Theo đến cùng con đường tu luyện được Sư Phụ an bài: Kinh nghiệm tu luyện trong Thiên Quốc Nhạc Đoàn



Tác giả: Một học viên Đại Pháp hiện sống tại miền Đông Mỹ Quốc

Bài chia sẻ kinh nghiệm tại Pháp hội Washington D.C. năm 2009

[Chanhkien.org] Kính chào Sư Phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Ngày hôm nay, tôi muốn nói về chủ đề: “Theo đến cùng con đường tu luyện được Sư Phụ an bài: Kinh nghiệm tu luyện trong Thiên Quốc Nhạc Đoàn.” Vào năm 2005, Sư Phụ đã tự mình thành lập nên Thiên Quốc Nhạc Đoàn và tôi rất vui khi được làm một thành viên trong nhóm đầu tiên. Sau khi Thiên Quốc Nhạc Đoàn được thành lập, chính Sư Phụ đã dạy chúng tôi chơi kèn trumpet và dẫn dắt chúng tôi diễn tập để rồi tham dự các cuộc diễu hành. Thiên Quốc Nhạc Đoàn đã trưởng thành nhanh chóng dưới sự chỉ dẫn của chính Sư Phụ. Ba năm vừa qua, bất kể mùa đông giá rét thế nào nay mùa hè nóng bức ra sao, và bất kể là ở nơi đâu, chúng tôi đều tiến bước ra phố để cứu độ chúng sinh.

Cũng giống như các dự án Đại Pháp khác, tôi đã gặp nhiều khó khăn khi tu luyện trong Thiên Quốc Nhạc Đoàn. Tuy nhiên, mỗi lần tôi gặp khó khăn và cảm thấy khó mà vượt qua được, tôi luôn luôn hồi tưởng lại quãng thời gian thiêng liêng khi Sư Phụ đưa tôi chiếc kèn trumpet với những chữ Trung Quốc do chính Ngài khắc lên. Lúc ấy, tôi đã có lời nguyện ước thiêng liêng với Sư Phụ rằng tôi sẽ dùng nhạc cụ để theo Sư Phụ cho đến hết tiến trình Chính Pháp. Nếu tôi từ bỏ ngày hôm nay, tôi sẽ không hoàn thành lời thệ ước ấy. Nếu tôi không thể hoàn thành lời thệ ước với Sư Phụ trong đời này, làm sao tôi có thể nói về các thệ ước mà tôi đã làm trong những đời trước? Chính ý nghĩ này đã thúc đẩy tôi vượt qua hết khảo nghiệm này tới khảo nghiệm khác.

1. Bước đi trên con đường tu luyện do Sư Phụ an bài

Vấn đề lớn nhất chính là nhiều học viên không còn duy trì được nhiệt huyết lúc ban đầu trong ban nhạc sau khi chúng tôi hoàn thành việc tập luyện ở trên núi. Nhiều học viên dần dần rời bỏ ban nhạc. Các học viên tham dự những khóa diễn tập hàng tuần trở nên ngày càng ít hơn. Đôi khi chỉ có từ 20-30 người. Cũng ngày càng ít người tham gia các buổi diễu hành. Đối mặt với tình huống như vậy, tất cả chúng tôi đều vô cùng lo lắng. Đây là ban nhạc mà đích thân Sư Phụ đã thành lập. Làm sao chúng tôi có thể duy trì ban nhạc cho thật tốt? Và rồi tôi gọi điện để mời một vài học viên quay lại. Tuy nhiên, hầu hết họ nói rằng họ quá bận nên không thể tham dự tập luyện được. Lúc đầu, tôi gắng sức kiềm chế bản thân và tiếp tục gọi điện cho họ. Bởi vì tôi khá kiên quyết, một số người nói rằng họ sẽ quay lại. Nhưng họ lại không làm theo như đã nói và không bao giờ thực sự quay trở lại. Một học viên đã không quay trở lại dù tôi đã gọi điện cho anh tới 5-6 lần.

