Chân trời tìm Pháp: Cuộc tìm kiếm ở Kinh Tân



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Thành Bắc Kinh có trên 3000 năm lịch sử, khởi đầu từ thời kỳ hậu Thương, nơi đây dần trở thành kinh đô của các nước chư hầu hoặc thành trấn trọng yếu của phương Bắc. Thành Bắc Kinh cũng là kinh đô của các triều đại Liêu, Kim cho đến nhà Nguyên, Minh, Thanh sau này, nơi đây vương khí ngút ngàn, phong thủy địa lý tự nhiên sẽ rất tốt. Vậy nên tại Bắc Kinh có tới 13 lăng mộ của hoàng đế nhà Minh, chúng đều cách rất gần các lăng mộ của hoàng đế triều Thanh. (Thanh Đông Lăng, Thanh Tây Lăng đều nằm ở tỉnh Hà Bắc).

Từ năm 1918 đến những năm 1970, có rất nhiều học giả nhân chủng học đã lần lượt phát hiện các di chỉ của người vượn quanh khu vực Chu Khẩu Tiệm và Long Cốt Sơn thuộc khu Phòng Sơn tại Bắc Kinh. Đó là các di chỉ của người vượn Bắc Kinh (có niên đại cách ngày nay từ 70 đến 20 vạn năm), người vượn trong động Sơn Đỉnh (cách đây 1.8 vạn năm trước) và người vượn Tân Động Nhân (cách đây 10 vạn năm trước). Có thể rất nhiều người sẽ cảm thấy rằng người cổ đại tại các thời kỳ khác nhau đều rất xem trọng vùng đất Long Cốt Sơn này, đây là một điều “trùng hợp ngẫu nhiên” hay chăng? Kỳ thực trên thế giới không có bất kỳ sự tình ngẫu nhiên nào. Năm xưa mục đích khi Thần an bài những chủng người cổ đại xuất hiện vào các thời kỳ khác nhau ở Bắc Kinh chính là để tích tụ “nhân khí” cho Bắc Kinh, từng bước đặt định các nhân tố của sự phát triển văn minh sau này. Thần tạo ra nền văn hóa Trung Hoa là để đặt định cho đức Phật Chủ Sáng Thế hồng truyền Đại Pháp cứu độ chúng sinh vào thời kỳ cuối. Vậy thì tất cả mọi điều ở nơi đây tự nhiên sẽ đều xoay quanh trung tâm (Bắc Kinh) này mà diễn tiến.

Thần đã an bài ít nhất có ba chủng người cổ đại khác nhau cùng xuất hiện tại cùng một đỉnh núi tại Bắc Kinh, điều này để thế nhân sau này minh bạch một đạo lý rằng: sự diệt vong và tái tạo của sinh mệnh đều sẽ cùng ở một vị trí, tai một vùng nhất định, bất luận là thời gian có dài đến đâu, khi cần diệt thì nhất định sẽ phải diệt, một quần thể mới sau đó sẽ tự nhiên xuất hiện và hưng khởi. Thời gian sẽ đào thải sinh mệnh như vậy.

Xét một cách ngược lại, vì sao Thần lại hữu ý an bài có ít nhất ba chủng người cổ đại cùng xuất hiện tại Bắc Kinh? Hơn nữa mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được các nhà khảo cổ học phát hiện? Ngoài ra trước và sau thời điểm này thì ở An Dương – Hà Nam đồng thời phát hiện ra chữ Giáp cốt, từ đó đã chứng thực được sự tồn tại của triều đại nhà Thương, đồng thời chứng minh rằng tư liệu về thời kỳ lịch sử nhà Thương được nhắc đến trong sử thật sự là có tồn tại. Những điều này còn có ý nghĩa sâu xa nào khác nữa? Có phải chăng Thần đã sớm đặt định rằng trong tương lai tại Bắc Kinh sẽ xuất hiện sự việc cứu độ liên quan đến toàn thể Trung Quốc cho đến toàn nhân loại? Điều này cũng giống như một vở kịch đã được lên sẵn kịch bản, một số sự kiện quan trọng sẽ không được tuyên bố trước, đợi đến khi cơ duyên chín muồi thì tự nhiên một số vấn đề khó giải sẽ có lời giải đáp. Thực ra, việc phát hiện sự tồn tại của thời nhà Thương cũng chính là để cho con người ngày nay hiểu được rằng thời kỳ đó đã thịnh hành các phương thức bói toán như vậy. Điều đó chứng minh rằng tại một thời kỳ mà con người tôn sùng quỷ thần không có nghĩa là nền văn minh của thời kỳ đó thấp. Để chứng minh cho điều này có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ khác nhau, ví như nước Mỹ là nơi có tỷ lệ người tín Thần rất lớn nhưng trình độ phát triển văn minh và năng lực sản xuất của nước này luôn vượt rất xa so với các nước độc tài bức hại tín ngưỡng.

Nói đến cơ duyên, về sau các thời kỳ Nguyên Minh Thanh đều chọn Bắc Kinh làm kinh đô, trên biểu hiện là do các nguyên nhân khác nhau nhưng từ góc độ văn hóa Thần truyền thì từ khi khởi đầu là thành Hàm Dương cho đến thời kỳ cuối cùng với cái tên Bắc Kinh thì các sợi dây duyên phận ở nơi đây đều rất thú vị. Cần hiểu rằng mỗi vương triều đều là đối ứng với một bộ phận chúng sinh trong các cảnh giới khác nhau trên Thiên thượng, vậy thì văn minh mà những sinh mệnh đó đặt định nhất định sẽ không giống nhau, hơn nữa kinh đô của một quốc gia là nơi mang tính đại biểu cao nhất cho tinh hoa văn hóa của các thời kỳ khác nhau.

