Chân trời tìm Pháp: Núi Phú Sĩ và hoa anh đào



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Núi Phú Sĩ và hoa anh đào đều là biểu tượng của Nhật Bản, vậy nên, nội dung bài viết này nói về vùng đất Nhật Bản.

Phạm vi địa lý bài viết đề cập tới bao gồm đảo Honshū, đảo Shikoku, đảo Kyushu của Nhật Bản và các bán đảo gần đó, không bao gồm đảo Ryukyu, bởi nội hàm văn hoá của hòn đảo này gần gũi với Đài Loan hơn.

Dân tộc Nhật Bản và Trung Thổ đã có lịch sử giao lưu văn hóa hàng ngàn năm, trong cuốn sách Sơn Hải Kinh viết vào thời Đại Vũ trị thuỷ có ghi chép về tên gọi “nước Phù Tang”. Từng có học giả đề xuất rằng tên gọi đó là chỉ nước Nhật Bản (cũng có người nói là chỉ nước Mexico). Cho dù cái tên “nước Phù Tang” đề cập trong sách có phải chỉ Nhật Bản hay không, nhưng Nhật Bản thật sự có một tên gọi khác là “nước Phù Tang”. Từ Sử ký cho đến các sách lịch sử sau này đều nhiều lần nhắc đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Nguyên.

Đầu tiên chúng ta nói một chút về câu chuyện vào thời kỳ Tần Thuỷ Hoàng, Từ Phúc dẫn theo một nhóm trẻ em nam nữ cùng những người thợ thủ công ra biển tìm tiên dược. Thông thường mọi người đều cho rằng Từ Phúc lừa dối Tần Thủy Hoảng mà đào tẩu ra ngoài để lập một quốc gia mới. Người ta chỉ nhìn nhận sự việc trên bề mặt. Tại sao một phương sĩ (người cầu Tiên học Đạo) như Từ Phúc lại đưa người tới một môi trường mới, khai sáng thiên địa mới? Ông không có việc gì để làm thì cứ sống ở Trung Thổ chẳng phải cũng tốt hay sao? Sao cứ phải đến chỗ Tần Thuỷ Hoàng nói là có thể giúp đỡ vua Tần tìm kiếm thuốc tiên? Mà mọi người đều biết, đi thuyền trên biển rất nguy hiểm, nhất là vào thời đó. Một đám trẻ con đến một vùng đất mới xa lạ, để sinh tồn thôi cũng đã là vấn đề lớn rồi, vì sao ông ấy không dẫn theo 3000 người trưởng thành hoặc là nam nữ thanh niên, như vậy khả năng vượt qua khó khăn sẽ cao hơn. Thực ra, Từ Phúc mang trên mình trọng trách và được thiên thượng ban cho sứ mệnh khai sáng nền văn hóa Nhật Bản, chỉ là dùng hình thức nơi con người để thể hiện ra. Ở Nhật Bản ông còn được tôn xưng là “Thần Võ Đại Vương”.

Nói về Tần Thuỷ Hoàng, kỳ thực ông ấy căn bản không mong muốn truy cầu thành Tiên, mà là khi kiến lập thể chế đế vương ông cũng đồng thời khai sáng ra việc con người tìm kiếm Thần, từ đó thông đến con đường vĩnh hằng của sinh mệnh. Do vậy, để thống nhất thiên hạ Tần Thuỷ Hoàng đã phải dẹp tan sáu nước. Rất nhiều người nắm giữ quyền lực và những người duy hộ trật tự cũ (trật tự thống trị trước đây) đương nhiên sẽ cảm thấy bất mãn trong tâm, họ đã trút hết oán khí của mình lên thân Tần Thuỷ Hoàng. Đến khi Tư Mã Thiên thời Tây Hán tìm ra tư liệu viết về Tần Thuỷ Hoàng, cũng rất khó tránh khỏi việc bị những tài liệu giả can nhiễu, đồng thời thêm vào đó những lý giải cá nhân của Tư Mã Thiên, cũng không tránh khỏi việc trút lên thân Tần Thuỷ Hoàng rất nhiều bất mãn của Hán Vũ Đế.