Tôi thực sự không thể chịu đựng nổi và phàn nàn với anh: “Trong lịch sử, Gia Cát Lượng là người rất có bản sự. Lưu Bị cũng chỉ đến mời ông có ba lần. Tôi đã mời anh tới 5-6 lần, vậy mà anh vẫn không đến. Đó là quá đủ rồi. Tôi sẽ thu hồi lại kèn trumpet và thải hồi anh nếu anh vẫn không tới.”

Những học viên khác thì lại chỉ trích tôi khi nói: “Anh chỉ biết mỗi thải hồi người ta. Không còn cách khác để giải quyết chuyện này hay sao?”

Tuy nhiên, mọi người vẫn không tới và tôi cảm thấy vô cùng chán nản. Rồi một ngày, khi chấp trước nổi lên, tôi nghĩ rằng cũng “ổn” nếu cứ để như vậy. Vào lúc ấy, một số học viên nói rằng họ sẽ trở lại nếu trường [năng lượng] trong ban nhạc của chúng tôi tốt. Những lời của họ đã nhắc nhở tôi về yêu cầu của Sư Phụ là phải nhìn vào trong. Tôi bèn nhận ra rằng nếu tôi muốn các học viên quay trở lại, trước hết chúng tôi phải hiểu được từ Pháp rằng tại sao chúng tôi lại tham gia Thiên Quốc Nhạc Đoàn và ban nhạc đóng vai trò gì trong Chính Pháp. Khi một học viên trao đổi với tôi, anh nói: “Nếu chúng ta muốn ban nhạc đi trên con đường được Sư Phụ an bài, chúng ta nên hình thành một môi trường tu luyện.”

Theo sáng kiến của một học viên, chúng tôi sẽ đọc thuộc “Luận Ngữ” trước khi diễn tập và rồi dành hết tâm trí vào việc tập luyện. Mỗi tháng một lần, chúng tôi có một buổi chia sẻ kinh nghiệm trước khi diễn tập. Để đánh dấu lễ kỷ niệm ba năm ngày thành lập ban nhạc, vào cuối năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm lần thứ hai. Tại Pháp hội, các thành viên ban nhạc chia sẻ kinh nghiệm và hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ khi Sư Phụ thành lập ban nhạc. Bởi vì chỉ có một số hạn chế học viên tham dự diễn tập, chúng tôi chỉ thuê một phòng hội thảo với 100 chỗ ngồi. Không may thay, nhiều học viên đã tới và quá nhiều người phải đứng để nghe. Buổi chia sẻ kinh nghiệm này đã làm tất cả chúng tôi cảm động sâu sắc. Kể từ đó, ngày càng nhiều người bắt đầu tham dự tập luyện. Một lần nọ, một học viên nói với tôi rằng khi chúng tôi tham gia vào ban nhạc, đó là Sư Phụ đã an bài vai trò của chúng tôi. Tuy nhiên, khi một học viên rời ban nhạc, vị trí của người ấy đã bị trống. Cô ấy rất lo lắng về điều sẽ xảy ra cho những học viên không quay trở lại khi những người khác đạt viên mãn.

Khi nghe học viên này nói, tôi đã bị sốc. Mặc dù tôi đã không thể nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, là một học viên Đại Pháp, Sư Phụ đã từng đưa cho chúng tôi nhạc cụ và chúng tôi đã hứa là sẽ sử dụng nhạc cụ để cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể hoàn thành lời thệ ước ấy. Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Vào lúc ấy, tôi đã thực sự lo lắng cho những học viên chưa quay trở lại ban nhạc. Khi tôi gọi điện cho họ và chia sẻ với họ, thái độ của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi đã không cầu xin hay buộc tội họ; mà tôi chỉ lo lắng cho họ. Có lẽ những học viên ấy đã cảm nhận được ý định của tôi nên phản ứng của họ cũng thay đổi. Một học viên đã từng trả lại nhạc cụ nói rằng anh ấy sẽ quay trở lại. Sau đó, một đồng tu, người là điều phối viên chính của một kênh truyền thông đã quay trở lại ban nhạc. Cô ấy nói rằng cô ấy rất vui khi quay trở lại và cảm ơn tôi vì đã nói chuyện với cô. Cô ấy cảm thấy trường [năng lượng] của ban nhạc là rất tốt. Cô ấy đã không bỏ sau khi quay trở lại tập trong một số buổi diễn tập. Để không trốn tránh trách nhiệm trong kênh truyền thông và vẫn có thể tham gia các buổi diễn tập, cô ấy đã điều chỉnh thời gian làm việc của mình. Vì vậy, cô ấy vừa có thể tập luyện vừa có thể làm tốt công việc ở kênh truyền thông. Trước đây, khi một học viên nọ muốn trả lại nhạc cụ, tôi nói anh ấy phải suy xét kỹ càng. Khi một học viên muốn rút lui khỏi ban nhạc và trả lại nhạc cụ, tôi không lấy lại nhạc cụ ngay mà nói anh ấy hãy xem xét lại. Sau này, anh ấy đã quyết định ở lại ban nhạc.

