Tinh giải luận ngữ (40): Thiện tâm đối đãi người
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
子曰:「晏平仲(1)善與人交,久而敬之(2)。」(《論語‧公冶長第五》)
Hán Việt:
Tử viết: “Án Bình Trọng thiện dữ nhân giao; cửu nhi kính chi”.
(Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)
Phiên âm:
Zǐ yuē:”Yàn píng zhòng (1) shàn yǔ rén jiāo,jiǔ ér jìng zhī (2)”
Chú âm:
子ㄗˇ曰ㄩㄝ:「晏ㄧㄢˋ平ㄆㄧㄥˊ仲ㄓㄨㄥˋ (1) 善ㄕㄢˋ與ㄩˊ人ㄖㄣˊ交ㄐㄧㄠ,久ㄐㄧㄡˇ而ㄦˊ敬ㄐㄧㄥˋ之ㄓ (2)
Chú thích
1. Án Bình Trọng “晏平仲”: là đại quan của nước Tề, tên là Anh, thụy hiệu là Bình. Trong tập 62 của Sử Ký có chuyện về ông.
2. Trong đoạn “久而敬之”: chi “之” là để chỉ Án Bình Trọng.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Án Bình Trọng có thể dựa vào thiện tâm để đối đãi với mọi người, nên dù lâu không gặp nhau, thì mọi người vẫn kính trọng”.
Nghiên cứu phân tích
Án Anh đối nhân xử thế bằng thiện tâm, nên lâu dần người ta có thể cảm thụ được sức mạnh của thiện tâm, nhận được cảm hóa mà kính trọng Án Anh. Khổng Tử đã dùng thực tiễn việc lấy “thiện” để đối xử với mọi người ấy làm tài liệu để giảng dạy cho học trò. Từ đó, giúp học trò có thể thể nghiệm được sức mạnh của việc thực hành “nhân”. Đồng thời, cũng có thể tự tìm được những thiếu sót và khoảng cách của mình so với người khác.
Câu hỏi mở rộng
1. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, trong xã hội hiện nay, tâm tính con người không còn như xưa, giao tiếp giữa người với người rất lạnh nhạt, tự tư tự lợi, không có chân thành.
Hãy nghĩ xem: hiện nay người mà không chịu ảnh hưởng của trào lưu xã hội, có thể chân thành, thiện tâm trong giao tiếp xã hội chẳng phải rất hiếm có sao? Nếu như chúng ta muốn hướng thiện, muốn phản bổn quy chân, thì chẳng phải là nên kết giao, học hỏi những người như vậy sao? Nếu như một người mà xung quanh họ không có được một người chân thành, thiện tâm để kết giao, vậy thì người ấy chẳng phải là rất đáng thương sao? Nếu những người này tiếp tục bị ô nhiễm nữa thì họ có còn hy vọng không? Bạn có cho rằng những người rất khôn, rất truy cầu lợi ích cá nhân kia có thể sẽ trở thành những người bạn tốt không?
2. Vì sao sức mạnh của “thiện” lại to lớn đến thế? Khi một người phát huy bản tính thiện, thì đối với tất cả mọi phương diện giao tiếp trong cuộc sống, hễ có ai nguyện ý hướng thiện, thì hầu như đều cảm thụ được năng lực của thiện ấy, khi đã có định hướng chuyển hóa để hướng thiện, khi bản chất đã có bản tính thiện ấy thì có thể câu thông giao lưu thấu đáo, dần dần, sẽ liên kết các sinh mệnh thiện thành một, hướng thượng thăng hoa, cho đến tận vũ trụ vô cùng vô tận, thuần thiện thuần mỹ, diễn hóa thành thế giới phồn thịnh mỹ hảo.
Hãy nghĩ xem: năng lượng ấy chẳng phải là rất to lớn hay sao? “Nhân giả vô địch” (nghĩa là: Người nhân nghĩa sẽ không có kẻ địch), đổi lại góc độ khác mà xét, những người có lương tri, thì ai dám chống lại bản tính thiện ấy? Như vậy, chẳng phải người nhân nghĩa sẽ là người có năng lực nhất để khiến cho những người có lương tri tự nội tâm kính trọng và muốn gần cận sao?
Câu chuyện lịch sử: Tế thế an dân – hậu đức tải vật
Trình Di thời Bắc Tống là học giả Nho giáo có ý chí tế thế an dân rất mạnh mẽ, bất kể làm quan ở đâu, ông đều lấy bốn chữ “thị dân như thương” (đối đãi với người dân như với thương binh, vì lo ngại sẽ làm họ phiền nhiễu – hình dung về người ở vị trí cao mà trân trọng, yêu quý sâu sắc đối với người dân) làm phương châm hành động cho mình. Khi ông nhậm chức tại huyện Phù Câu, tỉnh Hà Nam, đã giúp đỡ người dân giải quyết rất nhiều khó khăn thực tế.
