Chân trời tìm Pháp: Pháp duyên ở Bột Hải



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Nhà thơ Lý Bạch đời Đường có bài thơ rằng:

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ
Kinh châu dĩ quá vạn trùng san

Diễn nghĩa:

Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế, ở trong làn mây rực rỡ,
Đi suốt một ngày, vượt qua ngàn dặm về tới Giang Lăng.
Hai bên bờ sông tiếng vượn kêu mãi không thôi,
Thuyền nhẹ đâu ngờ đã vượt qua muôn trùng núi non.

Bài thơ có tên “Tảo phát Bạch Đế thành” (Rời thành Bạch Đế từ sáng sớm). Lý Bạch trên đường bị áp giải đi lưu đày đến Dạ Lang Quốc, khi biết tin được ân xá đã sáng tác ra bài thơ này. Trong “Tân Đường thư – Lý Bạch truyện” có viết: Lý Bạch, tự Thái Bạch, là cháu trai đời thứ 9 của Hoàng đế Hưng Thánh (Hoàng Đế Tây Lương, tên là Lý Cục). Vào cuối triều đại nhà Tùy, tổ tiên của ông đã bị lưu đày đến Tây Vực do phạm tội. Trong những năm đầu Thần Long (705-707), cha mẹ ông trốn khỏi Tây Vực và làm khách ở Ba Tây (Nay là Giang Du, Tứ Xuyên, Trung Quốc). Cả cuộc đời Lý Bạch vừa không toại nguyện chí hướng lại vừa phải bị lưu đày. Từ những ghi chép trên, chúng ta có thể thấy rằng Lý Bạch rất có duyên với chữ hai chữ “lưu đày”.

Trong “Cựu Đường thư” và “Tân Đường thư” có ghi chép câu chuyện Lý Bạch đã khiến cho sủng thần của vua Đường Huyền Tông là Cao Lực Sĩ phải cởi giày. Đây là câu chuyện “Lý Trích Tiên túy thảo hạ man thư” (Lý Bạch say rượu viết một bức thư dọa bọn ngang ngược) được Phùng Mộng Long thời nhà Minh ghi lại trong cuốn “Cảnh thế thông ngôn”. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc nước Bột Hải ở phía Đông Bắc đã đệ trình một bản quốc thư khiến văn võ bá quan trong triều không ai hiểu được, để trấn áp khí thế hung hăng kiêu ngạo của sứ thần Bột Hải, Lý Bạch đã nhờ quý phi bê mực, Cao Lực Sĩ cởi giày, chính vì điều này, Lý Bạch sau đó đã bị đuổi ra khỏi kinh thành, chu du tứ xứ, sau này vì bị liên lụy bởi chuyện của người khác nên bị triều đình lưu đày, trên đường đi lại được ân xá.

Cuộc đời Lý Bạch tuy rằng không được toại nguyện đắc chí, nhưng trong hoàn cảnh áp chế và khó khăn, ông vẫn giữ vững phẩm chất cao quý, không bị ô nhiễm bởi thế tục, viết ra rất nhiều bài thơ vang danh thiên cổ. Trong những năm cuối đời có lẽ ông đã nhìn thấu nhân sinh, say mê tìm hiểu về Đạo gia và tu Đạo.

Lý Bạch đã có những cống hiến to lớn cho nền văn hóa thần truyền Trung Hoa, ông được gọi là “Trích Tiên” (vị Tiên phạm tội) và tự xưng là “Thanh Liên cư sĩ”. Rất nhiều bài thơ mà ông viết là đứng ở cảnh giới cao để nhìn vấn đề, hoàn toàn không đơn giản là sử dụng những phép ẩn dụ, tu từ trong thơ. Tại sao người ta thường nói: “Lý Bạch uống một đấu rượu có thể viết trăm bài thơ”? Những người tu hành đều hiểu việc này, Lý Bạch dùng rượu để đánh mê chủ ý thức, sau khi chủ ý thức bị mê đi thì phó ý thức bắt đầu khởi tác dụng. Hơn nữa, Lý Bạch là một người mà Thiên thượng hữu ý an bài cho ông ở nhân gian đóng vai trò dẫn khởi một mặt nào đó trong văn hóa nhân gian. Cho nên ông mới có thể trong trạng thái say mà viết ra được nhiều bài thơ tuyệt tác như vậy.