Tần Thuỷ Hoàng và Hán Vũ Đế có rất nhiều điểm tương đồng như văn trị, võ công, cho tới việc tìm cầu thuật trường sinh và các phương diện khác. Cho nên người đời sau thường gộp Tần Thuỷ Hoàng với Hán Vũ Đế, điều này cũng dẫn khởi sự bất mãn của Tư Mã Thiên. Trong sự việc này đương nhiên cũng có sự an bài một cách hệ thống của các sinh mệnh tà ác trong vũ trụ. Bởi vì các ghi chép trong sử sách có giá trị rất lớn, có tác dụng làm tham chiếu cho hậu thế, cho nên những sinh mệnh bất hảo đó cũng đã an bài một cách hệ thống những điều này, khiến người đời sau càng thêm căm ghét Tần Thuỷ Hoàng, hạ thấp những việc trong tu hành thực tiễn của ông, khiến ông phải chịu nỗi oan khuất hơn 2000 năm.

Nếu như nhìn toàn bộ lịch sử của nền văn minh Trung Hoa, sau khi Hiên Viên Hoàng đế – người được coi là “nhân văn sơ tổ” khai sáng ra nền văn minh Thần truyền 5000 năm của dân tộc Trung Hoa, ông tìm những người đắc Đạo hỏi về cách giúp giải thoát khỏi sinh tử, cuối cùng cưỡi rồng phi thăng. Vị Hoàng đế đầu tiên là Tần Thuỷ Hoàng cũng đã tìm khắp bốn phương, mong muốn có được phương pháp giúp trường sinh bất lão. Mà Từ Phúc, một trong những người mở đường cho nền văn minh của các quần đảo ở Nhật Bản, lại là một phương sĩ. Thời cổ đại, phương sĩ thường được xem là người có một số năng lực đặc biệt hoặc có thể câu thông với Thần. Đương nhiên cũng phải loại trừ những trường hợp giả mạo, lừa đảo.

Điều này cũng đặt định rằng, nền văn minh của các quần đảo Nhật Bản và văn hoá dân tộc Trung Hoa có cùng nguồn gốc truyền thừa, mà trung tâm của nó chính là văn hóa Thần truyền, mục đích căn bản của sinh mệnh là tìm kiếm Thần, để vào lúc Thần thật sự tới sẽ cùng Thần bước trên con đường quay trở về.

Khi hiểu được điểm này, nhìn lại lịch sử giao lưu văn hoá giữa các quần đảo Nhật Bản và Trung Nguyên thời kỳ Tùy – Đường chúng ta sẽ càng hiểu rõ tất cả đều để mở đường cho con đường chính văn hóa Thần truyền này. Câu chuyện nhà sư Giám Chân sang Nhật hoằng dương Phật Pháp sau này cũng nhằm mục đích đó. Hiện nay ở Nhật Bản có rất nhiều chùa chiền và thành cổ mang đậm sắc thái văn hóa Trung Nguyên, ngay cả chữ viết của Nhật Bản cũng dựa trên chữ Hán…

Nói đến triều đại nhà Đường, vào thời vua Đường Huyền Tông có bà Dương Quý phi là nhân vật mà ở Trung Quốc nhà nhà đều biết. Khi trải qua biến cố loạn An Sử, vua Đường Huyền Tông chạy đến đất Thục gặp cơn binh biến, đành phải ban chết cho Dương Quý phi (để thái giám Cao Lực Sĩ dùng dải lụa trắng siết cổ Quý phi). Theo lý thì khi Đường Huyền Tông từ đất Thục trở về sẽ tìm thi thể của Dương Quý phi (tuy thời đó binh đao loạn lạc, thi thể của Quý phi cũng nên bảo tồn cho tốt), nhưng lại không tìm thấy. Tuy nhiên ở Nhật Bản lại có mộ của Dương Quý phi, rất nhiều người cho rằng có phải Dương Quý phi khi đó giả chết, đợi cho quân binh đi qua sẽ tỉnh lại, sau đó tới Nhật Bản? Bài “Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị kỳ thực là nhà thơ đã sử dụng công năng đặc dị hoặc thiên thượng đã hiển hiện cho ông biết được duyên phận thật sự giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, rồi dùng hình thức văn học mà viết ra.

