Tinh giải luận ngữ (38): Bất tri sở dĩ tài chi



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子在陈(1)曰:“归与!归与!吾党之小子(2)狂简(3),斐然(4)成章,不知所以裁(5)之。”(《论语•公冶长第五》)

Hán Việt

Tử tại Trần (1) viết: “Quy dữ! Quy dữ! Ngô đảng chi tiểu tử (2) cuồng giản (3), phỉ nhiên (4) thành chương, bất tri sở dĩ tài (5) chi.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)

Phiên âm

Zǐ zài chén yuē:“Guī yǔ! Guī yǔ! Wú dǎng zhī xiǎozǐ kuáng jiǎn, fěirán chéngzhāng, bùzhī suǒyǐ cái zhī.”(“Lúnyǔ•gōng yě zhǎng dì wǔ”)

Chú âm

子ㄗ˙在ㄗㄞˋ陈ㄔㄣˊ曰ㄩㄝ:“归ㄍㄨㄟ与ㄩˇ!归ㄍㄨㄟ与ㄩˇ!吾ㄨˊ党ㄉㄤˇ之ㄓ小ㄒㄧㄠˇ子ㄗ˙狂ㄎㄨㄤˊ简ㄐㄧㄢˇ,斐ㄈㄟˇ然ㄖㄢˊ成ㄔㄥˊ章ㄓㄤ,不ㄅㄨˋ知ㄓ所ㄙㄨㄛˇ以ㄧˇ裁ㄘㄞˊ之ㄓ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ•公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ长ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)

Chú thích

1. 陈 (Trần): tên một nước thời cổ nằm ở phía Đông tỉnh Hà Nam và phía Bắc tỉnh An Huy ngày nay.

2. 吾党之小子 (Ngô đảng chi tiểu tử): thời ngày xưa người ta coi 500 nhà là một đảng. Ngô đảng chính là quê hương của tôi. Tiểu tử là chỉ các học trò ở nước Lỗ của Khổng Tử.

3. 狂简 (cuồng giản): chí hướng cao xa nhưng hành sự không đủ chu toàn, lễ tiết không đủ cẩn trọng.

4. 斐然 (phỉ nhiên): chữ “斐” (phỉ – đẹp đẽ, văn hoa), đồng âm với chữ “匪” (phỉ – thổ phỉ, cường đạo), tức là có dáng vẻ văn chương.

5. 裁 (tài): cân nhắc, điều chỉnh, tùy cơ ứng biến.

Diễn nghĩa

Khổng Tử ở nước Trần đã nói: “Về đi thôi! Về đi thôi! Các học trò quê hương nước Lỗ của ta có chí hướng cao xa nhưng hành sự không đủ chu toàn; mặc dù tài năng có thể viết thành văn chương nhưng vẫn chưa biết làm thế nào để tiết chế phù hợp.

Nghiên cứu và phân tích

Thời điểm Khổng Tử nói câu này ở nước Trần, là lúc Quý Khang Tử đang chấp chính ở nước Lỗ muốn triệu mời Nhiễm Cầu về trợ giúp việc triều chính. Khổng Tử đương nhiên mong muốn các nước có thể thực thi nền chính trị nhân nghĩa, cũng mong muốn học trò của mình có thể “học nhi ưu tắc sỹ” (học tập thành tài và ra làm quan) nên nhân thời cơ này biểu đạt rằng: mong muốn các học trò nơi quê hương nước Lỗ có thể thực hiện được chí hướng cao xa của Nho gia, trở về quê hương cống hiến cho quốc gia làm lợi cho người dân; đồng thời Khổng Tử cũng nhắc nhở họ còn chưa đủ chu toàn, cẩn trọng trong hành sự, lễ tiết, cần hiểu được tùy cơ ứng biến, cần cân nhắc, điều chỉnh tùy theo tình huống thực tế theo con người, sự vật, sự việc, thời gian, địa điểm, để sớm ngày thành thục lên. Từ những chỉ dẫn quan trọng này ta có thể thấy rằng: phương diện nào cũng cần chú ý đến trung dung, cần cân bằng cả hai phía, không thiên vị bên nào. Mắt hướng vào những mục tiêu cao rộng, nhưng cần bắt tay từ chỗ nhỏ, cho dù chí hướng rộng lớn cao xa nhưng hành sự cần đặt vào thực tế.

