Tinh giải luận ngữ (36): Văn nhất tri thập (Nghe một biết mười)
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子谓子贡曰:“女(1)与回也孰(2)愈(3)?”对曰:“赐也何敢望(4)回?回也闻一以知十(5),赐也闻一以知二(6)。”子曰:“弗如(7)也。吾与(8)女弗如也。”(《论语·公冶长第五》)
Hán Việt
Tử vị Tử Cống viết: “Nhữ dữ Hồi dã thục dũ?”. Đối viết: “Tứ dã hà cảm vọng Hồi? Hồi dã văn nhất dĩ tri thập, tứ dã văn nhất dĩ tri nhị”. Tử viết: “Phất như dã. Ngô dữ nhữ phất như dã.” (Trích “Luận ngữ – Chương 5 – Công dã tràng”)
Phiên âm
Zǐ wèi Zǐ Gòng yuē: “Nǚ yǔ Huí yě shú yù?” Duì yuē: “Cì yě hé gǎn wàng Huí? Huí yě wén yī yǐ zhī shí, cì yě wén yī yǐ zhī èr.” Zǐ yuē: “Fú rú yě. Wú yǔ nǚ fú rú yě.”
(“Lúnyǔ·Gōng yě zhǎng dì wǔ”)
Chú âm
子ㄗˇ謂ㄨㄟˋ子ㄗˇ貢ㄍㄨㄥˋ曰ㄩㄝ:「女ㄋㄩˇ(1)與ㄩˇ回ㄏㄨㄟˊ也ㄧㄝˇ孰ㄕㄨˊ(2)癒ㄩˋ(3)?」對ㄉㄨㄟˋ曰ㄩㄝ:「賜ㄘˋ也ㄧㄝˇ何ㄏㄜˊ敢ㄍㄢˇ望ㄨㄤˋ(4)回ㄏㄨㄟˊ?回ㄏㄨㄟˊ也ㄧㄝˇ聞ㄨㄣˊ一ㄧ以ㄧˇ知ㄓ十ㄕˊ(5),賜ㄘˋ也ㄧㄝˇ聞ㄨㄣˊ一ㄧ以ㄧˇ知ㄓ二ㄦˋ(6)。」子ㄗˇ曰ㄩㄝ:「弗ㄈㄨˊ如ㄖㄨˊ(7)也ㄧㄝˇ。吾ㄨˊ與ㄩˇ(8)女ㄋㄩˇ弗ㄈㄨˊ如ㄖㄨˊ也ㄧㄝˇ。」(《論ㄌㄨㄣˊ語ㄩˇ‧公ㄍㄨㄥ冶ㄧㄝˇ長ㄔㄤˊ第ㄉㄧˋ五ㄨˇ》)
Chú thích
1. 女 (Nhữ) cũng có nghĩa là “汝”(Nhữ): anh, bạn (đại từ nhân xưng ngôi thứ hai).
2. 孰 (Thục): ai (đại từ nghi vấn).
3. 愈 (Dũ): thắng, vượt trội hơn.
4. 望 (Vọng): cố gắng đạt được, mong muốn đạt được
5. 十 (Thập): chỉ các phương diện hoàn chỉnh của một chủng tâm thái hoặc con người, sự vật, sự việc nào đó.
6. 二 (Nhị): chỉ việc suy đoán từ một phương diện này ra một phương diện khác của một chủng tâm thái hoặc con người, sự vật, sự việc nào đó.
7. 弗如 (Phất như): không bằng
8. 与 (Dữ): tán thành, đồng ý.
Giải Nghĩa
Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Trò và Nhan Hồi ai có được tố chất tu dưỡng tốt hơn?” Tử Cống đáp rằng: “Trò nào dám sánh với tố chất tu dưỡng của Nhan Hồi? Nhan Hồi khi nhìn thấy, nghe thấy một chủng tâm thái hoặc con người, sự vật, sự việc nào đó thì có thể vượt qua cái lý ở tầng thứ, cảnh giới đó mà thông tỏ được hết thảy mọi mặt, mọi phương diện liên quan đến điều đó một cách hoàn chỉnh; còn trò khi nghe thấy, nhìn thấy một chủng tâm thái hoặc người, sự vật, sự việc nào đó thì chỉ có thể suy đoán ra một khía cạnh khác dựa trên một biểu hiện cụ thể nào đó”. Khổng Tử nói: “Đúng là trò không bằng Nhan Hồi! Ta đồng ý với điều trò nói, đúng là như vậy!”
