Chân trời tìm Pháp: Tuyết phủ chân trời
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Trận dịch viêm phổi Trung Cộng bùng phát vào đầu năm nay (2020) cùng với lũ lụt ở Giang Nam vào mùa hè và ba cơn bão ở vùng đông bắc vào mùa thu đã khiến mọi người phải cảm thán: lúc có việc làm thì thiên tai ập đến, khi thiên tai qua đi thì công ăn việc làm lại chẳng còn, chúng ta chỉ có thể dùng một từ để mô tả cuộc sống, đó chính là “khó khăn”. Năm nay các loại dị tượng liên tiếp xuất hiện, thậm chí ở Hải Nam còn có tuyết rơi; mặc dù có một số chuyên gia nói đó là “mưa đá mềm” nhưng cũng chẳng mấy ai thực sự tin lời họ. Con người đang bắt đầu trầm tĩnh suy xét về các nhân tố đằng sau những dị tượng kỳ lạ này: Có phải là Thần đang điểm hoá con người tìm kiếm Thần?
Khi độc giả nhìn thấy tiêu đề bài viết này, trong lòng tự nhiên sẽ tràn ngập cảm giác lạnh lẽo và thê lương, nhưng đừng lo, sau khi đọc xong, bạn sẽ hiểu rằng một số người đã từng kinh qua những ma nạn, đặc biệt là sau khi trải qua giai đoạn cay đắng nhất của cuộc đời thì hy vọng sẽ đến.
Cũng là vì cảm thấy con người trong hiện thực ngày nay đang vật lộn khổ sở trước những thiên tai nhân họa, điều tôi muốn chia sẻ hôm nay có vẻ rất bi thảm, nhưng cũng là một trải nghiệm chân thực đầy hy vọng.
Đại Hải vốn là cổ đông của một công ty mà người bạn của tôi thành lập, cậu ấy rất có năng lực quản lý, làm việc gì cũng nghĩ cho người khác, cậu ấy cũng rất thích đi du lịch và bất kể khi đến nơi nào cậu ấy cũng tìm đến những danh thắng lịch sử ở nơi đó để tham quan một chuyến. Kỳ thực cậu ấy cũng có những cảm ngộ rất tốt về lịch sử và nhân văn. Lúc đầu tôi từng nói đùa với cậu ấy rằng: “Tôi vẫn luôn muốn đến vùng Thương Sơn Nhĩ Hải ở thành phố Đại Lý của tỉnh Vân Nam. Cậu đã từng đến đó, nếu có dịp hãy đưa tôi đến đó một lần nhé”. Đại Hải liền đáp: “Được”. Tất nhiên đây là việc xảy ra từ nhiều năm trước.
Rất nhiều năm sau tôi chợt nhớ lại những ngày sống chung với Đại Hải, cậu ấy thực sự đã chăm sóc tôi rất tốt; Đại Hải cùng một vài người bạn tốt nữa đã giúp tôi vượt qua những tháng năm khốn khó khi xưa.
Để bày tỏ niềm trân quý đối với mối duyên phận giữa tôi với Đại Hải và những người bạn, tôi xin viết ra những gì tôi biết về những điều họ đã từng trải qua trong lịch sử trước đây.
Chuyện xảy ra vào thời vua Càn Long triều Thanh, trong vụ án văn tự Đại Hưng có rất nhiều người vô tội bị giết, bị lưu đày, Đại Hải cũng nằm trong số đó.
Khi đó Đại Hải xuất thân trong một gia đình quan lại ở Giang Nam, từng tham dự kỳ thi khoa cử và có được một chức quan nhỏ. Về sau vì trong lúc tra xét vụ án, người sư gia khi được Đại Hải sai viết cáo thị đã phạm phải điều kỵ nên bị người ta vu cáo, cuối cùng cả nhà cậu ấy bị đày đến Ninh Cổ Tháp (tức Ninh An ngày nay).
Vào thời nhà Thanh Ninh Cổ Tháp là một khu vực lưu đày, hoàn cảnh nơi ấy hết sức khắc nghiệt, điều kiện kinh tế rất kém.