Ở phần trên, chúng tôi đã nói Lý Bạch rất có duyên với cuộc sống lưu đày (thực tế Tô Đông Pha, người rất nổi tiếng trong lịch sử cũng từng bị lưu đày), trong khi bị lưu đày, mặc dù thân thể và tâm trí của ông bị tổn thương rất lớn, nhưng qua quá trình này linh hồn cao quý đó lại được dung luyện và thăng hoa. Lý Bạch khi được ân xá đã viết bài thơ “Tảo phát Bạch Đế thành”, cũng như Tô Đông Pha khi bị lưu đày ở Hoàng Châu đã viết “Tiền Xích Bích phú” và “Hậu Xích Bích phú” v.v., những bài thơ này được hậu thế truyền tụng như báu vật. Trên thực tế, người đời sau thích ngâm vịnh những bài thơ này, nhưng họ thường bỏ qua những trải nghiệm giằng xé tâm can của tác giả khi chịu đựng khổ nạn để viết ra những bài thơ đó.

Thành Toái Diệp ở Trung Á được xem như quê hương của Lý Bạch, cả cuộc đời Lý Bạch gắn liền với cuộc sống lưu đày, vì phẩm chất thanh cao, không thể quen với dung tục nên ông đành phải gửi gắm tình cảm vào phong cảnh thiên nhiên, chính vì điều này đã tạo nên một cây bút để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Có lẽ chính vì sự tự do, phóng khoáng của Lý Bạch mà Phùng Mộng Long thời nhà Minh đã mang duyên phận của vương quốc Bột Hải ở vùng Đông Bắc “kết” duyên với Lý Bạch (Vì chuyện này không có trong chính sử mà chỉ có trong truyền thuyết, nên chúng tôi để chữ “kết” trong ngoặc kép).

Mang các yếu tố của Trung Á và Tây Vực kết nối với phong cảnh sơn thuỷ ở Trung Thổ, lại nối tiếp duyên phận của vùng Đông Bắc, cũng như thân phận “Trích Tiên” và sở thích tu hành hướng Đạo v.v., Những yếu tố này đều tập trung vào cá nhân Lý Bạch, khiến ông dùng cái miệng hào hoa mà nhả ra một nửa thời thịnh trị nhà Đường (dùng câu thơ của Dư Quang Trung người Đài Loan), để những người đời sau khi ngâm vịnh những bài thơ của ông sẽ dần bị những nhân tố này ảnh hưởng, nhờ thế mà được khai sáng.

Bột Hải là một nước chư hầu ở phía Đông Bắc trong thời nhà Đường, thời kỳ hoàng kim của nó bao gồm một phần tỉnh Hắc Long Giang ngày nay, tỉnh Cát Lâm, một phần tỉnh Liêu Ninh và vùng Primorsky (thuộc nửa phía đông nam của sông Ussuri, hiện nay thuộc Nga) và một phần của bán đảo Triều Tiên. Quốc gia này tồn tại hơn 200 năm, sau đó đã bị người Khiết Đan thôn tính.

Sau khi bị người Khiết Đan thôn tính, thủ đô của Bột Hải là thành Đông Kinh, do địa thế bình nguyên bao quanh, lại thêm bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi nên không lâu sau thành này đã bị lãng quên trong lịch sử. Sau này, nước Kim thời hậu Liêu đã cho xây dựng một ngôi chùa Phật bằng đá ở đây, đến đời nhà Thanh thì chỉ còn lại bức tượng Phật bằng đá (đầu tượng Phật đã từng bị rơi xuống đất, sau đó người ta đã gắn lại lên tượng Phật), những thứ khác do lâu năm không tu sửa nên đã trở thành đống đổ nát. Nơi đây đã trở thành nơi lưu đày.

