Tinh giải luận ngữ (10): Tử Hạ vấn hiếu



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子夏问孝。子曰:“色难(1)。有事,弟子(2)服其劳;有酒食(3),先生馔(4),曾(5)是以为孝乎?”(《论语·为政第二》)

Hán Việt

Tử Hạ vấn hiếu. Tử viết: “Sắc nan (1). Hữu sự, đệ tử (2) phục kỳ lao; hữu tửu thực (3), tiên sinh soạn (4), tằng (5) thị dĩ vi hiếu hồ?” (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”)

Phiên âm

Zǐ xià wèn xiào. Zǐ yuē :“Sè nán. Yǒu shì, dì zǐ fú qí láo, yǒu jiǔ shí, xiān shēng zhuàn, céng shì yǐ wèi xiào hū ?”

Chú âm

子(ㄗˇ) 夏(ㄒㄧㄚˋ) 問(ㄨㄣˋ) 孝(ㄒㄧㄠˋ)。 子(ㄗˇ) 曰(ㄩㄝ):“色(ㄙㄜˋ) 難(ㄋㄢˊ)。有(ㄧㄡˇ) 事(ㄕˋ), 弟(ㄉㄧˋ) 子(ㄗˇ ) 服(ㄈㄨˊ) 其(ㄑㄧˊ) 勞(ㄌㄠˊ);有(ㄧㄡˇ) 酒(ㄐㄧㄡˇ) 食(ㄕˊ),先(ㄒㄧㄢ) 生(ㄕㄥ) 饌(ㄓㄨㄢˋ),曾(ㄘㄥˊ) 是(ㄕˋ) 以(ㄧˇ) 为(ㄨㄟˊ) 孝(ㄒㄧㄠˋ) 乎(ㄏㄨ)?”

Chú thích

1. 色难 (sắc nan): Có hai cách giải thích: Cách giải thích thứ nhất là khi phụng dưỡng cha mẹ, có thể giữ vẻ mặt vui vẻ hòa nhã là khó nhất; chữ “sắc” ở đây là chỉ sắc mặt của con cái. Cách giải thích thứ hai là con cái có thể lựa theo sắc mặt của cha mẹ là khó nhất; chữ “sắc” ở đây là chỉ sắc mặt của cha mẹ. “Sắc” nghĩa là sắc mặt, “nan” nghĩa là “khó khăn”, làm được không dễ dàng.

2. 弟子 (đệ tử): Chỉ người nhỏ tuổi như là thế hệ sau, con cái.

3. 食 (thực): Chỉ cơm, đồ ăn.

4. 先生馔 (tiên sinh soạn): Tiên sinh là chỉ người lớn tuổi hoặc cha mẹ. Soạn nghĩa là ăn uống, dùng bữa.

5. 曾 (tằng): Thính là, lại là, lẽ nào.

Diễn nghĩa

Khi Tử Hạ thỉnh giáo Khổng Tử về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Phụng dưỡng cha mẹ mà luôn giữ được vẻ mặt vui vẻ hòa nhã là khó nhất! Khi có công việc, thì con cái dốc sức làm giúp cha mẹ; khi có cơm rượu thì mời cha mẹ dùng bữa, làm được như vậy lẽ nào không thể coi là hiếu thuận rồi chăng?”

Nghiên cứu và phân tích

“Sắc nan” chính là tâm nan, chỉ có sự quan tâm và tôn trọng chân thành từ nội tâm mới có thể giữ được vẻ mặt vui vẻ hòa nhã mọi lúc mọi nơi. Cái hiếu thực sự không chỉ là sự phụng dưỡng ở bề mặt và vật chất.

Việc gì cũng đều nghĩ cho người khác, làm việc tốt cho mọi người, huống hồ là chính cha mẹ anh em của mình.

Câu hỏi mở rộng

1. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Thế còn bạn thì có cách nghĩ như thế nào?

2. Trong tài liệu đọc hiểu dưới đây có đề cập đến những ngôn luận khác nhau về “hiếu” trong chương Vi chính, bạn có kiến giải như thế nào?

Tài liệu đọc hiểu

1. Mạnh Ý Tử vấn hiếu. Tử viết: “Vô vi”. (Tạm dịch: Không trái, Vi: nguyên văn chữ Hán là 違, nghĩa là trái, chứ không phải chữ 爲 có nghĩa là làm) (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”)

2. Mạnh Vũ Bá vấn hiếu. Tử viết: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu”. (Tạm dịch: Cha mẹ chỉ có nỗi lo âu về con bị bệnh tật) (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”)

3. Tử Du vấn hiếu. Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ?” (Tạm dịch: Hiện nay cho rằng nuôi dưỡng cha mẹ là hiếu thuận. Nhưng chó và ngựa cũng được con người nuôi dưỡng. Nếu như không có lòng tôn kính với cha mẹ thì có khác gì?) (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”)

Góc kể chuyện

Hiếu kính cha mẹ, tôn kính thầy giáo luôn được cho là mỹ đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa, trong lịch sử có đạo sĩ Hứa Tốn thời Đông Tấn nhờ thực hành đạo hiếu mà tu thành Tiên, còn có Vương Tường thời nhà Tấn vì mẹ mà nằm trên băng cầu cá chép. Về sau, câu chuyện Vương Tường nằm trên băng cầu cá chép đã trở thành thành ngữ “Đông phố ngư kinh”, một điển tích về tấm lòng hiếu thảo.

Vương Tường, tự Hưu Chinh, người Lang Tà là một người con chí hiếu. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, mẹ kế của ông là Chu Thị đối xử với ông không tốt, nhiều lần nói xấu ông trước mặt cha, khiến cho tình cảm cha con rạn nứt. Hàng ngày ông đều phải phụ trách quét dọn chuồng bò. Cha mẹ bị ốm, ông ngày đêm chăm sóc không một lời oán trách.

Có một lần, mẹ kế bị ốm nặng, cần dùng cá chép để làm thuốc. Khi đó trời lạnh đến đóng băng, Vương Tường không quản giá rét, đến giữa sông, cởi bỏ quần áo, nằm trên băng cầu cá chép. Lúc này, băng đột nhiên tự nứt ra, một đôi cá chép nhảy ra từ giữa sông, Vương Tường bắt lấy cá chép chạy về. Một tấm lòng hiếu thảo đã được đền đáp như ước nguyện.

Người trong làng đều kinh ngạc, cho rằng tấm lòng hiếu thảo của ông đã làm cảm động đến tận trời xanh. (Theo Tấn thư – truyện Vương Tường)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 30-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.