Câu hỏi mở rộng

1. Người ta thường nói rằng: “Nhân luyện sự, sự ma nhân” (Con người rèn luyện qua sự việc, sự việc mài dũa con người). Nhiệt tình đảm đương trách nhiệm làm việc, không chỉ có thể bồi dưỡng năng lực xử lý công việc, khả năng ứng biến nắm bắt thời cơ, mà còn có thể hiểu được lễ tiết biết đối đáp, biết tiến biết lui, khiến tâm tính người ta thành thục lên. Đó là vì con người không còn cố chấp ở các phương diện tâm tính, tư tưởng, ngôn hành cho đến các phương diện như nội tại và bên ngoài, tinh thần và vật chất của con người, khi đó dễ dàng tâm nghĩ sự thành. Nếu một phương diện nào đó còn có sự cố chấp thì cũng dễ xuất hiện mâu thuẫn xung đột ở phương diện đó, biểu hiện ra là sự không hài hòa, phối hợp không tốt, khiến cho sự việc làm không được kết quả tốt, từ đó khiến người ta cảm thấy phiền não, mệt mỏi, dằn vặt, dày vò.

Thử nghĩ xem: để thành tựu một việc tốt lớn chẳng phải cần có phẩm đức rất tốt phải không? Những thời đại thái bình thịnh thế thời cổ chẳng phải đều có những vị quân chủ anh minh sao? “Học nhi ưu tắc sỹ” chẳng phải để cống hiến cho quốc gia làm lợi cho người dân sao? Người có phẩm đức cao thượng liệu sẽ tham ô, lộng quyền được không?

2. Khi phục vụ mọi người, trong tâm nhất định phải giữ một niệm rằng, bất kể sự việc gì cũng cần nghĩ cho người khác, nghĩ cho người mà chúng ta đang phục vụ, nếu không chẳng phải sẽ dễ khiến người ta cảm thấy qua loa đại khái, tùy tiện vô lễ sao? Nếu không cẩn trọng suy xét đến tình huống của đối phương để ứng đối phù hợp thì cho dù bạn có ý tốt cũng có thể không phục vụ tốt cho đối phương mà còn dễ khiến họ cảm thấy phản cảm hoặc chịu tổn thương. Ít nhất lời chúng ta nói và việc chúng ta làm cần phải khiến cho đối phương có thể lý giải và tiếp nhận được. Một người không quen phục vụ người khác và quá ư coi trọng bản thân phải chăng khó có thể làm được điều này? Vì vậy người có tu dưỡng càng cẩn trọng trong việc phục vụ người khác thì càng có thể mưu cầu phúc lợi cho người khác. Người thực sự có tu dưỡng ngoài chí hướng cao xa còn cần ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống, không thiên vị, nghĩ vì người khác, xử lý công việc một cách thỏa đáng.

Câu chuyện lịch sử

Huống Chung – vị thanh quan trong lòng dân chúng

Thuở nhỏ, tôi đã xem một cuốn sách nhỏ tên là “Thập ngũ quán” được cải biên từ cuốn “Thập ngũ quán truyền kỳ” của nhà viết kịch Chu Tố Thần thời triều Thanh. Đến nay tôi vẫn nhớ mang máng hình tượng vị thanh quan được miêu tả trong cuốn sách. Sau này lớn lên, tôi mới biết câu chuyện đó được biên soạn dựa theo nguyên mẫu về vị thanh quan giỏi xử án Huống Chung của triều đại nhà Minh.