Vào thời nhà Thanh, “Ninh Cổ Tháp” là nơi khiến các quan đại thần của triều đại Mãn Thanh kinh hồn bạt vía nhất. Ai bị đày đến đây không những được ngầm hiểu rằng người ấy phải chịu tội rất nặng mà còn phải tiếp xúc với những kẻ man rợ, đây là điều vô cùng thống khổ đối với con người trong xã hội thời ấy.

Trong “Ninh Cổ Tháp sơn thủy ký” của Trương Tấn Ngạn thời nhà Thanh viết: “(Gần Ninh An) cách bốn, năm dặm về phía đông thành có ngọn núi Bạch Thạch Nhai, dân địa phương gọi là dải khăn Kha-Ta ở phía bắc dòng sông. Nhìn từ bên kia sông nó trông giống như bức tranh ghép bằng đá trắng, vách núi cheo leo gấp khúc, cảnh sắc tươi đẹp hiếm thấy, mỗi lần vì bị dòng nước ngăn không qua được nên du khách thường ngồi nghỉ ngơi trên bờ cát. Vào mùa hè và mùa thu những cây liễu ven bờ phủ bóng xanh râm mát trông rất nên thơ, từng làn gió mát hiu hiu thổi nhẹ, dưới sông có nhiều cá và ba ba, ban ngày những người câu cá buông cần tung lưới tụ tập ở đây. Mùa đông nước đóng băng, mọi người có thể đi trên sông, bước trên lớp tuyết trắng bằng phẳng giống như đi trên thềm ngọc, người ta lấy gỗ làm xe trượt băng để kéo người và trâu bò qua.

Từ trên vách đá nhìn xuống, có thể thấy cách bờ sông khoảng một nghìn thước là những tảng đá lởm chởm kỳ quái, nhìn phía trước giống như một bức tranh ghép bằng đá trắng, cỏ cây không mọc được, chúng ở đó trơ trụi chịu gió mưa bào mòn hàng nghìn năm, xa xăm u ám, những hòn đá ngổn ngang nằm chồng lên nhau. Bám vào những cây dây gai, men theo lối nhỏ đi lên, đến nửa chừng thì có ba tảng đá to, vuông vắn như đúc ra từ khuôn, phẳng như đá mài, có thể ngồi được ba hoặc năm người, trong đó hai tảng được đặt ở phía Bắc, sát cạnh nhau, một tảng đá được đặt ở phía Nam, cách đó khoảng hơn năm bước chân. Khi du ngoạn, sai gia nhân chuẩn bị rượu và đồ nhắm, đi thành nhóm hai hoặc ba người, mỗi người một tảng đá, người hầu gạt dây gai mà chuyền ly rượu, người thưởng rượu tấm lòng rộng mở, quên hết mọi thứ ở chốn phàm trần. Nhìn lên đỉnh núi là một mảng màu xanh nhung của cây ngải, đường dài không đo được bằng thước, bày ra trước mắt rõ mồn một.” Trong bài viết, tác giả cũng đề cập đến sự đổ nát của ngôi chùa Phật bằng đá và những di tích còn lưu lại lúc bấy giờ của thành Đông Kinh (nay là thị trấn Bột Hải), tất nhiên còn đề cập đến những nơi khác xung quanh thành phố Ninh An ngày nay.

Theo nghiên cứu của các học giả đời sau, vùng lân cận Bạch Thạch Nhai là nơi các văn nhân bị lưu đày thường đến uống rượu ngâm thơ.

Bạch Thạch Nhai nằm ven theo Hồng Thạch Nhai của thượng du sông Mẫu Đơn, đây là phần vùng đồi núi được tạo thành từ đất và đá đỏ. Vùng này tươi sáng hơn hẳn so với vùng đất đen ở cạnh đó. Vùng hồ Huyền Vũ và vùng đất Thượng Quan gần đó nghe nói là nơi mà những người có cấp bậc trong triều đình nhà Thanh đến du lãm và cống lúa gạo cho triều đình.