Cho dù thi thể của Dương Ngọc Hoàn có trong lăng mộ của Dương Quý phi ở Nhật Bản hay không, điều đó không quá quan trọng, quan trọng là dân tộc Nhật Bản vô cùng sùng kính văn hóa Trung Nguyên, đây mới là điều quan trọng nhất. Phương diện này đã được thể hiện nổi bật và rõ ràng trong tập đầu tiên của loạt phim tài liệu nổi tiếng “Con đường tơ lụa” do Đài phát thanh truyền hình công cộng Nhật Bản (NHK) trình chiếu.

Vậy trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ nói một chút về câu chuyện một vị tướng quân mạc phủ và cô em họ cùng nhau đi tìm Pháp, hướng đến Thần.

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đây là một câu chuyện có chứa một số yếu tố tình yêu, nhưng ngược lại, nội dung của bài viết này không có chút gì liên quan đến ái tình, mà chỉ là những trải nghiệm khi hai người cùng đi tìm Thần, đi tìm Đại Pháp cứu độ chúng sinh.

Vị tướng quân mạc phủ năm đó đã gần 50 tuổi, tính cách khá quật cường, thường chẳng phục một ai, đôi lúc có hơi kích động khi giải quyết các vấn đề. Lâu dần ông đã đắc tội với rất nhiều người trong triều đình, họ đã liên kết lại với nhau để bãi nhiệm ông. Mặc dù tính cách nóng nảy nhưng ông lại là một người rất tốt bụng, tuy mọi người đã tước mất quyền hành của ông, nhưng cũng không gây khó khăn cho ông mà để ông từ chức về quê. Vì đã chinh chiến cả nửa đời người, nên thời khắc này đối với ông cũng thật nhẹ nhàng. Ban đầu ông định đưa con dâu và người nhà trở về quê hương, nhưng không lâu sau đó con dâu ông mắc bệnh qua đời. Ông không có con gái bên cạnh, bấy giờ cũng chẳng còn người thân chăm sóc. Đúng vào lúc này, một người họ hàng ở xa đã đem theo một cô em họ của ông (vừa tròn 16 tuổi) tới, nói rằng để cô chăm sóc cuộc sống hàng ngày của ông, kỳ thực là để cho ông tục huyền, lấy cô em họ làm vợ. Vì tưởng nhớ người vợ cũ, ông không muốn tục huyền, nên chỉ đối đãi với em họ như con gái.

Câu chuyện này xảy ra ở quê hương của vị tướng quân trên đảo Kyushu (trên một bán đảo).

Một hôm hai người nhân lúc rảnh rỗi bèn nhớ đến chuyện gia đình, cô em họ kể: Khi cô 11 tuổi, có một vị Đạo sĩ tự xưng là đến từ Trung Thổ muốn gặp cô và nói: “Cô là người có duyên với một vị Thần vĩ đại. Trong đời này, cô sẽ cùng một người giống như một người anh hay người cha đi tìm vị Thần đó”. Vị tướng quân nghe vậy trầm tư suy nghĩ, mãi hồi lâu sau mới nói: “Vậy chúng ta hãy cùng đi tìm. Nhưng bây giờ chúng ta không biết vị Thần đó trông như thế nào hay có đặc điểm gì, dẫu sao việc đi tìm một vị Thần cũng không có gì xấu cả”.

Thế là hai người họ cùng chuẩn bị hành trang, dẫn theo một vài gia nhân nam nữ và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm vị Thần trong đời ấy.

Họ cùng nhau đi từ đảo Honshu tới đảo Kyushu và ở lại đây hơn hai năm. Hơn hai năm đó, họ đã đi qua nhiều nơi trên đảo và hỏi thăm rất nhiều người. Khi đó mọi người đều nói không biết, là chuyện chưa từng nghe qua. Có người còn nói rằng, nếu các bạn tìm được vị Thần ấy thì phải quay lại nói cho chúng tôi đấy nhé.