Là kinh đô của mấy vương triều trên đất nước Trung Hoa, Bắc Kinh có vai trò là nơi tập trung và triển hiện văn hóa mà Thần ban cấp cho con người, đồng thời đưa chủng văn hóa này truyền ra vùng Đông Bắc Trung Quốc (đứng từ góc độ vĩ độ của địa lý học mà xét thì Bắc Kinh nằm tại vùng Đông Bắc so với Tây An, Lạc Dương, Khai Phong, Nam Kinh, Hàng Châu, v.v. những nơi đã từng là kinh đô của một số triều đại trong các thời kỳ trước đó).

Nếu như có thể đem duyên phận lý giải thành dòng năng lượng lưu động của vật chất thì những sự tình bất luận là từ việc hoàng đế Nam Tống vì tháo chạy khỏi sự truy kích của quân Nguyên mà tìm tới, hay tàn dư của chính quyền Nam Minh thời kỳ sơ Thanh đã nhiều lần phải dời đô cho đến việc hoàng đế Phổ Nghi dưới sự giúp đỡ của thế lực ngoại quốc mà thành lập nên “Mãn Châu Quốc” ở Trường Xuân. Tất cả những điều này đều là sự an bài của Thần với mục đích là đem năng lượng vật chất của văn hóa từ nơi khởi nguồn của nó truyền rộng ra các địa khu khác nhau. Cho dù những kinh đô tạm thời đó tồn tại trong thời gian rất ngắn nhưng ít nhất nó vẫn khiến cho rất nhiều du khách ngày nay khi ghé thăm đều sẽ phải thốt lên rằng nơi này trong lịch sử đã từng là kinh đô, có chân mệnh thiên tử từng ở đây sống một thời gian và những nơi này sẽ lưu lại một số di chỉ hoặc di vật nào đó. Khi du khách xem thấy những di vật hay di chỉ này, những người hữu duyên sẽ liên kết được với dòng năng lượng di lưu lại trên những di chỉ đó, nói một cách hình tượng thì là đã được “tiếp duyên”. Việc này sẽ khiến cho tư tưởng của họ từng bước phù hợp với một phương diện nào đó của văn hóa Thần truyền. Đây là một bước chuẩn bị và đặt định nền tảng giúp họ có thể đắc được và chân chính nhận thức được Đại Pháp, có thể thực sự giúp sinh mệnh được hồi quy mà Thánh giả đang hồng truyền trên thế gian trong thời kỳ này.

Chúng ta hãy lấy ví dụ về vị hoàng đế cuối cùng của thời nhà Thanh – hoàng đế Phổ Nghi. Phổ Nghi ba lần đăng quang và ba lần thoái vị, điều này chưa từng có tiền lệ trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa. Lần cuối cùng là dưới sự trợ giúp của người Nhật, Phổ Nghi trở thành hoàng đế của “Mãn Châu Quốc” tại Trường Xuân. Căn cứ vào bằng chứng mà Phổ Nghi đưa ra tại tòa án quân sự Viễn Đông: trên cương vị là một vị hoàng đế, nhưng ngay cả đến cơ hội về Thẩm Dương để tế bái tổ tiên mà tư lệnh Nhật Bản cũng không cho phép ông được thực hiện thì có thể thấy rằng ngay cả một chút tự do cá nhân ông cũng không có, hoàn toàn là một hoàng đế bù nhìn.

Rất nhiều người vì thế sẽ cho rằng thực sự Phổ Nghi cũng chỉ là một người đại diện không có thực quyền cho người Nhật mà thôi, nhưng như tôi đã nói ở phần phía trên, điều này cũng không phải là ngẫu nhiên. Hoàng đế Phổ Nghi không có một chút thực quyền cho đến tự do cá nhân nào. Đúng thật là vào nửa đầu thế kỷ trước, vở kịch này đã phải diễn một cách bất kham khuất nhục như vậy. Đến nửa sau của thế kỷ trước nếu như có thể đảo ngược lại thì sẽ còn có nhiều thứ đáng xem hơn nữa.

Cũng chính là nói rằng, nếu như có một vị Thánh giả, trong hoàn cảnh không có danh phận không có quyền lực gì trong tay nhưng đạo lý mà người ấy giảng ra có thể cải biến nhân tâm của hàng triệu con người, cũng khiến cho hàng triệu người thành tâm thành kính đi theo thế thì chẳng hay điều này đã trở thành đối chứng một cách đầy thú vị cho hình ảnh của hoàng đế Phổ Nghi năm đó hay sao?

Chúng ta hãy cùng lấy ra một ví dụ như thế này, nếu như đem thành phố Trường Xuân hình dung giống như một con người, thì nhân vật này phải chịu nhận sự khuất nhục trong thời trẻ là để vì trong tương lai “anh ấy” có thể làm một đại sự lớn hơn, thành tựu sự huy hoàng của sinh mệnh. Điều này dường như phù hợp với câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử trong “Mạnh Tử – Cốc Tử phần hạ” rằng: “Cố thiên tương giáng đại nhậm vu tư nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt…” (tạm dịch: Trời định giao cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên làm cho khốn khó tâm chí, nhọc nhằn gân cốt). Vậy nên trong những khoảng thời gian khác nhau sẽ cần phải xuất hiện những an bài khác nhau, mặc dù trên biểu hiện có rất nhiều phương diện xem như là tương phản với nhau. Những ví dụ này còn có rất nhiều. Ví như: thời kỳ Chiến Quốc, nước Tần đánh bại nước Sở nhưng vào cuối thời nhà Tần thì người Sở lại nổi dậy khởi nghĩa sáng lập ra nhà Tần một lần mới.