Cảnh tượng một bên đỏ một bên trắng dưới lòng sông của Hồng Thạch Nhai và Bạch Thạch Nhai tạo nên sự tương phản mạnh mẽ dị thường. Người tu hành biết rằng nguồn gốc của đá đỏ và đá trắng hoàn toàn khác nhau.

(Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài “Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ Quốc – Pháp Luân Đại Pháp”). Tuy nhiên, những điểm khác biệt này lại có liên quan đến sông Mẫu Đơn Giang, một nhánh sông đổ vào Hắc Long Giang.

Hai nhân vật chính trong bài viết này bị đày đến Ninh Cổ Tháp ở vùng Đông Bắc, ở đây họ đã gặp câu chuyện kỳ duyên. Câu chuyện này khiến cho lý giải về nội hàm của từ “Lưu đày” thêm phần phong phú. Gặp gian khổ không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là trong lòng sinh ra tuyệt vọng. Vào lúc khó khăn nhất nếu con người có thể duy trì được bản tính thiện lương thì khi cơ duyên đến, mọi thứ đều sẽ xoay chuyển. Câu chuyện tìm Pháp được kể ở đây diễn ra tại thành Đông Kinh (nay là thị trấn Bột Hải).

Vào thời Càn Long nhà Thanh, có hai vị nhân sĩ người Giang Nam, vì bị người khác làm liên lụy mà lưu đày đến vùng Ninh Cổ Tháp. Địa danh “Ninh Cổ Tháp” là từ phiên âm, chứ không phải nơi đó có một toà tháp.

Hai người này là Hữu Chí lúc đó khoảng 45 tuổi và Hữu Tài lúc đó khoảng 30 tuổi. Họ đều là văn nhân ở Giang Nam, thể trạng yếu ớt, ngày thường chỉ muốn làm thơ viết văn và đối ẩm với những người đồng đạo. Sau này, chỉ vì có liên quan đến một người có dính líu đến một vụ án văn chương, khiến họ cũng liên lụy và bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp.

Họ đến đây vào mùa đông, lúc ấy thời tiết rất lạnh, tuyết rơi dày đặc, khiến họ gần như chết cóng. Nỗi thống khổ về tinh thần và thể xác quả thực khiến họ không thể chịu đựng được. Khi tinh thần đang trên bờ vực suy sụp thì may mắn thay, có một người địa phương tên là Thanh Phong đã bí mật giúp họ vượt qua khó khăn này.

Thanh Phong là một tá điền địa phương, vốn không biết chữ nhưng tính tình hào phóng trượng nghĩa. Năm sau vào những ngày mùa xuân ấm áp, Hữu Chí và Hữu Tài đã quen biết hơn với người quản tù ở đó, nên đã xin cho ra ngoài hai ngày. Được sự đồng ý của người quản tù, Hữu Chí và Hữu Tài được Thanh Phong dẫn đi thăm thú khu vực xung quanh Ninh Cổ Tháp.

Khi nhìn thấy cảnh tượng kinh đô nước Bột Hải xưa kia nay đã không còn, họ sinh lòng cảm thán nhân sinh vô thường, cảm thấy mọi thứ ở nhân gian đều không vĩnh cửu, dù có huy hoàng đến đâu cũng sẽ có ngày suy tàn; Đến khi nhìn thấy tượng Phật đá, lòng họ rất vui mừng, cảm ngộ rằng con người phải có trí huệ lớn hơn nữa mới có thể nhìn thấu những đau khổ của nhân gian.

Lúc chuẩn bị rời đi thì họ gặp một cô bé xinh đẹp khoảng 10 tuổi, cô bé nói với ba người: “Hôm qua cháu nằm mơ thấy vị Thần Tiên ở Hồng Thạch Nhai, vị Thần Tiên ấy bảo cháu đến đây tìm ba người đến xem tượng Phật Đá và đưa đến chỗ Hồng Thạch Nhai, bà Tiên ấy có chuyện cần nói”. Thanh Phong hỏi cô bé sống ở đâu. Cô bé trả lời mập mờ rằng sống ở nơi không xa, cách đây vài dặm đường.

