Tinh giải luận ngữ (8): Thận chung truy viễn



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

曾子曰:“慎终(1)追远(2),民德归厚(3)矣。” (《论语•学而第一》)

Hán Việt

Tăng Tử viết: “Thận chung1 truy viễn2, dân đức quy hậu3 hĩ.” (Trích “Luận ngữ – Học nhi đệ nhất”)

Phiên âm

Zēng Zǐ yuē: Shèn zhōng zhuī yuǎn, mín dé guī hòu yǐ.

Chú âm

曾(ㄗㄥ) 子(ㄗˇ) 曰(ㄩㄝ):“慎(ㄕㄣˋ) 终(ㄓㄨㄥ) 追(ㄓㄨㄟ) 远(ㄩㄢˇ),民(ㄇㄧㄣˊ) 德(ㄉㄜˊ) 归(ㄍㄨㄟ) 厚(ㄏㄡˋ) 矣(ㄧˇ)

Chú thích

(1) 终(Chung): con người chết đi gọi là chung, ở đây chỉ sự nỗ lực tuân theo đến lúc chết. (2) 远(Viễn): Tổ tiên từ nhiều đời về trước. Sách Cựu chú viết : “Truy viễn giả tế tận kỳ kính”. (3) 厚 (Hậu): nhiều.

Diễn nghĩa

Tăng Tử nói: “Một đời tuân hành và theo đuổi những lời dạy của tổ tiên xa xưa, chỉ có kính phụng đến chết không đổi với các vị thánh vương tiên tổ thì mới có thể trở thành tấm gương sáng để quy chính lại thói quen phong tục của người dân, mới khiến cho đạo đức của bách tính và quốc gia quy chính”.

Câu hỏi mở rộng

1. Câu chuyện “Thủy tổ Hoa Hạ – Hoàng Đế” đã lưu lại cho dân tộc Trung Hoa những di sản văn hóa nào?

2. Những năm gần đây vào ngày sinh nhật của Khổng Tử (ngày 28 tháng 9), hơn 80 nước trên toàn thế giới đều cùng cử hành nghi lễ lớn tế tự, bạn nhìn nhận việc này như thế nào?

Gợi ý

1. Từ câu chuyện “Thủy tổ Hoa Hạ – Hoàng Đế”, có thể thấy rằng Hoàng Đế đã để lại cho dân tộc Trung Hoa rất nhiều di sản văn hóa. “Cảm ứng hữu dựng” (tạm dịch: cảm ứng mà có thai) là một kiểu điềm báo sự ra đời của rất nhiều danh nhân trong lịch sử, Hoàng Đế lấy vợ không xét vẻ ngoài, mà xét mỹ đức và trí huệ, Luy Tổ đã dạy mọi người nuôi tằm, quay tơ, kéo sợi, dệt vải, giúp mọi người biết mặc y phục, Hoàng Đế đã sáng tạo ra những thứ cần thiết trong đời sống như mũ miện, thuyền bè, cung thất, bếp lò, đàn, chuông, chế định âm luật, lịch, thiên văn v.v.; quy định những quy phạm đạo đức như nhân nghĩa, từ hiếu; lưu lại linh bảo ngũ phù, đạo thuật, binh pháp, “âm phù kinh”; giúp chúng ta biết được đạo tu thân dưỡng tính và đạo trị quốc vô vi; tái hiện trạng thái sinh tồn trong cảnh giới thần tiên của Hoa Tư Quốc; giúp con người biết được rằng nếu ở trên trời không phù hợp với tiêu chuẩn của tầng đó thì sẽ bị rơi rớt xuống dưới, nỗ lực tu hành cũng có thể phản bổn quy chân; lưu lại cho hậu thế đạo tu tiên và văn hóa tu luyện Đạo gia bay lên tiên giới, tất cả đều là văn hóa mà Thần truyền cấp cho con người.

