Tinh giải luận ngữ (16): Ngô hà dĩ quan chi tai
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子曰:“居上不宽,为礼不敬,临丧不哀,吾何以观之哉?” (《论语·八佾第三》)
Hán Việt
Tử viết: “Cư thượng bất khoan, vi lễ bất kính, lâm tang bất ai, ngô hà dĩ quan chi tai?” (Trích “Luận ngữ – Bát dật đệ tam”)
Phiên âm
Zǐ yuē:“Jū shàng bù kuān, wèi lǐ bù jìng, lín sàng bù āi, wú hé yǐ guān zhī zāi?” (“Lúnyǔ·Bā yì dì sān”)
Chú âm
子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“居ㄐㄩ上ㄕㄤˋ不ㄅㄨˋ宽ㄎㄨㄢ,为ㄨㄟˋ礼ㄌㄧˇ不ㄅㄨˋ敬ㄐㄧㄥˋ,临ㄌㄧㄣˊ丧ㄙㄤˋ不ㄅㄨˋ哀ㄞ,吾ㄨˊ何ㄏㄜˊ以ㄧˇ观ㄍㄨㄢ之ㄓ哉ㄗㄞ?”
Diễn nghĩa
Khổng Tử nói: “Người ở địa vị cao, mà không thể khoan hậu đối đãi với người khác, khi hành lễ không thể cung kính trang nghiêm, khi tham gia tang lễ cũng không bi ai thương xót, tình cảnh kiểu này ta làm sao có thể chịu đựng được?”
Nghiên cứu và phân tích
Khổng Tử chủ trương thực hành “đức trị”, “lễ trị”, điều này trước tiên đặt ra yêu cầu về đạo đức đối với người chấp chính. Nếu một vị quan chấp chính không làm được những yêu cầu về “lễ”, tu dưỡng đạo đức của bản thân không đủ, thì quốc gia đó không thể cai trị được. Cục diện lễ nhạc băng hoại của xã hội thời đó khiến Khổng Tử cảm thấy khó mà dung nhẫn.
Câu hỏi mở rộng
1. Khổng Tử không thể dung nhẫn đối với những ngôn từ và hành vi nào của người nắm quyền chính quốc gia?
2. Người nắm quyền chính quốc gia cần có những phẩm chất nhân cách như thế nào? Tại sao?
(Tham khảo: Thời xưa bậc quân tử nhân đức thu phục người khác bằng đức, một cách tự nhiên sẽ nhận được sự kính mến của bách tính muôn dân và sự quy phục của các nước lân bang)
Tài liệu đọc hiểu
Khổng Tử nói về khoan dung: Chí sát vô đồ (Xét nét thì không có ai theo)
Tử Trương thỉnh giáo Khổng Tử về đạo lý chấp chính, Khổng Tử nói: “Quân tử trị lý dân chúng, không được dùng tiêu chuẩn cao để yêu cầu, không được dùng những mục tiêu xa vời để dẫn dắt họ, cũng không được cưỡng ép dân làm những việc mà họ không thể làm được”.
Tử Trương nói: “Đệ tử xin thành khẩn tiếp thụ giáo huấn của thầy”.
Khổng Tử lại nói: “Trò nhất định phải ghi nhớ, nước nếu như quá trong thì sẽ không có cá, người nếu như xét nét thì sẽ không có ai theo. Bởi vậy vào thời xưa, mũ miện của đế vương có chuỗi ngọc ở phía trước chính là để cho đôi mắt không nhìn quá rõ ràng, dùng miếng vá vải bằng tơ che tai, chính là để tai không quá nhạy bén. Khi trong dân chúng xuất hiện cái ác thì cần phải làm chính trở lại, từ đó có được thành quả”.
Khổng Tử nói tiếp: “Cần thực hành chính sách khoan dung độ lượng, khiến dân chúng tự tìm ra chỗ thiếu sót của bản thân. Cần dựa theo trình độ của dân chúng để dạy dỗ đạo lý cho họ, giúp người dân có thể độc lập suy nghĩ, tự mình tìm ra phương hướng. Người dân phạm phải lỗi nhỏ, không nên tìm trăm phương ngàn kế để lôi ra lỗi sai của họ, mà nên dựa vào những việc làm thiện của dân để miễn xá cho họ, để người dân giống như một người chết được hồi sinh trở lại, như vậy thì dân chúng nhất định sẽ trở nên tốt hơn, và đây cũng chính là thực thi chính sách nhân từ!”
Tử Trương nghe xong thành khẩn nói với Khổng Tử: “Tiên sinh nói chí phải”.
Khổng Tử nói: “Bởi vậy trò cần nghĩ cách khiến cho lời nói của mình có thể nhận được sự tin tưởng của người khác, tốt nhất là hãy khiêm tốn tiếp thu ý kiến của người khác, nếu muốn mệnh lệnh của chính quyền mau chóng được chấp hành, tốt nhất hãy tự mình làm gương trước. Nếu trò có thể làm được những việc này, chứ không phải là trách móc dân chúng, thì sẽ trở thành một người chấp chính tốt”.
“Chí sát vô đồ” chính là nói cần đối đãi với người bằng tấm lòng khoan dung, không thể yêu cầu cao đối với người khác. Làm người ai cũng có khuyết điểm này, khuyết điểm kia, chí sát vô đồ chính là khuyên răn mọi người cần khoan dung, không yêu cầu quá nghiêm khắc đối với người khác, không kỳ vọng quá cao, cần thiện ý tìm ra sở trường, tìm ra những điểm đáng được tôn trọng, đáng được học tập của người khác, từ đó không ngừng hoàn thiện việc tu dưỡng đạo đức của bản thân.
Bài tập về nhà
Sự khoan dung có chỗ nào tốt với người khác và với chính mình? Hãy đưa ra một ví dụ thực tế trong cuộc sống để làm rõ.
Dich từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 24-02-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.