Cô bé dẫn ba người họ đến vùng ven Hồng Thạch Nhai, nơi ấy lúc đó chỉ có một vài gia đình sinh sống, họ tìm đến một gia đình, vào nhà nói rõ ngọn nguồn với người trong nhà rồi xin phép họ cho ở nhờ. Rạng sáng hôm sau trời mưa to, từ trong phòng nhìn ra mặt sông, nước trên mặt sông nhất thời đỏ lên, lúc này Mẫu Đơn Giang giống như dòng huyết quản. Cơn mưa lớn năm ngày sau mới tạnh dần. Ngày hôm đó, họ đang dùng bữa trong nhà thì một phụ nữ trung niên từ bên ngoài bước vào, người phụ nữ này ăn mặc không giống với những người dân địa phương, dường như có tiên khí.

Cô bé vừa nhìn thấy bà liền nói: “Bà có phải là bà Tiên mà cháu đã gặp trong giấc mơ không?” Người phụ nữ mỉm cười, không trực tiếp trả lời câu hỏi mà nhìn ba người họ và nói: “Ba người cùng nhau đến đây là đều do cơ duyên dẫn tới, hai người đến từ Giang Nam không nên lúc nào cũng sinh lòng oán hận vì bị người khác làm liên lụy, mùa đông ở đây tuy rằng rất lạnh, nhưng mùa hè thì tốt. Các vị nhất định phải có tâm thái lạc quan để đối đãi với mọi thứ ở đây.” Nói xong người phụ nữ liền chuẩn bị rời đi.

Cô bé lập tức nắm lấy tay người phụ nữ nói: “Bà bảo cháu tìm ba người họ đến là vì để nói với họ chuyện này sao?” Người phụ nữ thuận tay ôm cô bé vào lòng, ngẩng đầu lên mỉm cười rồi nói: “Tương lai, ba người họ cần cháu đi thuyết phục đấy! ”“Cháu đi thuyết phục sao?” Cô bé càng khó hiểu hơn. Người phụ nữ nói: “Hôm nay là gặp mặt các vị trước, sau này có cơ hội các vị đến Bạch Thạch Nhai, đến lúc ấy ta sẽ nói cho các vị biết điều ta thực sự muốn nói.”

Kể ngắn gọn một chút, một thời gian sau, cô bé và ba người họ đã cùng đến Bạch Thạch Nhai. Tại đây họ gặp một quý bà trong trang phục lộng lẫy. Quý bà đó trông thấy họ đến liền bước ra đón, tươi cười nói: “Ta đã đợi các vị hồi lâu rồi.” Cô bé rất ngạc nhiên: “Thì ra là bà! Sao bà lại ăn mặc thế này?” Hữu Chí còn nói: “Trong ấn tượng của tôi, các vị Thần tiên không ăn thức ăn của trần gian, còn trang phục bà mặc lại rất sang trọng, rốt cuộc là cớ làm sao?”

Hữu Tài cảm thấy lời nói của Hữu Chí có chút đường đột, vì vậy anh nhã nhặn nói: “Bà ăn mặc như thế này chẳng lẽ có ý tứ sâu xa hơn phải không?” Nữ Thần vẫn cười nói: “Điều này cũng là vì các vị … Những điều này trong tương lai các vị sẽ biết.” Thấy Nữ Thần không muốn nói thêm, Thanh Phong đổi chủ đề: “Chẳng phải bà có chuyện muốn nói với chúng tôi sao?”

Nữ Thần nghe vậy vẻ mặt lập tức trở nên nghiêm túc: “Bởi vì các vị có duyên với vị Thần đã tạo ra nơi này, mà ta cũng coi như là Thần đang “kỳ cai quản” tại đây, ta được vị Thần đó ủy thác, đồng thời cũng phối hợp với các vị Thần khác an bài cho hai vị từ phương Nam đến đây. Dù trong khi lưu đày và sau này vẫn phải chịu thêm nhiều đau khổ và tủi nhục nữa ở đây, nhưng nếu các vị biết trong chuyến đi này sẽ gặp ta và hiểu được mục đích vốn có của sinh mệnh mình, thì các vị sẽ không cảm thấy buồn nữa.

