Tinh giải luận ngữ (46): Mạnh Chi Phản không khoe công
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子曰:「孟之反(1)不伐(2),奔(3)而殿(4),將入門,策(5)其(6)馬,曰:非敢後也,馬不進也” (《論語•雍也第六》)
Hán Việt
Tử viết: “Mạnh Chi Phản bất phạt, bôn nhi điến, tương nhập môn, sách kỳ mã, viết: Phi cảm hậu dã, mã bất tiến dã”.
(Luận Ngữ, chương 6 Ung Dã)
Phiên âm
Zǐ yuē: “Mèng zhī fǎn bú fá, bēn ér diàn, jiàng rùmén, cè qí mǎ, yuē: Fēi gǎn hòu yě, mǎ bù jìnyě”.
Chú âm
子ㄗˇ曰ㄩㄝ:「孟ㄇㄥˋ之ㄓ反ㄈㄢˇ(1)不ㄅㄨˋ伐ㄈㄚˊ(2),奔ㄅㄣ(3)而ㄦˊ殿ㄉㄧㄢˋ(4),將ㄐㄧㄤ入ㄖㄨˋ門ㄇㄣˊ,策ㄘㄜˋ(5)其ㄑㄧˊ(6)馬ㄇㄚˇ,曰ㄩㄝ:非ㄈㄟ敢ㄍㄢˇ後ㄏㄡˋ也ㄧㄝˇ,馬ㄇㄚˇ不ㄅㄨˋ進ㄐㄧㄣˋ也ㄧㄝˇ”
(《論ㄌㄨㄣˊ語ㄩˇ•雍ㄩㄥ也ㄧㄝˇ第ㄉㄧˋ六ㄌㄧㄡˋ》)
Chú thích
1. 孟之反 (Mạnh Chi Phản): Còn gọi là Mạnh Chi Biên, là quan đại phu của nước Lỗ.
2. 伐 (Phạt): Tự khoe khoang.
3. 奔 (Bôn): Bại tẩu. Vì nước Lỗ suy yếu nên nước Tề đã chuẩn bị lực lượng để xâm lược Lỗ, nhưng Tử Cống đã thuyết phục nước Ngô lấy danh nghĩa là cứu nước Lỗ để liên minh với nước Lỗ đánh Tề. Năm 484 trước công nguyên quân Ngô hạ trại ở Nghệ Lăng (nay ở phía đông huyện Lai Vu tỉnh Sơn Đông), Ngô vương hợp mưu cùng Quý Khang Tử của Lỗ, khi 15 vạn quân Tề tấn công, Ngô vương để cho quân Lỗ và quân Tề giao tranh trước nhằm quan sát thực lực quân Tề, hai đội quân tả hữu của Lỗ là Nhiễm Cầu và Phàn Trí bị thua phải bỏ chạy.
4. 殿 (Điến): Điến là sau cùng, để chỉ đội quân được giao ở lại cuối để yểm hộ cho quân Lỗ rút lui an toàn. Lúc đó Mạnh Chi Phản là thống soái chỉ huy đội chặn hậu, không những đã yểm hộ thành công mà còn đánh bại quân Tề.
5.策 (Sách): Dùng mũi tên làm roi quất ngựa.
6. 其 (Kỳ): Chỉ con ngựa Mạnh Chi Phản cưỡi.
Dịch nghĩa
Khổng Tử nói: “Mạnh Chi Phản không khoe khoang công lao của mình. Khi hai bên Tề Lỗ giao tranh, quân bên Lỗ thua trận rút chạy, thì quân của Mạnh ở lại sau cùng không những yểm trợ cho quân Lỗ rút lui an toàn, mà còn đánh bại quân Tề. Khi sắp về đến cổng thành, ông nghe thấy mọi người nhiệt liệt khen ngợi chiến công của ông, nhưng ông lại khiêm tốn dùng mũi tên làm roi quất con ngựa đang cưỡi mà nói: ‘Không phải là tôi dám ở lại sau cùng, mà là tại con ngựa của tôi chạy không đủ nhanh’”.
Nghiên cứu phân tích
Con người thường bị ảnh hưởng của danh tiếng, nên có một số người vì để được nổi tiếng, vì tranh cường hiếu thắng, vì tranh công thoát tội, vì hiển thị bản thân mà tranh đấu, đố kỵ, tức giận lẫn nhau. Vì vậy khi Mạnh Chi Phản biểu hiện ra mỹ đức khiêm tốn như vậy, thì thật hiếm thấy. Người quân tử coi nhẹ danh lợi, trong thời loạn thế, làm việc cần giữ vững nghiêm chính, lời nói ra cũng rất cẩn thận, để tránh rước họa cho bản thân, Mạnh Chi Phản đã lập được công lao hiển hách như vậy, được mọi người tán thưởng, nhưng thật may mắn là Mạnh Chi Phản đã hạ thấp thái độ của mình, giữ vững tự mình.