Chỉ tới giờ tôi mới ngộ ra được rằng Sư Phụ vĩ đại của chúng ta đã chờ đợi những học viên này quay trở lại ban nhạc. Cùng lúc đó, Sư Phụ đã cho tôi cơ hội để từ bỏ chấp trước của mình.

Vào lúc ấy, có một vấn đề khác trong ban nhạc. Chúng tôi quá buông thả. Chúng tôi nhớ lại rằng việc quản lý ban nhạc là rất nghiêm khắc khi Sư Phụ thành lập ban nhạc. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi xuống núi, chúng tôi dần dần đi chệch khỏi con đường do Sư Phụ an bài và thả lỏng việc quản lý ban nhạc. Lúc đầu, tôi lo rằng các học viên có thể cảm thấy “bị đe dọa” và rời đi nếu việc quản lý quá chặt chẽ, nhưng thực tế đã cho thấy rằng sự lo lắng của tôi là không cần thiết. Không những các học viên đã không bỏ đi, nhiều người còn quay trở lại. Cũng có ngày càng nhiều học viên xin gia nhập.

Hiện tại, số học viên tham dự diễn tập đã tăng từ 40-50 người lên hơn 100. Các học viên có thiên mục mở nói rằng trường tập luyện của chúng tôi được bao phủ bởi ánh sáng màu vàng kim. Họ nói rằng các pháp thân của Sư Phụ đã phủ một chiếc vòm bên trên chúng tôi và bảo vệ chúng tôi từ trên chiếc vòm đó.

Khi điều phối ban nhạc lúc ban đầu, do ai cũng bận rộn với các dự án khác, tôi không biết liệu chúng tôi có nên dành từ 3-4 giờ mỗi tuần để tập cùng nhau hay không. Một số học viên nghĩ rằng sẽ là đủ nếu có thể chơi từ 4-5 bài trong một buổi diễu hành. Họ nghĩ rằng chúng tôi không cần phải học các bài mới, do đó chúng tôi đã không dành quá nhiều thời gian để tập luyện. Tôi đã nói việc này với một điều phối viên khác, người có khả năng về âm nhạc. Chúng tôi đã ngộ được rằng Thiên Quốc Nhạc Đoàn và Thần Vận đã được đích thân Sư Phụ thành lập và dẫu có người chuyên có người không chuyên, họ đều giống nhau. Họ đều đang sử dụng hình thức nghệ thuật để cứu độ chúng sinh. Do vậy, trong một nhóm nghệ thuật, tập luyện chung là điều tất yếu. Nói về chương trình biểu diễn Thần Vận, Sư Phụ giảng: “Diễn xuất văn nghệ mà, chuẩn mực càng cao, người ta tiếp thụ càng thấy hay, cải biến đối với con người càng lớn; do vậy mới cần phải đạt đến diễn xuất hoàn mỹ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2007)

