệnh quái ác này!”
Nghiên cứu và phân tích
Tại sao con người lại có nạn, mắc bệnh? Người ở trong mê, làm việc gì cũng có báo ứng, làm việc tốt có thể tích đức, mai sau sẽ có phúc báo, thiện báo; làm việc xấu có thể tạo nghiệp, tổn đức, về sau sẽ gặp các loại ác báo như tai họa, khổ nạn, bệnh tật, mất mạng.
Trong dòng đời sinh mệnh, tích đức tạo nghiệp không chỉ là chuyện của một đời một kiếp, đều có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Nếu con người có nguyên thần, thì dựa trên nguyên lý vật chất bất diệt, nguyên thần cũng bất diệt. Công bằng mà nói, tuy rằng ác báo có thể hoàn trả một số nghiệp nợ, nhưng khi con người chết, đức mà người ta tích được, nghiệp mà người ta tạo nên cũng tuyệt đối không thể phủ nhận hay quy về con số không, mà nó sẽ theo nguyên thần tiếp tục bước đi trên hành trình sinh mệnh, tiếp tục ảnh hưởng đến vận mệnh của sinh mệnh, dù cho sinh mệnh này đã trở nên tốt đẹp, nghiệp lực luân báo vẫn luôn tồn tại trong đời người ấy, đó chính là cái gọi “sự đời mười phần, tám chín phần không như ý”.
Xét theo lý vật chất bất diệt, nguyên lý vận hành của lạp tử vật chất trong thân thể người chẳng phải rất giống với sao trên trời sao? Tư tưởng của con người phù hợp với Thiên Đạo và quy luật vũ trụ, lạp tử vật chất có trình tự sắp xếp và kết cấu rõ ràng, không ngừng sinh sôi nảy nở, như thế liệu có thể mắc bệnh sao? Nếu tư tưởng của con người lệch khỏi chính Đạo, tiêu chuẩn đạo đức thấp kém, trật tự và kết cấu của lạp tử vật chất tất sẽ biến đổi rời rạc, không kéo dài được lâu, như thế có thể không mắc bệnh sao? Sinh lão bệnh tử của con người chẳng qua là tổ hợp kết cấu sắp xếp của lạp tử vật chất trên bề mặt nhục thân phát sinh biến đổi. Xét theo nội dung trên, người có đức hạnh, biết đủ mà an phận, tự nhiên sẽ hiểu được những ma nạn mà mình gặp phải đều là nợ nghiệp từ đời trước cần trả. Nhưng khi một người với tiêu chuẩn đạo đức rất cao, đột nhiên lại gặp phải ma nạn rất lớn, có lẽ ngay cả Khổng Tử cũng khó tránh khỏi hoài nghi rằng ông Trời thật sự đã an bài hợp lý cho sinh mệnh như thế hay chưa?
Câu hỏi mở rộng
1. Hiện nay có một vài nghiên cứu liên quan đến “thôi miên”, “luân hồi của sinh mệnh”, “trải nghiệm cận tử”, còn có “nguyên thần bất diệt”, vì những hiện tượng này đều không phải là những gì khoa học thực chứng hiện nay có thể kiểm chứng được trong thực tế, vì vậy rất nhiều người không cách nào tiếp nhận được sự tồn tại chân thực của những điều này. Bạn đối đãi sự việc này như thế nào với những hiện tượng siêu việt khỏi khoa học thực chứng?
Gợi mở tư duy
1. Nếu tiêu chuẩn trình độ của khoa học thực chứng không cao, vậy lấy khoa học thực chứng làm tiêu chuẩn đo lường mức độ chân thực của một vài hiện tượng, chẳng phải là tự giới hạn mình sao?