2. Nghi thức lễ bái Khổng Tử trang nghiêm long trọng, thể hiện sự kính ngưỡng của người dân toàn thế giới đối với Khổng Tử, cũng như sự sùng bái đối với bậc thánh nhân. Điều quan trọng hơn đó là niềm tin và sự tôn sùng đối với tư tưởng và văn hóa Nho gia mà Khổng Tử lưu lại cho mọi người. Trong 2500 năm trở lại đây, tư tưởng của Khổng Tử đã ảnh hưởng toàn thế giới, trở thành quy phạm đạo đức làm người, duy trì chuẩn mực đạo đức của xã hội nhân loại. Thời nay khi mà đạo đức nhân loại trở nên bại hoại, mọi người đều đang đi tìm con đường cứu vãn, tìm lại tiêu chuẩn làm người, mà đó chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho gia. Đây chính là bản tính của nhân loại đang thức tỉnh, linh hồn đang giác ngộ, và quay về với truyền thống.

Tài liệu đọc thêm

Thủy tổ Hoa Hạ – Hoàng Đế

Hoàng Đế họ Công Tôn, tương truyền mẹ ông nằm mơ thấy một luồng sáng khổng lồ bao quanh ngôi sao Thiên Xu (ngôi sao đầu tiên trong Bắc Đẩu thất tinh) chiếu sáng cả một vùng hoang dã, từ đó cảm ứng mà có thai, sau 24 tháng, sinh ra ông ở đồi Hiên Viên, Tây Bắc của Tân Trịnh.

1. Hoàng Đế lấy vợ

Năm Hoàng Đế 15 tuổi thì kế thừa vương vị, hiệu là Hoàng Đế Hiên Viên Thị. Hoàng Đế ở địa vị thiên tử tôn quý luôn hết lòng vì bách tính muôn dân, những người lớn tuổi không ai là không lo lắng cho việc hôn sự của ông. Có người còn dẫn con gái mình đến cầu thân, đó đều là những cô nương rất xinh đẹp. Cha ông (là Thiếu Điển) và mẹ ông cũng mong ông sớm kết hôn, khuyên ông chọn lấy một ý trung nhân. Hoàng Đế cười nói: “Không thể chỉ nhìn vào tướng mạo, chỉ coi trọng ngoại hình, mà cần xem có bản lĩnh hay không.” Cha mẹ thấy ông có chủ kiến riêng cũng không lên tiếng nữa.

Một hôm, Hoàng Đế đi săn đến Tây Sơn, ngẩng đầu lên nhìn, thấy chỗ gốc cây dâu lớn bên sườn núi, có một người phụ nữ đang vịn tay vào cây, một chân quỳ trên đất, nhả tơ ra từ miệng, thấy trên mặt đất đã nhả được một cái kén to như cái bình. Hoàng Đế nấp sau một tảng đá lớn nhìn xem, thấy cô gái ấy nhả ra một nắm tơ màu vàng rồi lại nhả ra một nắm tơ màu bạc, đều sáng lấp lánh. Hoàng Đế thầm nghĩ: “Hôm nay gặp được một kỳ nữ biết nhả tơ, thật là nằm mơ cũng không ngờ tới. Nhờ Hữu Sào Thị, Thần Nông Thị, mà thức ăn và chỗ ở đều không phải lo lắng nữa, nhưng mọi người vẫn mặc quần áo từ da thú, thật khó coi. Nếu giờ có được những sợi tơ này để dệt thành vải may quần áo thì tốt biết mấy.” Lúc này, cô gái kia đã nhả xong cái kén thứ ba, đứng lên rời đi, thì Hoàng Đế vội chạy ra trước cô gái nói: “Tôi thấy đại tỷ biết tạo ra tơ, có thể dạy cho tôi được không?”