Do vậy, nếu Thiên Quốc Nhạc Đoàn muốn đạt tác dụng tốt hơn nữa trong cứu độ thế nhân, chúng tôi phải gia tăng chuẩn mực biểu diễn. Làm sao để nâng cao chuẩn mực biểu diễn? Chúng tôi dần nhận ra rằng nó không chỉ thông qua phương thức tập luyện của người thường, mà còn phụ thuộc vào mức độ chú ý đề cao tâm tính của chúng tôi. Lấy ví dụ, các học viên trong đội kèn clarinet nhìn chung đã trên 50 tuổi và trình độ học vấn cũng không cao. Đội của họ có tuổi đời trung bình cao nhất trong số chúng tôi, nhưng hiệu quả biểu diễn của họ lại là tốt nhất. Sau này, chúng tôi phát hiện ra rằng họ luôn luôn đến tập đúng giờ và đảm bảo tập thành một đội. Một số người không chơi tốt, vì vậy họ trợ giúp lẫn nhau. Do đó, toàn đội đều thăng tiến nhanh chóng. Khi biểu diễn, họ không bao giờ đứng tách ra khỏi nhóm còn lại mà gắn thành một chỉnh thể để đạt hiệu quả biểu diễn tốt nhất. Sư Phụ đã yêu cầu các học viên chia sẻ kinh nghiệm về việc học hỏi và tu luyện. Sau khi chúng tôi giới thiệu kinh nghiệm của đội kèn clarinet cho toàn ban nhạc, các đội khác đều rất cảm động.

Đội kèn Pháp được biết đến như là “hoa sắc vàng”, nhưng âm thanh của họ rất thô, giống như một con bò đang rống lên vậy. Người ta nói rằng họ trông thì đẹp nhưng âm thanh lại quá tồi. Sau này, họ đã thao diễn cùng nhau giống như đội kèn clarinet và mời một người chỉ huy dàn nhạc tới để hướng dẫn họ. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu người phụ đạo viên bố trí lớp và giúp họ cải thiện kỹ năng biểu diễn cá nhân. Hiện giờ âm thanh của họ đã dễ chịu hơn rất nhiều. Số người chơi cũng tăng lên từ bốn lên bảy người. Do trường [năng lượng] trong đội họ là rất tốt, những người mới chơi đã tiến bộ nhanh chóng. Chỉ sau vài tháng, họ đã có thể vượt qua cuộc kiểm tra và trở thành thành viên chính thức.

Một lần nọ, một học viên nói trong một buổi chia sẻ nhóm như sau: “Chúng ta đều nói rằng chúng ta phải cứu người. Tuy nhiên, làm sao có thể cứu người nếu chúng ta không thể chơi tốt? Chúng ta không nên nói về việc cứu người một cách vô trách nhiệm như vậy!” Câu nói của ông đã tác động tới mọi người. Chuẩn mực biểu diễn của chúng tôi là sự phản ánh trạng thái tu luyện của chúng tôi. Giờ đây, ban nhạc đã lập ra được một hệ thống kiểm tra, trong đó yêu cầu mỗi thành viên phải đạt đến một chuẩn mực biểu diễn nhất định. Các học viên không qua được có thể không được tham dự những buổi diễu hành quan trọng. Đội trống ban đầu là khá cẩu thả. Một số người trong họ nghĩ rằng họ đã chơi trống rất tốt, và đã có ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Chỉ khi tập chung với cả ban nhạc, họ mới nhận thấy rằng chuẩn mực của toàn ban nhạc đã nâng lên trong khi họ đã bị bỏ xa. Do đó, nhiều người trong số họ đã trở lại tham gia tập luyện. Một lần, chúng tôi cần tập một bài mới mà có một đoạn trống cái và trống con chơi solo. Nó rất khó nhưng các học viên đã tập luyện rất chăm chỉ, và chỉ trong vài tuần, nhiều học viên đã có thể chơi bài đó. Là người điều phối viên duy nhất, tôi cảm thấy ngày càng áp lực để đáp ứng được đòi hỏi liên tục của việc quản lý một ban nhạc mạnh.