Hành trình tìm kiếm vị Thần của họ kỳ thực rất gian nan, thường xuyên gặp phải mưa gió, còn gặp mấy trận động đất và cuồng phong. Nhìn đống đổ nát sau những trận động đất và cuồng phong càng khiến họ cảm nhận được sự yếu đuối và vô thường của con người.

Ở Sata thuộc vịnh Kagoshima, cực Nam của đảo Kyushu, vào một buổi tối khi đang đi dạo trên bãi biển, họ gặp một người trong suốt, tuy người này mặc quần áo, nhưng họ nhìn từ đằng trước có thể thấy đằng sau người này, các cơ quan nội tạng của người này cũng trong suốt, điều này khiến họ cảm thấy kỳ lạ khác thường.

Người trong suốt bước đến trước mặt bọn họ, mỉm cười nói: “Các vị thấy bộ dạng của tôi rất kỳ quái đúng không? Đó là tôi đã cố ý triển hiện như vậy, để nói với các vị rằng sinh mệnh đều sẽ có những trạng thái biểu hiện khác nhau, và sẽ không bị giới hạn ở một phạm vi hình thái mà các vị nhìn thấy hàng ngày”. Cô em họ vội hỏi: “Vậy ngài có biết trong tương lai sẽ có một vị Thần với năng lực rất lớn sẽ xuất hiện không? Chúng tôi có thể tìm Ông ở đâu?” Người trong suốt đáp: “Đến thời điểm thì Ngài sẽ dùng cách riêng để tìm các vị, chỉ là hiện tại các vị cần phải đi tìm Ngài, trước tiên là để kết nên mối duyên phận này. Còn về việc tìm Ngài ở đâu, các vị hãy đến biển nội địa Seto và hỏi thăm một ngôi chùa lớn ở đó”. Nói xong, người trong suốt giống như “bốc hơi”, không còn thấy đâu nữa.

Vị tướng quân nghe vậy cảm thấy rất vui và muốn đến biển nội địa Seto ngay lập tức, nhưng một lúc sau ông cảm thấy chóng mặt và suýt ngã xuống. Rất may là người nhà đã kịp đến dìu ông dậy, người nhà ông nói, có lẽ mấy ngày nay tướng quân lao lực quá, hãy nghỉ ngơi vài ngày rồi lên đường đi tìm cũng chưa muộn.

Vị tướng quân vì lao lực lâu ngày nên sinh bệnh, mặc dù bệnh tình rất nặng nhưng nơi đây lại không có thầy thuốc tốt. Cô em họ rất sốt ruột và lo lắng cho ông, cả ngày chăm sóc ông tỉ mỉ, đồng thời không ngừng cầu xin Trời cho bệnh tình của tướng quân mau khỏi, không thể để tướng quân đời này chưa kịp nghe về vị Thần ấy mà đã ra đi… Cô thậm chí còn có suy nghĩ muốn gánh chịu bệnh thay cho tướng quân. Kể ra cũng thật lạ, hai ngày sau khi cầu nguyện, cơ thể vốn dĩ khỏe mạnh của cô đã bắt đầu cảm thấy khó chịu. Người nhà cô hết thảy đều kinh hãi, lo sợ hai người họ sẽ gặp chuyện không may.

Càng không may là họ đã gặp phải trận mưa lớn kéo dài ba ngày ba đêm, lương thực mà họ mang theo đi đường cũng gần cạn kiệt. Các gia nhân đều thở ngắn than dài, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Đúng lúc này, cửa phòng đột nhiên bị gió thổi tung, một con rồng dài khoảng một mét rưỡi bò vào. Con rồng này trông rất dũng mãnh, nhưng không có vẻ hung ác.

Những gia nhân vì chưa nhìn thấy rồng bao giờ nên sợ hãi đến mức mặt mày xám ngắt, họ nằm sụp xuống mặt đất mà không dám ngẩng đầu lên.

