Nguồn gốc của trà (Phần 8): Trà là món ăn nổi tiếng thời Xuân Thu



Tác giả: Thạch Phương Hành

 

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 7

Lịch sử dần dần tiến vào thời kỳ Đông Chu, thời kỳ này được coi là thời kỳ có ý nghĩa văn hóa nhất trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Trải qua mấy thế kỷ đặt nền móng, con người lúc này đã thành thục và tiến bộ rõ rệt về văn hóa, lễ nghi và trí tuệ.

Sự chuyển biến hoa lệ từ thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển nhanh chóng của văn minh nông nghiệp, sức mạnh đất nước, sức mạnh nhân dân tăng cường đáng kể. Lúc này đã xuất hiện thêm cuộc tranh đua văn hóa của bách gia chư tử và chư hầu tranh bá.

Cuộc sống của con người thời đó từ những nhu cầu cơ bản “củi, gạo, dầu, muối” đã phát triển đến thời kỳ lấy “tương, giấm, trà” làm gia vị thêm, có thể thấy đời sống vật chất của con người đã phồn thịnh rất nhiều.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học:

Thời cổ đại, chữ ‘Trà – 茶’ viết là ‘Đồ -荼’, xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thi. Tương truyền, Kinh Thi là do Khổng Tử biên tập, trong đó đã sưu tập chỉnh lý các tác phẩm thi ca từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu. Kinh Thi được phân thành ba loại: ‘Phong’, ‘Nhã’, ‘Tụng’.

‘Phong’ là dân ca, ‘Nhã’ là những bài nhạc trong cung đình, ‘Tụng’ là những bài nhạc dùng khi cúng tế trong cung thất. Chữ ‘Đồ’ xuất hiện ở nhiều chỗ, như trong bài Cốc phong: “Thái đồ tân sư, tự ngã nông phu”, “Tân sư” nghĩa là chặt cây thầu dầu về làm củi đốt; “Đồ liêu ô chỉ, tắc tắc mậu chỉ”, liêu là một loại cây thuốc, có thể giải độc, ở đây đề cập đến “Đồ”; lại như bài Miên ghi lại: “Chu chu nguyễn nguyễn, cẩn đồ như di”, chỗ này chỉ rau cẩn, rau đồ cũng có vị ngọt giống như đường.

Nhưng chữ ‘Đồ’ trong Kinh Thi liệu có phải chỉ trà hay không, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận. Theo ý kiến cá nhân tôi, kỳ thực điều này gây ra do sự đứt quãng về văn hoá. Thực ra hiểu theo cách khác, lý giải chữ ‘Đồ’ theo nghĩa rộng hơn là lá trên cây (có thể ăn được), chứ không đơn thuần chỉ ‘Trà’, thì mọi điều sẽ được giải thích thông suốt. Cần suy xét nhân tố hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, con người thời đó vẫn chưa có nhận thức phổ biến về tính chất, trạng thái và công dụng của trà, cho nên hiểu theo nghĩa rộng là tương đối phù hợp với tình hình thực tế.

Trong Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường từng trích dẫn Yến Tử Xuân Thu: “Anh tướng thời Tề Cảnh Công, ăn hạt dẻ thay cơm, nướng vài quả trứng, dùng trà làm rau”. Đây là nói về tướng quốc Yến Anh của Tề Cảnh Công, chỉ ăn gạo lứt, vài ba món ăn mặn, trà và rau xanh mà thôi. ‘Minh – 茗’, tên gọi khác của trà, trong các sách cổ như Đồng Quân Lục có những ghi chép về việc trà, quế, gừng và một số loại hương liệu được dùng để nấu ăn.

Thời đó, lá trà được dùng trong các món hầm, luộc và người thời đó đã chú ý đến việc nêm gia vị cho canh trà. Đây là thời kỳ trà được dùng làm đồ ăn, làm rau, nấu canh. Lá trà sau khi nấu chín được ăn cùng với cơm canh. Mục đích sử dụng trà một mặt là để tăng cường dinh dưỡng, mặt khác là để giải độc tố trong thực phẩm.

Vào thời kỳ này, con người tuy rằng đã có khái niệm giai tầng, song các giai tầng khác nhau có thể hoán đổi lẫn nhau: lập công có thể được thăng lên giai tầng cao; phạm tội, chịu phạt có thể bị giáng xuống giai tầng thấp hơn. Nhưng cho dù thăng lên hay giáng xuống, đối với một người mà nói thì rất nhiều sở thích khó có thể thay đổi.

Những người thích uống trà đều biết rằng một khi đã uống trà thì rất dễ nghiện, dễ hình thành thói quen và trở thành một phần của cuộc sống, vậy thì nếu như giai tầng thay đổi, nhưng nếu sở thích này của họ không thay đổi thì sẽ có thể thúc đẩy sự phổ biến của trà trong các giai tầng khác nhau.

Đặc biệt vào thời kỳ này, những người có chút khả năng đều nuôi rất nhiều “môn khách”, cơ hội giao lưu giữa các trường phái và mối liên hệ giữa các quốc gia qua các việc quốc sự như chiến tranh, tranh bá đều rất nhiều, thói quen “uống trà” cũng theo đó mà dần dần lan rộng.

Sự phát triển hưng thịnh của các trường phái, sự dung hợp của văn hóa đã khiến trà từ chỗ là thứ đồ uống bí ẩn trở thành đồ uống thường ngày, chúng ta có thể tưởng tượng một chút về tình huống này: Khi các học giả của một trường phái nào đó đàm luận với nhau về chủ trương và tinh thần của trường phái họ hoặc ca ngợi lý luận của trường phái họ với đức vua, khi đó đức vua (hoặc chủ nhân) dùng trà làm món ăn thết đãi họ, trà khởi được tác dụng tích cực làm tinh thần hưng phấn, đầu óc tỉnh táo, trơn miệng, cũng có nghĩa là sự lan rộng của các học thuyết vào thời đó ở một mức độ nào đó đã có tác dụng thúc đẩy sự phổ biến của trà.

Bởi vì thời đó trà có công trong việc truyền bá văn hóa và mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe của con người và sự phát triển của xã hội, cho nên trà đã từ trạng thái bí ẩn lúc đầu du nhập vào xã hội, rồi xuất hiện trên bàn ăn của con người. Trà dần cởi bỏ lớp áo thần bí, trở thành hiện tượng văn hóa trà độc đáo, đồng thời cùng với những phương diện văn hóa truyền thống khác phát triển suốt hàng ngàn năm nay.

 

(Còn nữa)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245114



Ngày đăng: 19-05-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.