Sư Phụ giảng rằng: “Mỗi người trong chư vị đều giống như một phụ đạo viên” (bản dịch chưa chính thức). (Giảng Pháp tại Pháp hội miền tây ở Mỹ quốc vào tiết Nguyên Tiêu, 2003)

Tôi nhận ra rằng nếu chỉ dựa dẫm vào một vài điều phối viên, sẽ là không thể nếu chúng ta muốn quản lý tốt một ban nhạc – chúng ta cần dựa vào tất cả học viên trong ban nhạc. Để giúp nhiều học viên hơn tham gia vào việc quản lý, chúng tôi đã khôi phục lại hệ thống lãnh đạo nhóm. Lãnh đạo nhóm không chỉ giám sát việc diễn tập và diễu hành, mà còn chia sẻ với những học viên đã từ bỏ và giúp họ quay trở lại. Cùng lúc ấy, chúng tôi cũng chấp nhận những đề xuất từ các học viên và cho phép mọi người tham gia tích cực vào việc quản lý ban nhạc. Mỗi khi vấn đề xảy ra, tất cả học viên cùng trao đổi với nhau để tìm ra thiếu sót. Một học viên, người đã rời ban nhạc trong một thời gian dài đã bày tỏ cảm xúc sau khi quay trở lại. Anh nói: “Tôi cảm thấy giống như mình đang trở về nhà.” Điều này đã giúp tôi ngộ ra một điều: Sau khi chúng tôi xuống núi, chúng tôi đã dần dần mất đi môi trường tập luyện và trường tinh khiết ban đầu, do đó một số học viên đã rời đi, và họ đã tự nhiên quay trở lại khi chúng tôi có thể bước đi một cách chân chính trên con đường do Sư Phụ an bài.

2. Sức mạnh thần thánh của Thiên Quốc Nhạc Đoàn trên con đường Chính Pháp

Một số học viên, bao gồm các học viên trong ban nhạc có một câu hỏi: Các học viên ở Thiên Quốc Nhạc Đoàn dành quá nhiều thời gian cho việc luyện tập, làm sao họ có tác dụng cứu độ chúng sinh? Trong “Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles năm 2006”, Sư Phụ đã trả lời câu hỏi của một học viên về việc Thiên Quốc Nhạc Đoàn cứu độ chúng sinh như thế nào:

Như mọi người đã biết [những] lần trước khi đoàn nhạc diễu hành tại khu phố Tàu và khu Flushing ở New York, tôi đều thấy cảnh tượng này: khi đoàn nhạc diễn tấu, năng lượng phóng xuất ra rất lớn. Bất kể là từ năng lượng phóng xuất ra dù là thanh âm của chư vị phóng xuất ra hay là âm nhạc hoặc bản thân nốt nhạc cũng vậy, đều khởi tác dụng chứng thực Pháp và phóng xạ năng lượng.

Thiên Quốc Nhạc Đoàn tại miền Đông Mỹ Quốc tham dự hơn 10 lễ diễu hành lớn mỗi năm. Khán giả của mỗi cuộc diễu hành ít nhất là vài nghìn người. Đôi khi, có hơn 100 nghìn người, vài trăm nghìn người hay thậm chí gần một triệu người (các cuộc diễu hành ở D.C., Boston và Philadelphia có khoảng một triệu khán giả). Có nhiều người Hoa trong số các khán giả. Trong những buổi diễu hành ở khu phố Tàu, 80-90% số người xem là người Hoa. Những ý niệm bất hảo của họ đã bị diệt trừ. Người Tây phương cũng bị sốc. Mặc dù Thiên Quốc Nhạc Đoàn ở miền Đông Mỹ Quốc chỉ có hơn 100 học viên, lượng khán giả mà họ gặp là hơn 2 triệu người mỗi năm. Từ khía cạnh này, các bạn có thể thấy trách nhiệm mà chúng tôi gánh vác là cực kỳ to lớn.

Tiếp theo, tôi muốn đưa ra cho các bạn một vài ví dụ. Từ đó các bạn sẽ thấy được vai trò đặc biệt của Thiên Quốc Nhạc Đoàn trong Chính Pháp.