Huống Chung, tự là Bá Luật, hiệu Như Ngu, sinh năm Minh Hồng Vũ thứ 16 (tức năm 1383) tại Nhai Khẩu Long Cương Châu của huyện Tịnh An tỉnh Giang Tây, vì thế ông còn có hiệu là “Long Cương”. Ông thông minh giỏi giang, làm việc sáng suốt, hơn nữa còn là người chính trực, thanh liêm nên rất được triều đình trọng dụng. Vào năm Minh Vĩnh Lạc thứ tư (tức năm 1406), Huống Chung 23 tuổi được Du Ích tri huyện Tịnh An nhắm trúng, chọn làm thư lại. Chín năm sau, Huống Chung được tiến cử cho Minh Thành Tổ Chu Đệ. Qua trò chuyện trực tiếp, Chu Đệ đặc cách đề bạt Huống Chung làm Chánh lục phẩm lễ bộ nghi chế ty chủ sự. Năm Vĩnh Lạc thứ 22 (tức năm 1424), Chu Đệ băng hà, Chu Cao Sí kế vị, Huống Chung một lần nữa được thăng cấp làm Chánh tứ phẩm nghi chế ty lang trung. Vào năm Tuyên Đức thứ năm (tức năm 1430), Huống Chung lại được tân hoàng Chu Chiêm Cơ bổ nhiệm làm Tri phủ phủ Tô Châu.

Tô Châu lúc đó bị cho là phủ khó trị lý nhất cả nước. Quan lại ở đó gian xảo, tham lam, sưu cao thuế nặng, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó, rất nhiều người phải rời bỏ quê hương. Sau khi Huống Chung nhậm chức, ông một mặt phê duyệt công văn sổ sách, một mặt lặng lẽ quan sát, điều tra. Sau khi ông nắm rõ được chứng cứ phạm tội của một loạt gian quan, ông đưa từng người ra xét xử theo pháp luật, và hành hình sáu tên gian quan xấu xa nhất. Việc làm của ông ngay lập tức gây chấn động cả một phủ, dân chúng Tô Châu gọi ông là “Huống Thanh Thiên”. Sau khi chấn chỉnh quan lại, Huống Chung còn cắt giảm sưu thuế, cân bằng lại lao dịch, làm lợi cho dân chúng, khuyến khích chăn nuôi trồng trọt. Ông đặc biệt được dân chúng ca ngợi trong việc giải quyết những vụ án tồn đọng và sửa chữa những vụ án oan sai. Theo ghi chép, ông “mỗi ngày xử lý công việc của một huyện, đến cuối năm (một năm), ông đã điều tra, thẩm vấn được hơn 1.520 phạm nhân, gột sạch oan khuất cho những người bị oan sai. Từ đó, quan lại không còn dám gian trá, người dân không còn bị oan khuất, mọi người ca tụng ông là Bao Long Đồ (tức Bao Thanh Thiên) tái sinh.

Huống Chung nghiêm khắc với bản thân, sống liêm khiết công chính mà giản dị, xứng đáng là vị quan “lưỡng tụ thanh phong” (ý chỉ hai ống tay áo của ông không cất gì trong đó, khi gặp gió thì bị gió thổi lồng lộng phồng lên). Sử sách ca ngợi ông là: “Nội thự túc nhiên, vô phô thiết hoa mỹ vật” (Trong phủ quan nghiêm trang, không phô bày vật xa hoa), trên bàn ăn cũng chỉ “nhất nhục nhất sơ” (một món thịt, một món rau) mà thôi, “Phi công yến, biệt vô kiêm vị” (Không phải yến tiệc công thì không bày biện nhiều món). Về sau, khi ông mất đi, những đồ vật được táng cùng cũng chỉ có sách và những vật dụng thông thường (tuất nhi quy táng, chu trung duy thư tịch, phục dụng khí vật) chứ không hề có những vật phẩm quý giá nào khác, khiến người Tô Châu đều vô cùng thương tiếc.