Trong thời thế loạn, có biết bao nhiêu người sống trong tranh tranh đấu đấu, không từ thủ đoạn nào, mục đích vì tranh danh đoạt lợi, vì hạnh phúc cá nhân, kết cục lại không thể tránh khỏi việc sát hại lẫn nhau. Khi một người càng được tán dương khen thưởng thì lại sẽ càng dễ nảy sinh tâm danh lợi, càng dễ tự cao tự đại, nên lại càng phải bảo trì tính khiêm tốn, mọi sự đều chú trọng trung dung, biểu hiện xuất ra là mỹ đức.
Câu hỏi mở rộng
1. Bạn có cho rằng tự mình là một người khiêm tốn không? Có khi nào phát hiện tự cho rằng mình là đúng, mình là tài giỏi? Tại sao?
2. Khi gặp mâu thuẫn, bạn có thể làm được là đầu tiên cần cải biến thay đổi cách nghĩ của mình, thay vì cứ nhất định muốn thay đổi người khác?
Tham khảo
Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp, những người luôn nghĩ tự mình có chỗ nào làm chưa tốt cần cải tiến, thì thường có thể khiến tự mình chân chính đạt được thăng hoa, dần dần vứt bỏ cái tâm tự cao tự đại, coi thường người khác, dương dương tự đắc, cho là mình đúng.
Những người này thường sẽ không phóng đại những khuyết điểm của người khác để nhìn, cũng không vọng tưởng cải biến người khác phù hợp với quan điểm của mình, người khiêm tốn lại thường thường tự cải biến cách nghĩ và quan điểm của tự mình, làm cho tự mình càng phù hợp hơn với tiêu chuẩn đạo đức. Luôn ghi nhớ đề cao khiêm tốn, nhất mực khiêm tốn, không đề cao mình hơn người khác, thì mới có thể càng dễ tu tâm dưỡng tính.
3. Bạn có thấy rằng có khá nhiều những quảng cảo các sản phẩm thương mại một cách khoa trương không đúng sự thực, thực tế đã có những bê bối với vài sản phẩm từng nổi tiếng? Tại sao các sản phẩm thương mại cần quảng cáo phóng đại, tại sao người nổi tiếng lại càng cần nổi tiếng hơn? Chẳng phải là vì để cạnh tranh mà sinh tồn? Đây là bất đắc dĩ chăng? Hay là lừa mọi nguời?
Tham khảo
Xã hội càng chú trọng hiện thực, thì hiện tượng khoa trương phóng đại vượt quá sự thật lại càng phổ biến, sự cạnh tranh vô nhân tính, ác độc lại càng kịch liệt, công việc và cuộc sống cũng càng mệt mỏi hơn, càng khó khăn hơn, vì sao lại như vậy? Chẳng phải là nếu quá chú trọng hiện thực vật chất thì lại sẽ càng rời xa quy luật vũ trụ, bản tính thuần chân và cảnh giới phồn vinh của sinh mệnh, nên đương nhiên sinh mệnh lệch xa khỏi trạng thái chân chính càng nghiêm trọng, điều kiện sinh tồn sẽ càng kém đi, những cảm thụ mà sinh mệnh thể nghiệm được cũng ngày càng không tốt, bị hãm trong đó, bị mê trong đó, rất khó để thoát ra khỏi vận mệnh đó được. Ví dụ: giả dối, hư không mất mát, đấu tranh kịch liệt, bận rộn tất bật, mệt mỏi thống khổ…
Câu chuyện thành ngữ
Ngôn quá kỳ thực
Mã Tốc là người tài năng, thích bàn luận mưu kế quân sự, Gia Cát Lượng rất thích ông ta, khi Lưu Bị sắp lâm chung có nhắc nhở Gia Cát Lượng: “Lời nói của Mã Tốc ‘ngôn quá kỳ thực’, không thể dùng. Mong tiên sinh chú ý”.