Đoàn người Giang Nam gồm cả nhà Đại Hải cùng với sư gia và quản gia, từ miền Giang Nam xa xôi nhọc nhằn đi đến nơi lưu đày, nỗi khổ sở phải chịu đựng trong suốt cuộc hành trình quả thật người bình thường không thể tưởng tượng nổi. Trải qua trăm đắng nghìn cay cuối cùng họ cũng đến được Sơn Hải quan, rồi từ Sơn Hải quan đi theo hướng bắc tiến vào vùng đông bắc. Những ngày ở vùng đông bắc ấy trời không mưa thì cũng đổ tuyết khiến đoàn người của Đại Hải chịu không nổi, Đại Hải nhiều lần sốt cao nhưng quân sĩ áp giải không cho họ dừng lại, đoàn người giống như đàn gia súc bị lùa cuối cùng cũng đến được Ninh Cổ Tháp – một nơi lưu đày.
Tôi từng đọc qua thông tin nói về tình hình cơ bản của nơi lưu đày Ninh Cổ Tháp trong một số tư liệu lịch sử. Sách viết rằng tuy mang tên là “Ninh Cổ Tháp” nhưng kỳ thực ở nơi ấy không có ngọn “tháp” nào hết, chữ “tháp” là phiên âm từ tiếng Mãn, nghĩa là “sáu”; tương truyền rằng trước kia ở nơi đây có sáu anh em sinh sống, nên mới có tên gọi như vậy. Toàn bộ khu vực này ở trong tình trạng chưa được khai phá và người dân địa phương không xem những người bị lưu đày đến đây là con người. Đàn ông khi đến đây sẽ phải đốt lò, giăng lưới bắt thú, khai thác đá vôi còn những người phụ nữ đẹp sẽ khó tránh khỏi bị chà đạp. Mùa đông ở đây thời tiết vô cùng lạnh lẽo, người bị lưu đày phải làm việc nặng nhọc ngoài trời, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, thậm chí quần áo cũng chẳng đủ che thân… Những nỗi khổ ấy chúng ta có thể mường tượng được.
Đoàn người Giang Nam khi đến được Ninh Cổ Tháp thì chỉ còn lại ba người là Đại Hải, vị sư gia và người quản gia. Lúc ấy đương là mùa đông, là thời điểm tiết trời lạnh nhất trong năm, họ lê tấm thân yếu nhược của người Giang Nam, lấy thân phận tội phạm lưu đày đi đến xứ sở băng giá tuyết phủ, vô số gian khổ mà họ đã trải qua trên hành trình dài đằng đẵng đến tận chân trời này thực ra mới chỉ là sự khởi đầu, đại nạn lớn hơn vẫn hãy còn ở phía trước.
Vào đời ấy Đại Hải có tài văn chương xuất chúng, vị sư gia bút pháp cũng xuất phàm, còn người quản gia thì tính tình hết sức trung nghĩa lại rất cương trực. Khi đến nhà Dương viên ngoại, Dương viên ngoại là người rất tốt nhưng ông có một bà vợ vô cùng điêu ngoa, chỉ thích tìm người để tiêu khiển mua vui.
Sau khi biết được đặc điểm tính cách của nhóm người Đại Hải rồi mụ liền nhíu mày tính kế [bày trò hãm hại]. Có lần mụ sắp xếp cho họ làm công việc đốt lò xong xuôi, cũng chẳng thèm quan tâm đến thân thể họ đang mệt mỏi rã rời, mụ bắt đầu hành hạ họ về mặt tinh thần: mụ sai người đi tìm chiếc roi da, sau đó mụ đùa bỡn với Đại Hải và sư gia bằng cách để người quản gia của Đại Hải vốn không biết làm thơ phải làm thơ, nếu làm không hay hoặc không hợp với ý của nữ chủ nhân thì cả ba sẽ bị tôi tớ của mụ đánh đập. Chỉ sau một lúc ba người đã bị hành hạ đến mức thương tích đầy mình, máu me bê bết rồi bị ngất đi. Chưa dừng lại ở đó người nữ chủ nhân này còn sai người dội nước lạnh cho họ tỉnh rồi lại tiếp tục hành hạ…
Cuối cùng khi họ bị kéo ra bên ngoài khiến toàn thân lạnh cóng thì người nữ chủ nhân mới cảm thấy hài lòng bỏ đi tìm thú vui khác. Lúc này, những bông tuyết trắng xóa trên bầu trời bắt đầu rơi xuống tới tấp.