Năm ngoái, khi ngọn đuốc nhân quyền toàn cầu tới Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kích động nhóm sinh viên người Hoa và đám đặc vụ thân cộng gây gián đoạn và tạo áp lực lên các học viên Pháp Luân Công. Khi ngọn đuốc tới Đại học Yale, ĐCSTQ đã vận động gần 1.000 sinh viên người Hoa cùng đám thân cộng tới phản đối hoạt động rước đuốc nhân quyền. Sau khi các học viên Đại Pháp tại Đại học Yale biết tin, họ đã nhờ Thiên Quốc Nhạc Đoàn tới để ủng hộ sự kiện. Vào lúc ấy, Thiên Quốc Nhạc Đoàn đã hứa là sẽ tham dự một hoạt động khác nên chúng tôi không thể tới Đại học Yale. Tuy nhiên, một học viên tại Đại học Yale đã kêu gọi chúng tôi hết lần này tới lần khác và nói rằng chúng tôi phải tới bằng bất cứ giá nào. Sau đó, vì chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác nên đã chia ra làm hai nhóm và cử 50 học viên đi ủng hộ Đại học Yale. (Vào lúc ấy, ban nhạc chỉ có tổng số khoảng 80 nhạc công). Trong buổi diễu hành, khi ban nhạc tiến vào khu vực nhóm sinh viên người Hoa và đám đặc vụ ủng hộ Trung Cộng, những người Hoa đang điên cuồng vẫy là cờ màu đỏ máu, la hét om sòm và lao vào nhóm chúng tôi. Hành động bất ngờ của họ đã làm cảnh sát Hoa Kỳ sợ hãi, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng sử dụng xe mô tô để hình thành nên một tấm chắn và ngăn những người bị ĐCSTQ thao túng lao vào chúng tôi.

Thiên Quốc Nhạc Đoàn đã tham dự hàng chục cuộc diễu hành, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đối mặt với tình huống như vậy. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi bị lay chuyển và họ đã chơi với hết sức mạnh của mình. Người chỉ huy ban nhạc bình tĩnh hướng dẫn ban nhạc chơi bài “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Âm thanh của ban nhạc trở nên ngày càng lớn hơn, và cuối cùng là át đi những tiếng la hét. Khi buổi diễu hành gần kết thúc, tôi tự hỏi rằng đám sinh viên người Hoa kia đang la hét điều gì. Ngay khi tôi lắng nghe, tôi không thể tin vào tai mình nữa, bởi vì họ đang hét: “Pháp Luân Công tiếp tục đi! Pháp Luân Công tiếp tục đi!” Lúc ấy, tôi nghĩ rằng mình đã nghe nhầm. Những sinh viên này đã tới đây để phản đối chúng tôi, vậy tại sao họ lại hô lên: “Pháp Luân Công tiếp tục đi?” Sau buổi diễu hành, khi tôi nói chuyện này với các học viên khác, họ cũng nói rằng họ đã nghe thấy: “Pháp Luân Công tiếp tục đi!” Điều này thật kỳ lạ. Chẳng lẽ tất cả chúng tôi đều nghe nhầm hay sao? Khi mọi người bàn về điều này, một học viên nói rằng chúng tôi đã không nhầm bởi vì cô ấy đã nghe thấy tiếng lãnh đạo nhóm sinh viên hét lên: “Nhầm rồi. Nhầm rồi.”

Sau sự kiện Flushing vào ngày 17 tháng 5 năm 2008, ĐCSTQ cũng đã kích động thêm nhiều nhóm thân cộng tấn công Pháp Luân Công tại Flushing. Một lần, Thiên Quốc Nhạc Đoàn New York, Canada và các vùng khác tập hợp tại Flushing. Một nhóm ủng hộ cộng sản đứng dọc theo con phố và chửi bới. Trời bắt đầu mưa và cơn mưa ngày càng nặng hạt hơn. Đám người Hoa ủng hộ Trung Cộng đứng đó rất vui sướng. Chúng cầm ô và thỏa thích chửi rủa thật to. Tuy nhiên, các học viên trong ban nhạc chúng tôi đã bình tĩnh chơi hết bản nhạc Đại Pháp này đến bản nhạc Đại Pháp khác trong mưa. Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Mưa trở nên ngày càng nhẹ hơn và cuối cùng nó dừng hẳn. Mặt trời ló ra và chiếu những tia sáng màu vàng kim bao trùm lên khu vực nơi các học viên Đại Pháp tập trung. Vẻ kiêu ngạo và quá khích ban đầu của đám thân cộng kia đột nhiên biến mất. Đa số chúng rời đi trong thất vọng. Sau đó, tôi nghe một vài người Hoa nói: “Pháp Luân Công thật xuất sắc. Họ đã đẩy lùi cơn mưa.”