2. Vào thời cổ đại, có rất nhiều người sống thọ, hơn nữa là không bệnh mà mất. Con người hiện nay đạo đức suy đồi, dẫn đến việc con người mắc rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo và ung thư, còn có hàng trăm hàng nghìn các loại “bệnh hiện đại”, đến thuốc thang cũng chẳng trị được, người không bệnh mà chết càng ít đến mức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hãy nghĩ thử xem: tại sao lại phát sinh những vấn đề xã hội này? Bạn có biết khi ăn, mặc, ở, đi lại trong cuộc sống, con người đã làm ra những chuyện vô lương tâm như thế nào không?
3. Sau khi đạo đức con người trượt trên dốc lớn, những vấn đề xã hội này có lẽ là sự trừng phạt của Trời, lời hồi đáp của Đất, báo ứng của nhân loại.
Câu chuyện liên quan
Ngưu Sinh gặp sứ giả âm ti
Vào thời nhà Đường, có một người tên Ngưu Sinh đi từ Hà Đông đến Trường An tham gia thi cử, khi đi qua Hoa Châu thì tá túc qua đêm tại một nhà trọ nhỏ trong thôn.
Hôm đó tuyết rơi dày đặc, Ngưu Sinh bảo chủ trọ nấu canh, rán bánh, một lúc sau có một người mặc quần áo rách rưới cũng đến trọ. Ngưu Sinh động lòng thương xót, muốn chia đồ ăn cho anh ta cùng ăn, người ấy nói: “Tôi nghèo đến nỗi không kiếm nổi tiền, hôm nay tôi đã đi hơn 100 dặm đường với cái bụng đói”. Sau khi ăn liền một lúc 4-5 bát cơm, anh ta nằm ngay xuống mặt đất trước giường của Ngưu Sinh rồi ngủ thiếp đi, ngáy như bò rống.
Đến canh năm, người ấy lay Ngưu Sinh tỉnh dậy, rồi vội vã thúc giục: “Xin tiên sinh ra ngoài một lát, tôi có chuyện quan trọng muốn nói”. Sau khi Ngưu Sinh ra ngoài, người đó nói: “Tôi không phải là người, mà là sứ giả của Diêm Vương. Tối qua tiên sinh đã cho tôi ăn một bữa no nê, nay tôi muốn báo đáp tiên sinh, cảm phiền tiên sinh lấy giúp tôi ba tờ giấy với bút và nghiên mực”. Ngưu Sinh lấy bút giấy đến, người đó liền bảo Ngưu Sinh đứng ra xa, còn mình thì ngồi bên gốc cây, lấy một cuốn sách từ trong ngực ra rồi lật đến chỗ nào đó, nhìn một hồi rồi viết ra hai dòng, chỉ một thoáng là viết xong ba bức thư, người đó dán thư lại rồi đưa cho Ngưu Sinh, nói: “Nếu tiên sinh có gặp phải tai họa khó thoát thân, thì hãy thắp nén nhang rồi lần lượt mở thư ra xem”. Nói xong người ấy liền đi mất. Mặc dù Ngưu Sinh đã nhận ba bức thư, nhưng chàng cũng chẳng lấy làm tin lắm.