Khi ấy Đại Hải vô tình buột miệng ngâm ra một bài thơ:
Vạn lí thiên nhai thán linh đinh
Khổ hàn phiêu tuyết tâm anh anh (khóc khấp đích thanh âm)
Khái thán thương thiên mệnh bất công
Mệnh tang tắc bắc đán tịch trung
Diễn nghĩa:
Chân trời xa vạn lý thân lênh đênh
Khổ lạnh vì tuyết rơi, lòng thổn thức
Than thở với trời xanh vận mệnh bất công
Tiếc mệnh của mình bị kẹt ở nơi lạnh lẽo trong sớm chiều
Nghe tiếng ngâm đầy bi thương thống thiết của Đại Hải vị sư gia cũng hoạ một bài thơ:
Tắc ngoại phong tuyết khổ nan lộ
Thùy nhượng thất ngôn long nhan nộ
Hài cốt tha hương vô nhân mai
Lai thế nguyện đắc bình phàm xử
Diễn nghĩa:
Kẹt nơi gió tuyết con đường đầy khổ nạn
Ai đã lỡ lời làm long nhan phẫn nộ
Hài cốt ta chốn tha hương không ai chôn cất
Kiếp sau mong được sinh ra trong chốn bình phàm
Ý của câu thơ sau cùng là hy vọng kiếp sau ông sẽ sinh ra trong một gia đình bình thường nhất, sống một cuộc đời bình đạm nhất, và cuối cùng sẽ có một kết cục bình thường nhất, có người chăm sóc ông khi về già và tiễn biệt ông lúc lâm chung là đủ rồi. Và cũng lúc này người quản gia đã bắt đầu khóc nức nở tự khi nào…
Trận tuyết rơi càng ngày càng dày cùng với cơn gió lớn dường như muốn chôn vùi họ hoàn toàn.
Từng người họ nhớ lại những kỷ niệm từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, và trong lòng càng cảm thấy thê lương khôn tả. Cả ba đều thấy đã quá mệt mỏi, đã kiệt sức rồi, tất cả đều nhắm mắt chờ đợi cái chết kéo đến.
Tuyết đã ngừng rơi tự lúc nào, có vài đứa trẻ con chạy ra ngoài đắp người tuyết chơi rồi trở vào nhà ăn tối.
Khi ba người Đại Hải nhắm mắt chờ đợi cái chết, bất ngờ người tuyết lên tiếng (ấy là Thần dùng thân người tuyết để nói): “Ba người các ngươi chưa đến lúc chết, sẽ còn phải chịu thêm nhiều tội nữa”.
Nhóm người Đại Hải ban đầu cảm thấy rất kinh ngạc nhưng sau khi lắng nghe cẩn thận, Đại Hải đã không thể chịu được đả kích và uất ức ngất đi. Vị sư gia và người quản gia dùng chút sức lực còn lại lay tỉnh cậu ấy. Khi Đại Hải dần tỉnh lại thì hai người họ đã mệt đến mức nằm lăn ra đất không cử động nổi nữa. Họ chỉ nghe người tuyết nói rằng: “Đời này sở dĩ các ngươi phải chịu nhiều khổ sở như vậy là do trước kia đã từng làm rất nhiều chuyện xấu. Bản thân Đại Hải ngươi khi còn là thủ hạ của Ngô Tam Quế đã từng giết rất nhiều người vô tội, còn sư gia và quản gia mỗi người đã từng là gian thương và nha dịch, khi lê dân bách tính chịu khống thổ thì các ngươi đã làm hại bao nhiêu bách tính nên đời này mới gặp phải cảnh khổ sở như vậy. Nhưng mà trời cao có đức hiếu sinh, các ngươi phải ghi nhớ, lúc này đừng nghĩ đến cái chết nữa, nhất định phải kiên cường lên. Hàn Tín năm xưa nhờ có thể chịu được cái nhục chui háng mà cuối cùng trở thành đại anh tài. Ta còn muốn bảo các ngươi rằng sau khi trải qua rất nhiều, rất nhiều nạn rồi thì sẽ có một kỳ duyên chưa từng có đang chờ đợi các ngươi ở hồ Kính Bạc”.