Cô gái cúi đầu, đỏ mặt nói: “Cha mẹ tôi đã căn dặn, nếu không phải là chồng thì không được truyền kỹ thuật làm tơ.” Hoàng Đế nghe xong ngẩng đầu lên nhìn kỹ cô gái, thấy cô gái có làn da đen, dáng người thô kệch. Nhưng ông lại nghĩ, có một người biết nhả tơ như này là việc quá tốt, nên liền vui mừng đồng ý.

Cô gái ấy nói với Hoàng Đế: “Tôi tên Luy Tổ, là thị nữ của Vương Mẫu Nương Nương, trước đây vì phạm thiên quy nên bị đày xuống trần gian.” Hóa ra, có một lần, Luy Tổ đến hoa viên của Vương Mẫu Nương Nương ngắm hoa, thấy trong vườn có một cây cỏ ngũ sắc ra đầy quả, vô cùng hấp dẫn, không kìm nổi liền hái mấy quả ăn thử. Một lúc sau, cô liền cảm thấy buồn nôn, ruột gan cồn cào, liền ngồi xuống đất nôn. Nhìn kỹ thì thấy thứ nôn ra trên mặt đất là loại tơ trong suốt óng ánh. Lúc này có mấy con bươm bướm ngũ sắc bay lượn quanh cỏ thơm, Luy Tổ nghĩ trong lòng: Nếu đem hạt cỏ thơm này cho bươm bướm ngũ sắc ăn, thì chẳng phải bươm bướm ngũ sắc cũng sẽ nôn ra tơ sao?” Bươm bướm đẻ trứng, trứng nở thành con tằm. Luy Tổ liền dùng cỏ thơm cho tằm ăn, con tằm đó cũng nhả ra tơ. Lúc này Luy Tổ mới biết rằng cỏ thơm ngũ sắc vốn là cỏ tiên, muốn hái nhiều hạt một chút để cho tằm ăn, không ngờ rằng mới hái được một nắm thì bị Vương Mẫu Nương Nương phát hiện. Vương Mẫu Nương Nương nổi trận lôi đình, lập tức đày cô xuống trần gian. Luy Tổ ở trên núi suýt chút nữa thì bị sói ăn thịt, về sau được Tây Lăng Thị cứu, từ đó hai người sống cùng nhau, gọi nhau là mẹ con.

Luy Tổ lại nói: “Tôi có nuôi một ít tằm ở sườn núi phía Bắc, hiện đang nhả tơ. Những con tằm đó đều ăn lá dâu, lớn rất nhanh, hay là để tôi dẫn ngài đi xem”. Hoàng Đế và Luy Tổ đi đến sườn núi phía Bắc, nhìn thấy những kén tằm đó vừa to vừa đẹp, to như vò sành, phát sáng lấp lánh, mừng rỡ nói: “Ta lần này về sẽ phái một vài người đến thu hoạch kén tằm.”

Hoàng Đế về đến nhà liền thưa ngay với cha mẹ việc lấy Luy Tổ làm vợ, cha mẹ nghe thấy vậy đều vô cùng mừng rỡ, liền nói cho những người xung quanh, một truyền mười, mười truyền một trăm, tất cả mọi người đều biết. Khi Hoàng Đế đưa Luy Tổ về, mọi người sớm đã tập trung ở cửa nhà ông để đón tiếp tân nương. Mọi người thấy Luy Tổ ngoại hình xấu xí thì lấy làm khó hiểu. Nhưng Luy Tổ lại rất rộng lượng, không hề để tâm đến những lời đàm tiếu của mọi người, chỉ dẫn mấy cô gái đi rút tơ.

Từ sau khi Luy Tổ đến, mọi người học được cách nuôi tằm, quay tơ, kéo sợi, dệt vải, dần dần đều có quần áo mặc. Lúc này mọi người mới khen Hoàng Đế có con mắt tinh tường, không lấy vợ dựa vào ngoại hình, từ trong tâm càng bội phục Luy Tổ hơn nữa. Luy Tổ qua đời trước Hoàng Đế, bà là người đầu tiên nuôi tằm lấy tơ ở Trung Quốc, được người đời sau suy tôn là Tiên Tằm, xem như một vị Thần. Trong phòng dệt vải của những nhà nông bình thường đều thờ cúng vị Thần Luy Tổ.