Bởi lẽ mọi vật đều có tính tương sinh tương khắc, sau khi Trung Cộng cướp chính quyền đã làm ra rất nhiều đợt phá hoại văn hóa, khiến cho tinh hoa văn hóa của Bắc Kinh mất đi rất nhiều. Đây cũng là điều mà sinh mệnh tà ác trong vũ trụ sớm đã an bài như vậy. Bao gồm cả vị Thánh giả này, vốn dĩ trong tay không danh phận, không quyền lực, và cũng không cần đến những điều này, nhưng vì đạo lý mà Ngài giảng ra có thể cảm động đến nhân tâm của hàng triệu con người thì điều này vô tình cũng đã chạm vào đến “dây thần kinh nhạy cảm” của chính quyền Bắc Kinh. Kẻ cầm quyền khi đó liền bắt đầu thực hiện việc can nhiễu, trấn áp trên quy mô toàn quốc, kéo dài đã hơn hai mươi mấy năm qua vẫn chưa hề dừng lại.

Tại Bắc Kinh có quảng trường Thiên An Môn, trong lịch sử đương đại nơi đây cũng đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. “Phong trào Ngũ Tứ” (xảy ra vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước) đã trở thành cơ sở dân ý của vận động thanh trừ bè lũ bốn tên, từ đó khiến cho khí công có cơ hội được “lộ diện” ra trước quần chúng, tạo nền tảng cho việc Thánh giả hồng truyền Đại Pháp trong tương lai; “Sự kiện Lục Tứ” (xảy ra vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước), bởi vì lúc đó chính quyền đã nổ súng đàn áp nên sự kiện này đã trở thành cơn ác mộng không thể xóa được của chính quyền hiện tại. Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của sinh viên và người dân Hồng Kông cùng với cuộc biểu tình chống lại truyền thông thân Trung cộng của Đài Loan trong thời gian vừa qua đều là sự phát triển từ tinh thần của sự kiện Lục Tứ. Thần an bài chính nghĩa và lương tri trong tâm khảm của con người có thể trong một lúc nào đó bị đàn áp, nhưng không thể vùi lấp được trái tim tôn sùng giá trị phổ quát của tự do và văn minh, chỉ cần gặp cơ duyên phù hợp nó sẽ bùng phát trở lại. Đồng thời, từ khi cuộc biểu tình dân chủ (còn gọi sự kiện Lục Tứ) diễn ra tại Thiên An Môn bị đàn áp, thì toàn thể người dân Trung Quốc bắt đầu hoàn toàn lao theo con đường sùng bái kim tiền.

Mặc dù trong một khoảng thời gian ngắn vở kịch “Tự thiêu Thiên An Môn” mà Trung Cộng tự tay dàn dựng đã mê hoặc được một số người, nhưng cũng chính vì như vậy mà từ đây chính thức xuất hiện các kênh truyền thông do chính đệ tử Đại Pháp thực hiện. Đây là điều mà tên hề của tà đảng (chỉ Giang Trạch Dân) căn bản là không lường trước được. Cũng chính thức từ đây bản mặt xấu ác của nó đã bị phơi bày ra trước toàn thể thế nhân.

Nói nhiều như vậy cũng chỉ để nói rằng: rất nhiều sự tình trong thế gian tại các thời kỳ khác nhau được Thần dùng các nhân tố vật chất bất đồng “tổ hợp” thành, sẽ có những biểu hiện khác nhau tại nhân gian. Bất luận những biểu hiện này là tốt hay xấu, khởi tác dụng chính diện hay phụ diện thì đều là để chuẩn bị và trải đường cho Phật Chủ Sáng Thế hồng truyền Đại Pháp, chỉ có điều chúng khởi những tác dụng khác nhau mà thôi.

Thiên Tân là thành phố vệ tinh và là đường thông ra biển của Bắc Kinh, vậy nên tác dụng phụ trợ của Thiên Tân đối với Bắc Kinh là vô cùng to lớn. Hơn nữa, từ Thương Châu – Hà Bắc hướng lên phía Bắc, những nơi tiếp giáp với Bắc Kinh và Thiên Tân như Đường Sơn, Đại Quảng, Tam Hà, Hương Hà (thuộc quản hạt của thành phố Lang Phường), cũng đều đóng vai trò rất lớn, cụ thể vai trò đó là gì thì xin phép không nói chi tiết trong bài viết này.

Mục đích khi tôi nhắc đến những địa danh này là để làm nền tảng dẫn dắt cho những nơi mà nhân vật chính trong bài viết này đã từng kinh qua.

Nhân vật trong câu chuyện lần này là Lý Thiền, sinh sống tại Bắc Kinh vào thời điểm loạn lạc những năm 1840. Phụ thân của cậu là một sĩ quan thống lĩnh trong quân đội.

Tên của cậu nghe có vẻ kỳ lạ, là bởi vì khi cậu vừa ra đời thì có một cao tăng tìm đến nói rằng: “Cậu bé này là đồ nhi đã cùng ta tham thiền đả tọa, để đứa trẻ có thể nhớ được tiền duyên, từ nay hãy gọi cậu với cái tên Thiền nhi”. Phụ thân của Lý Thiền liền gật đầu thưa vâng, sau đó lại hỏi: “Vận mệnh của Đại Thanh sẽ ra sao?”. Sắc mặt của cao tăng tỏ vẻ nghiêm trọng: “Trong khói lửa chiến tranh có thể kiên trì thêm một thời gian khá dài nữa”.

