Tinh giải luận ngữ (33): Tính dữ Thiên Đạo (bản tính và Thiên Đạo)
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子贡曰:“夫子之文章(1),可得而闻也;夫子之言性(2)与天道(3),不可得而闻也。” (《论语·公冶长第五》)
Hán Việt
Tử Cống viết: “Phu Tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã; Phu Tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)
Phiên âm
Zǐ Gòng yuē: “Fūzǐ zhī wénzhāng, kě dé ér wén yě; Fūzǐ zhī yán xìng yǔ tiāndào, bù kě dé ér wén yě.” (Lúnyǔ‧Gōng yě zhǎng dì wǔ)
Chú âm
ㄗˇ貢ㄍㄨㄥˋ曰ㄩㄝ:”夫ㄈㄨ子ㄗˇ之ㄓ文ㄨㄣˊ章ㄓㄤ,可ㄎㄜˇ得ㄉㄜˊ而ㄦˊ聞ㄨㄣˊ也ㄧㄝˇ;夫ㄈㄨ子ㄗˇ之ㄓ言ㄧㄢˊ性ㄒㄧㄥˋ與ㄩˇ天ㄊㄧㄢ道ㄉㄠˋ,不ㄅㄨˋ可ㄎㄜˇ得ㄉㄜˊ而ㄦˊ聞ㄨㄣˊ也ㄧㄝˇ。”(《論ㄌㄨㄣˊ語ㄩˇ‧公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ長ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)
Chú thích
1. 文章 (Văn chương): chỉ toàn bộ thi, thư, lễ, nhạc mà Khổng Tử truyền dạy.
2. 性 (Tính): chỉ bản tính của con người hoặc là chỉ đặc tính của con người, sự vật, sự việc.
3. 天道 (Thiên Đạo): chỉ Thiên lý, hoặc là chỉ nguyên lý của con người, sự vật, sự việc.
Diễn nghĩa
Tử Cống nói: “Thi, thư, lễ, nhạc mà thầy dạy là những điều hữu hình biểu hiện trên bề mặt, có thể quan sát được; còn bản tính của con người và Thiên lý mà thầy dạy (hay chính là đặc tính và nguyên lý của người, sự vật, sự việc) là thứ vô hình tiềm ẩn trong bản chất nội tại, không thể trực tiếp quan sát được”.
Nghiên cứu và phân tích
Những hình thức văn hóa nghệ thuật như thi, thư, lễ, nhạc là phù hợp để giáo hóa dân chúng, người bình thường đều có thể học tập, lưu truyền; còn bản tính của con người và Thiên lý (hay chính là đặc tính và nguyên lý của hết thảy con người, sự vật, sự việc) lại là điều cao thâm, huyền diệu, siêu thường hơn. Vì việc học tập là tiến lên từng bước, và việc dạy học cũng không thể nhảy cóc, nên chỉ những học trò có sự tiến bộ từng bước trong học tập, giống như đi từ nông cạn đến thâm sâu, thì Khổng Tử mới xem xét thời điểm thích hợp để giảng cho học trò ấy về bản tính và Thiên Đạo, chứ không phải tất cả học trò muốn nghe Khổng Tử giảng về bản tính và Thiên Đạo đều có thể nghe được. Đoạn này có thể là cảm xúc và lời tán thưởng của Tử Cống khi được nghe Khổng Tử giảng về bản tính và Thiên Đạo.
Câu hỏi mở rộng
1. Vì sao Khổng Tử muốn giảng về bản tính và Thiên Đạo cho các đệ tử có sự tiến bộ từng bước trong học tập? Phải chăng ông hy vọng họ có thể quay về bản tính thiện lương, không xa rời bản tính và Thiên lý? Phải chăng những đệ tử có thể làm được như vậy sẽ là những người hạnh phúc nhất? Đây có phải là mục tiêu giáo dục của Khổng Tử chăng?
