Tinh giải luận ngữ (19): Nhân chi quá dã



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“人之过也,各于其党(1)。观过,斯知仁(2)矣。” (《论语·里仁第四》)

Hán Việt

Tử viết: “Nhân chi quá dã, các ư kỳ đảng (1). Quan quá, tư tri nhân (2) hĩ.” (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)

Phiên âm

Zǐ yuē: Rén zhī guò yě, gè yú qí dǎng. Guān guò, sī zhī rén yǐ.

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“人ㄖㄣˊ之ㄓ过ㄍㄨㄛˋ也ㄧㄝˇ,各ㄍㄜˋ于ㄩˊ其ㄑㄧˊ党ㄉㄤˇ(1)。观ㄍㄨㄢ过ㄍㄨㄛˋ,斯ㄙ知ㄓ仁ㄖㄣˊ(2)矣ㄧˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

(1) 党 (Đảng): Các loại khác nhau.

(2) 观过斯知仁 (Quan quá tư tri nhân): Chữ 斯 (tư) là liên từ, có nghĩa là “thì”. Tri nhân tức là biết được có tấm lòng nhân đức hay là bất nhân.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Lỗi lầm của mỗi người là không ai giống ai. Quan sát lỗi lầm mà người ta phạm phải thì sẽ biết được tâm của người đó có nhân từ hay không”.

Nghiên cứu và phân tích

Khổng Tử cho rằng, sở dĩ một người phạm điều sai trái thì về cơ bản là do không có lòng nhân đức. Người có lòng nhân đức thường biết tránh làm điều sai trái, còn người không có lòng nhân đức thì không tránh được sai trái, như vậy từ điểm này mà xét thì tính chất của những sai trái mà người không có lòng nhân đức mắc phải là tương tự nhau. Nói cách khác, ta có thể thấy được sự thiện ác của một cá nhân qua những lỗi lầm mà người đó mắc phải. Cũng chính là nói lên tầm quan trọng của việc tăng cường tu dưỡng đạo đức của chúng ta.

Câu hỏi mở rộng

1. Nhan Hồi nói rằng “bất nhị quá” (tạm dịch: không mắc lỗi hai lần), bạn có thường xuyên tự phản tỉnh bản thân để không mắc lại những lỗi lầm cũ hay không?

2. Bằng việc quan sát hành vi ứng xử của những người bạn đồng trang lứa, bạn có thể hiểu được tâm tính của họ hay không?

3. Làm thế nào mới có thể đề cao sự tu dưỡng đạo đức của bản thân?

Bài tập

Bạn hãy học thuộc lòng phần nguyên văn ở trên để có thể thời thời khắc khắc hòa tan trong “Thiện”, tự thân trải nghiệm và thực hành.

Góc kể chuyện

Khoan dung độ lượng dũng cảm sửa sai

“Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá”. “Tri quá năng cải, thiện mạc đại yên”.

(Tạm dịch: Con người không phải là bậc thánh hiền, ai có thể chưa từng mắc lỗi? Biết sai có thể sửa, thì không còn gì tốt hơn)

Từ Tồn Trai khi được viện hàn lâm phái đến Triết Giang làm đốc học, còn chưa đến 30 tuổi. Có một vị tú tài đã dùng câu “Nhan khổ Khổng chi trác” trong bài văn của mình, Từ Tồn Trai đã khoanh vào câu này, phê hai chữ “hư cấu” và đánh giá hạng tư. Vị tú tài này cầm bài văn của mình đến thỉnh giáo Từ Tồn Trai và nói rằng: “Kiến giải và chỉ giáo của Thái Tông Sư đương nhiên là chính xác, nhưng câu “Nhan khổ Khổng chi trác” là lấy từ bài “Pháp ngôn” của Dương Tử, không phải là tôi hư cấu”. Từ Tồn Trai nghe xong, đứng dậy nói: “Tôi đây thực sự rất may mắn, được làm quan từ quá sớm, mà nghiên cứu học vấn chưa tốt lắm, hôm nay rất cảm ơn lời chỉ giáo này của tú tài”. Nói rồi ông sửa bài văn của vị tú tài này thành hạng nhất. Khi việc này được truyền ra ngoài, mọi người đều khen ngợi rằng Từ Tồn Trai có tấm lòng độ lượng.

Từ sự dũng cảm sửa chữa sai lầm của mình có thể thấy được tấm lòng độ lượng và kiến thức của một người. Vào những năm đầu Vạn Lịch thời vua Minh Thần Tông, có một vị tú tài lấy đề tài bài văn là “Oán mộ chương”, trong đó có dùng câu “vi Thuấn dã phụ giả, vi Thuấn dã mẫu giả”, bị quan khảo thí khi đó chấm hạng tư, và phê hai chữ “bất thông” (Tạm dịch: không hiểu đề bài). Người tú tài đến gặp vị quan khảo thí trình bày rằng, câu này là lấy từ bài “Lễ Ký – Đàn Cung”. Vị quan khảo thí tức giận nói: “Chỉ một mình ngươi đã đọc ‘Lễ ký – Đàn Cung’ sao?” Sau đó ông ấy chấm hạ bài văn của vị tú tài này xuống hạng năm. Từ đó có thể thấy rằng tấm lòng độ lượng của mỗi người là khác nhau.

Dich từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 22-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.