Lần trước ta đã bảo các vị buông bỏ oán hận, vì ta thấy rằng khi đó trong lòng các vị có oán hận, không thể nói cho các vị biết chân tướng. Cho nên ta mới yêu cầu các vị như thế. Lần này ta thấy phần lớn những oán hận trong lòng các vị đã được trút bỏ trong chuyến đi lần trước rồi, nên ta mới đến đây để kể cho các vị nghe về những gì các vị đã trải qua trước đây.

Thanh Phong và Hữu Chí, cả hai vị vốn là Thần Tướng rất uy vũ trên Thiên thượng, nhưng các vị thuộc hai cảnh giới khác nhau; Hữu Tài là Chủ Thần của một tầng thứ cảnh giới, đồng thời là Thần trông coi trạng thái giàu có về vật chất của tầng thiên thể đó. Bởi vì ở cùng một tầng thì cũng có rất nhiều thế giới thiên quốc khác nhau.

Điều này giống như các bộ của vương triều Đại Thanh chúng ta, mỗi bộ đều có các quan chức quản lý, và những bộ này lại là một bộ phận của Đại Thanh. Bởi vì thời gian của vũ trụ quá lâu dài, theo thời gian sinh mệnh và vật chất sẽ trở nên bại hoại, các vị cũng đã thấy tình huống này, muốn cứu vãn tầng vũ trụ đó và chúng sinh khỏi nguy nan, nhưng cảm thấy lực bất tòng tâm. Trong lúc do dự, một vị Thần từ tầng cao hơn đã truyền đến các vị một tin tức quan trọng: Phật Chủ Sáng Thế vũ trụ đã đi qua các tầng khác nhau và cuối cùng đã xuống nhân gian để bắt đầu truyền Pháp và Chính Pháp.

Khi nghe được tin này các vị đã rất vui, tuy rằng lúc đó chưa nhìn thấy Phật Chủ Sáng Thế, nhưng các vị đã kiên định tin rằng chỉ cần các vị tìm thấy Ngài thì bản thân các vị và chúng sinh tầng này có thể được đắc cứu. Sau này các vị lần lượt đi xuống, ở các tầng thứ khác nhau, không ngừng nghe được tin Phật Chủ đang hạ thế và truyền Pháp ở nhân gian. Mặc dù chỉ mới nghe được một số manh mối, nhưng dựa vào những điều này các vị ấp ủ niềm tin cực lớn.

Đến thế gian các vị cũng tiếp tục đầu thai làm đế vương, tướng quân, trộm cướp, thương nhân và dân nghèo, các vị đã làm rất nhiều điều tốt, nhưng các vị cũng làm rất nhiều điều xấu. Hiện tại hai người trong các vị có tài văn chương hơn người, nhưng bị đày ở đây; người còn lại là người trọng nghĩa, nhưng lại tương đối nghèo khó. Tất cả đều do tiền duyên mà đến.

Điều ta muốn nói với các vị là tại thời điểm này các vị nhất định không được quên ước nguyện khiến các vị đến thế gian: đó là tìm Phật Chủ. Thật ra, Hồng Thạch Nhai mà chúng ta đã thấy lần trước và Bạch Thạch Nhai hiện nay và cả tượng Phật đá, cũng vì Pháp mà đến. Sự phân bố này chính là sự so sánh, con người khi chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của trời đất, họ sẽ kính sợ trời đất, trong lòng luôn tôn kính hướng về Thiên thượng và Thần Phật. Con người chọn lựa phương diện nào là sự lựa chọn của con người, nhưng điều thiên thượng an bài chắc chắn là công bằng.”