Cả ba nghe thế trong lòng thấy rất vui, điều này đã làm tăng thêm quyết tâm và dũng khí để họ chịu nhận khuất nhục mà tiếp tục sinh tồn. Thần còn mượn thân người tuyết để nói với họ nhiều việc khác rồi sau đó rời đi.
Trước khi bọn họ bị đóng băng, vị nữ chủ nhân ấy nói không thể để bọn chúng chết cóng như vậy được, ta còn chưa chơi đủ với chúng mà! Thế là mụ sai gia nhân khiêng họ trở vào nhà. Dương viên ngoại thấy ba người bị thương nặng như vậy nên hôm sau đã tìm một lang trung đến chữa trị cho họ. Ông cũng không để họ ra ngoài làm việc nữa.
Sau hơn mười ngày, vị nữ chủ nhân thấy vết thương của họ đã lành gần hết thì lại bắt đầu giở đủ trò đùa cợt họ… kết quả họ lại bị thương tích đầy mình, việc này lặp lại rất nhiều lần. Nhưng dù gặp lúc thống khổ nhất họ vẫn ghi nhớ sự điểm hoá của Thần thông qua người tuyết, và họ một lòng tìm cơ hội để đến hồ Kính Bạc.
Nghe nói rằng Dương viên ngoại có người họ hàng sống ở ven hồ Kính Bạc, gần đây không hiểu sao gia nhân của người họ hàng ấy nếu không bị bệnh chết thì cũng bỏ trốn, người họ hàng tự thân đi đến nhờ Dương viên ngoại giúp ông tìm vài người làm công.
Dương viên ngoại thấy nhóm người Đại Hải ở đây phải chịu đựng quá nhiều nhưng lại không dám đắc tội với bà vợ, trong lòng ông thấy thương xót họ nên nhân cơ hội này đã để ba người Đại Hải đi theo người họ hàng kia.
Nhóm người Đại Hải khi đến chỗ của người họ hàng ấy đã làm việc chăm chỉ cẩn thận, hơn nữa lại còn phát huy được sở trường của bản thân, giúp người họ hàng của Dương viên ngoại quản lý mọi thứ gọn gàng ngăn nắp. Dù năm ấy đã 40 tuổi rồi, cô vợ trẻ của Đại Hải trên đường đi đến xứ rét đã bị bệnh mà chết nhưng ông vẫn luôn nhớ thương cô ấy. Người chủ mới đã để mắt đến việc này, sau đó ông sai người tìm ba người phụ nữ có tình cảm không thuận lợi hoặc goá bụa lần lượt gả cho ba người Đại Hải.
Nhóm người Đại Hải khi ở đây đã dần được tự do hơn, thế là họ thương lượng với nhau sẽ mang người chủ mới và các phu nhân cùng đến bên hồ Kính Bạc, trong lòng họ rất hiếu kỳ, không biết là kỳ duyên gì đang chờ đợi họ!
Khi đến đó bọn họ chờ đợi cả ngày nhưng không phát hiện ra điều gì hoặc gặp được việc gì, chỉ đành quay trở về.
Trong mười năm sau đó cứ mỗi khi rảnh rỗi họ lại đến hồ Kính Bạc để chờ đợi kỳ duyên.
