Tinh giải luận ngữ (30): Đức bất cô tất hữu lân



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“德不孤,必有邻(1)。”(《论语·里仁第四》)

Hán Việt

Tử viết: “Đức bất cô, tất hữu lân.” (Trích “Luận ngữ – Chương 4 – Lý Nhân)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Dé bù gū, bì yǒu lín.” (“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“德ㄉㄜˊ不ㄅㄨˋ孤ㄍㄨ,必ㄅㄧˋ有ㄧㄡˇ邻ㄌㄧㄣˊ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

(1) Đức bất cô, tất hữu lân (德不孤,必有邻): Người có phẩm đức, ắt sẽ có hàng xóm. Ý là người có đức, thì ắt sẽ có những người tương tự gần gũi, thân thiết, không bao giờ bị cô đơn. Đồng nghĩa với câu “đắc Đạo đa trợ” (得道多助), tức là người có đạo đức thì sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói: “Người có đạo đức thì sẽ không bị cô lập, nhất định sẽ có người chung chí hướng ở cùng với họ”.

Nghiên cứu và phân tích

“Chúng nhân giai thụy ngã độc tỉnh” (mọi người đều ngủ, chỉ mình tôi thức), “tri âm nan cầu” (bạn tri âm khó tìm được). Trên con đường đời giản dị, tầm thường của một thiền nhân, mấy ai có thể nhận ra và tin tưởng họ. Có câu “Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch” (các vị thánh hiền khi xưa sống trong cô đơn tịch mịch), cho đến bậc tiên hiền như Khổng Tử cũng từng bị chế nhạo là “Đông Gia Khâu” (tức là người thiếu hiểu biết về người khác). Song, “đức bất cô, tất hữu lân”, khi nhất thời bị người khác hiểu lầm, chúng ta không cần phải để tâm, bởi vì chúng ta biết rằng sự hy sinh này có thể thành tựu được nhiều người hơn, nên dù phải chịu khổ thêm nữa cũng không sao, tin rằng thời gian qua đi, thì tinh thần vô tư nghĩ cho người khác này tất sẽ làm cảm động những người thiện lương cùng chung chí hướng. Vì vậy những việc nên làm thì vẫn cần cố gắng hoàn thành, chỉ cần trong tâm cảm thấy thoải mái, không hổ thẹn, thì vô hình trung sẽ có một nguồn sức mạnh đến trợ giúp bạn, đây chính là minh chứng tốt nhất của câu “đức bất cô, tất hữu lân”. Nhưng trong quá trình nỗ lực, những khảo nghiệm thực sự mà chúng ta phải đối mặt chính là chúng ta có đủ nhẫn nại, thiện tâm và nghị lực để khắc phục khó khăn hay không, và có thể kiên trì trước sau như một hay không.

Câu hỏi mở rộng

1. Người xưa có câu “Trạch thiện cố chấp” (chọn điều thiện và kiên trì không đổi), nếu đổi lại là bạn, thì bạn cảm thấy nên thể hiện thiện ý và sự vô tư như thế nào để người khác có thể tiếp nhận?

2. Mặc dù đạo đức ngày nay đang ngày càng bại hoại, nhưng vẫn còn có những người bạn thiện lương với tấm lòng từ bi trắc ẩn khiến người ta bội phục đang lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng xã hội, bạn có nhận ra sự tồn tại của họ không? Xin hãy đưa ra ví dụ để nói rõ.

Câu chuyện lịch sử

Thần cứu thanh quan

Vương Xuân Nguyên là người phủ Hà Gian huyện Nhiêu Dương thời nhà Minh, tính tình ngay thẳng chính trực. Trong thời gian làm huyện lệnh huyện Phượng Tường, ông luôn giữ mình trong sạch, chăm chỉ làm việc, yêu thương dân chúng. Vào mùa thu một năm nọ, mùa màng đang rất tươi tốt, thì đột nhiên xuất hiện một loại côn trùng nhỏ, trông giống như con tằm nhưng bé hơn, toàn thân đen thui. Chúng chuyên gặm nhấm các loại cây trồng, sức tàn phá rất lớn. Ở các hương làng các huyện đều phát hiện thấy có loại côn trùng gây hại này. Người dân trông thấy hoa màu trên đồng ruộng bị cướp đi thì vô cùng đau đớn, xót xa. Vương Xuân Nguyên đích thân dẫn nông dân đi bắt và tiêu diệt côn trùng nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Vì quá ư lo lắng nên tinh thần và sức khỏe của ông ngày một sa sút. Các thuộc hạ đều khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông không chịu, mà thức liền mấy đêm để viết một bài văn tế Thần linh, nội dung là tự trách bản thân đã giết côn trùng và cầu xin Thần ban ơn huệ cho bách tính. Sau khi quỳ bái Thần linh và hoá bài văn tế, thì rất nhanh Thần tích liền xuất hiện: Loại bệnh trùng này đột nhiên biến mất tăm mất tích trên các cánh đồng khắp cả huyện, cũng không ai biết nhiều sâu hại như thế trong nháy mắt đã đi đâu hết.

Vương Xuân Nguyên mải lo việc chính sự, vất vả lâu ngày nên đổ bệnh, không có thuốc nào chữa trị khỏi. Dân chúng nghe tin, đa số đều rớt nước mắt, rất nhiều người đã cầu khẩn Thần linh bảo hộ cho ông sớm ngày hồi phục. Một đêm nọ, Vương Xuân Nguyên mơ thấy một vị Thần tiên nói với ông một câu rằng: “Phục bổ tâm đan nãi dũ” (uống bổ tâm đan sẽ khỏi). Sáng hôm sau, ông mua bổ tâm đan về uống, bệnh liền khỏi ngay. Dân chúng nói: “Vương huyện lệnh là thanh quan, nên Thần đã cứu ông ấy”. Khi Vương Xuân Nguyên biết được rằng trong lúc ông đổ bệnh bách tính đều cầu xin Thần cho ông ấy, liền nói: “Là nhờ có người dân làm cảm động tới Thần linh, nên Thần linh mới cứu tôi”.

Than ôi! Thanh quan mắc bệnh, Thần đến cứu mạng; ác quan tham lam, tai hoạ liên miên. Thiện ác hữu báo, lẽ nào không tin; bỏ ác theo thiện, ắt sẽ có tiền đồ.

(Trích “Dũng chàng tiểu phẩm”)

Bài tập

1. Trong “Mạnh Tử. Công Tôn Sửu hạ” có viết: “Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ” (người có đạo đức sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, người không có đạo đức sẽ hiếm nhận được sự giúp đỡ). Vương Xuân Nguyên nhờ vào cái gì mà có thể làm cảm động được người dân và Thiên thượng?

2. Bạn có biết câu chuyện nào về “thất đạo giả quả trợ” (người không có đạo đức sẽ hiếm nhận được sự giúp đỡ) từ xưa đến nay không? Sau khi thảo luận với các bạn thì hãy chia sẻ với mọi người.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 04-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.