Nghe đến đây cô bé ngắt lời Nữ Thần: “Nãy giờ Bà nói về họ, nhưng không nhắc một câu nào đến cháu, bà có thể nói về những chuyện trước đây của cháu được không?” Nữ Thần nghe vậy khuôn mặt lộ vẻ tươi cười, ôm cô bé vào lòng và nói: “Trải nghiệm của cháu quá nhiều, ở tầng thứ của ta không thể biết được, ta chỉ biết rằng các vị Thần ở cảnh giới cao hơn đã bảo ta báo mộng cho cháu, bảo cháu dẫn ba người họ đến chùa Phật đá, nói với cháu tương lai khi cháu được Phật Chủ đích thân truyền độ thì nhất định phải nói với ba người họ. Những điều đó chính là vì sao ta nói đến lúc ấy cháu nhất định phải nói với họ”.

Thanh Phong sốt ruột nói: “Bà đã nói nhiều như vậy, đời này chúng tôi làm sao có thể tìm được vị Phật Chủ truyền Pháp?” Nữ Thần nói: “Kỳ thực, có rất nhiều hình thức tìm kiếm, chờ đợi cũng là một loại tìm kiếm. Chỉ cần kiếp này các vị giữ vững chính niệm này, chú ý để tâm nghe ngóng thì ắt sẽ gặp điều nên gặp, cho dù không gặp được cũng không sao, tương lai sẽ gặp được.

Quyền lựa chọn tương lai vẫn là tự các vị”. Nói xong, Nữ Thần cởi chiếc áo khoác lộng lẫy và đồ trang sức quý giá đưa cho Hữu Tài và cô bé rồi dặn dò: “Điều này sẽ chứng nghiệm hình thức tu hành trong tương lai. Nhất định ghi nhớ không được mê trong đó, nhất định phải từ trong mê mà bước ra!” Họ không hiểu hết ngọn ngành của những lời kia, nhưng cũng không hỏi sâu thêm. Nói xong Nữ Thần biến mất.

Khoảng nửa năm sau, cô bé lại nằm mơ thấy tượng Phật đá phát quang. Vì vậy đã tìm đến Hữu Tài, lúc đó Thanh Phong và Hữu Chí đã đi ra ngoài để làm những việc khác. Cô bé và Hữu Tài hai người cùng nhau đến trước tượng Phật đá, họ dâng hương lên tượng Phật đá và khấu đầu thành kính trong tâm hy vọng rằng tượng Phật đá có thể điểm hóa giúp họ tìm được Phật Chủ Sáng Thế.

Khi ngẩng đầu lên, họ thấy trước mặt tượng Phật đá dường như có một tấm màn phản quang, trên màn phản quang hiển hiện lên duyên phận giữa cô bé và Hữu Tài, có duyên phận là ở trên thiên thượng, có duyên phận là ở nhân gian, phần lớn là thiện duyên, vì kiếp này thọ mệnh của cô bé tương đối ngắn, hai năm nữa sẽ hết, vì vậy không an bài có quá nhiều tình cảm với Hữu Tài. Trong tương lai, khi Phật Chủ truyền Pháp, họ sẽ cùng nhau bước trên con đường từ người trở thành Thần dưới danh nghĩa vợ chồng.

Xem xong những điều đó cô bé rất xúc động, Hữu Tài cũng không biết làm sao, chỉ có thể khuyên cô bé hãy bảo trọng. Cô bé rưng rưng nước mắt nói: “Sau này chú đừng quên sự an bài của Thần và Thiên thượng.” Hữu Tài gật gật đầu.