Họ thấy con rồng bò đến sạp mà tướng quân đang nằm rồi há miệng nhả ra một quả cầu to cỡ viên bi mà trẻ con hay chơi, mở miệng tướng quân (đang bất tỉnh) rồi thả vào. Sau đó, con rồng bò đến chỗ sạp của cô em họ, kéo duỗi chân tay cô ra và thổi vào đầu cô một luồng khí, rồi con rồng lặng lẽ rời đi.

Sau khi con rồng đi rồi, đám gia nhân mới đổ dồn lại xem tình hình hai người thế nào. Không lâu sau, tướng quân dần tỉnh lại trước. Tướng quân mở mắt ra nói: “Ta vừa mơ thấy một vị thượng Tiên phái sứ giả đến và dùng một viên thuốc để cứu ta”. Đám gia nhân bèn đem chuyện con rồng bò vào nhà và làm gì với hai anh em kể hết cho tướng quân nghe.

Một gia nhân nói: “Xem ra lần này chúng ta đi tìm Thần là đúng, trên thế gian thật sự có Thần”. Cô em họ cũng mau chóng tỉnh lại và chỉ cảm thấy hơi mệt, ngoài ra cô không có vấn đề gì nghiêm trọng cả.

Sau khi được rồng cứu giúp, bệnh tình của vị tướng quân cũng hồi phục nhanh chóng, mưa bên ngoài cũng đã tạnh từ lúc nào không hay. Vài ngày sau khi nghe tin tướng quân ở đây, người dân xung quanh kéo nhau đến thăm, mang theo cả đồ ăn và rau quả.

Vị tướng quân và cô em họ lại kể cho những người đến thăm về những gì mình đã trải qua và lý do vì sao họ đến đây, mọi người ai nấy đều cảm động và tỏ ý rằng nếu có duyên họ cũng muốn cùng đi tìm vị Thần ấy. Mọi người đã lưu hai anh em ở lại đây trong nửa tháng.

Khi đến đảo Shikoku, đầu tiên họ ở nhờ nhà của một gia đình lớn, ngày hôm sau, một ông lão với khuôn mặt hồng hào đến mời họ, hy vọng hai anh em có thể đến chỗ ông du ngoạn một chuyến. Khi hai anh em theo ông lão đến bờ biển nội địa Seto, ông chỉ tay ra biển nói: “Nhà lão ở giữa biển khơi, hai vị có dám đi cùng lão không?” Hai anh em cảm thấy dọc đường đã gặp rất nhiều người lạ việc lạ, không biết lần này sẽ gặp phải chuyện gì, nhưng trong thâm tâm họ biết mình được Thần bảo hộ nên đã đồng ý đi theo ông lão ra biển.

Ông lão cởi chiếc áo choàng ném xuống nước, rồi bảo hai anh em họ đứng trên chiếc áo cùng với ông, và chốc lát sau tất cả đã đến giữa biển (không ở trên mặt biển, cũng không phải ở dưới đáy biển). Khi đến đây, họ nhìn thấy một tòa kiến trúc rộng lớn giống như cung điện, và yến tiệc đã được bày sẵn trên bàn. Ông lão ngồi xuống trước và ra hiệu cho họ ngồi xuống phía đối diện.

An tọa xong xuôi, ông lão nói: “Ta là Thần biển nơi này (biển nội địa Seto), bởi vì nhìn thấy các vị có duyên phận với vị Thần có tầng thứ rất cao ấy, đời này các vị sẽ tìm được Ngài và tiếp nhận mối duyên phận. Điều ta muốn gửi gắm các vị là nếu thật sự tìm được Ngài, xin đừng quên mối duyên phận với ta. Ta cũng mong đến thời điểm thì sẽ được vị Thần ấy cứu độ”. Lúc này, cô em họ hỏi một cách tinh nghịch: “Đến lúc đó ngài làm người thì tốt rồi, nếu ngài trở thành Thần biển nào đó ở nơi khác, chúng tôi biết đến đâu để tìm ngài, báo cho ngài biết đây?” Ông lão cười đáp: “Đến lúc đó các vị chỉ cần nhớ đến ta là được, các việc khác đều đã được an bài cả rồi”. Vị tướng quân nói: “Đến lúc ấy chúng tôi sẽ không quên ngài đâu”.