Ở phủ Tô Châu, Huống Chung từng ba lần rời chức vụ, nhưng đều vì dân chúng níu giữ nên lại quay lại. Năm Tuyên Đức thứ sáu (tức năm 1431), lần đầu tiên Huống Chung rời khỏi nhiệm sở để về quê chịu tang mẹ. Ông vừa đi khỏi, phủ Tô Châu lại “gian lại vô pháp, tệ nạn bùng lên”. Không lâu sau, hơn 37.500 người trong quận cùng viết tấu thư, xin triều đình triệu hồi Huống Chung. Vì thế, hoàng đế Tuyên Đức liền lệnh cho Huống Chung kìm nén lại nỗi đau thương. Huống Chung vừa trở lại Tô Châu thì quan lại lại khôi phục kỷ cương. Năm Tuyên Đức thứ tám (tức năm 1432), sau khi tại nhiệm ba năm, ông phải về chầu triều đình, nên rời nhiệm sở lần thứ hai. Người dân Tô Châu nhớ thương Huống Chung, lo rằng lần này ông về kinh rồi sẽ không quay trở lại. Đợi đến mùa xuân năm sau, khi ông trở lại Tô Châu, dân chúng mới thực sự yên tâm. Dân gian có câu ca dao ca ngợi Huống Chung rằng: “Thái thú triều kinh, ngã dân bất ninh, Thái thú quy lai, ngã dân hân tai” (Thái thú về kinh, lòng dân bồn chồn, thái thú trở lại, lòng dân hân hoan). Lần thứ ba Huống Chung rời nhiệm sở là vào năm Chính Thống thứ năm (tức năm 1440). Năm đó ông giữ chức vụ tròn chín năm, theo thông lệ sẽ được thăng một cấp, nên ông đến Bộ lại để thăng chức. Khi đó hơn 18.000 người lại dâng tấu thư giữ ông lại. Hoàng Thượng thấy tình hình ấy đành thăng Huống Chung làm quan tam phẩm, vẫn đảm nhiệm phủ Tô Châu. Lần thứ ba ông trở lại Tô Châu, dân chúng ra khỏi cổng thành hân hoan nghênh đón ông. Có thể thấy được ông có vị trí vô cùng quan trọng trong lòng người dân.

Huống Chung cai quản Tô Châu tổng cộng 30 năm. Đến tháng 12 năm Chính Thống thứ bảy (tức năm 1442), do làm việc vất vả sinh bệnh nên ông mất khi còn tại nhiệm, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi Huống Chung ra đi, không chỉ người dân Tô Châu khóc thương ông, mà người dân ở các quận lân cận như Tùng, Thường, Gia, Hồ cũng đến đưa tang ông. Vào ngày đưa tang, người dân khắp cả thành đều đưa tiễn ông, hai bên bờ áo quan trắng xóa chèo thuyền tiễn biệt. Để tưởng nhớ “Huống Thanh Thiên”, tất cả các thị trấn lớn nhỏ ở bảy huyện của phủ Tô Châu đều lập miếu thờ ông, hương khói cúng bái quanh năm. Dân chúng cũng treo tượng thờ cúng ông tại gia. Tại Thương Lãng Đình ở Tô Châu có một bức chân dung tạc bằng đá của Huống Chung vẫn còn tồn tại đến ngày nay, bên dưới có khắc những dòng ca tụng vẫn còn vô cùng rõ nét rằng: “Pháp hành dân lạc, nhiệm lưu trật thiên, thanh thiên chi dự, công vô quý yên”.

Mộ phần của ông được đặt trong lâm viên Huống Chung ở huyện Tịnh An tỉnh Giang Tây. Bên trên phần mộ có khắc bốn chữ lớn: “Huống Chung chi mộ”. Phía sau mộ có một tấm bia cao 3.5 mét, rộng 6 mét, sau nữa là “Phong Thanh Đình” với lối kiến trúc đấu củng mái vòm cong, rường cột chạm trổ, cổ kính, tao nhã. Khắc trên hai cột trụ của “Thanh Phong Đình” là một đôi câu đối ca ngợi vị quan thanh liêm Huống Chung. Đôi câu đối viết rằng: “Nhất kiên hành lý, thí vấn phong kiến quan trường hữu kỷ? Lưỡng tụ thanh phong, thả khán Tô Châu thái thú như hà”.

Cuốn “Huống Chung truyện” trong “Minh Sử” đã bình luận về Huống Chung rằng: “Huống Chung cương chính liêm khiết, cần cù thương dân, không có vị thái thú Tô Châu nào có thể sánh được”, Lý Chí – một triết gia nhà Minh đã đánh giá về Huống Chung rằng: “Kiên cường, quả cảm, khoan dung, không sợ những thế lực mạnh … Làm việc liêm khiết, không nhiễm bụi trần”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 19-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.