Tinh giải luận ngữ (27): Bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã



[ChanhKien.org]

Nguyên văn

子曰:“不患(1)无位(2),患所以立(3);不患莫己知(4),求为可知(5)也。”(《论语·里仁第四 》)

Hán Việt

Tử viết: “Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập; bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã.” (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)

Phiên âm

Zǐ yuē: “Bù huàn wú wèi, huàn suǒ yǐ lì; bù huàn mò jǐ zhī, qiú wèi kězhī yě.”(“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)

Chú âm

ㄗˇ曰ㄩㄝ:“不ㄅㄨˋ患ㄏㄨㄢˋ无ㄨˊ位ㄨㄟˋ,患ㄏㄨㄢˋ所ㄙㄨㄛˇ以ㄧˇ立ㄌㄧˋ;不ㄅㄨˋ患ㄏㄨㄢˋ莫ㄇㄛˋ己ㄐㄧˇ知ㄓ,求ㄑㄧㄡˊ为ㄨㄟˋ可ㄎㄜˇ知ㄓ也ㄧㄝˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)

Chú thích

1. 患 (Hoạn): Lo nghĩ, lo lắng

2. 位 (Vị): Chức vụ

3. 所以立 (Sở dĩ lập): Chỉ việc có được chức vụ nào đó nhờ tài đức

4. 莫己知 (Mạc kỷ tri): Là phép đảo từ của “莫知己” (Mạc tri kỷ), tức là không ai biết được mình.

5. 可知 (Khả tri): Có thể nhìn nhận ra điều thực chất.

Diễn nghĩa

Khổng Tử nói rằng: “Đừng lo lắng vì mình chưa có quan tước, mà nên lo lắng xem bản thân mình có đủ tài đức để đảm đương chức vụ ấy hay không. Đừng sợ rằng không có ai biết đến mình, mà chỉ nên mong cầu bản thân trở thành người có thực tài xứng đáng được mọi người biết đến”.

Phân tích và nghiên cứu

Bậc quân tử cần phải thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, xét xem mình có sự tiến bộ về đức hạnh, trí huệ, tài năng và kiến thức hay không, có đủ để đảm đương chức vụ hay không. Khi gặp phải tình huống không được người khác coi trọng hoặc để ý đến, thì càng cần đào sâu tìm nguyên nhân ở tự mình, để sửa đổi trở nên tinh tấn hơn, chứ không nên đổ lỗi cho người ta không biết coi trọng mình. Người quân tử thực sự có tài đức, là cầu ở bản thân chứ không cầu ở người khác, cầu tại tâm chứ không cầu chức vụ, hướng nội cầu chứ không hướng ngoại cầu, cầu tài đức vẹn toàn thực chất, chứ không cầu hư danh.

Câu hỏi mở rộng

1- Khi trong lớp có một số bạn học dường như không có điều kiện tốt như mình về nhiều mặt, thì bạn sẽ đối đãi như thế nào cho đúng mực? (Tham khảo: ngoài việc xem xét tự mình như đã nói ở trên, còn có thể hướng dẫn học sinh không bị mê hoặc bởi những biểu hiện bên ngoài, hoặc tìm ra tâm tật đố, hoặc thể ngộ được đạo lý mỗi người đều có vận mệnh của riêng mình).

2- Bạn hiểu câu “cầu vi khả tri dã” như thế nào? Khi áp dụng vào thực tiễn thì cần phải làm như thế nào để không bị biến tướng thành sự nỗ lực chỉ vì truy cầu cái danh “được biết đến”?

Câu chuyện lịch sử

Sự thành thật của Mạnh Tín

Mạnh Tín, tự là Tu Nhân, người Quảng Xuyên (nay là huyện Trường Sơn, tỉnh Sơn Đông). Gia thế ông nghèo khó, nhưng gia tộc nhiều đời đều sùng bái Nho học. Về sau, ông gác bút tòng quân, đi theo Hiếu Vũ Đế, làm quan đến chức thái thú Triệu Bình. Trong việc triều chính ông chủ trương khoan hậu hòa bình, những cường hào có thế lực ở địa phương cũng đều không dám vi phạm pháp luật.

Trong thời gian Mạnh Tín tại nhiệm, ông làm việc rất liêm khiết, đến khi không còn giữ chức quan nữa vẫn vô cùng thanh bạch. Gia đình ông nghèo khó, một ngày không đủ ba bữa cơm, trong nhà chỉ có một con bò già. Một lần, cháu trai của ông định bán nốt con bò già để đổi lấy củi gạo. Giấy tờ mua bán viết xong thì vừa hay Mạnh Tín từ ngoài về đến nhà, nhìn thấy người mua bò, mới biết đến việc mua bán này. Thế là Mạnh Tín nói với người mua bò rằng: “Con bò này có bệnh, chỉ làm việc vất vả một chút là nó sẽ phát bệnh, chẳng giúp ích được gì cho ông đâu”. Nói rồi liền quay lại đánh cháu trai 20 roi, trách cháu trai không được lừa gạt. Người mua bò than vãn hồi lâu, rồi nói với Mạnh Tín: “Mạnh Công, ông cứ bán con bò này cho tôi, tôi không cần nó làm việc vất vả”. Nhưng cho dù người mua có khẩn nài tha thiết thế nào, thì Mạnh Tín cũng không đồng ý, người mua đành phải từ bỏ.

Không ngờ rằng người mua bò ấy lại chính là thuộc hạ thân tín của Chu Văn Đế, sau khi biết chuyện Chu Văn Đế hết lời khen ngợi. Chẳng bao lâu, Mạnh Tín được mời làm thầy dạy cho thái tử, sau ông được phong làm thái phó cho thái tử, các nho giả học sỹ đương thời đều lấy đó làm vinh dự. Sau đó ông còn được giữ nhiều chức vụ khác. Đến khi về già Mạnh Tín mới vinh quy từ quan.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng để có thể trị quốc bình thiên hạ, thì trước tiên cần phải tu thân, làm một người chính trực. Khi Nho gia đánh giá một người thì điều đầu tiên được xem xét là phẩm đức của người đó, chứ không phải tài năng. Nhìn từ góc độ của Nho gia, điều đầu tiên con người cần học tập là khiến bản thân trở thành một người có đạo đức cao thượng, như vậy mới có thể trở thành một nhân tài hữu dụng.

Bài tập

1. Sau khi đọc xong câu chuyện, bạn có thể nói vì sao Mạnh Tín lại nhận được sự khen ngợi của Chu Văn Đế?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868



Ngày đăng: 21-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.