2. Hoàng Đế chiến tranh với Xi Vưu

Hoàng Đế rất muốn tìm một số đại thần hiền đức, tài năng để trợ giúp cho đế nghiệp. Một hôm, ông mơ thấy một trận gió lớn nổi lên, thổi bay hết cát bụi trong thiên hạ, lại nhìn thấy một người tay cầm chiếc cung lớn, đuổi theo một đàn dê. Sau khi tỉnh dậy, ông suy nghĩ nhiều lần về cảnh trong giấc mộng, đoán rằng: “Gió lớn thổi bay cát bụi, tức là sẽ có người họ Phong tên Hậu ra làm tể tướng; chiếc cung lớn tượng trưng cho sức mạnh, đuổi theo một đàn dê thì có thể tên là Mục, hẳn sẽ có người họ Lực tên Mục ra làm đại tướng quân.”

Thế là Hoàng Đế đi khắp nơi hỏi thăm, cuối cùng đã tìm được Phong Hậu ở vùng ven biển, tìm thấy Lực Mục ở một vùng đầm lớn, phong cho họ làm tể tướng và tướng quân. Với sự giúp đỡ của những người thợ thủ công giỏi, Hoàng Đế đã sáng tạo ra mũ miện, thuyền bè, cung điện, bếp lò, âm luật, lịch, thiên văn, thế lực ngày một mạnh hơn. Về sau thế lực của Viêm Đế suy yếu, Hoàng Đế đã thay thế, thống nhất chư bang của Hoa Hạ, duy chỉ có Xi Vưu là không chịu phục tùng.

Xi Vưu họ Khương, là con cháu của Viêm Đế. Tương truyền ông ta có bốn con mắt và sáu bàn tay, thân người móng trâu, trên đầu mọc sừng nhọn, tóc mai ở tai thì cứng như đao kiếm. Xi Vưu có tám mươi huynh đệ, ai ai cũng đầu đồng trán sắt, không ăn ngũ cốc, chuyên ăn cát sỏi. Hoàng Đế và Xi Vưu đã có một trận chiến ở Trác Lộc, Xi Vưu đã cầu một màn sương dày đặc tứ phía, ba ngày không hề tiêu tán, binh lính của Hoàng Đế bị mất phương hướng, rơi vào cảnh hỗn loạn. May là Phong Hậu kịp thời chế tạo ra một bộ xe chỉ nam, nhờ đó Lực Mục mới có thể chỉ huy toàn quân xung phá vòng vây.

Trải qua chín trận đánh liên tiếp, phía Hoàng Đế bị hao tổn toàn lực, vẫn không thể thắng được Xi Vưu. Một hôm, Hoàng Đế ngồi một mình trầm ngâm trong doanh trại, vắt óc suy nghĩ cách đánh bại chiến lược của kẻ địch. Liên tiếp mấy ngày như vậy, ông mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi. Ông nằm mơ thấy rằng Tây Vương Mẫu phái một nữ sứ giả ban cho bùa phép. Sau khi tỉnh dậy, Hoàng Đế đi tìm Phong Hậu bàn bạc, quyết định lập đàn cầu nguyện. Cầu nguyện liên tiếp ba ngày ba đêm thì Cửu Thiên Huyền Nữ liền xuất hiện trao cho Hoàng Đế Linh Bảo Ngũ Phù, đạo thuật, binh pháp, “âm phù kinh”. Hoàng Đế đã vận dụng chúng, cuối cùng tiêu diệt được Xi Vưu, thống nhất thiên hạ. Từ đó người dân của bộ lạc Xi Vưu ở vùng Trung Nguyên, người dân bộ tộc Viêm Đế và người dân bộ tộc Hoàng Đế cùng chung sống, hòa hợp với nhau, cùng hình thành nên tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, và Hoàng Đế cũng được gọi là thủy tổ của Hoa Hạ.