Nghiên cứu và phân tích
Có lẽ bản thân Nhan Hồi có thể tự làm chính lại tâm thái, tư tưởng của mình và có tín tâm kiên định, một lòng một dạ với đạo của Phu Tử nên ông có thể nhanh chóng nhìn thấy được cái lý của một vài cảnh giới nào đó và hiểu được hết thảy những cái lý ở cảnh giới thấp hơn. Ông cũng có trí huệ siêu phàm, có thể trực tiếp chính ngộ được vấn đề một cách lý tính. Người như ông hẳn là có căn cơ và ngộ tính không hề tầm thường. Đây cũng là điều không thể cưỡng cầu mà có được.
Tử Cống đại biểu cho tuyệt đại đa số con người nơi thế gian hữu hình, sống trong hoàn cảnh rối ren giữa người với người, giữa các chủng tâm thái, sự vật, sự việc, thông qua việc rèn luyện, tu chính, xếp đặt tâm tính của bản thân cũng như các mối quan hệ từ đó dần dần từng bước từ hai đầu cực của lưỡng nguyên đối lập quay trở về với Trung Dung, dần dần ngộ ra cái lý từng chút một, giống như câu nói “Bất kinh nhất sự, bất trưởng nhất tri” (Không trải qua sự việc thì không có được kiến thức).
Từ quá trình tự nhận thức của Tử Cống có thể thấy rằng mặc dù đại đa số mọi người không có được tố chất “văn nhất tri thập” (nghe một biết mười) nhưng nếu nhận được sự giáo dục phù hợp và thông qua từng bước tu dưỡng tâm tính, sắp đặt cho chính mối quan hệ với các phương diện thì cũng có thể minh bạch được cái lý ở cảnh giới cao và đạt được “văn nhất tri thập” (nghe một biết mười). Khổng Tử tán thành với Tử Cống có lẽ có ý khen ngợi Tử Cống hiểu rõ khả năng của bản thân và khích lệ những học trò như Tử Cống biết kiến hiền tư tề (noi gương, học hỏi cái tốt của người khác).
Câu hỏi mở rộng
1. Lý luận về trí tuệ hiện đại càng ngày càng nhấn mạnh vào tính đa dạng và tính thực dụng, cho rằng có thể nâng cao và phát triển năng lực, trí tuệ thông qua việc học tập và khai phá tiềm năng.
Nhưng bạn thử nghĩ xem: cái gọi là học tập, khai phá, phát triển tiềm năng (của con người) là được thực hiện về phương diện nào? Nếu tâm tính không được thăng hoa, cảnh giới không được đề cao, thì với tâm can bất chính chỉ muốn tham lam truy cầu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cao trái lại sẽ càng dễ dẫn đến sự hủy diệt chính mình? Chẳng phải nâng cao đạo đức thì quan hệ về mọi phương diện đều có thể giải quyết ổn thỏa, đề cao cảnh giới thì sẽ tự nhiên minh bạch được cái lý bên trong, từ đó trí tuệ và năng lực cũng được nâng cao?
2. Bạn thử nghĩ xem: nguyên nhân căn bản nhất tạo nên sự khác biệt giữa “văn nhất tri thập” (nghe một biết mười) và “văn nhất tri nhị” (nghe một biết hai) là gì? Khi con người có cái nhìn quá tuyệt đối về những quan điểm, quan niệm, chế độ, đạo lý, tâm thái, con người, sự vật, sự việc nào đó thì chẳng phải sẽ dễ dãng bị vây hãm, u mê ở trong đó, để rồi mất đi trí huệ tự do tự tại, thoát tục như ý, tự hiểu chính mình sao. Bởi vậy, có phải “chấp trước” chính là nguyên nhân căn bản khiến con người ta không hiểu đạo lý, tạo ra mâu thuẫn đối lập? Chấp trước càng nghiêm trọng thì sẽ từ “văn nhất tri thập” (nghe một biết mười) rớt xuống càng sâu, cuối cùng là “văn nhất tri linh” (nghe một biết không, tức là nghe mà không hiểu gì). Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh không hiểu được cái lý của sự việc? Phải chăng là cần phải vứt bỏ các chủng chấp trước?