2. Thử nghĩ xem, sau khi nghe Khổng Tử giảng về bản tính và Thiên Đạo, phải chăng Tử Cống cần nghiêm khắc yêu cầu hành vi, lời nói, suy nghĩ của bản thân quay trở về với bản tính thiện lương, không được rời xa bản tính và Thiên lý trong mọi phương diện của cuộc sống? Nếu như Tử Cống không nguyện ý yêu cầu bản thân như thế, không làm được như thế, hoặc vẫn chỉ là học tập giống như học thi, thư, lễ, nhạc thì liệu Khổng Tử có dạy ông về bản tính và Thiên Đạo không?
Câu chuyện lịch sử
Học theo tự nhiên, Du Bá Nha sáng tác nên khúc nhạc nổi tiếng
Vào thời Xuân Thu, Du Bá Nha nước Sở từng theo người thầy dạy nhạc nổi tiếng Thành Liên học đánh đàn. Thành Liên thấy ông có tài năng thiên phú nên dốc hết sức truyền thụ kiến thức. Sau ba năm học tập gian khổ, kỹ năng chơi đàn của Bá Nha đã đạt đến trình độ chân truyền của sư phụ. Nhưng khi chơi nhạc ông cứ luôn cảm thấy trong tiếng đàn còn thiếu một chút gì đó. Bá Nha vì thế mà vô cùng khổ não, phiền muộn. Ông biết rằng nếu có thể xung phá được quan này thì ông sẽ trở thành một người chơi đàn kiệt xuất, nếu không bất quá cũng chỉ là “thợ” chơi nhạc mà thôi. Một ngày nọ, sư phụ Thành Liên nói với ông: “Bá Nha à! Điều con còn thiếu chỉ là một chút Thần vận mà thôi! Nhưng đây là cảnh giới của Thần, không thể truyền thụ bằng lời được. Sư phụ của ta là Phương Tử Xuân sống trên đảo Bồng Lai ở Đông Hải, ông ấy có thể giúp con, chúng ta hãy cùng đến đó thỉnh giáo ông ấy nhé!”
Thế rồi hai thầy trò đi thuyền đến đảo Bồng Lai ở trên biển, lúc này Thành Liên nói rằng phải đi nơi khác đón thái sư Phương Tử Xuân nên bảo Bá Nha hãy đợi ở trên đảo. Bá Nha một mình ở lại trên hoang đảo, ban đầu ông chỉ biết đi đi lại lại dọc bờ biển, sốt ruột chờ sư phụ quay lại. Nhưng lâu dần, ngày ngày nhìn ngắm mặt trời lên mặt trăng lặn, thủy triều lên thủy triều xuống, ông trầm tĩnh lại. Một ngày nọ, ông chợt cảm thấy một nỗi niềm trào dâng trong lòng, muốn thì thầm nói chuyện với biển. Thế rồi ông mang đàn ra bờ biển thong thả gảy những dây đàn. Chỉ nghe thấy tiếng đàn của ông thuận theo tiếng gió biển, lúc nhanh lúc chậm, sóng biển cũng lại thuận theo tiết tấu thăng trầm của tiếng đàn, khi thì lên bổng khi thì xuống trầm. Trong sự hòa quyện với thiên nhiên, bất tri bất giác ông cảm thấy hết thảy nỗi niềm dường như đều tan biến vào hư không, chỉ còn lại tiếng nhạc tựa như âm thanh của tự nhiên bao phủ khắp cả đất trời, khi thì sục sôi, khi thì trầm lắng. Khi khúc nhạc kết thúc, ông cảm nhận thấy một kết cấu vũ trụ vĩ đại dường như đã hình thành trong trái tim mình: hóa ra cảm giác khi trí huệ được lấp đầy bởi vạn vật trong tự nhiên là như thế này! Những điều tốt đẹp nhất là được triển hiện như thế này. Trong cõi u minh, rốt cuộc là bàn tay nào đang chi phối hết thảy?