Hoàng Đế đã cai trị quốc gia theo “âm phù kinh”, còn tạo ra các loại nhạc cụ như đàn, chuông, định ra những quy phạm đạo đức như nhân nghĩa, từ hiếu, giúp cho quốc gia ngày càng vững mạnh, bách tính được an cư lạc nghiệp.

3. Nằm mơ đến Hoa Tư

Một hôm, Hoàng Đế nghe nói vị thần tiên nổi tiếng Quảng Thành Tử ở núi Không Động, liền dẫn theo các đại thần đến bái vọng. Hoàng Đế muốn thỉnh giáo Quảng Thành Tử phương pháp trị quốc, Quảng Thành Tử nói: “Từ khi ngài trị vì thiên hạ đến nay, trật tự đại loạn. Mây trên trời còn chưa tụ lại thì trời đã bắt đầu mưa; cây cỏ chưa héo úa mà lá đã rụng hết; ánh nhật nguyệt cũng trở nên ảm đạm, người như ngài thì có tư cách gì để đến đàm luận đạo trị quốc đây?”

Hoàng Đế bị ông giáo huấn một hồi liền trở về, khổ não suy nghĩ suốt ba tháng ròng, rồi lại lên núi bái kiến Quảng Thành Tử. Chỉ thấy Quảng Thành Tử nằm đó đầu quay về phía nam, lãnh đạm thờ ơ. Hoàng Đế cẩn thận quỳ trước mặt Quảng Thành Tử, vừa khấu đầu vừa hỏi Quảng Thành Tử thân pháp trị thân. Quảng Thành Tử vừa nghe thấy ông hỏi về đạo tu thân dưỡng tính liền ngồi phắt dậy nói: “Đây mới là điều mà ông nên hỏi! Lại đây, ta sẽ giảng cho ông nghe về sự huyền bí của Đạo. Chí Đạo chi tinh, yểu yểu minh minh. Chí Đạo chi cực, hôn hôn mặc mặc. Bất thị bất thính, bất tư bất niệm, bất yếu lao thần, bất yếu thất tinh. Bão thần thủ tĩnh, tri đa vi hại. Đắc thử đạo giả, thượng vi tiên hoàng. Thất thử đạo giả, hạ vi trần sỹ.” (Tạm dịch: cái Tinh túy của Đạo đó tinh thâm vi diệu, tột đỉnh của Đạo đó là mờ mờ tịch tịch. Không nhìn không nghe, không nghĩ không suy, không nên lao thần, đừng mất tinh thần. Giữ thần trong tĩnh, biết nhiều có hại. Người đắc Đạo này lên cao có thể thành tiên. Kẻ mất Đạo này xuống dưới là kẻ trần sỹ).

Hoàng Đế nghe xong thì bừng tỉnh ngộ, từ đó không quan tâm việc triều chính, chuyên tâm tịnh dưỡng, cả ngày nửa mơ nửa tỉnh. Một hôm, nguyên thần của Hoàng Đế xuất ra bay đến Hoa Tư Quốc. Nhưng lại thấy Hoa Tư Quốc không có người đứng đầu, dân chúng thuần phác, không có ham muốn dục vọng gì, không vì được sống mà vui, không vì chết mà buồn, vì thế nên cũng không có sinh không có tử. Họ không có yêu cũng không có ghét, không có sự phân biệt thân thích quyến thuộc, không ủng hộ ai cũng không phản đối ai, vì thế không có sự xung đột lợi ích và đấu tranh tàn sát. Họ bước vào lửa không thấy nóng, nhảy xuống nước không bị chìm, bay trên không trung như đi trên mặt đất, nằm ngủ trên mây cũng êm ái như ở trên giường.