Ngưu Sinh đến Trường An thì ở tại một nhà trọ, lộ phí chẳng mấy chốc đã dùng hết. Đang trong lúc tuyệt vọng, liền nhớ tới lời của người kia, thế là chàng bèn thắp nén nhang, rồi mở bức thư thứ nhất ra xem, trong thư viết rằng: “Có thể ngồi trước cửa chùa Bồ Đề”. Nhà trọ cách chùa Bồ Đề hơn 30 dặm đường, Ngưu Sinh nhịn đói, băng qua tuyết lớn, chàng đi từ sáng sớm đến tối mới đến được cửa chùa. Khi vừa ngồi xuống, một vị tăng nhân từ trong chùa bước ra, trách mắng nói: “Giá rét tuyết lớn như thế này, ngươi đến đây làm gì? Nếu ngươi chết cóng ở đây, chúng ta chẳng phải bị liên lụy hay sao?” Ngưu Sinh đáp: “Tôi là sĩ tử, đi tới đây vừa lúc trời tối, muốn được tá túc một đêm trước cửa quý chùa, sáng mai tôi sẽ rời đi”. Tăng nhân nói: “Hóa ra là một tú tài, xin mời thí chủ vào chùa!” Sau khi vào chùa, vị tăng nhân nổi lửa nấu cơm mời Ngưu Sinh, sau khi nói chuyện một hồi lâu với Ngưu Sinh, vị tăng hỏi: “Không biết tiên sinh có quan hệ xa gần gì với quan lớn họ Ngưu vùng Tấn Dương hay chăng?” Ngưu Sinh nói: “Đó là chú của tôi!” Vị tăng nhân liền lấy ra bút lông của viên quan họ Ngưu ấy ra để Ngưu Sinh nhận biết, Ngưu Sinh nói đúng không sai chút nào, tăng nhân rất vui mừng nói: “Ngày trước, quan lớn họ Ngưu từng gửi 3.000 quan tiền ở chỗ tôi, bao năm qua tôi vẫn luôn đợi mà cũng chẳng thấy ông ấy quay lại lấy tiền, tôi già rồi, chẳng thể trông giữ chỗ tiền ấy được nữa, hay bây giờ tôi đem số tiền ấy giao lại cho tiên sinh nhé!” Sau khi Ngưu Sinh có được số tiền ấy, chàng cưới vợ, mua nhà mua xe, còn thuê thêm người hầu, trở thành một phú hộ.
Ngưu Sinh tham gia thi cử nhưng không thi đỗ, trước viễn cảnh đường công danh đã không còn cửa bước tiếp, chàng lại thắp nhang, mở bức thư thứ hai ra xem, trong thư viết: “Hãy ngồi ở lầu trên quán ăn nhà họ Trương ở phía Tây chợ”. Ngưu Sinh làm theo tìm đến được quán ăn nhà họ Trương ấy, chàng vào quán rồi ngồi xuống một chỗ cạnh tường. Một lúc sau cũng có mấy nam nhân lên lầu trên ngồi, một người trong đó nói: “Bản thân tôi chỉ có 500 quan tiền, chắt chiu lắm cũng có thể góp được 700 quan, còn nhiều hơn nữa thì tôi đành lực bất tòng tâm”. Một người mặc áo choàng trắng nói: “Thi đỗ tiến sĩ mà cậu vẫn hà tiện nghìn quan tiền sao!” Ngưu Sinh nghe họ nói vậy liền biết chuyện này liên quan đến thi cử, vội đến chắp tay hành lễ trước mặt họ, lúc này chàng mới biết người mặc áo choàng trắng chính là con trai quan chủ khảo trong tỉnh thí năm sau. Ngưu Sinh nói: “Tôi có thể quyên tặng nghìn quan tiền, ngoài ra còn tặng chư vị 200 quan làm tiền rượu thịt, không biết ý chư vị ra sao?” Người mặc áo choàng trắng liền đồng ý. Năm thứ hai, Ngưu Sinh quả thật thi đỗ đứng đầu bảng. Chàng ở lại Trường An nhậm chức, về sau còn làm đến chức Phó sứ Tiết độ sứ vùng Hà Trung (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, gần Hoàng Hà).
Mấy năm sau, Ngưu Sinh mắc bệnh nặng, liền mở bức thư thứ ba ra xem, trong thư viết: “Có thể lo liệu hậu sự được rồi”. Thế là Ngưu Sinh liền đi tắm, viết xong di thư rồi qua đời.
Ngưu Sinh có thể chia sẻ đồ ăn với người khác, mới có thể có được ba bức thư, Trương Lương có thể xuống cầu lấy giày cho người già, mới có thể thành tựu đại nghiệp triều Hán. Thế mới thấy, những cuộc kỳ ngộ, phần lớn là do trái tim lương thiện mang đến.
(Hội Xương giải di lục)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 28-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.