Khi vừa nhậm chức, nghe nói nước uống ở đây bị nhiễm mặn, ông hỏi phụ tá: “Chẳng lẽ bách tính cứ phải uống nước này sao?” Phụ tá thưa: “Ngài có điều chưa biết, gần đây chỉ có giếng ở nhà chùa thì nước ngọt hơn một chút, nhưng giếng nước này thì không cho phụ nữ đến lấy nước”. Sau khi bàn bạc với các phụ tá, ông ra lệnh đào một cái giếng ở tại cùng mạch nước với giếng ấy, vậy nên người dân đã có nước ngọt để sử dụng. Mọi người đều nói: “Vấn đề này đã bao nhiêu năm rồi, vậy mà huyện lệnh vừa đến đã giải quyết xong”.
Quan tuần duyệt bảo giáp Vương Trung Chính là người thân cận của Hoàng đế, mỗi khi đến tuần tra nơi nào đó, thì quan cai quản ở đó đều chi rất nhiều tiền để lấy lòng ông. Nên khi ông đến huyện Phù Câu, quan lại huyện Phù Câu xin ý kiến của Trình Di về khoản chi phí để tiếp đón Vương Trung Chính, Trình Di đã dứt khoát trả lời: “Huyện ta còn nghèo, làm sao có thể theo các huyện khác chi dùng khoản tiền lớn để biếu Vương hồng nhân đó được? Hơn nữa, tiền ngân khố đều là thu từ người dân, theo phép thì không nên chi tiêu sai”. Sự cương trực của Trình Di đã làm Vương Trung Chính bị chấn nhiếp, nên trong suốt thời gian Trình Di nhậm chức ở đó, Vương Trung Chính cũng không đến nữa.
Trình Di viết thư với bạn nói: “Đối với bách tính, tôi chủ trương dụng nhân đức để giáo hoá”. Có người ăn trộm bị bắt, Trình Di nói: “Nếu ngươi cố gắng sửa chữa những sai lầm trước đây, thì ta sẽ tha cho mà xử nhẹ đi”. Người này sau đó tái phạm, khi quan huyện đến bắt anh ta, anh ta xấu hổ khi gặp lại Trình huyện lệnh, nên đã tự sát.
Khi Trình Di rời khỏi huyện Phù Câu để đến nơi khác nhậm chức, thì người dân vừa khóc vừa đi theo đến tận biên giới huyện để mời giữ ông ở lại.
Trịnh Di còn đảm nhận chức quan ở một số nơi khác, nguyên tắc làm quan của ông là dụng đức hạnh để cảm hoá dân chúng. Khi ông làm huyện lệnh ở huyện Thượng Nguyên, đê bị vỡ, cần phải lập tức lấp chặn ngay, nếu không kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến việc tưới tiêu đồng ruộng, nhưng việc này phải cần rất nhiều nhân lực. Nếu như chờ được cấp trên xem xét cho làm thì đã quá muộn, Trình Di ngay lập tức quyết định tổ chức nhân dân lấp chỗ đê vỡ, sau đó mới bẩm báo lên trên. Các phụ tá của ông nói: “Lẽ nào ngài không biết làm như thế thì sẽ bị cấp trên trách phạt sao?”. Trình Di đáp: “Ta không còn lựa chọn nào khác, nếu như không như thế, đợi cấp trên cử người đến lấp đê vỡ, thì hoa màu đã hỏng rồi, năm tới người dân lấy gì ăn? Lại nói, ta vì tính mệnh của người dân, nếu như tính đây là tội, thì ta cũng không phàn nàn gì”.
Như vậy, dưới sự đốc thúc của ông, chỗ đê bị vỡ đã rất nhanh được sửa chữa. Thế nên năm đó mùa màng thu hoạch rất tốt, người dân đều nói: “May cho chúng tôi gặp được Trình huyện lệnh, là người đức hạnh, nhân ái, độ lượng, đã thương xót cho nỗi khổ của dân, thật là một vị quan tốt!”
Người Trung Quốc xưa có câu nói “Vui với thiên hạ, lo lắng cùng thiên hạ”, vì các quan thời xưa được giáo dục trong bối cảnh tư tưởng như vậy, nên họ có ý chí tế thế an dân mạnh mẽ. Một mặt, họ tích cực quan tâm đến cả khó khăn và lợi ích của nhân dân, dùng chính trị nhân từ yêu dân; mặt khác, họ nỗ lực làm được “dụng đức phục người”, dùng sức mạnh của đạo đức để cảm hoá dân chúng, đây chính là lý tưởng chính trị mà Nho gia vẫn luôn theo đuổi.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 08-02-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.