Hoàng Đế tỉnh mộng, cảm thấy rất vui vẻ thư thái, nói với hạ thần rằng: “Ta nhàn cư ba tháng nay, chỉ biết được sự quan trọng của việc tu thân dưỡng tính, mà không có chút thu hoạch nào cho đạo trị quốc. Hôm nay trong mộng ngao du đến Hoa Tư Quốc, mới hiểu ra rằng Đạo không thể nói thành lời, trị quốc cần phải vô vi.” Nhờ đó Hoàng Đế tuân theo đạo vô vi, mà thiên hạ được thái bình, dân chúng an vui, giống như Hoa Tư Quốc.

4. Đỉnh Hồ thăng thiên

Tương truyền Hoàng Đế đi tuần du khắp nơi, gặp các vị thần tiên để thỉnh giáo đạo tu tiên, nắm được “Cửu đỉnh đan pháp” ở Vương Ốc Sơn nên ông đã từ bỏ vương vị. Sau đó lại đắc được Kim dịch thần đan ở núi Thiên Thai, đắc được Tam hoàng nội văn ở núi Thanh Khâu, cuối cùng được truyền thụ Chân nhất chi pháp ở núi Thanh Thành, rồi theo chỉ dẫn của thần nhân đúc đỉnh dưới chân núi Cảnh Sơn.

Ngày đỉnh được đúc xong, một con rồng trắng trên trời giáng hạ, đến đón Hoàng Đế lên trời. Hoàng Đế liền cưỡi lên lưng rồng, hơn 70 quần thần cũng cưỡi lên theo. Nhưng trên lưng rồng chỉ có hơn 70 chỗ ngồi, những người khác không có chỗ ngồi, liền nắm chặt lấy râu rồng. Con rồng từ từ bay lên trời, nhưng những sợi râu rồng mỏng mảnh sao có thể chịu được trọng lượng của nhiều người đến thế? Râu bị đứt, những người nắm lấy râu rồng lần lượt bị rơi xuống, ngay cả cây cung của Hoàng Đế cũng bị rơi xuống. Mọi người ngẩng lên thấy Hoàng Đế bay lên trời thành tiên, còn mình vẫn phải ở dưới nhân gian chịu khổ, không cầm nổi nước mắt ôm lấy cây cung khóc lớn, nước mắt ngập hết mặt đất, đọng lại thành hồ, nhấn chìm cả chiếc đỉnh. Người đời sau gọi nơi này là Đỉnh Hồ, gọi cây cung kia là Ô Hiệu.

Sau khi Hoàng Đế cưỡi rồng bay lên trời, trở thành vị Thiên Đế ở trung ương, ngồi giữa thiên đình, có tôi thần phụ tá là Hậu Thổ tay cầm dây mực quản lý bốn phương. Ở bốn phương của Hoàng Đế, mỗi phương có một vị thiên đế cai quản các việc trong vùng của mình. Thiên đế ở phương Đông là Thái Hạo, có tôi thần phụ tá là Câu Mang tay cầm thước quy tròn cai quản mùa xuân, là vị thần mùa xuân; thiên đế ở phương Nam là Viêm Đế, có tôi thần phụ tá là Chúc Dung tay cầm cái cân cai quản mùa hạ, là vị thần mùa hạ; thiên đế phương Tây là Thiếu Hạo, có tôi thần phụ tá là Nhục Thu, tay cầm thước củ cai quản mùa thu, là vị thần mùa thu; thiên đế ở phương Bắc là Chuyên Húc có tôi thần phụ tá là Huyền Minh tay cầm quả cân cai quản mùa đông, là vị thần mùa đông. Bốn vị thiên đế ở bốn phương đều phục tùng theo sự cai quản của Hoàng Đế.

Bài tập

1. Hãy hỏi người lớn trong nhà câu chuyện về các vị tiền bối trong gia tộc.

2. Hồi tưởng lại về nguồn gốc của mọi thứ trong văn hóa và đời sống.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 18-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.