Phụ thân của Lý Thiền là người thụ nhận ảnh hưởng sâu sắc của Nho gia, mang tư tưởng trung quân ái quốc thâm căn cố đế. Khi nghe được câu trả lời của cao tăng, ông liền ngẩng mặt lên trời thở dài một tiếng. Thấy vậy, cao tăng liền an ủi: “Đừng lo, ngươi không phải chứng kiến ngày mà Đại Thanh không còn nữa đâu!” Nghe vậy ông mới trở nên bình tĩnh hơn nhiều. (Kỳ thực ông đâu có biết rằng ý của cao tăng là: không lâu nữa ông sẽ phải quyên sinh vì nước).

Về sau trong thời kỳ chiến tranh Nha Phiến, phụ thân Lý Thiền hỏi cao tăng: “Đại Thanh của chúng ta vì sao lại đại bại như vậy?” Cao tăng mỉm cười đáp: “Trên biểu hiện là bởi vì lý do thương mại đã khơi mào cuộc chiến này (do Anh quốc khi đó đã nhập khẩu một lượng lớn trà của Trung Quốc khiến cho cán cân thương mại bị mất cân bằng, để bù đắp cho điều này, Anh quốc đã bán trái phép một lượng lớn thuốc phiện cho Trung Quốc hòng cân bằng lại cán cân này, nhưng lại có những nhân sĩ có tầm nhìn xa rộng như Lâm Tắc Từ đã chủ động đem số thuốc phiện đi tiêu hủy, kết quả là đã khơi mào cuộc chiến tranh Nha Phiến). Kỳ thực đây là cuộc chiến giữa ý thức hệ phương Tây và văn hóa truyền thống phương Đông. Trong văn hóa truyền thống của chúng ta có rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng thuận theo tiến trình của thời gian và sự bại hoại của nhân tâm con người, những kẻ “treo đầu dê bán thịt chó” càng ngày càng nhiều, cứ như vậy đã khiến cho rất nhiều sinh mệnh bất hảo có lý do để đưa thứ văn hóa bất hảo của phương Tây xâm nhập vào phương Đông. Đương nhiên, điều quan trọng là trong tương lai có thể sẽ xuất hiện một đại sự ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại thậm chí đến toàn thể vũ trụ, sẽ có một vị Thánh giả đến thế gian con người để hồng truyền Đại Pháp thực sự giúp sinh mệnh được đắc độ. Theo những gì ta biết được, thì có rất nhiều chúng Thần đều muốn vì sự việc này mà làm chút việc, vậy nên họ đã đem rất nhiều trí huệ và thành quả văn minh mà Thần triển hiện tại nhân gian con người vào vùng Trung thổ. Thành quả văn minh phương Tây cũng có rất nhiều điều là được Thần truyền cấp, đồng thời cũng có rất nhiều điều là do các sinh mệnh tầng thấp lợi dụng tư tưởng của con người để sáng tạo ra, đương nhiêu đây cũng là được một số Thần nào đó âm thầm cho phép. Vũ trụ cũng đã phát sinh biến dị, tư tưởng của Thần cũng sẽ xuất hiện sự bất thuần và bất chính. Hơn nữa, tại nhân gian con người khi mà một loại tư tưởng ý thức chiếm vị thế chủ lưu rồi thì những tư tưởng khác cũng không thể được tiếp thụ nữa, do đó chúng liền lợi dụng hình thức chiến tranh để thúc đẩy cho tư tưởng ý thức của chúng”.

Đang nói chuyện đến đây thì có người tìm phụ thân của Lý Thiền có việc, cao tăng liền cáo từ rời đi. Trước lúc rời đi, cao tăng nói rằng hai năm sau sẽ trở lại.

Hai năm sau, cao tăng trở lại, Lý Thiền được mẹ ẵm ra chào, lúc này cậu bé đã có thể ngồi trên lòng cao tăng được một lúc. Lần trở lại này, cao tăng vốn dĩ muốn nói cho phụ thân Lý Thiền làm sao để bảo toàn tính mệnh trong trận chiến sắp tới, nhưng vừa lúc cao tăng đến thì cũng đúng lúc triều đình cử người đến điều động phụ thân Lý Thiền ra tiền tuyến ứng chiến. Lúc phụ thân Lý Thiền rời đi, cao tăng chỉ kịp nói liền ba tiếng lớn: Hãy bảo trọng. Ngụ ý là muốn phụ thân cậu chú ý an toàn.

Sau khi đến tiền tuyến, phụ thân Lý Thiền hừng hực khí thế, tinh thần trung quân báo quốc quật khởi. Trong một khoảnh khắc ông đã quên đi sự an nguy của bản thân mà dũng mãnh xung phong lên đầu trận tuyến, kết cục đã bị tử trận.

Sau khi phụ thân qua đời, Lý Thiền được một tay mẫu thân chăm sóc tới khi trưởng thành. May mắn cậu có người chú tốt bụng, thường xuyên đến thăm nom và giúp đỡ gia đình, vì thế cậu ít phải chịu thiệt thòi trong thời ấu thơ.