Sáu năm sau, Gia Cát Lượng xuất binh đến Kỳ Sơn, phái Mã Tốc đi tiên phong. Trong chiến dịch Nhai Đình (nay là đông nam huyện Trang Lãng, tỉnh Cam Túc), Mã Tốc bị quân nước Ngụy đánh cho đại bại, quân lính bỏ chạy tán loạn. Gia Cát Lượng mất căn cứ địa nên phải rút quân, cuối cùng bất đắc dĩ phải chiểu theo quân pháp mà xử tử Mã Tốc, việc này khiến Gia Cát Lượng vô cùng hối hận vì không theo lời dặn của Lưu Bị.
“Ngôn quá kỳ thực” là chỉ những lời nói khoa trương phóng đại, vượt xuất khỏi năng lực thực tế của họ.
(Trích từ: “Tam quốc chí – Thục chí – Mã Lương truyện”)
Dạ Lang tự đại
Dạ Lang là một nước nhỏ ở phía tây nam trong thời kỳ nhà Hán (nay là huyện Đồng Tử, tỉnh Quý châu), là một vùng đất nhỏ, chỉ lớn bằng một huyện của thời nhà Hán, dân số rất ít, không có sản vật gì nổi tiếng.
Có một lần, sứ giả nhà Hán đến nước Dạ Lang. Bởi vì đường đi giữa các nước không thông suốt, không dễ dàng đi lại, nên quốc vương Dạ Lang không biết đất nước nhà Hán to ngần nào, bèn hỏi sứ giả: “Nhà Hán và nước ta thì nước nào lớn hơn?”
“Dạ Lang tự đại” đã trở thành ví dụ về những người thiếu hiểu biết mà lại tự cao tự đại.
(Trích từ “Tây nam di liệt truyện, Sử ký”)
Dương dương tự đắc
Đậu Anh là con của em trai của Đậu Thái hậu, mẫu thân của Hán Cảnh Đế.
Trong thời đầu của Hán Cảnh Đế, Đậu Anh được giao đảm nhiệm chức Chiêm sự (là chức quan đảm nhiệm các việc trong cung của thái hậu và thái tử). Trong một buổi yến tiệc, Cảnh Đế uống rượu rất cao hứng, nói với Đậu Thái hậu: “Sau khi trẫm băng hà thì truyền ngôi cho Lương Vương”. Lương Vương là em trai của Cảnh Đế vốn rất được Đậu Thái hậu yêu thích. Nghe thấy vậy Đậu Anh liền nói: “Từ thời Hán Cao Tổ đã bắt đầu thực hiện ngôi vị cha truyền con nối, tại sao riêng hoàng thượng lại muốn truyền cho em trai Lương Vương?” Vì thế Đậu Thái hậu rất tức giận Đậu Anh. Đậu Anh cũng do đó mà sinh bệnh và xin từ chức.
Vào năm Cảnh Đế thứ ba, bảy vị vương hầu đã làm phản loạn, Cảnh Đế muốn dùng Đậu Anh dẹp loạn, nhưng Đậu Anh kiên quyết chối từ, Đậu Thái hậu cũng ân hận, nên Cảnh Đế nói: “Hiện nay tình thế rất cấp bách, ông cũng là thành viên vương thất thì sao lại từ chối được?”, vì thế Đậu Anh nhận chức đại tướng quân. Do Đậu Anh chỉ huy quân đội giỏi, nên cuối cùng đã bình định được phiến loạn, được phong làm Ngụy kỳ hầu (là tên của một huyện thời nhà Hán khi ấy, nay là phía nam Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông).
Vào năm thứ tư Cảnh Đế, Lưu Vinh con trai trưởng của Hán Cảnh Đế (còn được gọi là thái tử Lật) được lập làm thái tử, Đậu Anh được làm thầy dạy của Lật thái tử, nhưng bốn năm sau đó thì thái tử Lật bị phế, Đậu Anh đã nhiều lần can thiệp nhưng không có kết quả, nên ở nhà mấy tháng liền không ra làm việc.
Sau đó chức thừa tướng bị khuyết, Đậu Thái hậu đã vài lần muốn giao cho Đậu Anh, nhưng Hán Cảnh Đế nói: “Mẫu hậu cho rằng trẫm không muốn cho Đậu Anh làm thừa tướng sao? Đậu Anh là người dương dương tự đắc, khó thay đổi ý kiến của ông được, nên khó mà có thể gánh vác trọng trách thừa tướng”. Nên cuối cùng cũng không giao trọng trách ấy cho Đậu Anh.
“Dương dương tự đắc”: là người luôn tự cho mình là đúng, tự mãn hài lòng với bản thân.
(Trích từ “Ngụy Kỳ An Vũ hầu liệt truyện, Sử ký”)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 02-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.