Lúc này, ông lại tấu lên một khúc nhạc, cảm thấy bản thân đạt được Thiên nhân hợp nhất, du du tự tại, cuối cùng danh khúc “Thủy tiên tháo” được ấp ủ bao lâu nay trên hoang đảo cũng đã hoàn thành! Một hôm, trong khi đang đặt hết tâm tư chơi khúc nhạc “Thủy tiên tháo” thì ông nghe thấy một tiếng cười vang lên từ phía sau, thì ra là sư phụ Thành Liên đã trở về! Sư phụ Thành Liên mỉm cười nói với ông: “Bá Nha à! Thiên nhiên vĩ đại đã khai mở trí huệ vô biên của con, vậy thì còn cần Tử Xuân thái sư đến vẽ rắn thêm chân làm gì nữa!”. Lúc này Bá Nha mới hiểu ra, thì ra ở đây vốn không có vị “thái sư” nào cả!
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể ngộ ra triết lý sống độc đáo “tĩnh quan thiên địa, sư pháp tự nhiên” (tĩnh lặng quan sát trời đất, học hỏi từ tự nhiên) của người Trung Quốc cổ xưa. Người xưa thông qua quan sát thiên tượng, xem xét địa lý, du ngoạn cảnh vật sơn thủy, đã hiểu ra rằng trong trời đất có tồn tại một lực lượng chủ tể thầm lặng mà vĩ đại, nếu mọi người có thể thuận theo đạo lý này thì sẽ được bình an tự tại; còn nếu đi ngược lại với “đạo” này thì ắt không tránh khỏi thiên tai nhân họa. Từ quy luật vận hành có trật tự này, con người sẽ được dẫn dắt và điểm hóa. Con người sống trong trời đất tự nhiên sẽ học được đức tính khiêm tốn, bao dung và cảm ân, từ đó phát triển thành phương thức sinh hoạt tương ứng. Ví dụ như: trong lịch pháp của Trung Quốc, 24 tiết khí trở thành cơ sở tốt nhất cho đời sống nông nghiệp cổ xưa, “xuân canh, hạ vân, thu thu, đông tàng” (ý là “mùa xuân gieo trồng, mùa hạ chăm sóc, mùa thu thu hoạch, mùa đông tích trữ”), độ chính xác của nó khiến cho hậu thế vô cùng thán phục.
Do có thể chung sống hài hòa với vạn vật trong thiên nhiên, nên người Trung Quốc tự nhiên cũng noi theo tinh thần của trời đất từ lời nói, hành vi đến tư tưởng. Chúng ta có thể hiểu được ít nhiều thông qua những từ vựng phong phú được lưu truyền từ thời cổ đại đến nay. Ví dụ như khi muốn khích lệ bản thân mở rộng tấm lòng thì sẽ nghĩ đến “hải khoát thiên không” (biển rộng trời cao); khi muốn học cách khiêm tốn, cung kính thì phải là “hư hoài nhược cốc” (tấm lòng rộng lớn như núi có thể dung chứa vạn vật, dùng để mô tả những người khiêm tốn có thể tiếp thu ý kiến của người khác); để hình dung nhân cách cao thượng vĩ đại của một người thì người ta sẽ ví von với “sơn cao thủy trường” (núi cao sông dài). Nếu một người vô cùng nhanh nhẹn hoạt bát, tràn trề sức sống thì nói anh ta là “diên phi ngư dược” (diều hâu bay cá nhảy), v.v. Những điều này thể hiện sự kính ngưỡng và niềm tin của người Trung Quốc đối với tự nhiên. Hơn nữa, một số thành ngữ mà chúng ta đang dùng hàng ngày như “thần công quỷ phủ”, “thần cơ diệu toán”, “thần thánh”, “kinh thiên địa, khấp quỷ thần”, v.v. không câu nào không thể hiện sự thán phục và tấm lòng sùng kính của người xưa đối với Đấng tạo hóa. Vì thế những người biết thiên mệnh, hiểu Thiên lý thì dù đi đâu cũng có thể sống vui vẻ tự tại, đứng trước biến cố mà không hề nao núng!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 28-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.