Thời điểm đó Trung Quốc đang trong trùng trùng khó nạn, Bắc Kinh có hai luồng tư tưởng rõ rệt: một là những người ái quốc đang dốc tâm tận tụy tìm đường cứu nước an dân; hai là những người tiêu cực lánh đời. Với mong muốn để Lý Thiền nhận được nền giáo dục tốt nhất, mẫu thân cậu đã đem tấm vải lụa là của hồi môn khi xưa của bà đem bán lấy tiền cho cậu theo học trường tư thục. Ông giáo tại trường này vừa hay cũng là một người chịu nhận ảnh hưởng Nho gia rất sâu sắc, trong lòng đầy ắp nguyện vọng cứu nước an dân. Những điều này đã ảnh hưởng đến Lý Thiền và những người bạn học khác, những cậu bé này trong lòng cũng đầy ắp mộng ước lớn lên sẽ dốc tâm tận tụy cứu nước an dân.

Vào năm Lý Thiền lên 16 tuổi, vị tăng nhân kia lại một lần nữa tìm đến nhà, lần này tăng nhân muốn đem Lý Thiền xuất gia tu hành. Chàng thanh niên Lý Thiền lúc này còn đang ấp ủ “một bầu trời lý tưởng” trong tim, khí thế của tuổi trẻ đang hừng hực như cánh đại bàng hận trời xanh không đủ cao để nó sải đôi cánh rộng. Khổ nạn của quốc gia và muôn dân lúc nào cũng canh cánh trong lòng cậu, cậu thường đem chí hướng vào một ngày nào đó sẽ đứng ra dẫn dắt người dân nước mình bước ra khỏi khổ nạn trước mắt.

Tăng nhân nói với cậu: “Khổ nạn của bách tính vùng Trung thổ vào lúc này chưa phải là đỉnh điểm, con còn nhớ những lời ta nói trước đây khi con vừa mới ra đời hay không? Con cần phải đi tìm kiếm và kết duyên với đại sư trong tương lai, người mà có thể thúc đẩy được đạo đức của toàn thể nhân loại thăng hoa”. “Làm sao để kết được duyên phận đó?” – Lý Thiền liền hỏi. Cao tăng chậm rãi trả lời: “Con hãy đi một vòng các khu vực phụ cận tại Thiên Tân xem, không cần đi xa cho lắm, cứ coi như là đi khám phá một chút về dân tình thế tục”. Nghe vậy Lý Thiền có chút không hiểu lại hỏi: “Vậy thì con cần hỏi thăm như thế nào mới có thể kết duyên được cùng với đại sư vĩ đại ấy đây?”. Lúc này, cao tăng mới mỉm cười đáp: “Con cứ hỏi người đối diện rằng đã từng nghe thấy tin ở đâu nói trong tương lai sẽ có một vị Thánh nhân đến từ vùng Đông Bắc sẽ chỉ dạy cho con người nâng cao đạo đức, từ đó có thể bước lên con đường hồi thăng chân chính hay không?” Nghe vậy cậu liền trở nên minh bạch. Lúc tăng nhân chuẩn bị rời đi, cậu liền vội hỏi: “Vậy khi nào con mới lại gặp lại ngài?”. Cao tăng từ tốn đáp: “Đợi cho đến khi con kết được duyên phận với vị Thánh nhân kia, và đến lúc con muốn cùng ta đả tọa tu hành thì sẽ gặp được ta”. Nói rồi, tăng nhân quay người rời đi.

Khi lớn lên Lý Thiền rất điển trai nên một ngày nọ khi cậu đang đi trên đường để mua ít đồ đạc chuẩn bị cho chuyến hành trình của mình thì bị một người chuyên lo tạp vụ trong quan trường để mắt tới. Kết quả là cậu đã bị người đó dẫn dụ vào trong quan trường làm việc tạp dịch.

Trong thời gian làm việc, cậu bắt gặp một tăng nhân khác, cậu liền đem chuyện về Thánh nhân vùng Đông Bắc ra hỏi nhưng người này lắc đầu tỏ vẻ không biết gì. Thời điểm đó, trong quan trường Trung Quốc rất hủ bại, cho nên chẳng bao lâu sau Lý Thiền đã chán ngán cảnh tượng này, trong lòng có ý định muốn trốn ra ngoài nhưng chưa tìm thấy cơ hội phù hợp. Về sau, trong một lần Bắc Kinh gặp phải binh loạn, cậu liền nhân cơ hội thoát ra ngoài. Sau khi trốn ra sợ sẽ bị bắt trở lại, nên Lý Thiền đã tức tốc lên đường đi đến các nơi của vùng Thiên Tân và Đường Sơn. Tại đây, khi chứng kiến cảnh tượng bách tính lầm than ly tán vì chiến tranh, trong lòng cậu cảm thấy vô cùng bi phẫn.

Trong hành trình này cậu cũng dần dần nhận ra những thứ văn hóa của phương Tây cũng bắt đầu xuất hiện nhiều tại phương Đông. Điều này đã khiến cậu liên tưởng đến lời mà cao tăng đã nói trước đây về cuộc chiến giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, đây là lúc mà phương Tây đang lợi dụng hình thức chiến tranh để triển hiện ra các thành phần văn hóa của họ, mục đích là để Thánh nhân hồng truyền Đại Pháp cứu người trong tương lai có sự lựa chọn.