Sau khi ăn xong, ông lão đưa họ trở lại chỗ ban đầu, họ mang theo gia nhân đi qua eo biển Kii đến Osaka và Nara. Nhìn những di tích cổ nơi đây họ cảm thấy rất xúc động, hai anh em họ cũng đi thăm những ngôi chùa ở đây. Qua bao phen thăm hỏi nghe ngóng cũng không có ai biết vị Thần kia đang ở nơi nào, thế nên cô em họ khó tránh được sự thất vọng về những lời mà người trong suốt nói. Vị tướng quân ngẫm nghĩ rồi nói với cô em họ và gia nhân rằng: “Ta nghĩ, có lẽ người trong suốt không nói rõ cho chúng ta có thể tìm thấy vị Thần ấy ở đâu, mà chỉ nói một chỗ gần đấy mà thôi. Ở thời khắc này chúng ta nhất định phải giữ vững tín tâm vào việc có thể tìm được vị Thần ấy”.

Sau đó, họ đến Nagoya, rồi đi qua núi Phú Sĩ để đến Yokohama, suốt dọc đường đi hoa anh đào nở rất đẹp. Tại núi Phú Sĩ họ nhận được sự chỉ điểm từ một cô gái trẻ, cô gái ấy nói: “Tôi nghe rằng gần đây có một vị Thần sắp đến Tokyo, nếu không ngại thì các vị có thể đến đấy xem xem”. Thế là họ lập tức đi qua Yokohama để đến Tokyo.

Ở ngoại ô Tokyo, họ hỏi người dân rằng có vị Thần nào đến đây không? Kết quả là mọi người đều nói không biết. Ngày hôm sau họ đến nội thành Tokyo, nơi có một ngôi chùa, vì ảnh hưởng văn hóa thời đại nhà Tùy và nhà Đường của Trung Quốc nên yếu tố văn hóa Thần truyền nơi đây cũng tương đối sâu đậm. Họ rất thích thú khi nhìn thấy những bức tượng này và nghĩ rằng nếu vị Thần đó xuất hiện trong tương lai, ông ấy sẽ bắt đầu truyền bá các Pháp lý của mình ở Trung Quốc, và nó sẽ tương đồng với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Khi họ đang nhìn và suy nghĩ như vậy, một nhà sư trẻ bước ra từ trong sảnh và nói rằng sư trụ trì muốn mời họ vào trong ngồi một lúc.

Vị tướng quân từng là một nhân vật nắm quyền lực trong tay, tuy hiện tại đã về quê (bị bãi nhiệm) nhưng rất nhiều người đều biết đến ông. Sau khi đi vào nội đường, nhà sư trụ trì mang trà lên mời họ thưởng thức.

Đợi họ uống xong chén trà, vị sư trụ trì nói: “Đêm qua ta nằm mơ thấy các vị sẽ đến nơi đây, vị Thần ấy cũng nói với ta rằng khi các vị đến đây rồi, cần nói cho các vị biết trong tương lai vị Thần ấy sẽ ở đại lục đối diện với đại hải (phía Bắc Trung Thổ) bắt đầu hồng truyền Đại Pháp giúp sinh mệnh có thể được đắc cứu, đến lúc ấy khi đắc được Đại Pháp rồi các vị nhất định phải nỗ lực tu hành, hơn nữa trên con đường tu hành sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, các vị cần phải khắc phục hết thảy”. Người em họ nghe xong rất cảm động, cảm thấy rằng trải qua thời gian tìm kiếm lâu như vậy cuối cùng họ cũng thu được kết quả. Nhưng rồi cô nghĩ, sau này duyên phận của cô với vị tướng quân sẽ có biểu hiện thế nào? Đương lúc cô đang suy nghĩ miên man thì nghe thấy sư trụ trì nói rằng: “Tương lai sau này, từ “em họ” dường như chỉ là phương tiện để kết nối duyên phận giữa hai người mà thôi. Nhân duyên giữa hai người trong quá khứ quả thật rất lớn, nhưng đến đời ấy nó sẽ mờ nhạt giống như hoa anh đào của núi Phú Sĩ trong màn sương. Cho dù thế nào đi nữa, nếu đã đắc được Pháp rồi, các vị phải bước đi thật tốt trên con đường tu hành. Cũng đừng quên khoảng thời gian này…” Vị tướng quân trịnh trọng khẽ gật đầu ghi nhớ lời phó thác của nhà sư.

