Tinh giải luận ngữ (26): Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“君子欲讷(1)于言而敏(2)于行。”(《论语·里仁第四》)

Hán Việt

Tử viết: “Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành”. (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Jūnzǐ yù nè yú yán ér mǐn yú xíng.” (“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“君ㄐㄩㄣ子ㄗˇ欲ㄩˋ讷ㄋㄜˋ(1)于ㄩˊ言ㄧㄢˊ而ㄦˊ敏ㄇㄧㄣˇ(2)于ㄩˊ行ㄒㄧㄥˊ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

1. 讷 (Nột): Chậm chạp. Ý ở đây là lời nói cần thận trọng.

2. 敏 (Mẫn): Ý là linh hoạt, nhanh chóng.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Quân tử nói năng cần thận trọng, nhưng hành động cần nhanh chóng”.

Nghiên cứu và phân tích

Người quân tử nói năng cần thận trọng bởi “nước đã hất đi thì không lấy lại được”, nếu cứ tuỳ tiện nghĩ gì nói nấy, thì đối với người khác mà nói là thiếu sự tôn trọng, còn về phía bản thân mà nói, đối với sự việc có tính quyết định, người quân tử biết đến là cần làm ngay, tuyệt không do dự chần chừ mà lỡ mất thời gian. Nhanh hay chậm chính là thể hiện nguyên tắc xử thế hữu vi hữu thủ của bậc quân tử. (“Hữu vi hữu thủ” tức là có thể hành động với sự chính trực).

Câu hỏi mở rộng

1. Người ta thường nói rằng: “Hoạ từ miệng ra”, vậy chúng ta nên nói năng như thế nào mới có thể tránh được tai hoạ?

(Gợi ý: Chân thành, không cướp lời, không nói dối, không đi ngược với lương tri, v.v.)

2. Đối với những tri thức hoặc đạo lý xử thế mà thầy cô giáo dạy trên trường, bạn áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào? Bạn tranh thủ thời gian để tự mình thực hành hay vẫn cứ thích gì làm nấy?

(Gợi ý: Thảo luận với học sinh ý nghĩa thực sự của việc học tập, học tập là đem học vấn áp dụng vào thực tiễn cuộc sống chứ không chỉ là bàn việc quân trên giấy)

Câu chuyện thành ngữ

Ngôn tất hữu trung

Mẫn Tổn, tự Tử Khiên, là người nước Lỗ thời Xuân Thu.

Mẹ của Mẫn Tử Khiên mất sớm, cha ông lấy mẹ kế sinh thêm được hai người con. Mẹ kế thiên vị các con của mình, ngược đãi Tử Khiên, không cho ông được ăn no, mùa đông chỉ cho ông mặc áo bông lau. Tình cờ cha ông phát hiện ra, muốn đuổi mẹ kế đi, Tử Khiên quỳ trước mặt cha nói rằng: “Mẹ ở thì chỉ có mình con bị lạnh, mẹ đi thì cả ba đứa chúng con đều lạnh”. Từ đó mẹ kế coi Tử Khiên như con ruột của mình.

Khi nước Lỗ muốn xây dựng lại khố phòng, đến xin ý kiến của Tử Khiên, ông nói: “Khố phòng chẳng phải đang rất tốt sao? Tại sao phải hao người tốn của đi xây dựng lại? (Lỗ nhân vi trường phủ, Mẫn Tử Khiên viết: ‘Nhưng cựu quán, như chi hà? Hà tất cải tác?’)”

Khổng Tử đã đánh giá về ông rằng: “Mẫn Tử Khiên bình thường không nói, nhưng một khi đã nói thì có thể nói ra điểm mấu chốt (Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung)”.

“Ngôn tất hữu trung” ý nói là một khi đã nói thì có thể nói ra bản chất của sự việc.

(Trích “Luận ngữ – Tiên tiến”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 27-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.