Tài liệu đọc hiểu
Tiên tri của Lý Hà Châu
Đường Huyền Tông là một người sùng Đạo. Trong những năm Khai Nguyên triều đại nhà Đường (713-741), có một vị là Lý Hà Châu, nhờ tinh thông Đạo thuật, tiên đoán trước sự việc nên đã từng được chiêu mời vào cung.
Khi tể tướng Lý Lâm Phủ đến thăm hỏi, ông đã nói với Lý Lâm Phủ rằng: “Khi ông còn sống thì nhà ông được an toàn; nhưng sau khi ông qua đời thì nhà ông cũng theo đó mà bại vong”. Lý Lâm Phủ rơi lệ cầu xin ông giúp đỡ. Lý Hà Châu cười không đáp, chỉ nói rằng: “Chỉ là câu nói đùa mà thôi”.
Vào những năm Thiên Bảo của triều đại nhà Đường (742-756), Lý Hà Châu thường xuyên ra vào nội cung, nhưng sau đó ông đã xin rời cung đến ở tại Huyền Đô Quán. Ông đã đề hơn một nghìn câu thơ ở sân vườn nơi ông từng sinh sống. Vào những năm cuối Thiên Bảo, tướng An Lộc Sơn ngày càng hống hách ngang ngược, mọi người ở khắp nơi xa gần đều lo lắng, duy chỉ có vua Đường Huyền Tông là không nhận ra. Đến một ngày mọi người không còn thấy Lý Hà Châu, cũng không biết ông đã đi đâu. Đường Huyền Tông chỉ thấy mấy bài thơ mới được viết trên tường tại nơi ở của Lý Hà Châu, trong đó bài thơ cuối cùng viết rằng: “Yên thị nhân giai khứ, Hàm Quan mã bất quy. Nhược phùng sơn hạ quỷ, hoàn thượng hệ la y”. (Dịch nghĩa: “Người ở thành Yên đều đi, ngựa ở Hàm quan không quay về. Nếu gặp quỷ dưới núi, vòng ngọc treo lên dải áo lụa”).
Ban đầu, mọi người đọc bài thơ của ông đều không hiểu, nhưng sau khi sự việc được chứng nghiệm thì mọi người mới hiểu ra. Bài thơ này viết về ý định cướp nước của An Lộc Sơn và việc Đường Huyền Tông sẽ phải sang đất Thục tị nạn. Câu “Yên thị nhân giai khứ”, là nói về việc An Lộc Sơn và tướng lĩnh U châu, Kế châu của đất Yên sẽ đứng dậy tạo phản; “Hàm quan mã bất quy” (Ngựa ở Hàm quan không quay về) là chỉ việc đại tướng Ca Thư Hàn bị bại trận ở Đồng quan, toàn quân bị tiêu diệt nên ngựa cũng không quay về; trong câu “Nhược phùng sơn hạ quỷ” (Nếu gặp quỷ trong núi), chữ Sơn “山” ghép với chữ Quỷ “鬼” tạo thành chữ Ngôi “嵬” tức là Gò Mã Ngôi, ý của câu này là “nếu đi đến gò Mã Ngôi”; “Hoàn thượng hệ la y” (chiếc vòng (Hoàn) thắt lên dải lụa), thuở nhỏ Dương Quý Phi tên là Ngọc Hoàn, A Hoàn. Hai câu này ý nói rằng khi Đường Huyền Tông đến đất Thục tránh nạn, đến gò Mã Ngôi, thì Cao Lực Sỹ sẽ dùng chiếc khăn lụa bức tử Dương Quý Phi.
(Trích “Triều dã thiêm tái”)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 10-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.