Về sau người chủ nhân mới vì phạm tội với triều đình, cả nhà ông sắp bị xử trảm. Ông có lòng tốt nói với họ: “Các ngươi trốn đi, chớ có theo ta mà cùng chết”. Ba người Đại Hải cùng khóc mà rằng: “Mọi thứ của chúng tôi đều là do ngài ban cho, lúc này chúng tôi quyết không thể trốn đi được. Bởi vì chúng tôi từng có lời ước định với Thần rằng sẽ có mối duyên phận chờ đợi chúng tôi bên hồ Kính Bạc, bây giờ trước khi chết chúng tôi vẫn phải đi đến đó một chuyến. Gặp được thì gặp được, nếu không gặp được thì chỉ đành chờ đến kiếp sau tìm tiếp vậy”. Người chủ nhân mới thấy họ trung nghĩa và một lòng giữ lời hứa như vậy nên đã đồng ý. Bởi vì nhà của người chủ nhân mới ở ven hồ Kính Bạc, khi họ đến hồ Kính Bạc việc đầu tiên là khóc lóc một trận và sau đó bắt đầu chờ đợi, chờ đợi Thần xuất hiện.
Một lúc sau Thần quả thực đã từ dưới hồ Kính Bạc dần dần hiện lên, vị Thần bảo với họ rằng: “Hết thảy đều có quan hệ nhân duyên, các ngươi cũng đừng quá xem trọng những thứ bề mặt nơi thế gian. Trong tương lai ở nhân gian sẽ có một môn Đại Pháp có thể giúp sinh mệnh thực sự đạt được giải thoát được truyền xuất ra, nên sau này trong bất kỳ hoàn cảnh và hành trình nhân sinh nào, dù gian khổ khó khăn đến đâu, các ngươi cũng phải kiên trì! Bởi đó sẽ là một lần cơ hội duy nhất mà sinh mệnh thực sự tìm được con đường quay trở về.
Sau bao nhiêu năm tìm kiếm và chờ đợi trong đời này, các ngươi cũng đã đặt được một cơ sở tốt để tương lai thực sự có thể đắc Pháp. Trong những kiếp luân hồi sau này, các người nhất định không được đánh mất bản tính của mình, và đừng quên tiếp tục tìm kiếm Đại Pháp có thể giúp sinh mệnh thực sự quay trở về”. Nói xong vị Thần liền biến mất.
Nhóm người Đại Hải nghe xong nhìn nhau mỉm cười rồi cùng dắt tay nhau ra về, họ tiến đến trước mặt người chủ mới, lúc này người chủ mới đang nói lời từ biệt cuối cùng với gia đình, khi thấy họ quay lại với khuôn mặt hân hoan thì ông biết rằng họ đã gặp được kỳ duyên kia. Họ kể lại cho ông nghe những lời vị Thần đã nói một lần nữa. Khi họ nói xong, cuộc chia ly vốn đau lòng kia đã biến thành lần ly biệt đầy hy vọng.
Lúc này xe của quan binh đã đến, bọn họ bị trói gô lại, giải đi và cuối cùng tất cả đều bị chém. Trên pháp trường trước khi bị rơi đầu ba người đã nhìn vào mắt nhau và dùng ánh mắt để nói với nhau rằng: Chuyện sinh tử của đời người từ lâu đã không còn quan trọng, quan trọng là tương lai chúng ta chỉ cần có thể chờ đợi được Đại Pháp giúp sinh mệnh quay về, tất cả như vậy là đủ rồi…
Đời này cả ba người đều đã đắc Pháp, trong một dịp tình cờ mà họ cùng thành lập một công ty, đã kết được mối thiện duyên, về sau họ đều tận lực làm tốt những gì cần làm trên con đường của riêng mình.
Đó chính là:
Thiên nhai phiêu tuyết ngộ kỳ duyên
Khổ hải hữu biên Thần hộ khán
Lịch kinh ma nạn chí vị cải
Chỉ phán kim triều Đại Pháp truyền!
Diễn nghĩa:
Chân trời tuyết bay gặp được kỳ duyên
Trong bể khổ có Thần ở bên coi sóc
Trải qua bao ma nạn ý chí không đổi
Chỉ chờ đến đời này Đại Pháp hồng truyền!
Ngày đăng: 08-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.