Sau đó, hai anh em vị tướng quân theo con đường cũ quay trở về, và đem câu chuyện tìm kiến Thần của mình kể rõ cho những người xung quanh khiến ai nấy đều rất vui mừng. Về sau, vị tướng quân và cô em họ vẫn duy trì mối quan hệ như anh em sống ở quê nhà cho đến cuối đời. Ở đây sẽ không nói chi tiết nữa.

Trong đời này người em họ sinh ra ở Trung Quốc đại lục, cô ấy học tiếng Nhật và đã từng đến Nhật Bản, sau khi đắc Pháp cô ấy vẫn giữ bản tính thuần chân và lương thiện của mình. Trong những năm tà đảng Trung Cộng bức hại Pháp Luân Đại Pháp, cô ấy đã kinh qua rất nhiều ma nạn, thậm chí còn bị kết án phi pháp trong nhiều năm. Bây giờ cô ấy đã được tự do, hy vọng mọi thứ đều ổn với cô.

Vị tướng quân mạc phủ năm xưa giờ cũng đã đắc Pháp. Mặc dù ở rất xa nhau, nhưng điều thú vị là một lá thư tình cờ từ người em họ cách đây nhiều năm (trong thư chỉ đề cập rằng cảm thấy có duyên với anh ấy và anh cũng đáp lại người em họ vài câu) đã kết nối duyên phận giữa họ ở kiếp này. Những gì đã xảy ra sau đó thực sự giống như những gì vị sư trụ trì nói, “mờ nhạt giống như hoa anh đào của núi Phú Sĩ trong màn sương”. Qua một thời gian khích lệ lẫn nhau qua thư thì họ cũng không có gì để chia sẻ nữa và cũng chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời thực.

Còn vị Thần cai quản vùng biển nội địa Seto khi ấy giờ đang cai quản tại một vịnh trên đảo Hải Nam trong kiếp này. Năm ngoái khi đến đảo Hải Nam tôi đã gặp ông ấy, đồng thời nói với ông ấy rằng nhất định phải nhớ lời thệ ước trước đây và mục đích căn bản của mình khi đến nhân gian.

Cô gái đã chỉ đường cho họ và vị sư trụ trì trong chùa, cùng những gia nhân ở kiếp đó đa phần đã chuyển sinh đến Nhật Bản trong kiếp này, và họ đều đã đắc Pháp.

Điều đặc biệt đáng mừng là một bộ phận lớn người dân Nhật Bản đã đắc Pháp trong đời này, họ đang vững bước trên con đường phản bổn quy chân.

Đây chính là:

Phú Sĩ Thần sơn anh hoa diễm

Trảo tầm quy đồ lộ mạn mạn

Chân tâm cảm động thiên hòa địa

Kim triêu đắc Pháp quần Tiên tiễn!

Tạm dịch:

Núi Thần Phú Sĩ hoa đào thắm

Tìm kiếm nẻo về đường dần hiện

Lòng thành cảm động cả thiên địa

Đời này đắc Pháp chúng Tiên kính!

Chú thích của tác giả: Còn rất nhiều câu chuyện luân hồi và tìm Pháp của dân tộc Yamato ở Nhật Bản, nhưng do sức lực và thời gian có hạn, tôi không thể viết ra hết từng câu chuyện. Hy vọng các độc giả, nhất là quý độc giả Nhật Bản lượng thứ.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/252324



Ngày đăng: 20-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.