Những ngày sau đó, cô bé và ba người Thanh Phong, Hữu Chí, Hữu Tài không ngừng tìm kiếm, nhưng không nhận được bất kỳ tin tức đáng giá nào. Hai năm sau, cô bé bị ốm nặng, ba người họ và cha mẹ của cô bé đã đưa cô bé đến bên Hồng Thạch Nhai để cáo biệt phong cảnh nơi này. Nguyện vọng của cô bé lúc đó là tương lai khi cô đắc Pháp, suốt đời cô sẽ chăm lo cho vùng đất này. Lúc đó bóng mây phản chiếu trên mặt sông hiện lên hai chữ “Phương Nam” và “Trường tồn”. Mặc dù rất không theo quy phạm, nhưng có thể xác định được một cách mơ hồ. Cô bé thấy thế khẽ nói: “Có lẽ Thần đã tiết lộ cho chúng ta phương hướng và tên địa danh nơi Phật Chủ sẽ truyền Pháp trong tương lai. Đến lúc đó chúng ta nhất định phải cùng nhau trân quý.” Nói xong cô bé mỉm cười rồi hai mắt khép lại.

Hữu Tài, Hữu Chí và Thanh Phong tuy biết rằng đời này cô bé phải như thế, nhưng khi thực sự đối mặt với cái chết của cô, họ vẫn rất đau buồn. Một lúc lâu sau, Thanh Phong nói: “Chúng ta không nên quá bi thương, sống chết đều là thiên định, việc đó con người không thể làm gì được. Khi chúng ta thấy điều này, vậy thì trong tương lai khi gặp được Phật Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian nhất định phải tu luyện cho tốt. Chí ít chúng ta cũng phải có chính niệm, như vậy để không phụ mối kỳ duyên với cô bé.” Cảm giác đau buồn của mọi người dần nguôi ngoai, rồi cùng với cha mẹ cô bé chôn cất và dựng bia mộ cho cô. Sau đó họ trở về nơi ở…

Trong kiếp này, cô bé sớm đã được đắc Pháp, còn Thanh Phong, Hữu Chí, Hữu Tài thì lại chưa đến cơ duyên. Sau khi đắc Pháp, cô bé đã tự nhiên giảng chân tướng và vẻ đẹp của Đại Pháp cho Thanh Phong, Hữu Chí và Hữu Tài, họ đều có chính niệm về Đại Pháp, đặc biệt là hai người Hữu Chí và Hữu Tài đã dốc toàn lực giúp đỡ người tu luyện. Trước kia Thanh Phong giúp đỡ hai người Hữu Chí và Hữu Tài, thì kiếp này đã đảo ngược lại, Thanh Phong trở thành đối tượng để họ giúp đỡ. Cô bé và Hữu Tài trong kiếp này đã thành vợ chồng, họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên trong thời đại học.

Không chỉ vậy, Hữu Tài đời này còn được thừa hưởng những kỹ năng Thần ban tặng, trở thành người nổi bật trong lĩnh vực của họ, “cô bé” đương nhiên có cuộc sống rất tốt. Điều này cũng chứng thực điềm báo trước của những vật phẩm quý giá mà Nữ Thần đã ban cho họ khi họ rời đi, kỳ thực cũng ngụ ý rằng tại tương lai họ sẽ bước đi trên con đường từ con người trở thành Thần trong một môi trường có tiền tài có địa vị.

Một ngày nọ, tôi tình cờ gặp được nguyên thần của Hữu Tài khi câu thông với anh ấy, Hữu Tài nói rằng nhiều điều không nên viết quá rõ ràng và chi tiết, bởi vì hiện tại đang trong thời kỳ bị tà đảng Trung Cộng bức hại, tôi cũng đã cân nhắc đến điểm này, nên đã chỉnh sửa một số chi tiết ở một mức độ nhất định. Vì vậy rất mong quý độc giả hiểu và thứ lỗi cho tôi.

Đây chính là:

Thiên lý lưu phóng ngộ kỳ duyên
Ma nạn lực tận quang minh hiển
Hồng bạch thạch nhai Thần khai thị
Kim triều trân tích huề thủ hoàn

Diễn nghĩa:

Ngàn dặm lưu đày gặp duyên kỳ ngộ
Qua nhiều ma nạn ánh sáng hiển lộ
Thần đã điểm hóa về Hồng Thạch Nhai và Bạch Thạch Nhai
Ngay từ bây giờ hãy trân quý dắt tay nhau cùng trở về!

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254532



Ngày đăng: 30-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.