Vào đầu năm nay, chúng tôi đã tham dự một cuộc diễu hành mừng Tân Niên tại Flushing và tà ác lần trước nay đã biến mất. Cuối buổi diễu hành, một người Hoa đã nói với một học viên trong ban nhạc chúng tôi một cách cởi mở: “Họ nói rằng Pháp Luân Công là X giáo. Điều mà tôi thấy là binh đoàn Pháp Luân Công là quy củ nhất và họ là tốt nhất.” Một người Hoa khác cũng nói với tôi: “Tại lễ diễu hành hôm nay, Pháp Luân Công là đáng xem nhất. Đồng phục của các bạn mới đẹp làm sao!” Nhìn thấy những người Hoa đã được cứu độ này, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Sau khi xuống núi vào năm 2006, chúng tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn liên tục và đôi lúc chúng tôi cảm thấy bối rối và lo ngại, nhưng khi chúng tôi kiên định tăng cường chính niệm, chúng tôi có thể cảm thấy Sư Phụ luôn luôn trông nom và bảo vệ chúng tôi. Tôi nhớ lại hồi mới bắt đầu, chúng tôi không có nơi để diễn tập. Chúng tôi đã đi tìm nhiều nơi, nhưng hoặc là chúng tôi không hài lòng, hoặc là bên đối tác không sẵn lòng hợp tác. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tập luyện trong một xưởng in do một học viên điều hành. Các thành viên trong ban nhạc cảm thấy thật lạ khi một phân xưởng với đầy máy móc thiết bị lại trở thành nơi diễn tập của chúng tôi.

Vào ngày 4 tháng 7 năm 2007, khi chúng tôi lên kế hoạch tham dự lễ diễu hành ngày Quốc Khánh tại Washington D.C., Sư Phụ đã đích thân thiết kế huy hiệu cho ban nhạc. Vào tháng 7 năm 2008, khi chúng tôi tới Washington D.C. để tham dự lễ diễu hành ngày Quốc Khánh một lần nữa, Sư Phụ đã yêu cầu một học viên treo bức ảnh quý mà Sư Phụ chụp chung với Thiên Quốc Nhạc Đoàn trong xưởng in. Tôi dần ngộ ra rằng tất cả cơ hội thiết lập uy đức mà Sư Phụ ban cho chúng tôi là sau khi Sư Phụ để Thiên Quốc Nhạc Đoàn xuống núi. Sư Phụ đã cho chúng tôi quản lý Thiên Quốc Nhạc Đoàn mà Ngài đích thân thành lập. Đây là sự tin tưởng của Sư Phụ với các học viên Đại Pháp chúng tôi!

Sư Phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]” như sau:

Ví như có [vị] đến làm đệ tử Đại Pháp rồi, thì nguyện mà chư vị phát ra là gì? Chư vị có hoàn thành nguyện của bản thân mình không? Sáng Thế Chủ yêu cầu là gì? Chư vị có chiểu theo yêu cầu của Sáng Thế Chủ mà làm không?

Nghe đoạn Pháp này của Sư Phụ, tôi cảm nhận mạnh mẽ hơn rằng trách nhiệm mà các học viên tại Thiên Quốc Nhạc Đoàn gánh vác là vô cùng quan trọng. Chúng tôi phải trân quý cơ duyên từ vạn cổ này, hoàn thành thệ nguyện trong đời trước và đời này, và không bao giờ làm Sư Phụ thất vọng.

Xin cảm ơn Sư Phụ; cảm ơn tất cả mọi người.

Xin từ bi chỉ ra những chỗ chưa phù hợp.

Dịch từ:

http://pureinsight.org/node/5789



Ngày đăng: 09-11-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.