Về sau, có lần cậu đến một quán rượu ở Thiên Tân dùng bữa, sau khi gọi món xong cậu liền nghe thấy bàn bên cạnh có một nữ lang (một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp) đang nói chuyện với ca ca của mình. Nữ lang nói: “Ca ca, đêm qua muội có nằm mộng, trong mộng muội nhìn thấy con dân của Đại Thanh chúng ta phải trải qua đại kiếp nạn trong rất nhiều năm thì sau này sẽ có hậu phúc”. Ca ca nghe vậy liền hỏi: “Muội nói rõ hơn xem nào”. Nữ lang tiếp tục: “Trong mộng có một lão nhân ánh mắt hiền hậu nói với muội rằng: Con à, đừng chỉ nhìn thấy hiện nay các con mất mát quá nhiều, tương lai vào lúc Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế, các con sẽ thực sự được đắc cứu. Muội liền hỏi: Xin hỏi lão nhân, Chuyển Luân Thánh Vương sẽ hạ thế vào ngày tháng năm nào? Và tại sao đến khi đó chúng ta lại được đắc cứu? Lão nhân bèn trả lời, bởi vì khi Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế, Ngài sẽ truyền ra Đại Pháp khiến nhân tâm được quy chính triệt để, con người nếu như thực sự chiểu theo Đại Pháp mà làm thì sẽ được giải thoát và siêu việt khỏi hồng trần. Con xem đấy, tại nhân gian có sinh lão bệnh tử, còn có chiến tranh và nạn đói cùng các loại khổ nạn khác nhau. Đợi khi các con chân chính làm theo những điều mà Chuyển Luân Thánh Vương chỉ dạy thì sẽ thực sự siêu việt được hết thảy những điều này, từ đó mà sinh mệnh sẽ đạt được đại tự tại vĩnh hằng. Nói xong lão nhân liền biến mất. Lúc đó trong tâm muội như được khai mở vậy, rất nhiều sự tình dường như cùng lúc có được đáp án…”.

Lý Thiền ngồi bên nghe được câu chuyện của hai huynh đệ họ thì cảm thấy trong tâm vô cùng xúc động nên cậu liền bước lên giao lưu, cậu đem cả quá trình của bản thân đã kinh qua đặc biệt là mấy lần trò chuyện cùng cao tăng đem kể hết cho hai huynh muội. Nghe xong hai huynh muội đều cảm thấy rằng giấc mộng kia khẳng định là Thần Tiên đến để điểm hóa cho ba người họ. Hai huynh đệ vốn cũng muốn cùng Lý Thiền đi tìm Chuyển Luân Thánh Vương, hơn nữa cũng phần vì nữ lang trông thấy dáng vẻ thanh tú điển trai của cậu nên sinh lòng muốn ở bên. Nhưng sau khi suy nghĩ về mấy lời dặn dò của cao tăng, Lý Thiền cảm thấy rằng bản thân mình sau này có thể sẽ xuất gia tu hành nên không muốn lỡ dở đường duyên của thiếu nữ. Vì thế Lý Thiền bèn nói: “Đoạn cơ duyên này chúng ta đã đặt định được tốt, nhưng vẫn còn những sự tình khác cần thực hiện, hay chăng chúng ta hãy cùng chia nhau đi tìm Chuyển Luân Thánh Vương, phạm vi tìm kiếm của tôi là ở quanh vùng Thiên Tân, còn huynh muội hai người có thể đi đến vùng rộng lớn hơn để tìm kiếm”. Nghe thấy vậy, huynh muội hai người cũng không miễn cưỡng Lý Thiền đi cùng họ nữa.

Về câu chuyện tìm Pháp của huynh muội hai người họ hãy đợi tôi viết về phần Sơn Tây sẽ bàn rõ. Chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện của Lý Thiền. Khi Lý Thiền dừng lại ở cổng thành Hoàng Nhai thuộc đoạn trường thành nằm ở phía Bắc của Thiên Tân thì nghe thấy một người địa phương đức cao vọng trọng nói: “Vạn lý Trường Thành giống như một con rồng, phía Đông khởi dậy từ Sơn Hải quan, phía Tây khởi dậy từ Gia Cốc quan (không tính “đoạn tường thành Liễu Đông” nằm trên đất Triều Tiên, nó được xây dựng vào hậu kỳ nhà Minh nhằm chống lại sự xâm lược của Mãn Thanh, nhưng sau này đã bị quân nhà Thanh phá hủy gần như toàn bộ), đầu của trường thành ngậm sâu vào lòng biển, đuôi của nó lại vắt trên Hoàng Sa, nó không chỉ là một công trình phòng bị mà còn là một biểu tượng tượng trưng và kiến chứng của lịch sử. Vào một thời kỳ khi một triều đại nào đó xem trường thành như một thành nội mà thay vì coi đó như là một công cụ phòng ngự thì triều đại đó không sớm thì muộn sẽ phát triển rực rỡ”. Nghe đến đây, Lý Thiền giật mình một cái, sau đó liền nói: “Bản đồ Đại Thanh của chúng ta chẳng phải đúng như vậy sao, vậy thì tại sao hiện giờ chẳng những chúng ta không phát triển mà còn chịu đựng biết bao giày vò cực khổ?”. Người đó liền nói: “Tôi đã từng nghe có một vị đạo sỹ nói rằng, bản thân Vạn Lý Trường Thành cũng là một sinh mệnh, sinh mệnh này bắt đầu từ thời Xuân Thu Chiến Quốc liên tục kéo dài cho tới tận ngày nay, nó đã kinh qua rất nhiều vương triều, cũng đã hấp thụ rất nhiều nhân tố tinh hoa của các triều đại khác nhau (có rất nhiều nhân tố mà hậu nhân không thể nhận thấy trên bề mặt được, bởi vì bất kỳ một vương triều nào được thành lập đều sẽ sinh ra những nhân tố đặc trưng của vương triều đó, dùng ngôn ngữ khoa học hiện đại để nói thì có thể xem đây là một dạng trường năng lượng vật chất, trong khi Vạn Lý Trường Thành lại là một vật chất bất động nên một cách tự nhiên nó sẽ hấp thụ các nhân tố trong trường vật chất này, chúng ta chỉ có thể nói một cách đơn giản như vậy). Hiện tại là đang thuộc thời kỳ Trung thổ chịu nhận kiếp nạn, một khi thời kỳ này qua đi, đạo sỹ nói khi mà “đầu cây nến chổng ngược xuống đất”, khi con người ngồi trên chiếc xe có hai bánh bằng sắt mà không dùng tới sức bò để kéo thì đó chính là thời khắc mà sinh mệnh rồng này sẽ khởi dậy mạnh mẽ”. Khi đó Lý Thiền cảm thấy rằng có thể ý mà người đó muốn nói là phải chăng Vạn Lý Trường Thành chính là biểu tượng của một ý nghĩa nào đó trong văn hóa Trung Hoa? Sau đó vị đó lại tiếp tục nói: “Còn nữa! Nếu như muốn cho chú rồng đó thực sự cất cánh bay cao thì cần phải có một vị Thánh nhân đến ‘họa long điểm tinh’ (vẽ hai con mắt cho rồng) mới được”. Khi vừa nghe được hai từ “Thánh nhân” Lý Thiền như được sốc lại tinh thần nên vội vã hỏi: “Trong đời này tôi cần đi đến nơi nào để tìm vị Thánh nhân đó đây?” Anh bạn địa phương có mặt khi đó trả lời: “Trước đây tôi cũng đã từng hỏi vị đạo sỹ đó như vậy, đạo sỹ trả lời rằng: Có thể vị Thánh nhân đó chính là ở trong xã hội người thường, vị ấy đang tìm những người hữu duyên. Nếu như chúng ta thực sự có duyên tiền định với Ngài, hơn nữa trong đời này nếu như thực sự thành tâm tìm kiếm, thì giả như không tìm được thì trong tương lai khi Thánh nhân hồng truyền Đại Pháp nhất định chúng ta cũng sẽ không bị rớt lại. Dẫu sao thì chúng ta cũng đã thực tâm tìm kiếm. Thánh nhân cũng sẽ xem chúng ta có thực sự thành tâm hay không nữa!”

Ít lâu sau, Lý Thiền đến vùng Tam Hà, Đại Quảng và Hương Hà ngày nay. Tại đây anh chứng kiến rất nhiều cửa tiệm đang làm ăn phát đạt bỗng chốc trở nên thua lỗ phá sản; lại có rất nhiều cặp vợ chồng thường ngày vẫn mặn nồng ân ái bỗng đâu chỉ vì chút chuyện gia đình lặt vặt mà đôi bên nảy sinh mâu thuẫn thậm chí xảy ra những việc không nên có; còn có những người vốn dĩ đang rất khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra mắc bệnh; lại còn có những người bạn đang đối xử với nhau rất tốt bỗng chốc lại trở thành thù địch… khi chứng kiến tất cả những điều này Lý Thiền cảm thấy cuộc đời thật sự rất vô thường, không có điều gì là vĩnh hằng cả. Lúc đó anh lại nghĩ tới Vạn Lý Trường Thành, mặc dù trường thành đã ở đó trải qua gió sương hàng ngàn năm nay, nhưng thuận theo thời gian dần trôi qua nó rồi cũng sẽ dần dần xuất hiện sự suy bại…

Vào thời kỳ cuối của mỗi triều đại đều xuất hiện các hình thức biến loạn khác nhau, lẽ nào tình cảnh bị ngoại bang xâm lược này cũng lại như vậy? Vào lúc này, tinh thần cứu nước an dân của Lý Thiền vẫn còn rất mạnh mẽ.

Về sau, cậu đến vùng Đường Sơn, tại giao giới giữa vùng Lộ Nam và Lộ Bắc ngày nay. Khi vừa đến đây, cậu đột nhiên lâm bệnh rất nặng đến nỗi không ngồi dậy được. Đúng vào thời khắc cậu chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng thì có một vị thầy thuốc già đi ngang qua, thầy đưa cậu về nhà để con gái 15 tuổi của ông chăm sóc và chữa trị.

Nửa năm sau, tình hình sức khỏe của Lý Thiền có chuyển biến tích cực. Lão trung y khi ấy mới hỏi vì sao cậu lại đến nơi này. Cậu liền đem quá trình bao năm qua của mình kể cho lão nghe một lượt, trong lúc kể cậu cũng không giấu nổi sự nhiệt thành và tinh thần phụng sự cứu nước an dân của mình. Sau khi nghe xong, lão trung y bật cười nói: “Hiện tại đến bản thân mình còn không cứu được, còn tính chuyện cứu vãn quốc gia và bách tính làm gì?” Nghe vậy cậu bỗng ngớ người không biết nói gì, một lúc sau mới gạn hỏi lão nhân: “Lão nhân à, vậy ngài có cao kiến gì chăng?”. Lão nhân nói: “Quốc gia cũng giống như một con người vậy, tâm tính đạo đức của người mà xuất hiện vấn đề thì ngoại tà sẽ xâm nhập. Nếu như nhân tâm quy chính lại thì ngoại tà sẽ phải cách xa. Khi nhân tâm quy chính thì chẳng phải quốc gia xã tắc vì đó sẽ tự nhiên hưng vượng, nếu như bản thân con người chân chính chiểu theo một loại tâm pháp nào để yêu cầu chính mình thì sẽ đạt được sự vĩnh hằng chân chính! Đến lúc đó chẳng cần đến những anh hào tốn tâm tổn sức lo cho quốc gia đại sự như cậu nữa, chỉ cần mỗi người làm tốt chức trách của mình thì quốc gia tự khắc sẽ an ổn, người dân tự khắc sẽ giàu mạnh”. Trong lúc lão trung y nói chuyện, Lý Thiền mơ hồ nhìn thấy sau lưng lão nhân hiển lộ ra hình dáng một vị Thần, cảnh tượng cứ xuất hiện mấy lần như vậy. Vốn dĩ là người có ngộ tính rất tốt, trong lúc nghe lão nhân nói chuyện Lý Thiền liền buột miệng ấp úng: “Có phải Ngài chính là vị Thánh vương trong tương lai sẽ đến nhân gian để hồng truyền Đại Pháp mà tôi đang cần tìm?” Nghe vậy, con gái 15 tuổi của lão nhân liền nói chen vào: “Tôi chỉ biết rằng ông ấy là cha của tôi mà thôi!” Lão nhân nghe Lý Thiền hỏi vậy bèn cười nói: “Đời này ta chỉ là một lão trung y, giúp người trị bệnh…” nói xong liền đem con gái bước vào trong phòng. Sau khi nghe lão nhân trả lời, cậu cũng không suy nghĩ gì thêm nữa, một lát sau cậu càng nghĩ lại càng cảm thấy lão nhân này chính là Chuyển Luân Thánh Vương mà cậu đã vất vả tìm kiếm bấy lâu nay. Vừa nghĩ được đến đây, cậu liền bật người đứng dậy chạy vào trong phòng tìm kiếm. Nhưng mặc dù cậu đã tìm tất cả các gian phòng nhưng đều không thấy bóng dáng của lão trung y và cô con gái đâu nữa. Đúng lúc cậu đang ủ rũ thất vọng ngồi trước bậu cửa không biết nên làm thế nào thì từ đằng xa có tiếng người gõ mõ từ từ tiến lại, âm thanh càng lúc càng gần. Hạ ý thức nói với cậu cần ra ngoài mở cửa nghênh đón, một lúc sau cậu liền nhìn thấy vị cao tăng mà mình đã gặp qua ba lần trước đó đi tới.

Cao tăng gặp lại cậu thì rất đỗi mừng rỡ nói: “Việc của cậu ta đều biết cả rồi, giờ đây trần duyên của cậu cũng đã dứt gần hết, có muốn xuất gia cùng ta tu hành hay không?” Sau khi suy nghĩ một chút, Lý Thiền đáp: “Vậy cũng được, nhưng cho tôi về quê nói với mẫu thân một tiếng”. Cao tăng trả lời: “Được, vậy cậu hãy nhanh chóng lên đường về quê đi!” Khi trở về quê nhà, mẫu thân của cậu đã nằm bệnh trên giường chuẩn bị tắt thở, cậu bèn đem chuyện trong những năm qua kể lại một lượt với mẹ, vừa kể vừa khóc nức nở. Cuối cùng, cậu nói tương lai nhất định mẹ cũng sẽ nhận được sự truyền thụ trực tiếp từ Chuyển Luân Thánh Vương! Nghe tới đây, mẫu thân Lý Thiền vừa gật đầu vừa khóc.

Sau này, hai sư đồ họ tu hành tại một ngôi chùa nhỏ ở chân núi Yên Sơn, Bắc Kinh. Trong quá trình tu hành, cao tăng nói với cậu, kỳ thực trong đời này nỗi lòng lo cho dân cho nước của cậu cũng là tốt thôi, nhưng làm một người tu hành cần buông bỏ những điều này xuống. Nếu như cậu thực sự ghi nhớ tới bách tính Hoa Hạ, vậy thì trong tương lai hãy dùng sự nhiệt thành đó để khiến cho càng nhiều chúng sinh nơi đây minh bạch chân tướng.

Trong thời đại ngày nay, “đầu nến” cũng đã rủ xuống đất (đèn điện đã xuất hiện), xe có hai bánh sắt không dùng đến sức bò kéo cũng đã xuất hiện (xe đạp), hơn nữa vào thời đại này, nhà sáng lập Pháp Luân Công ngài Lý Hồng Chí cũng đã chỉ ra ý nghĩa của nền văn hóa Trung Hoa, có như vậy rất nhiều cái mê trong lịch sử đã được giải khai. Đoàn Nghệ thuật Shen Yun (Thần Vận) lưu diễn toàn cầu cũng đã khiến cho văn hóa Trung Hoa đạt được những thành tựu xuất sắc. (Độc giả hữu duyên có thể tìm đọc Kinh sách của nhà sáng lập Pháp Luân Công và tìm tin tức trên trạng web chính thức của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun).

Đời này, Lý Thiền sinh ra tại Sơn Đông, sở hữu một công việc khiến rất nhiều người phải ngưỡng mộ. Từ sau tháng 07 năm 1999 sau khi Giang Trạch Dân cùng tà đảng lợi dụng lẫn nhau bức hại Đại Pháp. Để nói cho nhiều người Trung Quốc đại lục biết về chân tướng Pháp Luân Công đang bị bức hại, Lý Thiền đã đi khắp các tỉnh tại Trung Quốc. Không may vào năm 2002 cậu bị tà ác bắt giữ và bức hại đến chết.

Chú thích:

Để có được sự đồng tình nhiều hơn nữa từ phía độc giả, bắt đầu từ bài viết này trong loạt bài “Chân trời tìm Pháp” tôi sẽ không viết ra tên thật của nhân vật chính trong câu chuyện, mà thay vào đó sẽ dùng hóa danh gần nhất với nhân vật. Thực ra tôi đang dùng câu chuyện của một người tu luyện nào đó đã trải qua trong lịch sử để viết về một nhóm người nào đó cũng cùng dạng như vậy.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252631

 



Ngày đăng: 08-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.